Năm 1811 ở Moskva có một y sĩ người Pháp tên Metivie, nổi tiếng rất nhanh, một người cao lớn, đẹp trai, nhã nhặn như một người Pháp, và ở Moskva ai cũng nói ông ta là một nhà y thuật xuất chúng. Ông được đón tiếp trong các nhà thượng lưu không phải như một ông thầy thuốc, mà như một người ngang hàng.
Công tước Nikolai Andreyevich xưa nay vẫn thường chế nhạo y học, nhưng thời gian gần đây theo lời khuyên của cô Burien đã để cho ông ta lại nhà và đâm quen với ông ta. Mỗi tuần hai lần Metivie đến nhà công tước.
Vào ngày lễ thánh Nikolai, ngày lễ thánh của công tước, cả thành Moskva đều tấp nập ở thềm nhà ông, nhưng ông ra lệnh không tiếp ai cả; chỉ có một số ít người có tên trong một bản danh sách mà ông trao cho công tước tiểu thư Maria, là được mời đến dùng bữa chiều.
Sáng hôm ấy, Metivie đến để chúc mừng lão công tước, và lấy tư cách thầy thuốc, ông ta tưởng cũng nên bất chấp điều lệnh của chủ nhân một chút – Như lời ông ta nói với công tước tiểu thư Maria, và đến thẳng phòng công tước. Tình cờ sáng hôm lễ thánh ấy là một hôm lão công tước cáu bẳn dữ dội nhất. Suốt buổi sáng ông đi đi lại lại trong nhà, gặp ai cũng kiếm chuyện gắt mắng và làm ra vẻ như không hiểu những điều người ta nói với mình, và mình nói gì người ta cũng chẳng hiểu. Công tước tiểu thư Maria biết rất rõ tâm trạng buồn bực và cáu kỉnh thầm lặng này, vốn thường kết thúc bằng một trận lôi đình ghê gớm, cho nên suốt buổi sáng nàng như đứng trước một khẩu súng nạp đạn đã giương cò sẵn, chỉ đợi nó nổ nữa mà thôi. Trước khi thầy thuốc đến, buổi sáng trôi qua bình yên vô sự. Sau khi để cho ông ta vào, tiểu thư Maria ngồi trong phòng khách đọc sách bên cạnh cái cửa lớn dẫn vào phòng giấy. Ngồi đấy nàng có thể nghe rõ tất cả những việc xảy ra trong phòng cha.
Lúc đầu nàng chỉ nghe thấy tiếng nói của Metivie rồi sau đó có tiếng nói của lão công tước, rồi cả hai giọng cùng nói lên một lúc, cánh cửa mở toang ra và trên ngưỡng cửa hiện ra cái bóng dáng đẹp đẽ và vẻ mặt hoảng hốt của Metivie với chùm tóc đen nhánh và bóng công tước mặc áo ngủ, đầu đội mũ chụp, khuôn mặt biến dạng đi vì tức giận, hai tròng đen trợn ngược.
– Mày không hiểu à? – Công tước quát. – Tao thì tao hiểu lắm! Đồ gián điệp của Pháp! Đồ đầy tớ của Bonaparte, đồ mật thám, cút ra khỏi nhà tao ngay, tao bảo cút ngay – Và ông đóng sầm cửa lại.
Metivie nhún vai đến cạnh cô Burien lúc bấy giờ ở phòng bên nghe tiếng quát tháo vừa chạy sang.
– Công tước hơi khó ở, tì hư và máu dồn lên óc. Cô cứ yên tâm, mai tôi sẽ trở lại! – Metivie nói đoạn ra hiệu bảo giữ kín và lùi ra.
Sau cánh cửa nghe có tiếng chân đi giày vải bước và những tiếng quát: “Những tên mật thám, những quân gian đâu đâu cũng toàn là những quân gian! Ở trong nhà mình mà không yên lấy được một phút!”.
Sau khi Metivie ra về lão công tước gọi con gái vào phòng và trút hết cơn giận dữ lên đầu nàng. Nàng đã có cái tội để cho người ta đưa một tên mật thám vào phòng ông. Ông đã bảo trước rồi kia mà. Ông đã bảo nữ công tước Maria lập danh sách và ai không có tên trong danh sách thì không cho vào. “Thế thì tại sao lại cho cái thằng đốn mạt ấy vào! Chính nàng gây ra tất cả. Với cái con này không sao có lấy được một phút yên tĩnh, chết cũng không được chết cho yên thân”, lão công tước nói.
– Không, cô ạ, phải ở riêng ra thôi, ở riêng ra thôi, xin cô biết cho như vậy, xin cô biết cho? Tôi không chịu được nữa rồi, – Nói đoạn công tước bước ra khỏi phòng. Rồi như sợ rằng nàng có thể tìm ra cách gì để tự an ủi, ông lại trở vào và cố làm ra vẻ bình tĩnh, – và tôi đã nghĩ kỹ việc này rồi; phải như thế thôi, ở riêng ra, cô đi mà tìm lấy một nơi…
– Nhưng lão công tước không tự kìm mình được nữa, và với thái độ hằn học chỉ có thể có được ở một người rất thương con, và chắc hẳn chính ông cũng rất khổ tâm, ông vung quả đấm quát lớn:
– Giá mà có được một thằng ngu nào nó rước mày đi cho rảnh! – Ông đóng sập cửa lại, gọi cô Burien vào và ngồi yên trong phòng làm việc.
Đến hai giờ, sáu người may mắn được lựa chọn đến dự bữa ăn chiều – đó là bá tước Roxtopsin nổi tiếng, công tước Lopukhin cùng đi với người cháu trai, tướng Tsatro – một người bạn chiến đấu cũ của công tước, thanh niên thì có Piotr và Boris Drubeskhov, họ đợi lão công tước ở phòng khách.
Về nghỉ phép ở Moskva được mấy ngày, Boris muốn được giới thiệu với công tước Nikolai Andreyevich và đã khéo léo lấy lòng công tước đến nỗi ông đã đặc cách cho chàng đến dự, trong khi tất cả những người thanh niên chưa vợ khác đều không được tiếp.
Nhà công tước không phải là một nơi mà người ta gọi là “nơi xã giao”, nhưng đó là một nơi mà ai được tiếp cũng rất lấy làm hãnh diện, mặc dầu trong thành phố cũng không mấy ai nhắc đến. Điều này Boris đã được hiểu một tuần trước đây, hôm ấy trước mặt chàng khi quan tổng tư lệnh mời Roxtopsin đến dùng bữa chiều nhân ngày thánh Nikolai thì ông ta trả lời là mình không đến được.
– Đến ngày ấy bao giờ tôi cũng bận đến chiêm bái thành tích của công tước Nikolai Andreyevich.
– À phải, phải. – quan tổng tư lệnh đáp, – Thế ngài dạo này ra sao?
Trong gian phòng khách cao kiểu xưa bày những bàn ghế cổ kính, nhóm người nhỏ bé tụ tập trước bữa ăn có vẻ như một toà án đang họp hội đồng trọng thể. Mọi người đều im bặt và có nói chăng cũng nói rất khẽ. Công tước Nikolai Andreyevich bước ra, vẻ nghiêm nghị và trầm ngâm. Nữ công tước Maria còn có vẻ im lặng và rụt rè hơn cả ngày thường. Các tân khách miễn cưỡng nói chuyện với nàng, vì họ thấy rõ tâm trí nàng không hề để vào những câu chuyện của họ. Một mình bá tước Roxtopsin giữ cho cuộc nói chuyện được liên tục, kể lại những tin tức cuối cùng, khi thì về sinh hoạt trong thành phố, khi thì về những sự kiện chính trị.
Lopukhin và vị tướng già thỉnh thoảng mới góp vào dăm ba câu Công tước Nikolai Andreyevich ngồi nghe như một vị chánh án tối cao nghe cấp dưới báo cáo, lâu lâu mới gật đầu hoặc nói một vài tiếng để rỏ ra rằng mình có chú ý đến những điều mà họ báo cáo.
Theo giọng họ nói chuyện, có thể hiểu rằng không ai tán thành những việc đang diễn ra trong chính giới. Họ kể những việc tỏ rõ rằng tình hình mỗi ngày một tệ; nhưng trong câu chuyện hay lời phê phán nào cũng có thể thấy rõ một điều là người nói chuyện bao giờ cũng dừng lại hay bị chặn lại môi khi lời phê phán cổ đả động đến cá nhân Hoàng thượng.
Trong khi dùng tiệc họ nói chuyện về tin chính trị cuối cùng là việc Napoléon chiếm các thái ấp của quận công Oldenburg và bức thông điệp của nước Nga gửi tất cả các vương triều ở châu Âu, một bức thông điệp có thái độ thù địch đối với Napoléon.
Bá tước Roxtopsin nói:
– Bonaparte đối xử với châu Âu như một tên cướp biển trên một chiếc thuyền mới đoạt được. – Người ta chỉ có thể lấy làm lạ về thái độ của các nhà vua, hoặc quá nhẫn nại, hoặc quá mù quáng. Bấy giờ lại đến lượt giáo hoàng, Bonaparte không còn e dè gì nữa, y muốn lật đổ vị đứng đầu công giáo, thế mà ai nấy vẫn làm thinh! Chỉ có mỗi một mình hoàng thượng của chúng ta phản kháng việc chiếm đoạt các thái ấp của quận công Oldenburg. Tuy thế… – bá tước Roxtopsin im bặt, cảm thấy rằng mình đã đi đến biên giới của lĩnh vực không thể phê phán được.
– Người ta đề nghị quận công mấy thái ấp khác để thay cho công quốc Oldenburg, – công tước Nikolai Andreyevich nói. – Tôi đem nông nô ở Lưxye Gorư di chuyển sang Bogutsarovo và các điền trang Ryazan thế nào thì hắn ta cũng di chuyển các quận công y như thế.
Boris lễ phép góp chuyện:
– Quận công Oldenburg chịu đựng nỗi bất hạnh của ngài với một nghị lực và một thái độ nhẫn nhục đáng khâm phục!
Boris nói thế là vì khi ghé Petersburg chàng đã có cái hân hạnh ra mắt quận công. Công tước Nikolai Andreyevich nhìn chàng thanh niên với một vẻ mặt như định nói một điều gì về việc này, nhưng nghĩ thế nào lại thôi, cho rằng chàng còn ít tuổi quá.
– Tôi có đọc bức thư phản kháng của ta về vụ Oldenburg và lấy làm lạ vì bức thư này hành văn rất kém, – bá tước Roxtopsin nói với cái giọng ung dung của một người đang phán đoán về một việc mà mình am hiểu tường tận.
Piotr nhìn Roxtopsin với một vẻ ngạc nhiên, ngây thơ, không hiểu tại sao ông ta lại lo lắng về cách hành văn kém cỏi của bức thông điệp. Chàng nói:
– Bức thông điệp hành văn hay hay dở thì có gì quan trọng thưa bá tước? Miễn là nội dung thật mạnh mẽ là được rồi.
– Anh bạn ơi, vư năm mươi vạn quânn của chúng ta thì cũng dễ có được một giọng văn hay ho! – bá tước Roxtopsin nói.
Bấy giờ Piotr đã hiểu tại sao bá tước lại lo lắng về cách hành văn của bức thông điệp.
Lão công tước nói:
– Hình như bây giờ số người viết lách cũng đã khá nhiều rồi đấy chứ. Ở Petersburg, ai cũng viết lách cả, không phải chỉ viết thông điệp mà thôi đâu – lại còn viết cả luật mới nữa kia. Ở đấy thằng Andrusa nhà tôi đã viết cho nước Nga cả một quyển luật đấy. Bây giờ thì ai cũng viết lách cả! – nói đoạn ông cười phá lên một cách không tự nhiên.
Câu chuyện lắng đi một phút; vị tướng già đằng hắng một cái để mọi người chú ý.
– Các vị có nghe nói đến sự việc vừa rồi xảy ra trong cuộc duyệt binh ở Petersburg không ạ? Sứ thần Pháp mới sang đã tỏ rõ chân tướng của mình như thế nào.
– Sao ạ? À vâng, tôi có nghe phong thanh; ông ta đã nói một câu gì vụng về trước mặt hoàng thượng thì phải.
Viên tướng già nói tiếp:
– Hoàng thượng có mời sứ thần Pháp lưu ý sư đoàn thủ pháo và cuộc diễu binh theo nghi thức, nhưng hình như viên sứ thần không hề chú ý chút nào cả, lại dám nói rằng ở Pháp không ai quan tâm đến những chuyện vặt như vậy. Hoàng thượng im lặng không nói gì. Đến cuộc duyệt binh sau, nghe nói hoàng thượng không thèm nói với y một câu nào.
Ai nấy đều im lặng; việc này có dính dáng đến bản thân nhà vua, nên không thể phê phán gì được.
Công tước nói:
– Quân hỗn láo! các ông có biết Metivie không? Sáng hôm nay tôi vừa đuổi hắn ra khỏi nhà. Hắn có đến đây, người ta đã cho hắn đến phòng tôi: tuy tôi đã dặn là không được cho ai vào hết. – công tước vừa nói vừa giận dữ đưa mắt nhìn con gái. Rồi công tước kể lại câu chuyện giữa ông với viên thầy thuốc người Pháp và những lý do khiến ông tin chắc rằng Metivie là một tên do thám.
Mặc dù những lý do đó chẳng đầy đủ tí nào và lại không có gì rõ rệt, nhưng cũng không có ai cãi lại.
Đến món thịt quay người nhà dọn rượu sâm banh ra. Các tân khách đứng dậy chúc mừng lão công tước. Công tước tiểu thư Maria cũng đến gần ông.
Lão công tước đưa đôi mắt lạnh lùng, hằn học nhìn nàng và giơ cái má nhăn nheo cạo nhẵn ra cho nàng. Vẻ mặt của công tước nói với nàng rằng ông chưa quên câu chuyện ban sáng đâu, rằng ông vẫn giữ nguyên quyết định cũ và chỉ vì bây giờ đang có khách nên ông mới không nói ra đấy thôi.
Khi họ sang phòng khách dùng cà phê, mấy ông già ngồi lại với nhau.
Công tước Nikolai Andreyevich hoạt bát lên và phát biểu những quan điểm của mình về cuộc chiến tranh sắp tới.
Ông nói rằng trong những cuộc chiến tranh với Napoléon, ta sẽ thất bại nếu cứ tìm cách liên minh với người Đức và cứ bị hoà ước Tilzit lôi cuốn mà xen vào các công việc của châu Âu, ta không thể chiến đấu cho nước Áo, cũng không thể chiến đấu chống lại nước Áo. Tất cả chính sách của ta phải nhằm vào phương Đông, còn đối với Bonaparte thì chỉ có một cách thôi, là võ trang phòng thủ biên giới và áp dụng một chính sách cứng cỏi, như thế thì hắn sẽ không bao giờ dám bước chân qua biên giới Nga như năm 1807 nữa.
Bá tước Roxtopsin nói:
– Nhưng thưa công tước, ta làm sao mà chiến đấu với quân Pháp được! Chả nhẽ đánh nhau với các bậc thầy và các bậc thần thánh của mình sao? Xin công tước cứ thử xem giới thanh niên và giới phụ nữ của ta. Thần thánh của ta là người Pháp, thiên đường của ta là Paris.
Ông bắt đầu nói to hơn, chắc hẳn là để cho mọi người đều nghe thấy.
– Áo quần cũng của Pháp, tư tưởng cũng của Pháp, tình cảm cũng của Pháp! Đấy công tước vừa túm cổ Metivie đuổi ra ngoài vì hắn là một thằng Pháp và là một thằng vô lại, nhưng các tiểu thư của ta thì lại quỳ gối lê theo hắn. Hôm qua tôi có đi dự một tối tiếp tân trong năm cô tiểu thư thì đã có ba cô theo công giáo. Họ được giáo hoàng cho phép thêu thùa vào ngày chủ nhật. Các tiểu thư đó ăn mặc thế nào mà nói vô phép – Trông gần như trần truồng, giống cái biển treo ở các hiệu tắm ấy. Chao ôi, thưa công tước, cứ trông đám thanh niên lại muốn ra viện bảo tàng lấy cái gậy vồ của Piotr đại đế mà nện vào sườn họ theo kiểu của người Nga, để cho cái ngu muội của họ phải bật ra ngoài mới thôi.
Mọi người đều im lặng. Lão công tước mỉm cười nhìn Roxtopsin và gật đầu tỏ ý đồng tình.
– Thôi xin kính chào công tước, kính chúc ngài khoẻ mạnh, – Roxtopsin vừa nói vừa đứng dậy giơ tay ra cho công tước bắt, với những động tác nhanh nhẹn đặc biệt của ông.
– Chào ông bạn thân mến… Ông nói chuyện thật như nhả ngọc phun châu, nghe mãi không chán!
Công tước nói, giữ lấy bàn tay Roxtopsin một lát và giơ má ra cho ông ta hôn.
Các tân khách đều theo gương Roxtopsin đứng dậy.