Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 8 – Chương 16

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Thời gian gần đây Anatol đã dọn sang ở nhà Dolokhov. Kế hoạch bắt cóc Natasa Roxtov đã được Dolokhov trù tính và chuẩn bị từ mấy ngày nay, và đúng vào cái hôm mà Sonya, sau khi nghe ngóng cửa buồng Natasa, quyết định theo dõi nàng, thì kế hoạch ấy phải được đem thi hành. Natasa hẹn là đến mười giờ tối sẽ ra cửa sau với Anatol Kuraghin. Anatol Kuraghin sẽ đưa nàng lên một cỗ xe tam mã chực sẵn và sẽ đi đến làng Kamenka cách Moskva sáu mươi dặm. Ở đây đã có một ông cố đạo bị truất phép chờ sẵn để làm lễ cưới cho họ. Ở Kamenka sẽ có một chiếc xe ngựa đợi họ ra đường thiên lý đi Varsava, và đến đây họ sẽ dùng xe trạm vượt biên giới Nga.

Anatol đã có đủ giấy hộ chiếu, giấy lộ trình và một vạn rúp lấy của chị, lại thêm một vạn nữa do Dolokhov vay hộ.

Hai người làm chứng là Khvoxtiko, một viên thư lại cũ được Dolokhov sử dụng trong việc cờ bạc, và Makarin, một sĩ quan phiêu, kỵ giải ngũ, một người hiền lành và nhu nhược vốn có một tình yêu thương không bờ bến đối với Anatol, – bấy giờ đang ngồi uống nước trà ở phòng ngoài.

Trong phòng giấy của Dolokhov tường chăng thảm Ba-tư lên đến trần nhà và treo các thứ vũ khí, sàn lót da gấu: Dolokhov mình mặc áo bestmet đi đường trường, chân đi ủng đang ngồi trước một bàn giấy mở rộng, mặt bàn ta liệt những tờ giấy tính tiền và những xấp giấy bạc. Anatol mặc quân phục không cài khuy từ gian phòng có hai người làm chứng ngồi, bước qua phòng làm việc để vào phòng sau, là nơi tên hành bộc người Pháp của chàng đang cùng mấy người khác gói ghém những đồ dùng còn lại. Dolokhov tính tiền và ghi chép các khoản chi tiêu.

– Cậu ạ phải đưa cho Khvoxtiko hai nghìn – Dolokhov nói.

– Thì cậu cứ đưa! – Anatol nói.

– Còn Makarka (họ vẫn gọi Makarin như vậy) thì rất tận tuỵ, sẵn sàng lao vào lửa vì cậu. Đấy, thế là đã tính xong, – Dolokhov vừa nói vừa đưa cho Anatol xem giấy tờ tính tiền. – Đúng chưa?

– Đúng rồi, cố nhiên là đúng rồi, – Anatol nói, hẳn là không chú ý nghe Dolokhov, miệng cười bâng quơ, mắt trân trân nhìn thẳng phía trước mặt.

Dolokhov đóng bàn giấy lại đánh sầm một tiếng và mỉm cười một nụ cười ngạo nghễ bảo Anatol.

– Tớ bảo cậu nhé: thôi quách đi, hãy còn kịp đấy!

– Đồ ngốc! – Anatol nói. – Đừng có nói vớ vẩn nữa, cậu không biết chứ… Thôi có ma nó biết là cái gì.

– Thật đấy mà, cậu nên thôi quách cho xong, – Dolokhov nói. – Mình nói thật với cậu đấy. Việc cậu định làm có phải chuyện đùa đâu.

– Sao, cậu lại muốn trêu tức tớ nữa phải không? Cút đi cho rảnh! Hả – Anatol nhăn mặt nói. – Thật tớ không hơi đâu mà nghe những câu nói đùa ngu xuẩn của cậu. – Rồi chàng ra khỏi phòng.

Dolokhov mỉm một nụ cười khinh bỉ và trịch thượng khi Anatol bước ra. Hắn nói với theo Anatol:

– Rồi hẵng! Tớ không đùa đâu, tớ nói thật đấy, lại đây, lại đây.

Anatol trở vào phòng, cố tập trung sức chú ý nhìn Dolokhov và có thể thấy rõ là hắn phục tùng Dolokhov một cách không tự giác.

– Cậu nghe tớ báo đây. Tớ bảo cậu lần này là lần cuối. Việc gì tớ lại đi nói đùa với cậu? Tớ có hề phá ngang cậu đâu. Ai đã lo thu xếp mọi việc cho cậu, ai đã đi tìm ông cố đạo, ai đi lấy hộ chiếu, ai đi xoay tiền? Tớ hết.

– Thì tớ cảm ơn cậu. Cậu tưởng tớ không biết ơn cậu hay sao? – Anatol thở dài và ôm chầm lấy Dolokhov.

– Tớ đã giúp cậu, tuy thế tớ phải nói thật với cậu: việc này rất nguy hiểm và xét kỹ là rất ngu xuẩn. Cậu bắt cóc cô ta, được lắm. Nhưng chả nhẽ người ta cứ để mặc sao? Họ sẽ phát giác ra là cậu đã có vợ. Họ sẽ đưa cậu ra toà…

– Chà! Vớ vẩn, vớ vẩn cả! – Anatol lại nhăn mặt nói. – Tớ đã nói rõ cho cậu nghe rồi kia mà. Hả! – Và với cái thói ưa bám chặt lấy ý kiến do mình nghĩ ra, vẫn thường thấy ở những người đần độn, Anatol lại giở cái mớ lý sự mà Dolokhov đã nghe hắn nói đi nói lại hàng trăm lần. – Tớ đã nói rõ với cậu là: nếu cuộc hôn nhân ấy không có hiệu lực – hắn vừa nói vừa gập một ngón tay lại, – thì tức là tớ không có trách nhiệm gì, còn nếu có hiệu lực, thì cũng chả sao: ra nước ngoài chả ai biết hết. Đấy, thế chứ còn sao nữa? Thôi cậu đừng nói nữa, đừng nói nữa, đừng nói nữa!

– Thật đấy mà, cậu thôi quách đi! Cậu chỉ rước lấy cái vạ vào thân…

– Cậu cút đi cho rảnh, – Anatol nói, giơ hai tay túm lấy tóc, hắn sang phòng bên, rồi lập tức quay trở lại và ngồi bỏ cả hai chân lên trên chiếc ghế bành sát trước mặt Dolokhov.

– Có quỷ biết được tớ làm sao thế này! Hả? Cậu xem nó đập này! – Hắn nắm lấy tay Dolokhov áp vào ngực mình. – Ô! Cậu ơi, chân cô ta mới đẹp chứ… lại đôi mắt nhìn nữa, một nữ thần!

Dolokhov mỉm cười lạnh lùng, đôi mắt đẹp đẽ sáng long lanh và trơ tráo nhìn vào Anatol, hắn là còn muốn dùng hắn làm trò cười một lúc nữa.

– Thế đến khi hết tiền thì sao.

– Thì sao ấy à? Hả – Anatol lặp lại, vẻ thành thật bỡ ngỡ vì chợt phải nghĩ đến tương lai. – Lúc ấy thì sao hả? Tớ chẳng biết… Thôi nói chuyện vớ vẩn ấy làm gì! – hắn xem đồng hồ. – Đến giờ rồi đấy!

Anatol đi ra phòng sau. Hắn quát người đầy tớ:

– Sao, sắp xong chưa? Lề mề thế à?

Dolokhov cất tiền đi, gọi người nhà dọn thức ăn và rượu ra để đánh chén trước khi lên đường và sang gian phòng có Khvoxtiko và Makarin ngồi chờ.

Anatol nằm chống khuỷu tay lên chiếc đi-văng trong phòng làm việc, mỉm cười có vẻ tư lự và lẩm bẩm gì trong miệng một cách âu yếm.

– Ra đây ăn dăm ba miếng. Không thì cùng uống một cốc! – Có tiếng Dolokhov từ phòng bên gọi sang.

– Tớ chẳng ăn uống gì đâu! – Anatol đáp, miệng vẫn mỉm cười – Ra đi, Balaga đến rồi đấy.

Anatol đứng dậy và đi ra phòng ăn. Balaga là một anh xà ích đánh xe tam mã có tiếng, biết Dolokhov và Anatol và đã đánh xe cho họ đã sáu năm nay. Đã bao lần, khi trung đoàn của Anatol đóng ở Tver, hắn đánh xe cho Anatol đi từ Tver vào chập tối và đến Moskva lúc rạng đông, rồi đến hôm sau lại đưa anh ta về. Đã bao lần hắn đánh xe cho Dolokhov chạy trốn cảnh binh, đã bao lần hắn đánh xe cho hai người chơi rong trong thành phố với bọn con gái Di-gan và các “tiểu phu nhân” như hắn thường gọi. Đã bao lần trong khi đánh xe cho hai người, hắn đã chẹt phải người và đâm phải xe cộ, và cứ mỗi lần như vậy hai ông lớn, như hắn thường gọi, đều cứu hắn thoát khỏi tù tội. Đã có mấy con ngựa chết trong khi hắn đánh xe cho họ đi. Đã bao lần hắn bị họ đánh đập, và đã bao lần họ cho hắn uống thả cửa rượu sâm banh và rượu Madera là thứ rượu hắn rất thích, và hắn biết rõ không ít những trò quỷ sứ của họ (nếu là người thường thì chỉ một trò như thế thôi cũng đủ bị đày đi Xibir rồi). Trong những bữa chè chén của họ, Dolokhov và Anatol hay gọi Balaga lại, bắt hắn uống rượu và nhảy múa với bọn con gái Di-gan và đã tiêu hàng mấy nghìn rúp qua tay hắn. Phụng sự cho Dolokhov và Anatol, mỗi năm hai mươi lần hắn phải coi rẻ cuộc sống và tính mạng, và số tiền mua những con ngựa bị chết và kiệt sức còn nhiều hơn cả số tiền họ đền cho hắn. Nhưng hắn rất thích họ, hắn rất thích những cuộc phi ngựa điên cuồng tám mươi dặm một giờ, rất thích húc đổ những chiếc xe chở khách và chẹt chết những người bộ hành, và lao hết tốc lực phóng như bay trên các đường phố Moskva. Hắn thích nghe ở phía sau lưng những tiếng quát man rợ của hai giọng người say rượu: “Nhanh lên! nhanh lên!” trong khi đã lao hết tốc lực không còn cách nào khác nhanh hơn được nữa; hắn thích quất thật đau vào cổ những anh mu-gich vừa bán sống bán chết nhảy sang một bên để tránh cỗ xe tam mã của hắn. “Thật là những ông lớn thực sự! ” – hắn thường nghĩ.

Anatol và Dolokhov cũng thích hắn vì cái tài đánh xe điêu luyện và vì hắn cũng cùng chung một sở thích với họ. Với những người khác, Balaga rất làm bộ, một chuyến đi hai tiếng đồng hồ hắn lấy đến hai mươi lăm lúp, và rất ít khi hắn tự đánh xe và không bao giờ đòi trả công. Chỉ khi nào hắn được bọn nội bộc báo cho biết là họ có tiền, thì cách mấy tháng một lần, hắn mới đến nhà vào buổi sáng, khi chưa uống rượu, cúi chào rất thấp và cầu cứu hai ông lớn.

Hai ông lớn bao giờ cùng mời hắn ngồi tử tế.

– Xin ngài cứu giúp cho, thưa ngài Fiodor Ivanovich, hay thưa công tước đại nhân – hắn nói. – Tôi hết ngựa mất rồi, chẳng còn lấy một con nào, ngài có thể giúp cho được bao nhiêu thì xin tuỳ ngài, để tôi ra phiên chợ.

Và hễ khi nào sẵn tiền, Anatol và Dolokhov cũng cho hắn một hai nghìn rúp.

Balaga là một gã mu-gich trạc hai mươi bày tuổi, người thấp, tóc vàng hoe, mặt đỏ, đặc biệt là cái cổ béo phị cũng đỏ, mũi hếch lên, hai mắt ti hí sáng long lanh, cằm để một chòm râu ngắn. Hắn mặc chiếc áo kaftan xanh bằng dạ mỏng lót lụa khoác lên trên chiếc áo chẽn.

Hắn quay vào góc những hình thánh làm dấu chữ thập và đến gấn Dolokhov chìa bàn tay nhỏ và đen ra cúi chào chàng:

– Xin kính chào ngài Fiodor Ivanovich.

– Chào chú. Chú mày đã đến đây à?

– Xin chào công tước – hắn nói với Anatol lúc bấy giờ vừa bước vào, và cũng chìa tay ra cho hắn. Anatol đặt tay lên hai vai Balaga nói:

– Tớ bảo chú mày này, chú mày có yêu tớ không nào, hả? Bây giờ tớ đang cần đến chú mày đây… Ngựa nào đấy hả?

– Đúng như người nhà của ngài dặn, ngựa yêu của ngài cả đấy Balaga nói.

– Thế thì nghe đây, Balaga! Phải phóng cho kỳ chết cả ba con ngựa đi, sao cho trong ba tiếng đồng hồ phải đến kịp. Hả?

– Chết thế nào được, chết thì lấy gì mà đi? – Balaga nháy mắt nói.

Anatol bỗng trợn mắt quát:

– Này đừng có đùa, tao quai vỡ mồm ra đấy.

– Đùa gì đâu, – tên xà ích cười, – Đối với các ông lớn tôi còn tiếc nữa sao? Ngựa phi nhanh được đến đâu thì ta đi nhanh đến đấy.

– À! Anatol nói. – Thôi ngồi xuống đây.

– Nào, ngồi xuống! – Dolokhov nói.

– Tôi đứng cũng được, Fiodor Ivanovich ạ.

– Bậy nào, ngồi xuống mà uống đi, – Anatol nói đoạn rót cho hắn một cốc rượu madera. Trông thấy rượu, mắt tên xà ích sáng lên. Sau khi từ chối qua loa cho có lệ, Balaga uống hết cốc rượu và lấy chiếc khăn mùi xoa lụa đỏ nhét trong mũ ta lau miệng.

– Thế bao giờ thì đi, thưa công tước?

– À thế này… (Anatol nhìn đồng hồ) đi ngay bây giờ. Chú mày phải liệu đấy. Balaga, hả? Kịp chứ?

– Còn tuỳ khi ra đi có trót lọt không đã, chứ còn thì sao mà chả kịp? – Balaga nói – Dạo trước đến Tver chỉ mất có bảy tiếng. Chắc ngài còn nhớ chứ, thưa công tước?

Anatol mỉm cười thích thú khi nhớ lại thời cũ và nói với Makarin bấy giờ đang chăm chăm nhìn chàng một cách âu yếm.

– Cậu biết không, có lần vào lễ Giáng sinh tớ đi từ Tver, Makarka ạ, cậu có thể tin được không, chúng tớ phóng như bay, thở không ra hơi nữa. Chúng tớ đâm vào một đoàn xe tải, chồm qua đầu hai chiếc xe chở hàng. Hả?

– Ồ dạo ấy ngựa thật ra ngựa! – Balaga tiếp tục kể. – Dạo ấy tôi thắng hai con ngựa lề còn non tuổi với con ngựa tía ở giữa, – hắn nói với Dolokhov, – Ngài có tin được không, Fiodor Ivanovich? Mấy con ngựa phi liền sáu mươi dặm; tôi không giữ được, hai tay cứ cóng lại, chả là trời giá quá, tôi bỏ cương – thôi ngài công tước cầm lấy tôi bảo thế, còn tôi thì lăn kềnh vào trong xe. Đã không phải giục nó thì chớ, đây lại không kìm nổi nữa, trong ba tiếng đồng hồ, là mấy con quỷ đã phi đến nơi. Chỉ có con bên trái kiệt sức mà chết.

Chọn tập
Bình luận