Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 5 – Chương 10

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Tinh thần hết sức khoan khoái trong khi đi du lịch ở miền Nam trở về, Piotr thực hiện cái ý định đã ấp ủ từ lâu là đến thăm Bolkonxki, người bạn mà đã hai năm nay chàng chưa gặp lại.

Thôn Bogutsarovo ở vào một miền chẳng có gì là ngoạn mục. Đó là một nơi bằng phẳng, toàn những cánh đồng và những khu rừng tùng, rừng bạch dương, khu thì đã đẵn hết cây, khu thì hãy còn nguyên vẹn. Trang viên của chủ nhân ở cuối một cái làng chạy dài thành một đường thẳng dọc theo đường cái lớn, sau một cái hồ mới đào nước đầy ăm ắp, bờ vẫn chưa mọc cỏ, giữa một khóm rừng cây non chen lác đác vài cây thông lớn.

Trang viên gồm có cái sân gồm có cái sân đập lúa, mấy căn nhà phụ, mấy cái tàu ngựa, mấy gian buồng tắm, một dãy nhà dọc và một ngôi nhà lớn bằng đá, mi nhà hình vòng cung còn đang xây dở, chung quanh nhà là một thửa vườn mới trồng. Hàng rào và cổng đều mới và chắc chắn; dưới mái hiên có hai cái bơm cứu hoả và một cái thùng tôn – nô sơn màu xanh lá cây. Đường sá đều thẳng tắp, mấy cái cầu đều vững chắc và có tay vịn. Tất cả đều mang rõ dấu vết một sự xếp đặt ngăn nắp của một bàn tay biết cách làm ăn. Gặp mấy người đầy tớ, Piotr hỏi họ xem công tước Andrey ở đâu, thì họ giơ tay chỉ dãy nhà dọc nhỏ mới xây ở ngay bên hồ. Anton, người lão bộc của công tước Andrey đỡ Piotr xuống xe, nói rằng công tước hiện có nhà: và đưa chàng vào một gian tiền phòng nhỏ rất sạch sẽ.

Piotr ngạc nhiên khi thấy vẻ mộc mạc của ngôi nhà nhỏ bé nhưng sạch sẽ, bởi vì lần gần đây nhất chàng đã gặp bạn ở Petersburg trong một khung cảnh cực kỳ tráng lệ. Chàng vội vàng bước vào gian phòng nhỏ chưa trát thạch cao, còn thơm mùi gỗ thông, và toan đi vào nhưng Anton đã rón rén chạy vượt lên trước chàng và đến gõ cửa.

– Cái gì thế? – Một giọng nói đanh và khó chịu từ trong phòng vẳng ra.

– Bẩm có khách ạ – Anton đáp.

– Bảo đợi một chút, – tiếng nói ở trong nhà đáp, rồi kế theo sau có tiếng xô ghế.

Piotr bước nhanh về phía cửa và suýt xô vào công tước Andrey đang bước ra đón chàng, mặt mày cau có và trông già hẳn đi. Piotr ôm lấy bạn rồi cất kính, hôn lên hai má chàng và nhìn sát vào mặt chàng.

– Thật là không ngờ! May mắn quá! – Công tước Andrey nói.

Piotr không nói gì, chàng ngạc nhiên nhìn bạn không rời mắt. Sự thay đổi trên diện mạo công tước Andrey làm Piotr kinh ngạc. Lời nói của công tước Andrey vẫn rất dịu dàng và thân mật, đôi môi và cả gương mặt chàng vẫn tươi cười nhưng cái nhìn đã tắt, đã chết, và có thể thấy rõ rằng tuy rất muốn, chàng vẫn không sao làm cho nó ánh lên tia sáng mừng rỡ, tươi vui được. Không phải vì chàng đã gầy đi, xanh đi, rắn rỏi hơn trước nhưng cái nhìn kia và nếp nhăn trên trán biểu lộ một tâm trí đã từ lâu đăm chiêu suy nghĩ một việc gì làm cho Piotr ngạc nhiên và thấy xa lạ, mãi về sau mới quen được.

Nhưng những người bạn đã lâu ngày xa cách nay mới được gặp lại họ nói chuyện hồi lâu mà vẫn chưa có chủ đề gì nhất định. Họ hỏi nhau rất vắn tắt và trả lời nhát gừng về những điều mà chính họ cũng biết là lẽ ra cần phải nói dài. Cuối cùng dần dần câu chuyện đi sâu vào những việc mà lúc đầu họ chỉ mới nói lướt qua một cách rời rạc; họ bắt đầu hỏi nhau về quãng đời đã qua, về những dự định cho tương lai, về cuộc hành trình của Piotr, về những công việc của chàng, về chiến tranh, v.v… Vẻ mặt đăm chiêu và chán nản mà Piotr đã nhận thấy trong khoé mắt của công tước Andrey bây giờ còn được phản ánh rõ rệt hơn nữa trong nụ cười của chàng khi chàng nghe Piotr nói, đặc biệt khi Piotr say sưa và phấn khởi nói về quá khứ và tương lai. Hình như công tước Andrey cũng muốn quan tâm đến những điều đang nói, nhưng không được, Piotr bắt đầu cảm thấy rằng, đứng trước công tước Andrey, nhiệt tình của mình, những mơ ước những hy vọng về hạnh phúc và về đạo đức của mình đều không đúng chỗ. Chàng thấy xấu hổ khi phải nói đến tất cả những tư tưởng Tam điểm mới mẻ của mình, nhất là những tư tưởng đã được củng cố và khích lệ, trong cuộc hành trình vừa qua. Chàng tự kiềm chế mình, sợ mình có vẻ ngây ngô; nhưng đồng thời chàng lại hết sức nóng lòng muốn biết rằng bây giờ chàng là một Piotr khác hẳn trước, tốt hơn nhiều so với chàng Piotr ở Peterburg xưa kia.

– Tôi không sao nói hết cho anh rõ từ dạo ấy đến nay tôi đã trải qua bao nhiêu thay đổi. Ngay bản thân tôi cũng không nhận ra mình nữa.

– Phải, từ bấy đến nay chúng ta đều thay đổi rất nhiều, rất nhiều công tước Andrey nói.

– Còn anh thì thế nào? – Piotr hỏi anh có những dự định gì?

– Dự định ư? – Công tước Andrey nói, giọng mỉa mai – Dự định của tôi ấy à. – Chàng nhắc lại, tựa hồ ý nghĩa của danh từ này làm chàng ngạc nhiên. – Đấy, cậu thấy đấy, tôi đang xây dựng, tôi định sang năm sẽ dọn đến ở hẳn nơi này.

Piotr im lặng, nhìn đăm đăm vào khuôn mặt già trước tuổi của công tước Andrey.

– Không tôi muốn hỏi… – Piotr nói. Nhưng công tước Andrey đã ngắt lời chàng.

– Thôi nói về tôi làm gì… Cậu kể đi nào, cậu kể cho tôi nghe cuộc hành trình của cậu đi và tất cả những việc cậu đã làm ở cắc điền trang của cậu.

Piotr bắt đầu kể lại những việc chàng đã làm trong các điền trang của mình: đồng thời hết sức cố gắng che dấu phần mình đã đóng góp vào những việc cải thiện ấy. Công tước Andrey đã mấy lần nhắc trước cho Piotr những điều chàng sắp nói ra, tựa hồ như tất cả những việc Piotr đã làm chỉ là những chuyện cũ rích và không những chàng không để ý lắng nghe mà lại còn thấy xấu hổ về những điều Piotr kể nữa.

Piotr thấy ngượng và thậm chí khó chịu trong khi nói chuyện với bạn. Chàng im bặt.

– Này cậu, bây giờ thế này nhé – công tước Andrey nói hẳn là cũng cảm thấy lúng túng và ngượng nghịu trước mặt bạn. – Tôi hiện nay chỉ tạm “trú quân” ở đây, tôi chỉ mới về đây để nhìn qua một chút. Hôm nay tôi lại trở về nhà em gái. Tôi sẽ giới thiệu cậu với họ. Vả chăng cậu cũng biết cô ấy – chàng nói, như để thù tiếp người khách mà bây giờ chàng cảm thấy không có gì giống mình nữa. – Ăn chiều xong chúng ta sẽ đi. Còn bây giờ cậu có muốn đi xem điền trang của tôi không?

Hai người đi ra và dạo chơi cho đến bữa ăn chiều, nói chuyện về những tin tức chính trị và về những người quen chung, như hai người không thân thiết. Công tước Andrey chỉ hào hứng một chút khi nói đến cái trang viên mới mà chàng đang sửa sang và ngôi nhà đang xây dựng. Nhưng ngay ở đây ngay giữa chừng câu chuyện khi họ đang đứng trên dàn thợ ấy và công tước Andrey đang tả cho Piotr nghe cách bố trí ngôi nhà sau này, chàng bỗng ngừng bặt rồi nói:

– Vả lại việc này cũng chẳng có gì thú vị, thôi chúng ta về ăn chiều đi!

Trong bữa ăn, câu chuyện chuyển sang cuộc hôn nhân của Piotr, công tước Andrey nói:

– Tôi rất ngạc nhiên khi nghe tin ấy.

Piotr bừng mặt như thường lệ mỗi khi có ai nhắc tới việc này. Chàng nói vội vã:

– Tôi sẽ có dịp kể cho anh nghe đầu đuôi câu chuyện. Nhưng anh cũng biết đấy, bây giờ tất cả những chuyện ấy đã chấm dứt rồi và chấm dứt vĩnh viễn.

– Vĩnh viễn à? – Công tước Andrey nói – Không có cái gì vĩnh viễn đâu.

– Nhưng anh đã biết câu chuyện kết thúc như thế nào chưa? Anh đã nghe đến việc đấu súng rồi chứ?

– Có, cậu cũng phải đi đến nước ấy?

– Một điều mà tôi cảm ơn Thượng đế là tôi đã không giết chết người ấy. – Piotr nói.

– Tại sao lại không giết? – Công tước Andrey hỏi – Giết một con chó dữ là một điều rất tốt chứ sao?

– Không, giết người là không tốt, là bất công.

– Tại sao lại bất công? – Công tước Andrey vặn lại – Con người không thể nào phán xét được cái gì là bất công, cái gì là công bình. Về mặt này, người ta bao giờ cũng sai lầm và vĩnh viễn sẽ còn sai lầm; và không có trường hợp nào con người lại sai lầm hơn là trong vấn đề phân biệt công bình hay bất công.

– Cái gì đã là một điều ác đối với một người khác thì cái ấy là bất công – Piotr nói, vui mừng nhận thấy lần đầu tiên từ khi đến thăm, công tước Andrey đã hoạt bát lên và bắt đầu nói, chàng muốn bộc lộ ra cho bạn rõ tất cả những gì đã khiến cho chàng thành con người như hiện nay.

– Thế ai đã cho cậu biết thế nao là điều ác đối với người khác? – công tước Andrey hỏi.

– Điều ác? Điều ác ấy à? – Piotr nói. – Tất cả chúng ta đều biết cái gì là ác đối với chúng ta.

– Đúng rồi, chúng ta đều biết cả, nhưng cái mà tôi biết là một điều ác đối với tôi thì tôi không biết là điều ác đối với người khác được – công tước Andrey càng nói càng hăng, hẳn là chàng muốn trình bày cho Piotr thấy quan niệm mới của chàng về sự việc. Chàng nói tiếng Pháp. – Tôi chỉ thấy trên đời có hai điều ác sự thực: đó là sự hối hận và bệnh tật. Và điều thiện chẳng qua chỉ là không có hai điều ác này. Sống cho riêng mình và tránh hai điều ác ấy, tất cả sự khôn ngoan của tôi hiện nay chỉ có thế.

– Thế còn tình yêu đồng loại, còn sự hy sinh thì sao. – Piotr nói. – Không, tôi không thể nào tán thành quan điểm của anh được! Chỉ sống thế nào để đừng làm điều ác, để đừng hối hận thì ít quá. Trước đây tôi đã từng sống như thế, tôi đã sống cho riêng tôi và đã tự làm hỏng đời mình. Và chỉ có bây giờ tôi mới sống, hay nói cho đúng ra cố gắng sống (Piotr khiêm tốn chữa lại) cho những người khác, chỉ có bây giờ tôi mới hiểu hết hạnh phúc của cuộc sống. Không, tôi không đồng ý với anh đâu mà cả anh nữa, anh cũng chẳng nghĩ như anh nói đâu.

Công tước Andrey im lặng nhìn Piotr và mỉm cười chế nhạo. Chàng nói:

– Cậu sẽ gặp cô em gái của mình, nữ công tước Maria, hai người sẽ ý hợp tâm đầu lắm đấy. Có lẽ cậu có lý về phần cậu, – chàng nói tiếp sau một lát im lặng – Nhưng mỗi người có một cách sống riêng: cậu đã sống cho riêng mình cậu và cậu nói rằng cái lối sống ấy đã làm cho cậu suýt hỏng cả cuộc đời, và cậu chỉ thấy hạnh phúc khi cậu bắt đầu sống cho những người khác. Còn tôi thì tôi lại trải qua một kinh nghiệm ngược lại. Tôi đã sống để tìm vinh quang (mà vinh quang là cái gì? Chẳng qua cũng vẫn là tình yêu người khác, muốn làm cho họ một cái gì, muốn được họ khen ngợi). Tóm lại tôi đã sống cho những người khác như thế và tôi không phải suýt làm hỏng mà chính là đã hoàn toàn làm hỏng cuộc đời của tôi. Và chỉ có từ khi tôi sống cho riêng mình thì tôi bắt đầu cảm thấy được yên tĩnh hơn.

– Nhưng làm thế nào có thể sống cho riêng mình được? – Piotr bốc lên hỏi – Thế còn anh, em gái anh, cha anh?

– Nhưng họ cũng vẫn là tôi mà thôi chứ không phải là những người khác – Công tước Andrey nói – còn những người khác, những kẻ đồng loại, Le prochain(1), như cậu và nữ công tước Maria vẫn nói, thì lại là nguồn gốc chính của sai lầm và điều ác. Le prochain chính là những người nông dân của cậu ở Kiev mà cậu muốn cải thiện cuộc sống.

Và chàng nhìn vào mặt Piotr một cái nhìn chế nhạo, có vẻ khiêu khích. Hẳn là chàng muốn thách thức Piotr.

– Anh nói đùa đấy chứ. – Piotr nói, mỗi lúc một thêm sôi nổi. – Trong những việc tôi muốn làm (tôi mới làm được rất ít, và làm rất kém) nào có gì là sai lầm và độc ác đâu, tôi chỉ muốn làm điều thiện và dù sao cũng đã làm được ít nhiều. Làm cho những con người bất hạnh, những người nông dân của chúng ta, những con người như chúng ta, những người lớn lên rồi chết đi mà không có một khái niệm nào khác về Thượng đế và chân lý ngoài những lễ nghi và những bài cầu nguyện vô nghĩa, làm cho họ có được những niềm tin đầy sức an ủi về đời sống sau này, về sự trừng phạt, khen thưởng và an ủi thì có gì là ác? Dân nghèo đang chết vì bệnh tật, vì thiếu săn sóc, trong khi người ta có thể dễ dàng giúp đỡ họ về vật chất; tôi cung cấp cho họ thầy thuốc, nhà thương, nhà dưỡng lão, thì có gì là độc ác là sai lầm? Tôi để cho nông dân, cho đàn bà có con mọn được rỗi rãi nghỉ ngơi một chút vì họ đầu tắt mặt tối suốt ngày đêm thì chẳng phải là một điều thiện rành rành ra đấy là gì còn nghi ngờ gì nữa? – Piotr nói lắp bắp, vội vàng – và tôi đã làm như thế, tuy tôi làm tồi, làm được ít, nhưng dẫu sao cũng đã có làm một cái gì về mặt ấy, còn anh nói thế nào thì nói, chứ tôi thì tôi vẫn tin rằng những việc tôi làm là vlệc tốt, hơn nữa, tôi vẫn tin rằng bản thân anh không nghĩ như những điều anh nói. Nhưng cái chính – Piotr nói tiếp – là tôi biết và tôi biết chắc rằng niềm vui sướng khi làm việc thiện chính là lạc thú duy nhất chân chính trong cuộc đời.

– Phải, nếu đặt vấn đề như vậy thì lại khác – công tước Andrey nói – Tôi xây một ngôi nhà, tôi trồng một khu vườn, còn cậu thì cậu làm nhà thương. Cả hai việc này đều có thể dùng để tiêu hao ngày tháng. Còn cái gì là đúng, cái gì là tốt thì hãy để cho người nào biết tất cả phê phán chứ đó không phải là nhiệm vụ của chúng ta. Nhưng cậu đã muốn tranh luận – công tước Andrey nói thêm – thì ta cứ tranh luận.

Hai người rời khỏi bàn ăn đến ngồi ở trên cái thềm thay thế bao lơn. Công tước Andrey nói tiếp:

– Nào, ta thử tranh luận xem. Cậu nói đến trường học – Công tước Andrey vừa nói vừa gập đốt ngón tay, – giáo dục v.v… thế nghĩa là cậu muốn kéo anh chàng kia – Chàng chỉ một người nông dân đang cất mũ đi qua trước mặt hai người – ra khỏi tình trạng súc vật của hắn và làm cho hắn có được có được nhu cầu tinh thần, nhưng tôi cảm thấy cái hạnh phúc duy nhất có thể có được là hạnh phúc của súc vật, ấy thế mà cậu lại muốn tước mất của hắn cái hạnh phúc ấy. Tôi thèm muốn được như hắn, còn cậu thì muốn làm cho hắn giống như tôi nhưng lại không cho hắn những phương tiện của tôi. Cậu lại nói giảm nhẹ sức lao động của hắn. Nhưng theo ý tôi lao động thể lực đối với hắn là một điều cần thiết, cũng là một điều kiện tồn tại như lao động trí óc đối với tôi. Cậu không thể nào không suy nghĩ. Tôi đi ngủ lúc hai giờ sáng, bao nhiêu tư tưởng đến với tôi và tôi không tài nào ngủ được, trằn trọc và thao thức mãi cho đến sáng bởi vì tôi suy nghĩ và tôi không thể nào không suy nghĩ được; cũng như hắn không thể nào không cày, không cắt cỏ được; nếu không thì hắn sẽ vào quán rượu hay sẽ sinh bệnh. Cũng như tôi sẽ không thể nào chịu đựng được thứ lao động thể lực ghê sợ của họ và sau một tuần tôi sẽ chết, thì họ cũng không thể nào chịu đựng được sự nhàn rỗi về thể xác của tôi họ sẽ phát phì ra và sẽ chết. Còn về điểm thứ ba thì cậu nói thế nào nhỉ?

Công tước Andrey gập ngón tay thứ ba lại.

– À phải rồi, cậu nói đến nhà thương, nghĩ đến thuốc men. Hắn bị trúng phong, hắn sắp chết, cậu trích huyết cho hắn, cậu chữa cho hắn khỏi. Hắn sẽ thành một người tàn phế trong mười năm, làm thành một gánh nặng cho mọi người. Để cho hắn chết chẳng phải là êm thấm hơn và đơn giản hơn không? Sẽ có những người khác sinh ra, và cứ nguyên như thế này họ cũng đông lắm rồi. – Giá thử cậu tiếc vì mất thêm một người thợ thì còn nghe được – tôi quan niệm như thế đấy! Đằng này cậu lại cứu hắn chỉ vì thương hắn mà thôi. Nhưng hắn có cần cậu thương đâu? Lại còn cái ý nghĩ vớ vẩn tưởng thuốc trị được bệnh nữa. Thử hỏi y học đã có bao giờ cứu được ai chưa? Giết người thì có! – chàng cau mày hằn học và quay mặt đi.

Công tước Andrey trình bày những tư tưởng của mình một cách rõ ràng và chính xác đến nỗi có thể thấy rằng chàng đã nhiều lần nghĩ đến tất cả những điều đó, và chàng nói một cách thích thú và nói rất nhanh như một con người đã lâu không có dịp nói.

Những lý luận của chàng bi quan thì khoé mắt của chàng lại càng linh hoạt lên.

– Ồ như vậy thì thực là khủng khiếp, khủng khiếp! – Piotr nói. – Tôi không thể nào quan niệm được rằng người ta có thể sống với những tư tưởng như vậy. Riêng tôi, tôi cũng đã có những giây phút như vậy, gần đây thôi, khi ở Moskva và trong lúc đi đường. Nhưng lúc bấy giờ tôi đi đến tình trạng là tôi không sống nữa, cái gì tôi cũng thấy xấu xa quá… và nhất là cả bản thân tôi cũng thế. Thế rồi tôi không ăn, không tắm rửa, còn anh – anh thế nào?

– Tại sao lại không tắm rửa, không tắm thì bẩn – Công tước Andrey nói, – Trái lại phải cố gắng làm sao cho cuộc sống của mình thật thú vị chứ? Tôi sống, và đó không phải là lỗi của tôi, vậy thì phải tìm cách sống sao cho hết sức thoải mái, không làm phiền đến ai, sống mãi cho đến chết mới thôi…

– Nhưng đã có những tư tưởng như vậy thì cái gì làm cho anh thích sống kia chứ? Trong hoàn cảnh như thế người ta sẽ ngồi yên không cử động, không làm gì hết.

– Dẫu sao cuộc sống cũng không để cho anh ngồi yên. Tôi sẽ rất sung sướng nếu chẳng phải làm việc gì hết, nhưng một mặt giới quý tộc ở đây lại cho tôi cái vinh dự được chọn làm đại biểu của họ: tôi phải từ chối mãi mới được. Họ không muốn hiểu rằng tôi không muốn có những đức tính cần thiết, không có cái tính hiền lành và đon đả hơi dung tực, là cái cần thiết cho công việc ấy. Rồi lại còn cái nhà này nữa, tôi phải xây dựng nó lên để có một chỗ mà sống cho yên ổn. Bây giờ lại sinh ra việc tuyển mộ dân quân.

– Tại sao anh không vào quân đội?

– Sau trận Austerlix ấy à? – Công tước Andrey nói, vẻ mặt sa sầm. – Không ạ, xin đa tạ, tôi đã tự hứa với mình là không gia nhập quân đội chiến đấu của nước Nga nữa. Và tôi nhất định sẽ không gia nhập, dù cho Buônapartơ có đến đây, gần Smolensk, uy hiếp Lưxye Gôrư, tôi cũng sẽ không nhập ngũ. Này tôi nói thật với cậu – công tước Andrey nói tiếp, dần dần trấn tĩnh lại – Bây giờ người ta đang tuyển dân quân, cha tôi là tổng tư lệnh khu ba, và biện pháp duy nhất đối với tôi để tránh quân địch và làm việc dưới quyền cha tôi.

– Như thế tức là anh làm việc quân rồi chứ còn gì?

– Phải, – chàng im lặng một lát.

– Thế thì tại sao anh lại làm việc quân?

– Là vì thế này. Ông cụ tôi là một trong những người ưu tú nhất của thời đại trước. Ông cụ tôi đã già và tuy không phải là người tàn ác tính tình ông cụ quá hiếu động. Ông cụ đáng sợ vì đã quen nắm quyền lực vô hạn, và bây giờ thì hoàng đế lại giao cho những người tổng tư lệnh dân quân một quyền lực như thế. Cách đây hai tuần, nếu tôi đến chậm hai giờ thì ông cụ đã sai treo cổ một lên thư lại ở Yukhnov – Công tước Andrey mỉm cười nói

– Cho nên tôi ra làm việc bởi vì ngoài tôi ra không có ai có uy tín đối với cha tôi, và thỉnh thoảng tôi có thể ngăn cản không để cha tôi làm những việc mà sau này ông cụ sẽ hối hận.

– Đấy anh đã thấy chưa.

– Phải, nhưng không phải như cậu quan niệm đâu! – công tước Andrey nói tiếp – Trước đây cũng như bây giờ tôi không hề có chút thiện cam nào với cái thằng thư lại khốn nạn ấy, một thằng đã ăn cắp giày của dân quân. Thậm chí nếu được trông thấy nó lủng lẳng trên giá treo cổ thì tôi sẽ rất lấy làm hài lòng là đằng khác, nhưng tôi thương hại cho ông cụ – tức cũng vẫn là thương hại cho tôi.

Công tước Andrey càng nói càng hăng. Mắt chàng sáng long lanh như đang lên cơn sốt trong khi chàng cố gắng chứng minh cho Piotr thấy rằng trong hoạt động, chàng không hề có ý muốn làm điều thiện cho đồng loại.

– Còn cậu thì cậu muốn giải phóng nông dân – chàng nói tiếp – hay lắm. Nhưng đối với cậu thì chẳng hay đâu (tôi chắc cậu chưa bao gìờ đánh đập ai hay đày ai đi Xibir cả). Còn đối với nông dân lại càng không hay hớm gì. Nếu người ta đánh đập họ, nếu người ta đày họ đi Xibiri thì tôi cho rằng tình cảnh của họ không phải vì thế mà khổ hơn chút nào. Ở Xibir họ cũng sẽ sống cái cuộc sống súc vật như vậy, những vết roi vọt trên người sẽ thành sẹo và họ cũng sẽ sung sướng như cũ. Việc đó có cần là cần cho những kẻ nào đang sa đoạ về đạo đức, sống trong hối hận tìm cách bóp nghẹt lòng hối hận ấy và trở nên bạo ngược vì họ có quyển trừng phạt người khác, thích đáng cũng được mà oan uổng cũng xong. Tôi thương hại là thương hại cho những con người như vậy, và sở dĩ tôi mong muốn giải phóng nông dân cũng là vì những người đó. Có lẽ cậu chưa thấy, nhưng tôi thì tôi đã thấy những người tốt được giáo dục theo cái truyền thống quyền lực vô hạn ấy, rồi dần dần trở thành bẳn tính, tàn nhẫn, bạo ngược. Họ biết như vậy nhưng không thể nào tự kiềm chế được, và càng ngày càng khổ sở.

Công tước Andrey nói những điều đó một cách say sưa đến nỗi Piotr bất giác nghĩ rằng chàng có những tư tưởng này là vì nghĩ đến cha chàng. Piotr không đáp.

– Đấy tôi thương hại những người như thế đấy. Tôi thương cho phẩm giá của con người, cho sự yên tĩnh của lương tâm, cho sự trong sạch, chứ không phải là thương hại cái đầu hay cái lưng của nông dân mà dù người ta có cạo trọc, có quất roi bao nhiêu đi nữa cũng vẫn sẽ là những cái đầu và những cái lưng ấy.

– Không, không: ngàn lần không! Tôi sẽ không bao giờ đồng ý với anh – Piotr nói.

Chú thích:

(1)Kẻ đồng loại

Chọn tập
Bình luận
× sticky