Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 1 – Chương 18

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Trong khi ở nhà bá tước Roxtov người ta đang nhảy điệu Anh cát lợi thứ sáu, theo tiếng nhạc sai cung bậc vì các nhạc công đã quá mệt, và những người hầu bàn và đầu bếp đã mệt nhoài đang sửa soạn bữa ăn khuya, thì ở nhà mình, bá tước Bezukhov lại lên cơn lần thứ sáu. Các bác sĩ cho hay rằng không có hy vọng gì qua khỏi nữa; người ta thu xếp cho người bệnh xưng tội và chịu lễ trong khi đang mê man. Họ sửa soạn lễ xức dầu thánh, và trong nhà có cái không khí nhộn nhịp và lo lắng dợi chờ vốn thường thấy trong những giờ phút như vậy.

Ở bên ngoài, những ông chủ hiệu đám ma chen chúc bên cổng vào, hy vọng được món hời nhân dịp đám ma bá tước. Hễ thấy có chiếc xe nào lại gần, họ lại né sang một bên. Quan tư lệnh Moskva, mấy hôm trước đã phái mấy sĩ quan phụ tá đến hỏi thăm bệnh tình của bá tước, tối hôm nay thân đến từ biệt vị đại thần nổi tiếng của triều Ekaterina là bá tước Bezukhov.

Gian phòng tiếp khách lộng lẫy chật ních khách khứa. Mọi người đều kính cẩn đứng dậy khi quan tư lệnh, sau nửa giờ ngồi một mình với người bệnh, từ phòng ngủ của bá tước bước ra. Quan tư lệnh khẽ đáp lễ khi các tân khách cúi mình chào ông ta và cố đi thật nhanh qua đám bác sĩ, linh mục và bà con của bá tước đang đổ dồn mắt về phía ông ta. Công tước Vaxili, mấy hôm nay gầy và xanh đi ít nhiều, ra tiễn chân quan tư lệnh và khẽ nói đi nói lại mấy lần với ông ta một câu gì không rõ.

Sau khi tiễn chân quan tư lệnh ra về, công tước Vaxili đến ngồi một mình trên chiếc ghế dựa trong phòng tiếp tân, chân ghếch lên cao, khuỷu tay chống lên đầu gối, bàn tay đưa lên bưng mắt. Ngồi như vậy được một lúc, công tước đứng dậy vừa bước những bước đi vội vã và khác hẳn ngày thường vừa đưa mắt thảng thốt nhìn quanh, đi vào dãy hành lang về phía các phòng sau, đến phòng công tước tiểu thư Katerina Xemiôvna. Mấy người ngồi trong căn phòng mờ mờ đang thì thầm nói chuyện chốc chốc lại đưa cặp mắt dò hỏi và chờ đợi về phía cánh cửa dẫn vào căn phòng của người đang hấp hối. Mỗi khi có ai đi vào phòng ngủ của bá tước hay đi ra khỏi phòng, cánh cửa lại buông ra một tiếng động khe khẽ.

Một ông linh mục già dáng người loắt choắt, đang nói với một bà mệnh phụ vừa nhích ghế ngồi cạnh và đang lắng tai nghe ông ta nói một vẻ thật ngờ ngệch. Linh mục nói:

– Đời người có hạn, khi đã đến hạn, không có ai có thể vượt qua được.

– Không biết bây giờ xức dầu thánh có quá muộn không? – bà mệnh phụ hỏi, cuối câu có thêm một tước vị tôn giáo để gọi vị linh mục. Nghe giọng bà ta khi hỏi câu hỏi vừa rồi thì hình như vấn đề này bà không có một ý kiến gì rõ ràng.

– Đó là một thánh lễ rất quan trọng, phu nhân ạ, – Ông cố đạo vừa đáp vừa đưa tay vuốt lên mái đầu hói tóc lơ thơ mấy món tóc hoa râm được chải chết rất cẩn thận.

Ở phía kia phòng có tiếng hỏi nhau:

– Ai thế nhỉ? Đích thân quan tư lệnh à? Trông trẻ quá?

– Thế chứ đã gần bảy mươi tuổi rồi đấy! Nghe nói bá tước không nhận ra nữa thì phải. Họ đang định làm lễ xức dầu thánh cho bá tước phải không?

– Tôi biết một người đã chịu lễ xức dầu thánh đến bảy lần kia đấy.

Công tước tiểu thư nhỏ tuổi nhất từ trong phòng người bệnh bước ra, đôi mắt đỏ hoe vì khóc nhiều và đến ngồi cạnh bác sĩ Lorrain bấy giờ đang ngồi đường hoàng dưới bức chân dung nữ hoàng Ekaterina hai khuỷu tay chống lên bàn.

– Đẹp lắm! – bác sĩ nói để đáp lại câu hỏi của nữ công tước về thời tiết – đẹp lắm công tước tiểu thư ạ, với lại ở Moskva người ta cứ tưởng đang ở thôn quê vậy.

– Còn phải nói! – công tước tiểu thư thở dài đáp. – Thế có thể cho bác tôi uống chứ?

Lorrain ngẫm nghĩ một lúc.

– Bá tước đã uống thuốc chưa?

– Uống rồi đấy ạ.

Bác sĩ xem đồng hồ.

– Lấy một cốc nước sôi rồi bỏ vào một dúm cremortartri…(bác sĩ chập hai ngón tay nhỏ nhắn lại cho thấy rõ thế nào là một dúm).

Ông bác sĩ người Đức nói với viên sĩ quan phụ tá:

– Tôi chưa thấy ai lên cơn lần thứ ba mà vẫn trụ nổi.

– Trông bá tước còn tươi tắn lắm đấy chứ… – viên sĩ quan nói đoạn hạ thấp giọng thì thầm nói thêm – Thế cái gia tài kếch sù ấy sẽ lọt vào tay ai?

– Sẽ không thiếu kẻ ham chuộng thứ đó. – Người Đức mỉm cười đáp.

Mọi người nhìn lại về phía cửa; cánh cửa kẹt mở và nữ công tước em, sau khi pha thuốc theo lời chỉ vẽ của bác sĩ Lorrain, mang thuốc lại cho người bệnh.

Ông thầy thuốc người Đức lại gần Lorrain hỏi bằng một thứ tiếng Pháp sai be bét:

– Có lẽ còn kéo nê được đến sáng mai chứ?

Lorrain mím môi, nghiêm nghị đưa ngón tay qua lại trước mũi.

– Đêm nay thôi, không thể hơn, – Lorrain nói, khẽ nở một nụ cười đắc ý nhưng vẫn lịch sự, tự mãn về chỗ mình đã hiểu và nói đúng tình trạng của người ốm. Đoạn ông đứng dậy bỏ ra nơi khác.

Trong khi đó công tước Vera mở cánh cửa dẫn vào phòng công tước tiểu thư Katerina.

Trong căn phòng mờ mờ chỉ có hai ngọn đèn thờ leo lét trước mấy chiếc ảnh thánh: không khí thoang thoảng mùi hương trầm và mùi hoa. Khắp gian phòng bày biện toàn đồ gỗ nhỏ nhắn, tủ ngăn, tủ treo áo, bàn con. Sau bức bình phong có thể thấy mấy chiếc khăn trắng phủ lên một chiếc giường rất cao lót đêm lông. Một chú chó nhỏ sủa lên gâu gâu.

– A! Bác đấy à? Công tước tiểu thư đứng dậy và sửa lại mái tóc xưa nay bao giờ cũng phẳng lì khác thường, tưởng chừng như mái tóc ấy là một mảng liền gắn chặt vào đầu và phủ sơn mài.

– Có việc gì ạ’? – Công tước tiểu thư hỏi – Bác làm cháu hoảng vía.

– Có gì đâu, vẫn thế thôi. Bác chỉ đến nói chuyện qua loa với cháu mà thôi, chuyện công việc thôi mà Katis ạ. – Công tước nói, uể oải ngồi xuống chiếc ghế bành lúc nãy nữ công tước vừa ngồi. – Phòng cháu đốt lò sởi nóng thực. Nào, cháu ngồi xuống đây, ta nói chuyện.

– Cháu cứ lưởng là có việc gì xảy ra? – công tước tiểu thư nói, vẫn với vẻ mặt không thay đổi, nghiêm trang như tượng đá, và ngồi xuống trước mặt công tước, sửa soạn lắng nghe. – Cháu muốn chợp một chút nhưng không được bác ạ.

– Thế nào cháu? – Công tước Vaxili nói đoạn cầm lấy tay cô cháu, và theo thói quen, kéo thấp tay xuống.

Mấy chữ “thế nào cháu” rõ ràng là ám chỉ nhiều chuyện mà cả hai người không cần nói rõ ra cả hai người đều hiểu.

Công tước tiểu thư, với cái thân hình khẳng khiu và thẳng đờ, tấm lưng quá dài so với đôi chân, nhìn thẳng vào mặt công tước Vaxili bằng đôi mắt nông cạn màu xám không có tinh thần. Cô ta lắc đầu thở dài và đưa mắt nhìn các bức tượng thánh. Cử chỉ này cũng có thể hiểu là biểu hiện nỗi buồn bã và lòng tận tuỵ vị tha, nhưng cũng có thể hiển là mệt nhọc chỉ mong sao chóng được nghỉ ngơi. Công tước Vaxili cho đó là một cử chỉ biểu lộ sự mệt mỏi.

Công tước nói:

– Thế còn bác đây thì sao, cháu tưởng bác không vất vả ư? Người bác mệt nhoài ra như con ngựa trạm, nhưng bác vẫn đến bàn với cháu một việc, Katis ạ, một việc rất quan trọng.

Công tước Vaxili im lặng, và đôi má của ông ta bắt đầu giật giật, khi co về bên này, khi co về bên kia, làm cho khuôn mặt của ông có cái vẻ khó chịu mà người ta không bao giờ thấy lộ ra khi ông ta nói chuyện trong các phòng khách. Cả đôi mắt của công tước cũng không giống như thường ngày: khi thì nó nhìn chăm chăm một cách bơn cọt trơ tráo, khi thì lại nhớn nhác nhìn quanh có vẻ thảng thốt sợ sệt.

Hai bàn tay khẳng khiu và khô đét ôm giữ con chó nhỏ đặt trên gối, công tước tiểu thư chăm chú nhìn vào mặt công tước Vaxili, nhưng có thể thấy rõ ràng cô ta sẽ không hỏi một câu hỏi nào phá tan sự im lặng, dù có phải ngồi im lặng suốt đêm.

– Thế này, Katerina Xemionovna ạ – công tước Vaxili nói tiếp, (hình như để tiếp tục nói như vậy, trong lòng công tước không khỏi giằng co), – trong những giờ phút như thế này, cần phải suy nghĩ mọi việc chín cho chín chắn. Phải nghĩ đến tương lai, đến cháu…Bác yêu cả ba chị em cháu như con bác đẻ ra vậy, cháu cũng biết đấy.

Công tước tiểu thư vẫn nhìn ông ta với đôi mắt đờ đẫn như cũ.

– Cuối cùng cũng phải nghĩ đến gia đình bác nữa, – công tước vừa nói tiếp vừa hằn học ẩy cái bàn con ra, trong khi nói không nhìn vào Katerina Xemionovna – này Katis, cháu cũng biết rằng ba chị em cháu, với bác gái nữa, chúng mình là những người duy nhất có quyền thừa hưởng gia tài của bá tước. Bác biết, bác biết rằng phải, nói và nghĩ đến những điều này là một điều rất khổ tâm cho chau. Bác đây cũng chẳng vui sướng gì; nhưng cháu ạ, bác đã gần sáu mươi tuổi rồi, cần phải trù tính hết mọi việc có thể xảy ra. Cháu có biết không, bác đã cho người đi tìm Piotr về, vì bá tước đã lấy tay chỉ vào chân dung của Piotr đòi hỏi phải gặp Piotr lại cho bá tước gọi đấy.

Công tước Vaxili nhìn cô cháu họ có vẻ dò hỏi, nhưng ông sao bìết được cô ta đang nghĩ gì về những điều mình vừa nói hay chỉ nhìn ông mà thôi.

– Bác ạ, có một điều cháu luôn luôn cầu xin Chúa, là Chúa hãy thương lấy bá tước, và để cho linh hồn cao thượng của người được yên ổn từ giã cõi…

– Phải rồi, chính thế – công tước Vaxili sốt ruột nói tiếp, tay xoa xoa lên mái đầu hói và bực dọc kéo chiếc bàn con trở lại chỗ cũ, – nhưng dù sao… dù sao thì vấn đề là ở chỗ… chính cháu cũng biết đấy… mùa đông năm ngoái bá tước có viết một tờ di chúc để lại tất cả gia tài cho Piotr, bất chấp tất cả những người có quyền trực tiếp thừa hưởng gia tài, bất chấp cả chúng ta.

– Di chúc thì bá tước đã viết bao nhiêu tờ rồi ấy chứ? – Công tước tiểu thư điềm tĩnh đáp, – nhưng ông ta không thể để gia tài cho Piotr được. Piotr là con hoang kia mà!

Công tước Vaxili kéo sát chiếc bàn con về phía mình, rồi bỗng sôi nổi hẳn lên, bắt đầu nói rất nhanh:

– Cháu ơi, thế nhưng nếu bá tước đã viết thư lên hoàng thượng xin nhận Piotr làm con chính thức thì sao? Cháu hiểu không, người có công lao như bá tước thì lời thỉnh cầu ấy thế nào cũng được chấp thuận.

Công tước tiểu thư mỉm cười, cái cười của những người nghĩ rằng mình biết rõ sự việc hơn kẻ đang nói chuyện với mình.

– Bác còn cho cháu biết thêm mấy điều nữa, – công tước Vaxili nắm lấy tay Katerina nói tiếp – bức thư ấy đã viết rồi, tuy chưa gửi đi, nhưng hoàng thượng cũng biết chuyện đó. Vấn đề là nó đã bị huỷ đi hay chưa. Nếu chưa, thì chờ khi nào xong cả rồi – công tước Vaxili thở dài, để cho biết rõ mấy chữ xong cả rồi ấy muốn ngụ ý việc gì, – người ta sẽ giở các tờ giấy của bá tước ra, tờ di chúc và bức thư sẽ được đem trình hoàng thượng và thế nào ngài cũng chuẩn y lời thỉnh cầu ấy. Piotr bấy giờ với tư cách là con trai chính thức sẽ hưởng cả gia tài.

– Thế còn phần của chúng ta thì sao? – Nữ công tước hỏi, miệng mỉm cười mỉa mai, như muốn nói rằng việc gì thì có thể xảy ra, chứ việc ấy thì không thể có được.

– Thế nhưng, Katerina ơi, việc đã như ban ngày rồi! Lúc ấy Piotr sẽ là người có quyền thừa hưởng tất cả, còn các cháu sẽ không được gì nữa. Cháu ạ, cháu phải biết rõ tờ di chúc với bức thư đã viết ra chưa, và nếu viết rồi thì huỷ đi chưa. Nhược bằng một vì một lý do gì người ta đã bỏ quên ở đâu, thì cháu phải biết hiện nay nó ở đâu và phải tìm cho ra, vì…

– Chỉ còn thiếu có thế nữa thôi đấy! – Công tước tiểu thư ngắt lời, miệng mỉm cười một nụ cười hiểm độc, mắt vẫn giữ vẻ đờ đẫn như cũ; – cháu là đàn bà, theo bác thì đàn bà đều ngu ngốc cả; nhưng cháu cũng đủ trí khôn để biết rằng một đứa con hoang thì không thể thừa hưởng gia tài được… Un bâtard – công tước tiểu thư nói thêm, tưởng chừng dịch ra như vậy là có thể chứng minh một cách chắc chắn rằng những lời bàn của công tước Vaxili đều vô căn cứ.

– Katis, thế mà cháu vẫn không hiểu ư? Thông minh như cháu, mà không hiểu rằng nếu bá tước đã viết thư cho hoàng thượng xin nhận hắn là con chính thức, thì Piotr không còn là Piotr nữa, mà là bá tước Bezukhov và lúc đó hắn sẽ được thừa hưởng tất cả đúng như trong di chúc. Và nếu tờ di chúc cùng với bức thư chưa bị huỷ, thì cháu còn một miền an ủi là tự nhủ rằng mình vốn người đức hạnh, và có những hậu quả tốt đẹp của cái đức hạnh ấy, còn thì chẳng có chút gì nữa. Chắc chắn như vậy.

– Cháu biết rằng tờ di chúc đã viết rồi; nhưng cháu cũng biết rằng nó không có hiệu lực, và hình như bác xem cháu như một con ngốc hoàn toàn rồi, bác ạ! – công tước tiểu thư nói, với cái giọng của người đàn bà thường dùng khi tự cho rằng mình đang nói một điều gì rất sắc sảo và hóm hỉnh, khiến cho người nghe phải chạnh lòng.

– Công tước tiểu thư Katerina Xemionovna ơi – công tước Vaxili sốt ruột nói, – Bác đến đây không phái để ngồi gây sự cãi nhau với cháu, mà là để nói chuyện về quyền lợi của bản thân cháu, như nói với một người con, một người bà con nết na, tốt bụng, một người bà con chân chính. Bác xin nói với cháu một lần thứ mười nữa, rằng bức thư viết cho hoàng thượng và tờ di chúc để lại gia tài cho Piotr mà còn ở trong các giấy tờ của bá tước, thì cháu với cả hai em cháu đều không còn được thừa hưởng gì đâu. Nếu cháu không tin lời bác, thì cũng phải tin những người hiểu biết: Bác vừa nói chuyện với Dmitri Onufryits (đó là người trạng sư của gia đình bá tước), ông ấy cũng nói như vậy đấy!

Hẳn có một cái gì đột ngột thay đổi trong ý nghĩ của công tước tiểu thư; đôi môi mỏng tái nhợt đi (đôi mắt thì vẫn như trước) và khi cất tiếng nói, giọng cô ta có những lúc cứ the thé lên, có lẽ chính cô ta cũng không ngờ mình có thể có một giọng nói như vậy:

– Nếu thế thì tốt lắm. Trước đây tôi chưa hề mong gì, mà nay cũng chẳng tơ màng gì hết.

Công tước tiểu thư hất con chó trên đầu gối xuống và sửa lại nếp áo.

– Đấy, tình nghĩa, lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh tất cả cho mình là như vậy đấy, – công tước tiểu thư nói. – Tốt lắm! Được lắm! Tôi không còn gì đâu, công tước ạ.

– Phải, nhưng cháu không phải một mình, cháu còn các em nữa. – Công tước Vaxili đáp.

Nhưng cô ta không nghe công tước nói.

– Phải, tôi biết từ lâu rồi, nhưng tôi quên mất rằng ngoài sự đê hèn, lừa dối, thù hằn, thủ đoạn ra, ngoài sự vô ân, một sự vô ân hết sức bẩn thỉu, ngoài những thứ đó tôi không còn mong đợi được cái gì trong cái nhà này nữa…

– Cháu có biết tờ di chúc đó ở đâu không, hay là không biết? – công tước Vaxili hỏi, mấy thớ thịt trên má càng giật mạnh hơn trước.

– Phải cháu ngu ngốc quá, cháu còn tin người. Vì thương người mà hy sinh cả mình, nhưng ở đời chỉ có những kẻ gian ác mới thành công thôi. Cháu biết ai đã bày ra những mưu mô này rồi.

Công tước tiểu thư muốn đứng dậy, nhưng công tước Vaxili đã giữ lấy tay cô ta. Nữ công tước có vẻ như đột nhiên thấy tất cả nhân loại xấu xa quá mà thất vọng, cô ta hằn học nhìn công tước Vaxili.

– Hãy còn đủ thì giờ cháu ạ. Katis, cháu hãy nhớ rằng tất cả những việc đó được làm một cách ngẫu nhiên, trong một phút giận giữ, bệnh hoạn, rồi sau đó bá tước quên khấy đi ngay. Cháu ạ, bổn phận của chúng ta là phải sửa lại lôi lầm của bá tước, phải làm cho những phút sống cuối cùng của người nhẹ nhõm bớt, bằng cách làm cho người tắt nghỉ với ý nghĩ rằng mình đã làm khổ những người…

– Những người đã hy sinh tất cả cho bá tước, – công tước tiểu thư Katerina vừa tiếp lời vừa vùng đứng dậy, nhưng công tước Vaxili không buông cô ra, – mà bá tước thì chưa bao giờ biết quí trọng sự hy sinh đó. – Không, bác ạ, – Katerina thở dài nói thêm – cháu sẽ nhớ rằng trên đời này không thể chờ người ta đền ơn, trên đời này không hề có danh dự mà cũng không hề có công bằng. Trên đời này phải gian ngoan và độc ác mới được.

– Ô kìa, cháu bình tĩnh lại tí nào; bác biết rõ lòng cao thượng của cháu.

– Không phải, lòng cháu rất ác.

– Bác biết rõ lòng cháu, – công tước nhắc lại, – bác quí tình bạn của cháu và mong rằng cháu đối với bác cũng thế. Cháu hãy bình tĩnh lại, ta bàn cho phải lẽ, trong khi hãy còn chưa muộn… Có thể còn một ngày nữa, cũng có thể chỉ còn một giờ, cháu hãy nói cho bác nghe tất cả những gì cháu biết về tờ di chúc, và cái chính là hiên nó ở đâu; cháu tất phải biết. Chúng ta sẽ lấy tờ di chúc ra ngay bây giờ và đem cho bá tước xem. Chắc bá tước đã quên nó đi và sẽ có ý muốn huỷ nó. Cháu nên hiểu rằng bác chỉ có một ước vọng là trung thành làm tròn ý nguyện thiêng liêng của người sắp qua đời, bác đến chỉ vì mục đích đấy. Bác đến là để giúp bá tước và giúp các cháu.

– Bây giờ tôi biết hết rồi. Tôi biết ai đã bày ra những mưu mô này. Tôi biết, – công tước tiểu thư nói.

– Vấn đề không phải ở chỗ đó. Katis ạ.

– Người đó chính là người được bác che chở, chính là cái mụ Anna Mikhailovna của bác, một con người không đáng là đứa con ở cho tôi, một con người đê hèn, bẩn thỉu hết sức.

– Ta đừng để mất thì giờ!

– Thôi bác đừng nói nữa? Mùa đông năm ngoái mụ cố luồn lọt vào vào đây nói với bá tước những chuyện bỉ ổi, xấu xa về tất cả bọn chúng cháu, nhất là Sôfia, cháu không tài nào nói lại được, đến nỗi bá tước phát ốm ra và suốt hai tuần không muốn nhìn thấy mặt chúng cháu. Hồi ấy, cháu biết, chính là lúc bá tước viết tờ giấy bỉ ổi này nhưng cháu cứ tưởng là tờ giấy đó chẳng có nghĩa lý gì.

– Đấy chính là ở chỗ đấy, tại sao cháu không nói cho bác biết từ trước?

Công tước tiểu thư không đáp lại câu hỏi, cứ nói:

– Nó nằm trong cái cặp da ghép mà bá tước để dưới gối ấy. Bây giờ cháu biết – rồi cô ta biến hẳn sắc mặt, nói như thét lên, – Phải, nếu có tội lỗi chăng, thì chính là cái tội thâm thù con mụ đàn bà bỉ ổi ấy. Nó luồn lọt đến đây làm gì thế kia chứ? Nhưng tôi sẽ nói hết ra cho nó nghe, nói hết. Sẽ có lúc nó biết tay tôi!

Chọn tập
Bình luận