Piotr lại lâm vào cái tâm trạng chán chường mà chàng vẫn rất sợ. Ba ngày sau buổi đọc diễn từ ở chi hội Tam điểm, chàng nằm trên đi văng, không tiếp ai và không đi đâu hết. Vừa lúc ấy chàng nhận được một bức thư của vợ van xin chàng cho gặp mặt. Elen viết trong thư rằng vắng Piotr nàng rất buồn, và nàng chỉ muốn hiến dâng cả cuộc đời cho chàng. Cuối bức thư nàng báo tin nay mai nàng sẽ từ nước ngoài trở về Petersburg.
Tiếp theo bức thư lại có một hội viên Tam điểm trong số những người chàng coi thường nhất đến quấy rối chàng trong cảnh cô tịch. Hắn lái câu chuyện sang mối quan hệ giữa vợ chồng Piotr và lấy tư cách đạo huynh mà khuyên nhủ Piotr, nói rằng chàng đối xử nghiêm khắc với vợ như vậy là không phải, và không chịu tha thứ cho một người đã biết hối hận như vậy là đã vi phạm những quy tắc quan trọng nhất của hội.
Cũng vào hồi ấy bà nhạc của Piotr, vợ chồng công tước Vaxili, cho người đến mời chàng, van nài chàng đến thăm bà dù chỉ vài phút để thương lượng một việc hết sức quan trọng. Piotr thấy rõ ràng người ta đang âm mưu một chuyện gì đây, người ta đang tìm cách làm cho chàng tái hợp với vợ, và trong hoàn cảnh chàng hiện nay, điều đó không hẳn làm chàng khó chịu. Bây giờ Piotr cũng chẳng thiết gì nữa: trên đời này chàng chẳng thấy có việc gì là quan trọng, và trong tâm trạng buồn chán hiện nay. Chàng chẳng thấy quý sự tự do của mình nữa mà cũng chẳng muốn khăng khăng ý định trừng phạt vợ.
“Chẳng có ai phải, cũng chẳng có ai trái, thế nghĩa là nàng cũng chẳng có lỗi”. – Chàng nghĩ thầm. Sở dĩ Piotr không tỏ ý tái hợp với Elen ngay cũng chỉ vì trong cái tâm trạng chán nản của chàng hiện nay chàng không đủ sức mưu toan một việc gì hết. Giá Elen đến với chàng lúc bấy giờ, chàng cũng sẽ không đuổi nàng đi. So với những điều đang làm cho Piotr bận tâm, thì chung sống hay không chung sống với vợ có nghĩa lý gì?
Không trả lời vợ, cũng không trả lời bà nhạc, một hôm đêm đã khuya Piotr sửa soạn hành lý để lên đường đi Moskva để gặp Ioxif Alekxeyevich. Đây là những điều chàng ghi trong nhật ký:
“Moskva mười bảy tháng Mười một.
Tôi vừa đi gặp ân nhân về và vội vàng ghi lại những điều tôi đã thể nghiệm trong cuộc gặp gỡ đó, Ioxif Alekxeyevich sống thanh bần và đã ba năm nay mắc một chứng bệnh ở bàng quang rất đau đớn. Chưa có ai nghe ông thốt ra một tiếng rên hay một lời than phiền bao giờ. Từ sáng sớm cho đến khuya, trừ những bữa ăn hết sức đạm bạc, ông làm việc khoa học, Ioxif Alekxeyevich tiếp tôi rất ân cần và bảo tôi ngồi xuống chiếc giường ông đang nằm; tôi làm dấu các hiệp sĩ Phương Đông và Jerusalem, ông cũng làm dấu đáp lại và dịu dàng mỉm cười hỏi tôi đã học hỏi thêm được những gì trong các chi hội Phổ và Scotland. Tôi cố kể lại thật rành rọt cho ông nghe tất cả mọi điều, trình bày cả những nguyên tắc của tôi đề nghị ở chi hội Petersburg và kể lại cách tiếp đón thiếu thiện ý của cử toạ và sự đoạn tuyệt xảy ra giữa tôi và các anh em.
Ioxif Alekxeyevich im lặng suy nghĩ hồi lâu, rồi trình bày cho tôi nghe quan điểm của ông về tất cả những việc trên, và quan điểm này phút chốc đã rọi sáng cả thời dĩ vãng và cả con đường tôi sẽ đi. Ioxif khiến tôi phải ngạc nhiên khi hỏi tôi còn nhớ ba mục đích của hội là gì không:
1. Là giữ gìn và tìm hiểu điều bí mật,
2. Gội sạch và tu thân để hấp thụ điều bí mật ấy, và
3. Sửa đổi nhân loại thông qua việc cố gắng gột sạch mình.
Trong ba mục đích ấy thì mục đích nào là quan trọng và chủ yếu nhất? Dĩ nhiên là gội sạch và tu thân. Chỉ có mục đích này là lúc nào ta cũng có thể vươn tới trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng đồng thời chính mục đích này đòi hỏi ta phải khổ công nhiều nhất, cho nên ta sẽ phạm vào tội kiêu căng mà buông lơi mục đích ấy, rồi hoặc quay vào điều bí ẩn mà chúng ta không xứng đáng được hấp thụ vì không trong sạch, hoặc quay ra sửa đổi nhân loại trong khi bản thân ta là một con người đê hèn và truỵ lạc. Chủ nghĩa khải phát không phải là một học thuyết trong sạch vì nó quá say mê hoạt động xã hội và đầy kiêu căng. Trên cơ sở đó Ioxif Alekxeyevich lên án bài diễn từ của tôi và toàn bộ hoạt động của tôi.
Tôi chân thành đồng tình với ông. Nhân nói chuyện về việc gia đình tôi Ioxif nói: “Bổn phận chủ yếu của một người Tam điểm chân chính, như tôi đã nói là tu thân, nhưng nhiều khi người tả cho rằng nếu gạt bỏ được tất cả những khó khăn của cuộc sống thì sẽ sớm đạt được mục đích này. Nhưng trái lại, ông ơi thật ra thì chỉ trong cảnh náo nhiệt của thế gian ta mới có thể đạt được ba mục đích chính: 1. tìm hiểu bản thân, vì con người chỉ có thể hiểu được mình qua sự so sánh, 2. tu thân: chỉ có đấu tranh mới đạt đến điều đó được, và 3. đạt đến cái đạo đức chính là yêu cái chết. Chỉ có những biến cố của cuộc sống mới cho ta thấy rõ cái vô nghĩa của nó và có thể giúp ta có được một tình yêu bẩm sinh đối với cái chết hay là yêu sự tái sinh để bước vào cuộc đời mới”. Những lời này càng thêm quý giá vì Ioxif Alekxeyevich tuy đau đớn rất nhiều về thể xác nhưng vẫn không bao giờ tham sống mà lại yêu cái chết, mà người ta chưa thấy mình đủ sẵn sàng để đón lấy, mặc dù cuộc sống bên trong của người đã trong sạch và cao quý vô cùng. Sau đó ân nhân giảng giải cho tôi rõ hết ý nghĩa của hình vuông cao cả của vũ trụ và chỉ rõ rảng số ba và số bảy là cơ sở vạn vật.
Người khuyên tôi không nên cắt đứt quan hệ với các anh em ở Petersburg và trong chi hội chỉ nên giữ chức vụ đệ nhị cấp cố gắng làm sao cho anh em bớt khuynh hướng kiêu căng, hướng họ về con đường chân chính là tự tìm hiểu và tu thân. Ngoài ra, đối với bản thân thì người khuyên tôi trước hết phải theo dõi mình, và với mục đích ấy, người cho tôi một quyển vở, chính quyển vở tôi đang viết mấy dòng này và từ raỷ trở đi tôi sẽ dùng để ghi tất cả mọi hành động của tôi”.
“Petersburg, hai mươi ba tháng Mười một.
Tôi lại chung sống với vợ tôi. Bà nhạc tôi đến khóc lóc bảo tôi là Elen hiện ở đây và cô ta van xin tôi nghe cô, rằng cô không có tội tình gì, cô rất đau khổ vì bị tôi ruồng bỏ, và còn nói nhiều nữa, tôi biết rằng chỉ cần thuận gặp cô thôi, tôi sẽ không còn đủ sức từ chối ý muốn của cô ta nữa. Trong khi đang phân vân tôi không biết nhờ ai giúp đỡ và khuyên răn. Giá có ân nhân ở đây thì Người đã bảo ban cho tôi. Tôi về phòng riêng đọc lại thư từ của Ioxif Alekxeyevich, nhớ lại những buổi tối nói chuyện với Người, và sau đó đi đến kết luận rằng mình không nên từ chối người đang van xin mình và đang tay ra nâng đỡ bất cứ ai, huống hồ đây lại là con người liên hệ gần gũi với mình như thế, cho nên dành phải vác lấy cây thập tự giá của mình vậy. Nhưng nếu vì nghĩ đến đạo đức mà tôi tha thứ cho cô, thì cuộc tái hợp này chỉ nên có một mục đích tinh thần mà thôi. Tôi đã quyết định như vậy và đã viết thư cho Ioxif Alekxeyevich như thế. Tôi nói với vợ tôi là tôi xin cố quên tất cả những điều qua, xin cô tha thứ những (cách cư xử không phải của tôi đối với cô còn cô thì không làm nên tội gì mà tôi phải tha thứ).
Tôi rất vui mừng khi nói với nàng như vậy. Thôi cô ta cũng không nên biết là phải thấy lại mặt cô ta tôi khổ tâm đến nhường nào. Tôi dọn lên ở trên các phòng trên của căn nhà lớn và sung sướng cảm thấy mình đã đổi mới”.