Đến tháng sáu diễn ra trận Frilland, nhưng lính phiêu kỵ Pavlograd không dự trận này, và sau đó có lệnh đình chiến.
Roxtov rất buồn vì vắng bạn, và từ ngày Denixov ra đi, chàng chẳng có tin tức gì về anh ta, nên lại thêm lo lắng về vụ án và vết thương của bạn, vì vậy nhân dịp đình chiến Roxtov liền xin vào bệnh viện thăm Denixov.
Bệnh viện ở trong một thị trấn nhỏ của Phổ đã hai lần bị quân đội Nga và quân đội Pháp tàn phá. Bấy giờ là vào mùa hè trong khi ở thôn quê trời đẹp như vậy, thì cái thị trấn nhỏ này với những mái nhà đổ nát, những hàng rào xiêu vẹo, những con đường đầy rác rưởi, những người dân áo quần rách rưới, những người lính say rượu và đau ốm đi lang thang trên đường càng làm thành một cảnh tượng đặc biệt ảm đạm.
Một ngôi nhà bằng đá, cửa sổ và kính một phần đã bị phá vỡ với một cái sân chung quanh chỉ còn lại những mảnh hàng rào đổ nát, được dùng làm nhà thương. Một vài binh sĩ xanh xao, bủng beo, người quấn đầy băng đang đi dạo hay ngồi sưởi nắng ngoài sân.
Roxtov vừa bước qua ngưỡng cửa thì mùi thịt thối và mùi nhà thương đã bao trùm lấy chàng. Ở cầu thang gác, chàng gặp một bác sĩ quân y Nga miệng ngậm xì gà. Một người y tá theo sau ông ta.
– Thì tôi cũng không thể xẻ mình thành làm đôi được kia mà – bác sĩ nói – Chiều nay anh đến nhà ông Alekxeyevich tôi sẽ ở đấy, – Người y tá còn hỏi ông ta một câu gì nữa. – Thôi! Anh cứ liệu mà làm. Chung quy cũng thế cả thôi.
Bác sĩ chợt trông thấy Roxtov đang bước lên cầu thang, liền hỏi chàng:
– Thưa đại nhân, ngài muốn gì ạ? Ngài đến đây có việc gì ạ? Hay là không có viên đạn nào đoái hoài đến ngài, cho nên ngài muốn kiếm tý bệnh thương hài? Thưa ngài đấy quả là một nhà hủi.
– Tại sao thế? – Roxtov hỏi.
– Có bệnh thương hàn ông bạn ạ. Ai bước vào đây thì chỉ có chết. Ở đây chỉ còn sót lại hai người, tôi và Makeyev (ông ta chỉ người y tá). Trong số bạn đồng nghiệp chúng tôi đã có năm người chết rồi. Có người nào mới đến thì chỉ sau một tuần lễ là đi đứt – bác sĩ nói, vẻ đắc ý rõ rệt. Người ta có yêu cầu cho y sĩ Phổ đến, nhưng mấy ông bạn đồng minh quý hoá của chúng ta không thích cái trò này.
Roxtov nói cho ông ta biết rằng chàng muốn gặp thiếu tá phiêu kỵ Denixov hiện nằm điều trị ở đây.
– Tôi không biết, ông bạn ạ. Ông thử nghĩ xem một mình tôi quản đốc ba bệnh viện, hơn bốn trăm bệnh nhân. Cũng may phúc là các phu nhân người Phổ có lòng từ thiện gửi cho chúng tôi cà phê và vải băng mỗi tháng hai bảng, nếu không thì chúng tôi đã bỏ mẹ cả rồi – Ông ta cười khà khà. – Bốn trăm bệnh nhân ông ạ, thế mà hôm nào họ cũng gửi thêm mấy người nữa, – rồi ông ta hỏi người y tá: Bốn trăm người phải không nào? Hả?
Người y tá có vẻ mệt lử, hình như anh đang bực bội chờ mong bác sĩ đi nhanh cho, nhưng bác sĩ thì lại nói dai.
– Thiếu tá Denixov – Roxtov nhắc lại – Ông ta bị thương ở Moliten.
– Hình như ông ta chết rồi thì phải, Makeyev nhỉ? – Bác sĩ hỏi người y tá, giọng lơ đãng. Nhưng người y tá không xác nhận điều bác sĩ vừa nói.
– Ông ta người thế nào, có phải người cao tóc hoe không? – bác sĩ hỏi.
Roxtov miêu tả diện mạo của Denixov.
– Có có trước đây có một người như thế. – Bác sĩ nói, giọng nghe như vẻ mừng rỡ – Nhưng hình như anh ta chết thật rồi; nhưng để tôi xem, tôi có danh sách. Anh có cầm danh sách đây không, anh Mekeyev?
– Danh sách ở nơi anh Makar Alekxeyevich – người y tá đáp. – Nhưng ông cứ vào phòng các sĩ quan thì sẽ gặp thôi – anh ta nói thêm với Roxtov.
– Thôi ông đừng vào là hơn! Ông bạn ạ – Bác sĩ nói – Ông mà vào thì tôi e ông sẽ nằm lại đây mất.
Nhưng Roxtov từ giã viên bác sĩ và yêu cầu người y tá đưa chàng đi.
– Nhưng đừng có trách tôi đấy nhé. – Bác sĩ đứng dưới chân cầu thang nói vọng lên.
Roxtov và người y tá bước vào hành lang. Mùi nhà thương ở trong dãy hành lang tối om này nồng nặc lên đến nỗi Roxtov phải bịt mũi và phải dừng lại lấy sức trước khi tiếp tục đi. Một cánh cửa mở ra ở bên tay phải và một người gầy gò vàng võ đi chân không, chỉ mặc đồ lót, chống nạng đi ra. Anh ta tựa vào khung cửa nhìn hai người mới đến với cặp mắt sáng long lanh và dầy vẻ ganh tị.
Roxtov nhìn vào phòng: thương binh và bệnh binh nằm ta liệt trên những ổ rơm và trên những chiếc áo khoác trải giữa nền nhà.
– Vào xem có được không? – Roxtov hỏi.
– Có gì đây mà xem – Người y tá nói.
Nhưng chính vì người y tá không muốn cho chàng vào nên Roxtov cứ bước vào phòng bệnh của binh sĩ. Cái mùi trong dãy hành lang mà chàng đã bắt đầu quen, ở đây còn nồng nặc hơn nữa. Ở đây nó có khác một chút gay gắt hơn, và có thể thấy rõ rằng nó xuất phát chính từ chỗ này.
Trong gian phòng dài được ánh mặt trời chiếu sáng rực qua những khung cửa sổ lớn, bệnh binh và thương binh nằm xếp thành hai dãy, đầu quay vào tường để một lối đi giữa. Phần lớn nằm mê man không để ý gì đến hai người mới vào. Những người còn tỉnh đều nhỏm dậy hay ngẩng khuôn mặt gầy gò và vàng võ lên, và mới một vẻ hy vọng được cứu giúp pha lẫn với vẻ trách móc và ghen tị khi thấy người khác khoẻ mạnh, họ nhìn đăm đăm vào Roxtov, Roxtov tiến vào giữa phòng, liếc mắt nhìn sang phòng bên qua những khung cửa mở và cả hai bên chàng đều thấy một cành tượng như nhau. Chàng dừng lại, im lặng đưa mắt nhìn quanh. Chàng không ngờ có thể trông thấy một cảnh tượng như vậy: trước mắt chàng là một người bệnh, chắc là một người cô-dắc (vì tóc anh ta cắt thành vòng quanh đầu) đang nằm trên nền nhà gần như chắn ngang lối đi. Anh ta nằm ngửa, tay chân to tướng giang rộng ra. Mặt anh ta đỏ bầm, mắt trợn ngược chỉ thấy có lòng trắng, trên tay và trên cặp chân để trần, cũng đỏ bầm như khuôn mặt, mạch máu nổi lên như những sợi dây chão. Anh ta nện gáy xuống đất và cất giọng khàn khàn nhắc đi nhắc lại. Tiếng ấy là: “nước”, “cho tôi xin tí nước!”. Roxtov đưa mắt nhìn quanh mong tìm một người nào có thể vực người bệnh về chỗ cũ nằm và cho anh ta uống nước.
– Ai săn sóc bệnh nhân ở đây? – chàng hỏi người y tá.
Vừa lúc ấy một người lính quân nhu làm nhiệm vụ hộ lý từ phòng bên nện gót chân bước vào và đứng nghiêm chào Roxtov.
Hắn mở to mắt nhìn Roxtov nói:
– Kính chào đại nhân. – Chắc hẳn hắn ta tưởng chàng là một sĩ quan trong ban Giám đốc bệnh viện.
– Anh đỡ người này về chỗ cũ, cho người ta uống nước, – Roxtov chỉ người cô-dắc nói.
– Xin tuân lệnh! – Người lính vui vẻ đáp, mắt còn mở to hơn và người còn rướn thẳng hơn trước nhưng vẫn không rời khỏi chỗ.
“Quả thật ở đây chẳng còn biết làm thế nào nữa” – Roxtov nghĩ thầm. Chàng cúi mặt xuống và đã toan bước ra, thì đột nhiên chàng cảm thấy ở bên tay phải có ai đang chăm chú nhìn mình.
Chàng quay về phía ấy. Ở gần góc phòng, một người lính già, nước da vàng võ, gầy gò như bộ xương, vẻ mặt khắc khổ, bộ râu lốm đốm bạc đã lâu ngày không cạo, đang ngồi trên chiếc áo khoác, chăm chú nhìn Roxtov. Một người nằm cạnh ông ta vừa nói một câu gì với ông ta vừa chỉ vào Roxtov. Chàng hiểu ý rằng ông già kia muốn xin chàng điều gì. Chàng lại gần và thấy ông già chỉ có một chân co lại còn cái chân kia thì đã bị cưa cụt đến quá đầu gối. Một người khác ở bên cạnh cách ông ta khác xa đang nằm dài im lìm đầu hất ra phía sau, mắt trợn ngược. Đó là một người lính trẻ tuổi, mũi hếch, mặt tái nhạt màu sáp ong lốm đốm tàn hương: Roxtov nhìn người lính có cái mũi hếch và thấy lạnh buốt cả sống lưng:
– Nhưng mà… hình như người này… – chàng nói với người y tá.
– Thưa ngài chúng tôi đã yêu cầu mãi – người lính già nói, hàm dưới run run. – Anh ta chết từ hồi sáng. Dẫu sao chúng tôi cũng là người, chứ có phải là chó đâu…
– Tôi sẽ cho người đến ngay, sẽ đem đi, sẽ đem đi ngay – người y tá vội vã – Thưa ngài, xin ngài đi cho.
– Ta đi đi, ta đi đi – Roxtov nói vội vã, rồi mắt nhìn xuống đất, cố thu mình lại cho nhỏ bớt, chàng ra khỏi phòng, cố lẻn qua những luồng mắt đầy trách móc và ghen tị đang xỉa xói vào chàng.