Berg, người con rể của ông bà Roxtov, bấy giờ đã lên đến chức đại tá, đeo huân chương Vladimir và huân chương Anna trên cổ vẫn làm một chức vụ yên tĩnh và thú vị là chức sĩ quan phục việc ở văn phòng thứ nhất của tham mưu trưởng quân đoàn hai.
Ngày mồng một tháng chín, Berg từ quân đội trở về Moskva.
Chàng chẳng có việc gì ở đây cả; nhưng chàng nhận thấy rằng trong quân đội ai cũng về Moskva để làm một việc gì đấy. Cho nên chàng cũng thấy cần phải xin về đấy để thu xếp việc nhà.
Berg đến nhà ông nhạc trên cỗ xe rất lịch sự thắng hai con ngựa hồng béo tốt, bờm và đuôi đen, giống như đúc hai con ngựa của một vị công tước mà chàng quen biết. Chàng chăm chú nhìn những chiếc xe tải ở ngoài sân, và khi bước lên bậc thềm, chàng rút chiếc khăn mùi soa sạch sẽ ra, thắt góc khăn lại thành một cái nút, Từ phòng ngoài, Berg bước vội vào phòng khách ôm hôn bá tước hôn tay Natasa và Sonya rồi vội vàng hỏi thăm sức khoẻ của bà nhạc. Lão bá tước nói:
– Lại còn hỏi sức khoẻ! Nào, anh thử nói tôi nghe nào, quân đội ra sao? Sẽ rút lui hay mở một trận nữa?
Berg nói:
– Thưa ba, chỉ có Thượng đế vĩnh hằng mới có thể định đoạt số phận của tổ quốc. Quân đội thì đang hừng hực tinh thần anh dũng, và hiện nay các vị tư lệnh đang họp hội đồng. Rồi đây sẽ ra sao thì không biết… Nhưng con xin thưa với ba là nói chung cái tinh thần dũng cảm, cái tinh thần quả cảm của quân đội Nga, thật xứng đáng với các anh hùng cổ đại, mà họ đã biểu lộ ra trong trận chiến đấu ngày hai mươi sáu thì không có lời nào tả xiết… con xin thưa với ba rằng (chàng đấm vào ngực đúng như một viên tướng đã từng đấm ngực khi nói mấy câu này trước mặt chàng, tuy chàng đấm có hơi muộn, vì lẽ ra phải đấm ngực đúng vào lúc nói mấy chữ “quân đội Nga”), con xin nói thật rằng những người chỉ huy như con không những không phải thúc ép quân sĩ mà lại còn phải kìm bớt những cái… những cái… phải, những chiến công anh hùng chẳng kém gì các anh hùng cổ đại ấy, – câu này chàng nói một hơi rất nhanh. – Ở nơi nào đại tướng Barclay de Tolly cũng luôn luôn xông pha ở hàng đầu quân đội. Còn quân đoàn của con thì bố trí ở một sườn núi. Ba thử tưởng tượng xem! – và đến đây Berg kể lại tất cả những điều chàng còn nhớ được qua những câu chuyện chàng đã nghe kể gần đây, Natasa cứ nhìn chòng chọc vào Berg khiến chàng lúng túng, dường như nàng muốn tìm ở trên mặt Berg một lời giải đáp cho một vấn đề gì đang khiến nàng bận tâm.
– Nói chung cái tinh thần anh dũng mà các chiến sĩ Nga đã biểu lộ ra thì thật không thể nào tưởng tượng cho hết, không thể tìm một lời ngợi khen cho xứng đáng? – Berg vừa nói vừa đưa mắt nhìn sang Natasa, và dường như muốn xin nàng buông tha cho, chàng cười nụ để đáp lại cái nhìn chòng chọc của Natasa – Chàng nói tiếp: “Nước Nga không phải ở Moskva, nước Nga ở trong lòng những người con của nó!” Thưa ba có phải thế không ạ?
Vừa lúc ấy bá tước phu nhân từ trong phòng đi-văng bước ra, vẻ mệt mỏi và bực dọc. Berg vội vã đứng phắt dậy hôn tay phu nhân, hỏi thăm sức khoẻ của bà và lắc đầu tỏ ý ái ngại, đứng yên bên cạnh bà.
– Phải, thưa mẹ, con xin nói thật rằng đây là một thời buổi khó khăn và buồn khổ cho mọi người Nga. Nhưng việc gì phải lo âu? Bây giờ mẹ đi hãy còn kịp…
– Tôi không hiểu hiện nay người ta làm những gì, – bá tước phu nhân nói với chồng, – Họ vừa nói với tôi là sửa soạn chưa xong gì cả.
– Phải có người sai bảo họ với chứ. Thế này đâm ra lại tiếc thằng Mityeuka. Cứ mãi thế này thì rồi không biết đến bao giờ!
Bá tước định nói một câu gì nhưng rồi nghĩ lại thế nào lại thôi.
Ông rời ghế đứng dậy đi ra cửa.
Bấy giờ Berg, tuồng như để xỉ mũi, rút khăn mùi soa ra và nhìn cái nút thắt ở góc khăn, nghĩ ngợi một lát, buồn bã lắc đầu một cách có ý nghĩa. Chàng nói:
– À, thưa ba, con có một việc quan trọng cầu xin ba…
– Hả?… – bá tước dừng lại nói.
Trong ấy có một cái tủ con và một cái bàn trang điểm thật là… Chắc ba cũng biết rằng Veruska vẫn ước ao có một cái bàn như thế, chúng con đã có lần cãi nhau về việc này (khi nói đến chiếc tủ con và cái bàn trang điểm Berg bất giác chuyển sang cái giọng vui mừng mà chàng vẫn thường có mỗi khi nói đến những tiện nghi trong nhà chàng). Trông thích quá: có nhiều ngăn rút ra được, lại có một cái ngăn kéo bí mật kiểu Anh nữa ba ạ! Veruska muốn có một chiếc từ lâu. Cho nên con muốn cho nhà con một món quà bất ngờ. Ở đây con thấy có nhiều nông dân ở ngoài sân. Ba cho con mượn một đứa, con sẽ cho tiền uống rượu rất hậu và…
Bá tước cau mày và đằng hắng mấy cái.
– Anh hỏi bá tước phu nhân ấy, tôi không biết.
Nếu phiền thì thôi vậy, – Berg nói. – Nguyên con chỉ muốn làm cho Veruska mừng.
– Chà thôi! Cút hết đi cho rảnh, cút đi, cút đi!. – Lão bá tước quát, Váng hết cả đáu lên! – Nói đoạn bá tước bỏ ra ngoài.
Bá tước phu nhân khóc.
– Phải! Thưa mẹ, thời buổi thật là khó khăn, – Berg nói.
Natasa theo bố và có vẻ đang chật vật suy nghĩ điều gì lúc đầu còn đi theo bá tước, nhưng về sau nghĩ thế nào nàng lại rẽ xuống thang gác.
Trên bậc thềm, Petya đang đứng phân phát vũ khí cho các gia nhân sẽ ra khỏi Moskva. Những chiếc xe tải đã thắng ngựa vẫn đứng ngoài sân. Có hai chiếc đã tháo dây ràng. Một viên sĩ quán, có một người lính cần vụ đỡ, đang leo lên một trong hai chiếc xe ấy.
– Chị có biết vì việc gì không? – Petya hỏi Natasa (Natasa hiểu ngay rằng Petya muốn hỏi vì sao cha mẹ cãi nhau). Nàng không đáp.
– Vì cha muốn nhường tất cả các xe vận tải cho thương bình, Petya nói. – Valxilits bảo em thế. Em thì em cho rằng…
– Tao thì tao cho rằng… – Natasa bỗng quay mặt vào Petya nói to gần như quát lên, vẻ giận dữ… tao cho rằng như thế thật là xấu xa, thật là ti tiện hết sức! Chúng ta có phải là người Đức đâu chứ?
Cổ nàng nghẹn ngào vì những tiếng nấc. Và sợ rằng cơn giận của mình sẽ giảm bớt nếu để cho nó phát tiết ra một cách vô ích, nàng hấp tấp quay gót và chạy rất nhanh lên thang gác. Berg đang ngồi cạnh bá tước phu nhân, lựa lời kính cẩn và thân mật an ủi bà nhạc.
Bá tước tay cầm tẩu thuốc đang đi đi lại lại trong phòng khi Natasa mặt này muốn biến sắc đi vì tức giận chạy xổ vào như một trận cuồng phong và bước rất nhanh về phía mẹ.
– Thật là ghê tởm, thật là ti tiện – Nàng quát lên. Không thể tin là mẹ đã bảo họ làm như vậy được.
Berg và bá tước phu nhân ngơ ngác và kinh hãi nhìn nàng. Bá tước dừng lại bên cửa sổ lắng tai nghe ngóng.
– Mẹ ạ, không thể như thế được; mẹ thử nhìn ra sân mà xem! – nàng thét lên. – Họ phải ở lại đấy!
Con làm sao thế? Họ là ai? Con muốn làm gì?
– Họ là thương binh ấy! Không thể như thế được mẹ ạ; như thế thì chẳng còn ra làm sao nữa… không phải, mẹ yêu dấu của con ạ: không phải thế, mẹ tha lỗi cho con, mẹ ạ. Mẹ ơi những đồ đạc chúng ta mang đi theo, đối với nhà ta có nghĩa gì! Chỉ xin mẹ nhìn ra sân mà xem… Mẹ ạ!… Không thể như thế được!…
Bá tước đứng lên cửa sổ nghe Natasa nói, không ngoảnh mặt lại. Bỗng ông bắt đầu thở phì phì và ghé mắt sát cửa sổ.
Bá tước phu nhân đưa mắt nhìn con; bà đã thấy cái vẻ hổ thẹn thay cho mẹ trên gương mặt Natasa, bà đã thấy rõ nàng xúc động đến nhường nào, và đã hiểu tại sao chồng bà không ngoảnh mắt lại nhìn bà. Bá tước phu nhân bàng hoàng đưa mắt nhìn quanh.
– Chà, thôi các người muốn làm gì thì làm. Tôi có hề ngăn cản ai đâu? – Phu nhân nói, tuy vẫn chưa chịu thua hẳn.
– Mẹ ơi, mẹ yêu dấu của con, mẹ tha thứ cho con!
Nhưng bá tước phu nhân đẩy con gái ra và lại gần bá tước.
– Mình ạ! – mình xem nên thế nào thì cứ bảo nó làm… vừa rồi là vì tôi không rõ.
Phu nhân nói, mắt nhìn xuống đất như người có lỗi.
– Trứng… trứng mà lại đòi dạy khôn cho vịt… – bá tước nói nghẹn ngào qua những giọt nước mắt sung sướng ôm hôn phu nhân bấy giờ đang hài lòng được giấu khuôn mặt hổ thẹn của mình vào ngực chồng.
– Ba ơi, mẹ ơi! Cho con đi bảo họ nhé! Nhé… – Natasa nói. – Chúng ta vẫn sẽ mang theo những thứ gì cần thiết.
Bá tước gật đầu ưng thuận, và Natasa chạy rất nhanh như những khi chơi trò chạy thi, lao mình qua phòng lớn, đâm bổ vào phòng trước và nhảy xuống thang gác ra sân.
Gia nhân vây quanh Natasa và không chịu tin cái mệnh lệnh kỳ quái mà nàng truyền đạt lại, mãi cho đến khi bá tước phu thân hành thay mặt cho phu nhân ra xác nhận nhường tất cả các xe tải cho thương binh, còn rương hòm thì bỏ vào các nhà kho. Nghe xong, gia nhân vui mừng và cần măn bắt tay vào công việc mới. Bây giờ không những cho việc này là kỳ quặc, mà ai nấy còn thấy rằng không thể làm cách nào khác thế được.
Tất cả những người ở trong nhà, dường như lấy làm tiếc rằng, đã không làm việc này sớm hơn, đều đon đả bắt tay vào việc xếp chỗ cho các thương binh. Những người bị thương lê ra khỏi phòng, vây quanh mấy chiếc xe tải, gương mặt xanh xao nhưng mừng rỡ. Ở các nhà bên cạnh cũng có tin truyền đi là có xe tải chở thương binh, và những người bị thương có nghỉ ở các nhà khác bắt đầu lục tục kéo đến gia đình Roxtov. Trong số các thương binh có nhiều người yêu cầu đừng cất bỏ đồ đạc, cứ để cho họ ngồi lên trên.
Nhưng đồ đạc đã bắt đầu bỏ xuống rồi và không thể ngừng được nữa. Để lại tất cả hay để lại một nửa thì những bát đĩa, những tượng đồng, những bức hoạ, những tấm gương mà đêm qua họ đã ra công xếp đặt cẩn thận như vâỵ, thế nhưng họ vẫn tìm ra cách bỏ bớt thêm nhiều đồ đạc nữa để có thêm xe cho thương binh.
– Có thể chở thêm bốn người nữa – viên quản lý nói, – Tôi xin nhường chiếc xe chở đồ đạc của tôi, chứ không thì họ sẽ ra sao?
– Cả chiếc xe chở tủ quần áo của tôi nữa, – bá tước phu nhân nói, – Dunusia sẽ cùng ngồi xe với chúng tôi cũng được.
Chiếc tủ áo cũng được bỏ xuống, và chiếc xe được đánh đi đón thương binh ở cách đây hai nhà. Tất cả những người trong gia đình cũng như các gia nhân đều phấn chấn vui vẻ. Natasa bấy giờ ở trong một tâm trạng khích động và sung sướng mà đã từ lâu nàng chưa cảm thấy.
Mấy người đầy tớ đang cố buộc một chiếc hòm ở phía sau một cỗ xe. Họ nói:
– Làm thế nào mà buộc bây giờ? Ít ra cũng phải để lại một chiếc xe tải mới được.
– Hòm dựng gì thế? – Natasa hỏi.
– Đựng sách của bá tước.
– Để xuống. Vaxilits sẽ mang cất đi. Sách thì chẳng cần.
Trong xe đã chật ních. Họ băn khoăn hỏi nhau không biết Piotr sẽ ngồi vào đâu.
– Ngồi trên ghế xà ích ấy. Phải không Petya – Natasa gọi to.
Sonya cũng xếp dọn không ngừng tay; nhưng mục đích của nàng ngược hẳn với mục dích của Natasa. Nàng thu xếp những đồ đạc phải bỏ lại kê thành một danh sách theo nguyện vọng của bá tước phu nhân, và cố tim cách mang theo được từng nào hay từng ấy.
Đến khoảng hơn một giờ trưa bốn cỗ xe nhà của gia đình Roxtov chở nặng những đồ đạc và đã thắng ngựa sẵn sàng đứng ở trước thềm. Những chiếc xe tải chở thương binh lần lượt từ trong sân kéo ra.
Chiếc xe song mã chở công tước Andrey khi đi ngang trước thềm đã khiến Sonya chú ý; bấy giờ nàng đang cùng một người đày tớ gái xếp chỗ ngồi cho bá tước phu nhân trong chiếc xe cao lớn của bà đỗ ở cạnh thềm.
Sonya ló đầu ra cửa xe hỏi:
– Xe ai thế nhỉ?
– Thế tiểu thư không biết à? – người đầy tớ giải đáp, – Xe của vị công tước bị thương, tối qua ngủ tại nhà ta đấy. Xe của công tước sẽ cùng đi với chúng mình.
– Công tước nào? Tên là gì?
Chàng rể ngày trước của nhà ta ấy mà, công tước Bolkonxki đấy! – Người đầy tớ thở dài đáp. Nghe nói sắp chết rồi thì phải.
Sonya nhảy vụt ra khỏi xe và chạy đi tìm bá tước phu nhân lúc bấy giờ đã mặc quần áo đi đường, đội mũ và choàng khăn, vẻ mệt mỏi, đang đi đi lại lại trong phòng khách chờ những người trong gia đình đến đóng cửa phòng một lát(1) và cầu nguyện đôi chút trước khi ra đi. Natasa bấy giờ không có mặt ở trong phòng.
– Mẹ ơi! – Sonya nói, – Công tước Andrey đang ở đây, bị thương gần chết. Anh ấy sẽ cùng đi với nhà ta.
Bá tước phu nhân kinh hãi mở mắt ra và nắm lấy tay Sonya lấm lét nhìn quanh, thều thào:
– Natasa?
Đối với Sonya cũng như đối với bá tước phu nhân, tin này thoạt đầu chỉ có một ý nghĩa duy nhất. Họ đều biết rõ Natasa của họ, và mối lo cho tình trạng của nàng khi nàng biết tin này lấn át hết lòng thương đối với con người mà cả hai đều quý mến. Sonya nói:
– Natasa chưa biết; nhưng anh ấy sẽ đi cùng với chúng ta.
– Con vừa bảo là anh ấy sắp chết à?
Sonya gật đầu:
Bá tước phu nhân ôm chầm lấy Sonya mà khóc.
“Không ai lường hết được những con đường do Chúa định” – Bà nghĩ thầm, lòng cảm thấy trong tất cả những sự việc đang diễn ra đã bắt đầu hiện bàn tay quyền lực vô cùng mà trước kia mắt của con người không thể trông thấy.
– Mẹ ạ xong cả rồi đấy. Mẹ với Sonya có chuyện gì thế… – Natasa chạy vào phòng nói, gương mặt phấn chấn.
– Có chuyện gì đâu, – bá tước phu nhân nói, – Xong rồi à, thế thì ta đi, – Và phu nhân cúi xuống sát chiếc túi thêu để giấu vẻ mặt biến sắc đi vì xúc động. Sonya ôm lấy Natasa và hôn nàng.
Natasa đưa mắt nhìn Sonya có ý dò hỏi:
– Sonya làm sao thế? Có việc gì xảy ra?
– Không… chẳng có gì cả.
Natasa vốn rất tinh ý; nàng hỏi ngay:
Có chuyện không hay cho em à? Chuyện gì thế?
Sonya thở dài không đáp. Bá tước, Piotr, bà Schoss, Vaxilits bước vào phòng khách, họ đóng các cửa lại và mọi người im lặng ngồi xuống một lát, không ai nhìn ai.
Bá tước đứng dậy trước tiên và thở dài đánh phào một cái, đưa tay làm dấu thánh trước bức tượng thánh. Mọi người đều làm theo.
Rồi bá tước ôm hôn Mavra Kuzminísna là người sẽ ở lại Moskva và trong khi họ cầm lấy tay và hôn lên vai ông, bá tước vỗ nhè nhẹ lên lưng họ, miệng lắp bắp mấy câu gì không nghe rõ nhưng rất dịu dàng, ý chừng muốn an ủi họ. Bá tước phu nhân bỏ vào phòng bày tượng thánh, Sonya vào theo thì thấy phu nhân đang quỳ trước những bức tượng còn lại rải rác trên tường (những bức quý nhất, có gắn bó với nhiều kỉ niệm gia đình, thì đều được mang theo).
Trên thềm và trong sân, các gia nhân tuỳ hành đeo những chiếc dao găm và những thanh gươm mà Petya đã phân phát cho họ, ống quần xỏ vào ủng, mình nai nịt rất chặt, đang từ biệt những người ở lạì.
Cũng như ta vẫn thường thấy những khi ra đi, có rất nhiều vật bị bỏ quên hoặc không được xếp đặt chu đáo cho nên hai người hành bộc đứng hai bên cửa xe để chuẩn bị đỡ bá tước phu nhân bước lên bậc phải đứng chờ khá lâu, trong khi mấy người đày tớ gái từ trong nhà mang thêm nào là gối đệm, nào là tay nải chạy ra xe, hết xe này lại đến xe kia, rồi lại chạy vào nhà.
– Các người suốt đời cái gì cũng quên! – Bá tước phu nhân nói. – Mày cũng biết là tao có ngồi được thế này đâu!
Yefim nghiến răng không đáp, gương mặt biểu lộ vẻ oán trách, và nhảy vào xe sửa lại chỗ ngồi.
– Chà, cái bọn này! – Bá tước lắc đầu nói.
Lão Yefim. người xà ích duy nhất được bá tước phu nhân tin cậy và để cho đánh xe, ngất ngưởng trên ghế xà ích, không hề lần nào quay lại nhìn lại phía sau. Ba mươi năm kinh nghiệm đã cho lão biết rằng còn phải chờ lâu mới nghe câu: “Gửi Chúa!” và ngay đến khi ra lệnh lên đường, thì người ta cũng lại bảo dừng xe vài lần để sai người chạy về lấy mấy thứ bỏ quên, và sau đó lại bảo dừng xe một lát nữa, và tự thân bá tước phu nhân sẽ ló đầu ra cửa xe để dặn dò khẩn khoản lão ta cho xe đi cẩn thận mỗi lần xuống dốc. Lão biết như vậy cho nên lão cứ bình tâm chờ đợi, kiên nhẫn hơn mấy con ngựa, nhất là con ngựa hung thắng bên trái tên là Xokol, lúc bấy giờ đang dẫm chân và cắn hàm thiếc.
Cuối cùng mọi người đã lên xe. Bậc xe đã được nhấc lên và bỏ vào trong, cánh cửa xe đã đóng lại, phu nhân đã cho người chạy trở lại lấy thêm cái tráp; và đã dặn dò khi xuống dốc phải cấn thận. Lúc bấy giờ Yefim mới chậm rãi cất mũ và làm dấu thánh giá. Người quản mã và các gia nhân đều làm theo. Yefim đội mũ lên đầu nói:
– Gửi Chúa!
Người mã phu cho ngựa xuất phát. Con ngựa bên phải rướn cổ dưới chiếc vòng càng, những ổ díp cao kêu cót két, và thùng xe lắc lư chuyển đi. Người hành bộc nhảy lên chiếc xà ích trong khi chiếc xe chuyển bánh. Chiếc xe khi ra đến đường cái vấp bánh vào tảng đá lát dường gập nghềnh và xóc lên một cái; các xe khác khi đi ngang chỗ đó cũng lần lượt xóc lên, và đoàn xe nối đuôi nhau trên đường phố đi ngược lên dốc. Khi đi ngang qua chiếc nhà thờ ở trước mặt, mọi người ở trên xe kiệu, xe mui, xe Briska đều làm dấu thánh giá. Các gia nhân ở lại Moskva đi hai bên đoàn xe, tiễn chân những người ra đi một đoạn.
Natasa ít khi có được một cảm giác vui mừng như bấy giờ khi ngồi cạnh bá tước phu nhân trong cỗ xe ngắm những bức tường của Moskva đang bị rời bỏ chậm rãi lùi về phía sau, rồi nhìn ra sau.
Thỉnh thoảng nàng lại thò đầu ra ngoài cửa sau, rồi nhìn về phía trước, xem đoàn xe tải dài chở thương binh đi trước xe họ. Ở quãng đầu của đoàn xe này có thể trông thấy chiếc xe song mã buông mui kín của công tước Andrey. Nàng không biết người nào đang ở trên xe, nhưng cứ mỗi lần muốn biết vị trí của đoàn xe nàng lại đưa mắt tìm chiếc xe song mã. Nàng biết rằng nó đi đầu đoàn.
Ở Kudrin có mấy đoàn xe tương tự như đoàn xe của nhà Roxtov. Từ phố Nikitxkaya, từ Prexnya, từ Potnivinxki đổ ra và dọc phố Xadovaya bấy giờ đã có hai hàng xe nhà và xe tải đi song song.
Khi đi xung quanh tháp Xukharev, Natasa bấy giờ đang tò mò đưa mắt nhanh nhìn qua những đám người đi xe và đi bộ, bỗng vui mừng và ngạc nhiên reo to:
– Trời ơi! Mẹ xem kìa, Sonya xem kìa, đúng là anh ấy!
– Ai? Ai?
– Xem kìa, trời ơi, anh Bezukhov đấy? – Natasa nói, người chồm ra ngoài cửa xe nhìn một người cao to lớn và to béo mặc áo kaftan kiểu như những người đánh xe ngựa thường mặc, cứ trông dáng người và cách đi cũng rõ là người quý tộc cải trang, đang đi cạnh một ông già thấp bé không có râu tiến về phía cái cổng tò vò ở tháp Xukharev. Natasa nói:
– Trời ơi, đúng là anh Bezukhov mặc áo kaftan, đi với một ông già bé loắt choắt như trẻ con ấy. Trời ơi, xem kìa, xem kìa!
– Không phải đâu, làm gì có chuyện vô lý thế.
– Mẹ ơi! – Natasa kêu to lên, – Không phải anh ấy thì mẹ cứ chặt đầu con đi! Con cam đoan với mẹ như thế. Đứng lại, đứng lại! – nàng thét người đánh xe; nhưng người đánh xe không sao dừng lại được vì lúc bấy giờ từ phố Messanxkaya lại có thêm những đoàn xe nhà và xe tải kéo ra, họ cứ quát tháo đoàn xe của gia đình Roxtov, giục đi đi để khỏi nghẽn lối người khác.
Quả nhiên, tuy bấy giờ xe đã đi cách chỗ lúc nãy, mọi người trong gia đình Roxtov đều trông thấy Piotr, hay là một người nào giống Piotr một cách dị thường, mặc áo kiểu kaftan của những người đánh xe, đang bước trên đường phố, đầu cúi gầm và vẻ mặt nghiêm trang, bên cạnh một ông già nhỏ không có râu, trông như một người nô bộc. Ông già đã để ý thấy người con gái ở trong cửa xe nhòm ra, và kính cẩn chạm vào khuỷu tay Piotr, vừa nói gì với chàng vừa chỉ về phía chiếc xe song mã. Piotr hồi lâu không hiểu ông ta nói gì, vì hình như chàng đang mải suy nghĩ miên man. Cuối cùng, khi đã hiểu chàng nhìn theo hướng tay chỉ, nhận ra Natasa và chưa kịp suy nghĩ, chàng lập tức tiến về phía xe. Nhưng đi được mươi bước, chàng lại như sực như nhớ ra điều gì, liền dừng lại.
Natasa bấy giờ đang chồm ra ngoài cửa sổ, gương mặt nàng vụt sáng lên trong một nụ cười trìu mến và chế giễu.
– Anh Piotr Kirilyts! Lại đây nào! Chúng tôi nhận ra anh rồi! Thật là kì lạ – nàng giơ tay về phía Piotr gọi to. – Anh làm sao thế? Sao anh lại mặc thế này?
Piotr cầm lấy bàn tay giơ ra và vừa bước vừa hôn lên bàn tay một cách vụng về (vì lúc bấy giờ xe vẫn tiếp tục đi)
– Bá tước làm sao thế? – Phu nhân hỏi, giọng ngạc nhiên và có ý thương xót.
– Làm sao? Tại sao à? Thôi xin miễn hỏi, – Piotr nói đoạn đưa mắt nhìn Natasa lúc bấy giờ đang nhìn chàng với đôi mắt long lanh (ngay khi chàng chưa nhìn. Piotr cũng đã cảm nhận được luồng mắt của nàng), toả ra một ánh sáng huyền diệu đang thấm sâu vào người chàng.
– Anh thì thế nào? Hay là ở lại Moskva?
Piotr im lặng một lát rồi hỏi, có vẻ ngơ ngác:
– Ở lại Moskva? À vâng, ở lại Moskva. Thôi xin chào cô.
– Chà giá được làm đàn ông, tôi sẽ ở lại với anh ngay. Ờ hay quá – Natasa nói, – Mẹ cho con ở lại mẹ nhé.
Piotr thẫn thờ nhìn Natasa và toan nói một câu gì, nhưng bá tước phu nhân đã ngắt lời:
– Nghe nói bá tước có dự trận vừa rồi thì phải?
– Vâng, có, – Piotr đáp. Ngày mai sẽ có thêm một trận nữa – Piotr bắt đầu nói, nhưng Natasa đã ngắt lời chàng.
– Nhưng anh làm sao thế? Trông anh lạ quá.
– Thôi, xin đừng hỏi tôi, đừng hỏi nữa, chính tôi cũng chẳng hiểu ra làm sao cả. Ngày mai, à không? Thôi xin chào. Xin chào nhé, thời buổi thật là khủng khiếp!
Nói đoạn chàng bỏ đi lên vỉa hè.
Natasa vẫn chồm ra cửa xe, và ánh mắt sáng trong trẻo của nụ cười trìu mến, vui vẻ, hơi giễu cợt của nàng hồi lâu còn chiếu dõi theo Piotr.
Chú thích:
(1) Theo phong tục Nga, khi tiễn biệt người đi xa, gia quyến đường ngồi im một lúc.