Bị mười vạn quân của Buônapáctê truy kích, đi đến đâu cũng bị dân coi như thù địch, không còn dám tin cậy vào đồng minh nữa, phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực và buộc lòng phải tác chiến ngoài tất cả những điều kiện chiến tranh có thể dự kiến được, ba vạn quân Nga do Kutuzov chỉ huy hối hả rút lui dọc theo sông Đonao về phía xuôi, nơi nào bị quân địch đuổi kịp thì dừng lại, dùng hậu quân chặn địch trong chừng mực vừa đủ để cho quân đi thoát mà không mất các đoàn xe tải nặng nề. Đã có những trận giao chiến diễn ra ở gần Lambakh, Amstette và Melk; nhưng bất chấp tinh thần dũng cảm và kiên cường của quân Nga, mà quân địch cũng phải công nhận, những chiến sự ấy chỉ có kết quả làm cho quân Nga rút lui mau chóng hơn. Những tốp quân Áo không bị bắt dưới thành Ulm và đã liên lạc được với quân của Kutuzov ở gần Braonao thì bây giờ đã tách ra khỏi quân đội Nga, và Kutuzov chỉ còn lại những lực lượng yếu ớt và mệt mỏi của mình. Không thể nói chuyện giữ thành Viên được nữa. Bây giờ không còn là một cuộc chiến tranh thế công, có chuẩn bị chu đáo, theo những quy luật của một khoa học mới, khoa chiến lược học, mà bộ tham mưu Áo đã trao kế hoạch cho ông ta lúc ông còn ở Viên. Bây giờ thì cái mục tiêu duy nhất, hầu như không thể đạt được của Kutuzov, là thực hiện việc liên lạc với những đạo quân từ nước Nga sang, chứ không thể cho quân mình bị tiêu diệt như Mack ở thành Ulm.
Ngày hai mươi tám, tháng mười, Kutuzov dem quân sang tả ngạn sông Đonao và nghỉ chân lần đầu tiên, dùng sông Đonao làm một chướng ngại ngăn cách quân mình với những lực lượng chính của quân Pháp. Ngày ba mươi, ông ta tiến công sư đoàn Morchie ở tản ngạn và đã thắng trận. Trong trận này đã thu được những chiến lợi phẩm đầu tiên: Một lá cờ, mấy khẩu đại bác và hai viên tướng địch. Lần đầu tiên, sau khi lui quân luôn mười lăm ngày, quân đội Nga đã dừng lại và, sau một trận đánh, không những đã giữ được trận địa, mà còn truy kích quân Pháp nữa. Mặc dầu quân sĩ đều rách rưới mệt nhọc, và quân số giảm mất một phần ba vì những người bị tụt lại phía sau, những người bị thương, những người chết và những người ốm; mặc dầu đã phải để thương binh và bệnh binh lại bên kia sông Đonao với một bức thư của Kutuzov uỷ thác họ cho lòng nhân đạo của quân địch; tuy ở Kremx những bệnh viện lớn và những nhà tu biến thành bệnh xá không còn dung nạp được hết bệnh binh và thương binh, mặc dầu tất cả những điều đó, việc nghỉ chân ở Kremx và trận đánh bại sư đoàn Morchie cũng đã nâng tinh thần quân đội lên một cách đáng kể. Trong toàn quân và ở Đại bản doanh lưu hành những tin đồn rất đáng phấn khởi tuy không xác thực về những đạo quân từ Nga sắp sang, về một trận thắng nào đấy của quân Áo, và về cuộc rút lui hoảng hốt của Buônapáctê.
Trong trận này, công tước Andrey tham chiến bên cạnh Smitch, viên tướng Áo đã tử trận trong chiến sự. Con ngựa của chàng đang cưỡi trúng đạn bị thương và chính chàng cũng bị một viên đạn làm xây xát cánh tay. Do đặc ân tổng tư lệnh, công tước Andrey được phái đi đưa tin chiến thắng về triều đình nước Áo bấy giờ không còn ở Viên là nơi đang bị quân Pháp uy hiếp, mà ở Bruyn. Trong đêm xảy ra chiến sự, công tước Andrey, tuy có xúc động nhưng không mệt mỏi (mặc dầu xem bề ngoài thể chất của chàng không được khoẻ lắm, nhưng chàng có sức chịu mệt nhiều hơn nhiều người rất khoẻ) đã đi ngựa đến Kremx mang theo một số bản báo cáo của Đokhturov trình lên Kutuzov và ngay đêm ấy được phái làm tín sứ đi Bruyn. Việc được cử làm tín sứ như vậy, chưa kể những sự khen thưởng thường lệ là một bước quan trọng trên con đường thăng quan tiến chức.
Đêm ấy trời tối nhưng nhiều sao; con đường nổi bật lên thành một dải đen sì giữa cánh đồng tuyết trắng mới rơi xuống hôm qua, ngày xảy ra chiến sự. Khi thì ôn lại những ấn tượng của mình trong trận đánh vừa qua, khi thì hình dung những niềm vui sướng của mọi người khi được biết cái tin chiến thắng mà mình sắp mang đến, khi thì hồi tưởng lại lời từ biệt của chủ tướng và của anh em đồng sự lúc mình ra đi, công tước Andrey lướt nhanh trên cỗ xe bưu trạm và thể nghiệm cái tâm trạng của một người phải chờ đợi từ lâu đến nay sắp hưởng được cái hạnh phúc mình hằng mong ước. Hễ chàng nhắm mắt lại thì tiếng súng trường, tiếng đại bác lại đì đùng bên tai, hoà lẫn với tiếng bánh xe và với tâm trạng chiến thắng. Có khi chàng mường tượng rằng quân Nga đã thua trận và chính mình đã tử trận nhưng chàng lại sực tỉnh và vui sướng thể nhận lại một lần nữa rằng sự thật hoàn toàn không phải thế, mà trái lại, chính là quân Pháp đã thua trận. Chàng nhớ lại từng chi tiết trong trận chiến thắng, nhớ lại thái độ dũng cảm ung dung của bản thân trong chiến trận, rồi chàng an tâm và ngủ thiếp đi.
Đêm tối đầy sao đã qua, một ngày sáng sủa và vui tươi đã đến. Tuyết đã bắt đầu tan dưới ánh sáng ngựa phi rất nhanh và ở bên phải, ở bên trái, những cảnh mới lạ, muôn mầu muôn vẻ, những cánh đồng, những khóm rừng, những làng mạc thi nhau diễu qua trước mắt chàng.
Đến một trạm, chàng gặp một đoàn xe chở thương binh Nga. Viên sĩ qua phụ trách đoàn xe, nằm kềnh ra trên cái xe tải đi đầu, đang chửi mắng thậm tệ một người lính. Trong mỗi cái xe dài kiểu Đức có sáu thương binh hay nhiều hơn, nhợt nhạt, bẩn thỉu, vải băng cuốn đầy mình, đang bị xe xóc lắc lư trên đường đá. Có người đang nói (chàng nghe rõ những âm hưởng những câu tiếng Nga), có người đang nhai bánh mỳ, những người bị thương nặng thì với cái vẻ mặt chăm chú, kiên nhẫn và đau đớn của con trẻ, đang lặng lẽ nhìn viên tín sứ vượt qua.
Công tước Andrey bảo xe dừng lại và hỏi một người lính xem họ đã bị thương trong chiến hào nào.
– Ngày hôm kia trên sông Đonao, – người lính đáp.
Công tước móc lấy túi tiền và đưa cho anh ta ba đồng tiền vàng.
– Bảo chia cho mọi người, – chàng nói thêm với viên sĩ quan vừa đến gặp chàng. – Thôi anh em cố gắng bình phục cho mau nhé, còn nhiều việc phải làm đấy – chàng nói với các binh sĩ.
– Thưa ngài sĩ quan phụ tá, tin tức ra sao ạ? – Viên sĩ quan hỏi rõ ràng muốn khơi chuyện.
– Tin lành cả! Ta đi thôi? – Chàng bảo người đánh xe và tiếp tục cuộc hành trình.
Khi công tước Andrey vào thành Bruyn thì trời đã tối hẳn, chàng thấy xung quanh mình san sát những ngôi nhà cao, những ánh đèn ở các hiệu buôn hắt ra, những khung cửa sổ và những chiếc cột đèn, những chiếc xe kiệu thanh lịch lăn trên đá lát đường, cả cái không khí của một thị trấn náo nhiệt thường có sự hấp dẫn rất mạnh đối với các quân nhân sau những ngày sống ở doanh trại. Mặc dầu cả ngày xe chạy rất nhanh, mặc dầu suốt một đêm không ngủ, khi gần đến cung điện, chàng vẫn cảm thấy mình còn hoạt bát hơn ngày hôm qua. Chỉ có điều là mắt chàng sáng long lanh như mắt của người đang lên cơn sốt và những ý nghĩ của chàng kế tiếp nhau với một tốc độ và một sự sáng suốt phi thường. Chàng thấy lại từng chi tiết trong trận hỗn chiến, không phải trong đám mây mù của kí ức mà lại dưới hình thức một bản thuyết trình gọn ghẽ mà trong tưởng tượng chàng đang báo cáo trước mặt hoàng đế Frantx. Chàng tưởng rằng mình sẽ được trình diện ngay trước hoàng đế. Nhưng đến trước cửa chính của Hoàng cung thì một viên thư lại chạy đến trước mặt chàng và khi biết chàng là một tín sứ liền dẫn chàng vào một lối khác.
– Cứ đi theo dãy hành lang bên tả, đại nhân sẽ gặp sĩ quan phụ tá trực nhật – viên thư lại bảo chàng – người ấy sẽ dẫn ngài vào ra mắt quan Tổng trưởng bộ chiến tranh.
Viên sĩ quan hành dinh trực nhật đón công tước Andrey, mời công tước ngồi chờ, rồi đi báo cáo với Tổng trưởng bộ chiến tranh.
Năm phút sau hắn trở về, cúi đầu một cách rất cung kính và nhường bước cho công tước Andrey, rồi theo chàng để chỉ dẫn cho chàng đi qua dãy hành lang mà vào phòng giấy của quan Tổng trưởng. Xem chừng như cái lễ độ kiểu cách quá đáng của viên sĩ quan phụ tá là để đề phòng mọi cử chỉ xuề xoà thân mật mà viên sĩ quan phụ tá Nga có thể có. Cảm giác vui mừng của công tước giảm đi rất nhiều trong khi chàng đi đến gần ngưỡng cửa phòng giấy ông Tổng trưởng chiến tranh. Chàng cảm thấy như bị làm nhục và cùng một lúc cái cảm giác sỉ nhục. Ấy lại biến thành một tâm trạng khinh bỉ vô căn cứ mà chính chàng cũng không tự giác.
Nhưng trí óc nhạy bén của công tước Andrey gợi ngay cho chàng một quan điểm cho phép chàng được khinh bỉ cả viên sĩ quan phụ tá lẫn viên Tổng trưởng chiến tranh. “Có lẽ bọn này cho rằng chiến tranh cũng dễ dàng thôi, vì chúng không ngửi thấy mùi súng đạn”, chàng tự nhủ. Hai mắt chàng nheo nheo lại một cách khinh bỉ và khi vào phòng Tổng trưởng, chàng cố ý đi rất chậm rãi. Ấn tượng khó chịu của chàng càng tăng thêm khi chàng thấy viên đại thần, ngồi trước một cái bàn rộng, trong khoảng hai phút đầu không hề để ý đến người mới đến. Ông ta đang cúi mái đầu hói với hai mảng tóc hao râm bên tai, giữa hai cây sát vàng và đang đọc những tờ công văn, chốc chốc lại lấy cây bút chì phê duyệt.
Khi nghe cửa mở và có tiếng chân bước vào thì ông ta đã xem xong, nhưng cũng không ngẩng đầu lên.
– Đây, anh nhận lấy và chuyển đi – Ông ta nói với viên sĩ quan phụ tá trong khi đưa công văn cho hắn, nhưng ông ta vẫn chưa để ý đến người tín sứ.
Công tước Andrey cảm thấy rằng trong công việc của viên đại thần thì cuộc hành quân của Kutuzov là một công việc mà ông ta ít quan tâm hơn hết, hoặc giả ông ta thấy cần để cho viên tín sứ nước Nga nhận thấy như vậy. “Nhưng cái đó chẳng có chút gì quan trọng đối với ta cả” – chàng thầm nghĩ.
Viên đại thần xếp các giấy tờ khác và so lại cho cân rồi ngẩng đầu lên. Gương mặt ông ta thông minh và cương nghị. Nhưng chỉ trong một lát, khi ông ta ngoảnh đầu lại phía công tước Andrey thì cái thần sắc thông minh và cửơng nghị biến đâu mất, chắc là do một tập quán có dụng tâm trên gương mặt ông ta ngưng lại cái nụ cười khờ khạo giả dối của một người luôn luôn phải tiếp những kẻ đến xin xỏ.
– Người của đại nguyên soái Kutuzov thì phải? – Ông ta hỏi – chắc là tin mừng? Vừa giao chiến với Morchie? Thắng lợi à? Thật là đúng lúc!
Ông ta cầm lấy tờ khẩn cáo đề tên mình và giơ lên đọc với vẻ mặt buồn rầu.
– Ôi, lạy Chúa, lạy Chúa! Smitch? – Ông ta nói bằng tiếng Đức – rủi ro quá! Rủi ro quá!
Sau khi đọc lướt qua tờ khẩn cáo, ông ta đặt nó lên bàn và nhìn công tước Andrey với vẻ mặt tư lự như đang suy tính một điều gì.
– Chà, rủi ro làm sao! Ông có nói đây là một trận quyết định à? Thế nhưng Morchie có bị bắt đâu? – Ông ta suy nghĩ một lúc – Ông đem lại tin mừng, tôi rất lấy làm sung sướng, tuy cái chết của Smitch là một giá mua rất đắt đối với trận chiến thắng. Có lẽ hoàng đế sẽ vui lòng cho ông ta vào bệ kiến, nhưng hôm nay thì chưa. Thôi cảm ơn ông; ông hẵng nghỉ ngơi đã. Ngày mai sau cuộc diễu binh ông nên có mặt ở triều yết. Và tôi cũng sẽ cho người vào báo cho ông biết trước.
Nụ cười ngốc nghếch đã biến mất trong khi nói chuyện giờ lại hiện lên trên khuôn mặt của viên Tổng trưởng chiến tranh.
– Xin chào ông, tôi xin cám ơn ông vạn bội. Chãc là đức hoàng thượng sẽ mời ông vào bệ kiến, – Ông ta nhắc lại trong khi nghiêng đầu chào.
Khi ra khỏi hoàng cung công tước Andrey cảm thấy mình đã để lại trong bàn tay hững hờ của viên sĩ quan phụ tá cung kính tất cả sự quan tâm của chàng đối với trận chiến thắng và niềm vui sướng mà nó đã đem lại cho chàng. Trong chốc lát, tất cả cách nhìn của chàng về việc ấy đã thay đổi, việc chiến sự hôm nọ chỉ còn là một kỷ niệm xa xôi, cũ kỹ đối với chàng.