Chiến tranh đã đến kỳ ác liệt và chiến trường đã lan gần đến biên giới Nga. Đâu đâu cũng chỉ nghe những lời nguyền rủa Bonaparte, kẻ thù của nhân loại; trong các làng mạc người ta tuyền dân quân và tân binh, và từ chiến trường đưa về những tin tức trái ngược nhau bao giờ cũng sai lạc, thành thử được mỗi người thuyết minh lại một cách.
Từ năm 1805 đời sống của lão công tước Bolkonxki, của công tước Andrey và của công tước tiểu thư Maria đã thay đổi nhiều.
Năm 1806, lão công tước được bổ nhiệm làm một trong tám vị tổng tư lệnh dân quân trong toàn nước Nga lúc bấy giờ.
Tuy tuổi đã già và sức khoẻ đã suy yếu rất nhiều, nhất là trong thời gian ông tưởng con trai mình đã tử trận, lão công tước vẫn cho rằng mình không có quyền từ chối một nhiệm vụ mà chính hoàng đế đã giao phó. Hướng hoạt động mới mẻ này cổ vũ ông và làm cho ông khoẻ khoắn ra. Ông luôn luôn đi kinh lý trong ba tỉnh dưới quyền ông cai quản. Ông chấp hành những nhiệm vụ của mình một cách cẩn thận đến câu nệ, nghiêm khắc đến tàn nhẫn đối với các thuộc hạ, và thân hành kiểm tra, đôn đốc công việc cho đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Công tước tiểu thư Maria không học toán với ông cụ như trước nữa và chỉ vào phòng làm việc của cha vào buổi sáng cùng với người vú em và tiểu công tước Nikolai (như ông nội cậu vẫn gọi), những khi lão công tước ở nhà. Tiểu công tước Nikolai ở với người vú già, những khi lão công tước ở nhà. Tiểu công tước Nikolai ở với người vú của cậu và bảo mẫu Xavisna trong phần tư thất trước kia của công tước phu nhân, và ngày ngày tiểu thư Maria giành phần lớn thời giờ để ngồi trong gian phòng của đứa cháu nhỏ, cố hết sức thay thế người mẹ của đứa bé. Cô Burien cũng tỏ ra rất yêu quý đứa bé, và tiểu thư Maria nhiều khi phải hy sinh phần mình nhường cho người bạn gái hưởng cái thú được bế ẵm và chơi đùa với chú thiên thần tí hon (như nàng vẫn thường gọi đứa cháu nhỏ).
Trong ngôi nhà thờ Lưxye Gorư cạnh bàn thờ Chúa, người ta đã dựng lên một cái điện thờ ở trên ngôi mộ của công tước phu nhân nhỏ nhắn và đặt ở trong điện một pho tượng bằng cẩm thạch đem từ Ý về. Đó là tượng một vị thiên thần có cái môi trên hơi cong lên một chút tựa hồ như sắp mỉm cười, và có một hôm, khi công tước Andrey và công tước tiểu thư Maria ở điện thờ ra, hai người bảo nhau không hiểu tại sao dung mạo của vị thiên thần y có một cái gì gợi lại gương mặt của người đã khuất. Nhưng còn một điều kỳ lạ hơn mà công tước Andrey không nói với em gái, là trong vẻ mặt của vị thiên thần mà nhà nghệ sĩ đã vô tình thể hiện trên nét khắc, công tước Andrey nhìn thấy chính những lời trách móc dịu dàng mà trước đây chàng đã đọc trên gương mặt của vợ khi tắt nghỉ: “Tại sao anh nỡ để em đến nông nỗi này?”
Công tước Andrey về nhà được ít lâu thì lão công tước chia gia tài cho con trai và cắt cho chàng thôn Bogutsarovo, một điền trang lớn ở cách Lưxye Gorư bốn mươi dặm Nga. Một phần vì Lưxye Gorư gắn liền với những kỷ niệm đau buồn, một phần vì công tước Andrey đã nhân dịp ấy đến Bogutsarovo xây dựng nhà cửa và sống ở đây phần lớn thời gian.
Sau chiến dịch Austerlix, công tước Andrey đã quyết định dứt khoát từ nay sẽ không bao giờ trở về quân đội nữa; thế rồi khi chiến tranh bắt đầu và người nào cũng phải tòng quân, thì chàng lĩnh nhiệm vụ tập trung dân quân dưới quyền cha chàng để khỏi gia nhập quân thường trực. Vai trò của lão công tước và của con trai hâu như đã đảo ngược lại sau chiến dịch 1805. Được hoạt động của mình cổ vũ, lão công tước hy vọng rất nhiều ở chiến dịch sắp tới; trái lại, công tước Andrey không tham dự vào chiến tranh, và mặc dầu trong thâm tâm chàng rất tiếc điều đó, chàng vẫn chỉ thấy trước những kết quả không hay.
Ngày hai mươi sáu tháng hai năm 1807 lão công tước đi kinh lý trong vùng. Công tước Andrey ở lại Lưxye Gorư như thường lệ mỗi khi cha chàng vắng mặt. Cậu bé Nicôluska ốm đã ba ngày nay.
Những người đánh xe đưa lão công tước lên tỉnh đã trở về, mang giấy tờ và thư từ cho công tước Andrey. Người hầu phòng tay cầm những phong thư không tìm thấy công ở trong phòng làm việc của chàng liền vào phòng tiểu thư Maria, nhưng vẫn không thấy ở đấy. Người ta nói với y rằng công tước ở phòng chàng nuôi trẻ.
– Mời đại nhân ra cho, Petrusa đã mang công văn về – một người đầy tớ gái giúp việc u già nói với công tước Andrey trong khi chàng run run, đôi mày nhíu lại, đang nhỏ từng giọt thuốc vào trong cốc nước đầy đến một nửa.
– Có việc gì thế? – Chàng hỏi, giọng cáu kỉnh, và bàn tay vụng về vô ý rót quá một vài giọt thuốc vào trong cốc. Chàng hắt cốc nước xuống đất rồi gọi cốc khác. Người đầy tớ gái bưng nước đến cho chàng.
Trong phòng chỉ kê một cái giường nhỏ của trẻ con, hai cái hòm, hai cái ghế bành, một cái bàn lớn, một cái bàn con và một cái ghế nhỏ của trẻ con mà công tước Andrey đang ngồi. Cửa sổ đều có rèm, và trên bàn, một ngọn nến đang cháy dở, bên cạnh có dựng một quyển sách nhạc để tránh ánh sáng khỏi hắt vào giường con.
– Anh ạ – công tước tiểu thư Maria đứng bên giường đứa bé nói với anh – Anh nên đợi một lát thì hơn, chốc nữa…
– Ờ! Thôi xin cô, cô thì chỉ vớ vẩn, lúc nào cũng cứ đợi với chờ, đấy kết quá là thế đấy, – công tước Andrey nói, giọng thì thầm như có ý hằn học, hẳn là muốn làm cho em gái bực mình.
– Anh ạ, đừng đánh thức nó dậy thì hơn, thật đấy, nó mới thiếp đi được một lát – công tước tiểu thư nói, giọng van lơn.
Công tước Andrey đứng dậy và cầm cái cốc rón rén đến cạnh giường con.
– Hay thôi đừng thức nó nữa? – Chàng nói, ngần ngại.
– Tuỳ anh đấy, kể ra… em nghĩ rằng… thôi thì tuỳ anh… – tiểu thư Maria nói, hình như nàng đâm ra sợ sệt và hổ thẹn khi thấy ý kiến của mình đã thắng. Nàng chỉ cho anh nàng thấy người đầy tớ đang thì thầm gọi chàng.
Đêm nay là đêm thứ hai cả hai người đều không ngủ, lo săn sóc đứa bé đang lên cơn sốt, người nóng như sôi. Đã suốt hai ngày nay, vì không tin ông thầy thuốc ở trong nhà, trong khi chờ đợi một bác sĩ mời ở ngoài tỉnh về, họ đã thử dùng hết thuốc này đến thuốc khác. Mệt lả đi vì mất ngủ và lo lắng, cả hai đều trút nỗi buồn bực lên nhau, trách móc, cãi vã lẫn nhau.
– Petrusa đã mang giấy tờ của cụ về, – người đầy tớ gái nói thầm.
Công tước Andrey bước ra.
– Có việc gì thế? – Chàng hỏi gắt, và sau khi đã nghe những lời nhắn miệng của lão công tước, nhận bức thư của ông và những phong thư khác, chàng quay trở lại phòng trẻ.
– Thế nào rồi? – Công tước Andrey hỏi.
– Vẫn thế, anh chịu khó đợi một chút. Karl Ivanits vẫn nói là chỉ có giấc ngủ là quý hơn cả. – Tiểu thư Maria thở dài nói thì thầm.
Công tước Andrey đến bên đứa bé và sờ vào người nó. Nó nóng như hòn than.
– Cô đem cái ông Karl Ivanits nhà cô đi đâu thì đi cho rảnh!
Chàng cầm cái cốc nhỏ thuốc và lại tiến đến bên giường.
– Đừng anh Andrey, – Tiểu thư Maria nói.
Nhưng chàng cau mày nhìn nàng, vẻ giận dữ lại vừa đau khổ, là cầm cái cốc cúi xuống sát đứa bé.
– Nhưng tôi muốn thế – Nào, tôi nhờ cô, cô cho nó uống đi.
Công tước tiểu thư Maria nhún vai, nhưng vẫn ngoan ngoãn cầm lấy cái cốc và sau khi gọi người vú em lại, nàng bắt đầu cho đứa bé uống thuốc. Đứa bé khóc thét lên và thở khò khè. Công tước Andrey cau mày, giơ tay lên ôm đầu, bước ra khỏi phòng rồi ngồi xuống chiếc đi-văng đặt ở phòng bên…
Tay chàng vẫn cầm tập thư. Như một cái máy, chàng bóc các phong thư ra đọc. Lão công tước viết thư trên giấy xanh, chữ viết rất to và nét chữ kéo dài, thỉnh thoảng lại dùng cổ tự để viết tắt. Bức thư như sau:
“Ta vừa nhận được qua liên lạc viên một tin rất đáng mừng đối với lúc này, nếu đó không phải là một tin sai lạc. Đâu như Benrigxen đã đại thắng Buônapáctê ở gần Ailau. Ở Petersburg mọi người đều ăn mừng và vô số phần thưởng đã được gửi đến cho quân đội. Mặc dù ông ấy là người Đức, ta cũng có lời mừng ông ấy. Còn cái thằng cha thủ lãnh ở Kortsevo một thằng Khandrilov nào ấy, thì thực ta không hiểu nó làm trò trống gì: mãi đến giờ mà số quân bổ sung cũng như lương thực vẫn chưa được gửi đi. Con phải phi ngựa đến đó ngay và nói với hắn rằng nếu trong tám ngày công việc không xong thì ta lấy đầu. Còn về trận Proixich Ailau thì ta cũng đã nhận được một bức thư của Petyenka – nó có dự trận ấy – Tất cả các tin tức đều xác thực. Khi những kẻ không nên can thiệp không can thiệp vào, thì ngay đến một người Đức cũng có thể đánh bại Buônapáctê. Nghe nói hắn bỏ chạy khá hốt hoảng. Con phải nhớ lập tức phi ngựa đến Kortsevo và làm ngay điều ta đã dặn”.
Công tước Andrey thở dài và bóc phong bì kia ra. Đó là bức thư của Bilibin gồm hai tờ giấy viết chữ nhỏ. Chàng gấp bức thư lại không đọc, rồi giở ra đọc một lần nữa bức thư của cha với câu cuối:
“Phi ngựa đến Kortsevo và làm ngay điều ta đã dặn!”
“Không, xin lỗi, bây giờ tôi không đi đâu cả, phải chờ thằng bé khỏi đã” – Chàng tự nhủ rồi đến sát tiểu thư Maria vẫn ngồi bên giường và khe khẽ ru đứa bé.
“Nào, thử xem ông cụ con viết cho mình những điều gì khó chịu nữa?” – Công tước Andrey nhớ lại nội dung bức thư của cha. Ừ quân đội ta đã đánh thắng Bonaparte chính trong lúc ta không tại ngũ. Phải, số phận như chế nhạo mình… Thôi cứ mặc!” Và chàng bắt đầu đọc bức thư của Bilibin viết bằng tiếng Pháp. Chàng đọc nhưng không hiểu được một nửa, chàng đọc chỉ là để quên đi một phút đừng nghĩ đến cái điều đã bắt chàng suy nghĩ quá lâu, choán hết tâm trí chàng và làm cho chàng khổ sở.