Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 9 – Chương 20

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Sáng ngày mười lăm, tức hai ngày sau, có vô số xe cộ đến đỗ ở trước diện Xlolodxki.

Các phòng đều chật ních những người. Trong gian phòng thứ nhất có những thương gia đeo huân chương, để râu dài và mặc áo kanan xanh. Trong gian phòng của những người quý tộc tụ họp, người ta đi lại rộn rịp và nói chuyện rất ồn ào. Bên một cái bàn lớn, dưới bức chân dung của hoàng thượng, những vị huân tước trọng yếu nhất ngồi trên những chiếc ghế có lưng tựa rất cao, nhưng phần lớn những quý tộc đều đi đi lại lại trong phòng.

Tất cả những người quý tộc, chính những người hàng ngày vẫn gặp Piotr hoặc ở câu lạc bộ hoặc ở nhà họ, – tất cả đều mặc phẩm phục, người thì mặc theo kiểu thời Ekterina, người thì mặc theo kiểu thời Pavel, người thì mặc theo kiểu mới của thời Alekxandr, người thì mặc theo kiểu quý tộc phổ thông, và tính chất trung của những bộ phẩm phục này khiến cho các nhân vật già có trẻ có, rất đa dạng và rất quen thuộc này có thêm một vẻ gì thật lạ lùng và huyền hoặc. Đập vào mắt người ta mạnh nhất là mấy ông già, mù loà, móm mém, hói trơn hói trụi, núc ních những mỡ, da căng và vàng, hoặc trái lại gầy gò, nhăn nheo. Số đông những người này ngồi yên một chỗ và im lặng, nếu có đi lại và nói những chuyện bình thường của ngày hôm qua: ván bài boston, tài năng của anh đầu bếp Petruska hay sức khoẻ của bà Zinaida Dmitrievna v.v…

Piotr cũng có mặt ở trong văn phòng: từ sáng sớm chàng thắng bộ phẩm phục nay đã chật cứng khiết cho chàng rất vướng víu.

Chàng rất hồi hộp: cuộc hội họp bất thường này không phải chi gồm có giới quý tộc, mà còn gồm cả giới thương gia nữa – các estats généraux – (Tam cấp hội nghị) này đã thức tỉnh trong lòng chàng cả một loạt tư tưởng mà chàng đã xao lãng từ lâu nhưng vẫn khắc sâu trong tâm trí chàng: những tư tưởng về Khế ước xã hội và về cuộc cách mạng Pháp. Những lời trong bản hiệu triệu mà chàng đã chú ý, nói rằng hoàng thượng sẽ về thủ đô để bàn bạc với thần dân, khiến cho chàng càng thêm tin chắc vào quan điểm này. Chàng cho rằng đang có một cái gì quan trọng, một cái gì mà chàng đã chờ đợi từ lâu, sắp diễn ra theo hướng này. Chàng đi đi lại lại, chú ý nhìn, lắng nghe những câu chuyện chung quanh, nhưng không hề tìm thấy một dấu hiệu gì biểu hiện những ý nghĩ đang khiến chàng bận tâm.

Bản tuyên ngôn của nhà vua đọc lên khiến ai nấy đều nức lòng, rồi sau đó mọi người đều tản ra nói chuyện. Ngoài những chuyện thường ngày, Piotr còn nghe họ bàn tán không biết các đại biểu quý tộc sẽ đứng ở chỗ nào khi vua vào, đến hôm nào sẽ mở vũ hội mời nhà vua, nên phân chia như thế nào, từng huyện hay từng tỉnh, v v; nhưng hễ cứ nói đến chiến tranh hay đến mục đích buổi họp quý tộc hôm nay, là câu chuyện trở nên lúng túng và mập mờ. Ai cũng muốn nghe nhiều hơn là nói.

Một người đứng tuổi, đẹp vóc, rắn rỏi, mặc bộ quân phục sĩ quan hải quân về hưu đang đứng nói trong một gian phòng trong điện, và xung quanh có một đám người xúm lại nghe. Piotr lại gần và lắng tai.

Bá tước Ilya Andreyevich mặc chiếc áo kaftan của đại biểu quý tộc thời Ekaterina, miệng mỉm một nụ cười đáng yêu, đi giữa đám người mà ông ta cũng quen, lại gần nhóm đó và bắt đầu nghe với nụ cười hiền hậu mà ông thường có mỗi khi nghe có ai nói chuyện, thỉnh thoảng lại gật đầu với người đang nói để tỏ ý tán thành. Viên sĩ quan hải quân về hưu nói rất bạo miệng; điều đó thấy rõ qua vẻ mặt các thính giả. Hơn nữa, những người mà Piotr vốn biết là thuộc số hiền lành và phục tòng nhất đều lảng đi, ra vẻ không tán thành, hoặc cãi lại. Piotr len vào giữa đám đông, lắng nghe một lát và thấy rõ rằng quả nhiên người đang nói là một người có tư tưởng tự do, nhưng theo một lối khác hẳn với quan niệm của chàng. Viên sĩ quan hải quán nói với cái giọng trầm trầm của những người quý tộc, vang vang như tiếng hát, với một lối uốn lưỡi dễ nghe, luôn luôn bỏ bớt các phụ âm, cái giọng mà người ta thường dùng để gọi gia nhân: “Dọn trà! Đưa tẩu thuốc đây!” v.v…

Ồng ta nói với cái giọng của một người đã quen sống phóng khoáng và quen chỉ huy.

– Dân Smolensk đề nghị nộp dân binh lên hoàng thượng à? Thế thì đã làm sao! Lời của người Smolensk có phải là mệnh lệnh cho chúng ta đâu? Nếu những người quý tộc ở Moskva thấy cần, thì họ có thể bày tỏ lòng tận trung với hoàng thượng bằng những cách khác.

– Chẳng nhẽ chúng ta quên chuyện quân binh năm 1807 rồi sao? Chỉ được một dịp cho bọn quân nhu và bọn ăn cắp làm giàu thôi.

Bá tước Ilya Andreyevich mỉm cười dịu dàng và gật đầu tỏ ý tán thành.

– Thế dân binh của chúng ta đã đem lại lợi ích cho nhà nước nào? Chẳng đem lại lợi ích gì hết! Chỉ tổ cho các trang trại của ta kiệt quệ. Thà mộ lính còn hơn… nếu không, khi họ trở về với chúng ta thì lính chẳng ra lính, nông dân chả ra nông dân, chỉ là một thứ vô lại Người quý tộc không hề tiếc tính mạng, bản thân chúng ta sẽ đi không hề xót người nào, chúng ta sẽ tuyển thêm tân binh, và hoàng thượng chỉ cần hô lên một tiếng là tất cả chúng ta sẽ chết vì Ngài, – diễn giả nói thêm, sôi nổi hẳn lên.

Ilya Andreyevich nuốt nước bọt vì thích thú và lấy khuỷu tay huých Piotr, nhưng bấy giờ Piotr cũng đang muốn nói. Chàng bước lên phía trước, lòng thấy hứng khởi, nhưng chính chàng cũng chưa rõ vì sao và cũng chưa biết mình sẽ nói gì. Chàng vừa mở miệng ra để nói thì một vị nguyên lão, mồm không còn một cái răng nào, vẻ mặt thông minh và cáu kỉnh, bấy giờ đang đứng cạnh diễn giả, đã ngắt lời Piotr. Hẳn là đã quen tiến hành những cuộc tranh luận, ông ta nói khẽ, nhưng nghe rất rõ.

– Thưa ngài, – vị nguyên lão móm mém nói. – Tôi thiết tưởng chúng ta được triệu tập tại đây không phải để bàn xem nên mộ lính hay nên tuyển dân binh, đằng nào có lợi cho nhà nước lớn hơn. Chúng ta đến đây là để đáp lại lời kêu gọi mà hoàng thượng đã ban xuống cho chúng ta. Còn về việc mộ lính hay tuyển dân binh đằng nào có lợi ích hơn thì ta hãy để cho chính quyền tối cao…

Piotr chợt tìm được một cơ hội để cho tâm trạng hứng khởi của chàng phát tiết. Chàng căm tức vị nguyên lão đã đưa những quan niệm chính thống và hẹp hòi này vào những công việc sắp tới của giới quý tộc, Piotr bước lên và ngăn ông ta lại. Chàng cũng chẳng biết mình sẽ nói gì, nhưng chàng vẫn bắt đầu nói rất hăng, thỉnh thoảng lại chêm vào những tiếng Pháp, và nói tiếng Nga như trong sách.

– Xin đại nhân thứ lỗi cho, – chàng mở đầu, (Piotr quen khá thân vị nguyên lão này, nhưng ở đây chàng cần phải dùng một giọng trang trọng như vậy). – tuy tôi không tán thành ý kiến của vị này… – Piotr lúng túng. Chàng muốn nói vị rất đáng kính đã phát biểu trước tôi, vị này mà tôi chưa có vinh dự được quen biết, nhưng tôi cho rằng tầng lớp quý tộc, ngoài việc biểu lộ sự đồng cảm và lòng phấn khởi của mình ra, còn được triệu tập lại đây để thảo luận những biện pháp mà ta có thể dùng để giúp ích cho tổ quốc.

– Tôi thiết tưởng, – chàng hăng lên nói, – rằng chính hoàng thượng cũng sẽ không được hài lòng, nếu ngài thấy chúng ta chỉ là những người làm chủ nông nô, làm chủ một mớ thịt làm mồi cho đại bác, mà không tìm thấy ở chúng ta một… một… một ý kiến gì cả.

Nhiều người lảng ra khỏi nhóm khi thấy nụ cười khinh bỉ của vị nguyên lão và thấy Piotr nói năng quá tự do; chỉ có một mình Ilya Andreyevich hài lòng về lời lẽ của chàng, cũng như ông đã hài lòng về những lời mà mình nghe sau cùng.

– Tôi thiết tưởng trước khi thảo luận những vấn đề này. – Piotr nói tiếp – chúng ta phải xin hoàng thượng cho chúng ta biết hiện nay có bao nhiêu quân lính, tình hình của quân đội ta hiện nay ra sao: và được như vậy thì…

Nhưng Piotr chưa kịp nói xong đã bị công kích tới tấp từ ba phía. Người công kích mạnh hơn cả là một người mà chàng đã quen từ lâu một người rất ham đánh bài boston, xưa nay vẫn có thiện cảm với chàng, là Stepan Stepanovich Aprakxin. Stepan Stepanovich mặc phẩm phục, và vì bộ phẩm phục này hoặc vì những nguyên nhân nào khác, Piotr có cảm tưởng như trước mặt mình là một người khác hẳn. Gương mặt già nua của Stepan Stepanovich bỗng lộ vẻ hằn học. Ông ta quát bảo Piotr.

– Trước hết xin ngài cho biết chúng ta không có quyền hỏi hoàng thượng về việc đó, và sau bữa ăn, dù cho giới quý tộc Nga có quyền như vậy, hoàng thượng cũng không thể trả lời cho chúng ta được. Quân ta đi chuyền tuỳ theo cách hành quân của địch – số quân giảm bớt hay tăng lên…

Người thứ hai công kích Piotr là một người tầm thước, trạc bốn mươi tuổi, mà trước kia Piotr vẫn gặp ở các nhà Di-gan và biết rõ là một tay rất máu me cờ bạc. Trong bộ phẩm phục trông ông ta cũng khác hẳn. Ông ta bước tới và ngắt lời Aprakxin.

Mà bây giờ không phải là lúc nghị luận, bây giờ là lúc phải hành động: chiến tranh đang diễn ra trên đất Nga. Quân thù đang manh tâm tiêu diệt nước Nga, giầy xéo lên mồ mả tổ tiên chúng ta bắt vợ con chúng ta đi. – Nói đến đây ông ta đấm ngực. – Chúng ta sẽ nhất loạt đứng lên, chúng ta sẽ cùng hy sinh vì Sa hoàng, người cha yêu quý của chúng ta! – Ông ta quát lên, đôi mắt đỏ ngầu trợn ngược. Trong đám đông ấy có những tiếng xôn xao tỏ ý tán thành. – Chúng ta là người Nga, chúng ta sẵn sàng đổ máu để bảo vệ tín ngưỡng ngai vàng và tổ quốc. Nếu chúng ta là những người con của tổ quốc thì không nên nói những chuyện vẩn vơ nữa. Chúng ta sẽ cho châu Âu thấy rõ nước Nga đứng lên bảo vệ nước Nga như thế nào. – Người quý tộc lớn tiếng quát.

Piotr muốn cãi lại, nhưng chàng không nói được câu nào cả.

Chàng cảm thấy lời mình nói ra bất luận nội dung ra sao cũng sẽ không có tác dụng bằng những lời lẽ khí khái của người quý tộc kia. Ilya Andrevich đứng ở phía sau tỏ ý tán thành; sau khi diễn giả nói hết một câu có mấy người hăm hở quay về phía ông ta nói:

– Đúng thế đấy! Đúng đấy!

Piotr muốn nói rằng chàng không có ý phản đối việc hy sinh tiền của hay nông nô, hay ngay cả bản thân mình cũng vậy, nhưng cần phải biết tình trạng hiện nay để tìm cách cải thiện nó, nhưng chàng không nói được.

Nhiều người cùng ta ó và cùng nói một lúc, đến nỗi Ilnya Andreyevich không kịp gật đầu tán thành hết được. Nhóm người lớn lên tản ra, rồi lại họp lại, vừa nói chuyện ồn ào vừa kéo vào phòng rộng, đến cạnh chiếc bàn lớn. Không những Piotr không nói được gì, người ta lại còn ngắt lời chàng một cách thô bạo, quay phắt đi và xa lánh chàng như xa lánh một kẻ thù chung. Sở dĩ như vậy không phải là vì họ không bằng lòng với những lời lẽ của chàng, – sau chàng có rất nhiều người nói, cho nên họ cũng quên khuấy đi – mà là vì, muốn kích thích đám đông, phải có một đối tượng cụ thể để yêu mến hay để căm thù. Piotr đã thành cái đối tượng căm ghét này. Sau người quý tộc hăng hái kia có rất nhiều người nói, và ai nấy đều cùng nói một giọng như vậy. Nhiều người nói rất hay và rất độc đáo.

Ông chủ nhiệm báo “Tín sứ Nga” là Glinka(1) (người ta nhận được ông ta ngay, trong đám đông có tiếng xôn xao: “nhà vua đấy!”) bàn rằng phải lấy địa ngục, rằng ông ta đã từng trông thấy một đứa trẻ mỉm cười trong ánh chớp và trong tiếng sấm ầm ầm, “nhưng chúng ta sẽ không như đứa trẻ này”.

– Phải, phải, trong tiếng sấm! – Ở các hàng sau có tiếng người hưởng ứng.

Đám đông lại gần chiếc bàn lớn, nơi có những vị huân tước bảy mươi tuổi mặc phẩm phục: đeo dây thao, tóc bạc, đầu hói đang ngồi. Hầu hết những người này, Piotr đã gặp ở nhà với những thăng hề của họ hay ở câu lạc bộ trong khi họ đang đánh bài boston. Đám đông lại đến gần bàn, vẫn nói chuyện ồn ào như cũ. Các diễn giả bị ô đẩy vào những chiếc lưng tựa rất cao so với mấy chiếc ghế, lần lượt lên tiếng. Đôi khi hai diễn giả cùng nói một lúc. Những người đứng sau chốc chốc lại nhìn thấy diễn giả nói sót ý và vội vàng nói chen vào cho đủ. Những người khác, mặc dầu đứng chen chúc trong gian phòng chật chội và nóng nực này, cũng cố bới óc tìm xem có ý nghĩ gì không và vội vàng nói ra. Những vị huân tước già mà Piotr quen biết ngồi yên, hết đưa mắt nhìn người này lại nhìn sang người kia; và vẻ mặt phần lớn các vị đó chỉ biểu lộ một điều, là họ thấy nóng bức quá. Tuy vậy, Piotr cũng thấy cảm động, và lòng mong mỏi của mọi người muốn tỏ ra rằng không có gì có thể ngăn cản chúng ta – một lòng mong mỏi biểu lộ ra trong vẻ mặt và trong giọng nói nhiều hơn là trong nội dung những lời phát biểu – cũng truyền sang chàng. Chàng không từ bỏ những ý nghĩ của mình, nhưng cũng cảm thấy như mình có lỗi và cứ muốn thanh minh.

– Tôi muốn nói rằng chúng ta có thể hy sinh tốt hơn khi nào chúng ta đã rõ nhà nước cần những gì, – Piotr cố nói cho to hơn những người khác.

Một ông già nhỏ bé đứng sát chàng đưa mắt nhìn chàng, nhưng vừa lúc ấy có tiếng quát ở cuối bàn.

– Phải, Moskva sẽ bị bỏ ngỏ! Nó sẽ hy sinh để cứu nhân loại? – Một người quát lên.

– Hắn là kẻ thù của loài người! – một người khác kêu lên. – Tôi xin nói… Thưa các vị, các vị làm tôi nghẹn thở mất.

Chú thích:(1) Tạp chí có xu hướng yêu nước do Glinka (xem phụ lục) xuất bản ở Moskva trong khoảng 1808 – 1824.

Chọn tập
Bình luận