Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 1 – Chương 2

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Trong phòng khách của Anna Pavlovna, tân khách đã bắt đầu đến mỗi lúc một đông. Họ là những người thuộc lớp quí tộc tai mắt nhất ở Petersburg, nhưng lại giống nhau ở chỗ cùng chung một xã hội. Có người con gái của công tước Vaxili là nàng Elen diễm lệ, ghé lại đây để cùng cha đến dự buổi dạ hội của đại sứ Anh. Nàng mặc y phục khiêu vũ, có đeo phù hiệu của Hoàng hậu trên ngực.

Lại có công tước phu nhân Bolkonkaya nhỏ nhắn, một thiếu phụ rất trẻ tuổi nổi tiếng là người đàn bà có duyên nhất Petersburg, vừa mới lấy chồng mùa đông năm ngoái và bây giờ không đến dự buổi dạ hội lớn vì đang có mang, nhưng vẫn có thể đến dự những buổi kế tiếp tân nho nhỏ như thế này. Có cả công tước Ippolit con trai của công tước Vaxili, cùng đến với Montmorency để giới thiệu ông này: lại còn có giáo sĩ Moriot và nhiều người khác nữa.

Hễ có vị khách nào mới gặp Anna Pavlovna lại nói:

– Ngài chưa chắc gặp – hoặc là – ngài chắc chưa có dịp quen với “dì tôi” – rồi trịnh trọng dẫn họ đến gần một bà già bé loắt choắt đầu tóc thắt nơ cao ngồn ngộn, vừa từ phòng bên lững thững hiện ra.

Khi các tân khách bắt đầu tụ tập, Anna Pavlovna lần lượt giới thiệu tên từng người một mới chậm rãi đưa từng vị khách đến chỗ “dì tôi”, rồi lui ra chỗ khác.

Tất cả các tân khách đều làm tròn lễ nghi thăm hỏi các bà dì mà chẳng ai biết, chẳng ai thích, và chẳng ai cần đến. Anna Pavlovna vẻ thông cảm trịnh trọng và buồn rầu, chăm chú theo dõi những lời chào hỏi của họ lặng lẽ tán thưởng. Vị tân khách nào cũng được nghe “dì tôi” dùng những lời lẽ giống nhau để nói về sức khoẻ của khách, sức khoẻ của mình và sức khoẻ của Đức Hoàng thái hậu – nhờ trời Người này đã khoẻ hơn trước. Vị khách nào đến chào hỏi xong cũng lui ra với một cảm giác nhẹ nhõm như vừa làm tròn một nhiệm vụ nặng nề, nhưng vì xã giao nên ai cũng cố sao không lộ vẻ hấp tấp khi bỏ đi, để rồi suốt buổi tối không đến với bà già ấy lần nào nữa.

Công tước phu nhân Bolkonxkaya có mang theo một mẫu đồ thêu đang làm dở đựng trong một cái túi nhỏ bằng nhung thêu kim tuyến. Phía trên đôi môi xinh xắn của nàng phơn phớt một lớp lông tơ óng mịn, môi trên của nàng hơi ngắn nên không che kín hết hàm răng cửa, nhưng cái đó chỉ làm cho nàng thêm duyên dáng và dễ thương khi nàng hé miệng hoặc khi nàng ngậm miệng lại, thỉnh thoảng môi trên lại hơi nhô ra và trông nàng lại càng thêm duyên dáng. ở những người thiếu phụ thật có duyên bao giờ cũng thế: khuyết điểm của nàng- cái môi trên hơi ngắn và cái miệng luôn hé mở – hình như làm thành một vẻ đẹp đặc biệt, chỉ riêng nàng mới có.

Ai nhìn thấy người thiếu phụ xinh xắn sắp làm mẹ này cũng phải thích mắt; trông nàng thật linh hoạt, tràn đầy sức khoẻ, tuy có mang mà vẫn ung dung nhẹ nhõm như không. Những người già cả hay những thanh niên cau có, buồn bực, chỉ cần đứng gần nàng và nói chuyện với nàng một lúc là có cảm giác như chính mình cũng đâm ra giống nàng. Ai đã từrng nói chuyện với nàng, đã được thấy nụ cười tươi sáng và hàm răng trắng bóng của nàng luôn luôn lộ rõ mỗi khi nàng nói, cũng đều nghĩ rằng mình hôm nay chắc phải nhã nhặn đáng yêu hơn mọi bận nhiều. Mà ai cũng nghĩ như thế.

Công tước phu nhân nhỏ nhắn chân hơi nhún nhẩy bước từng bước ngắn nhanh nhẹn đi vòng qua chiếc bàn, tay cầm túi nữ công, rồi vén tà áo ngồi xuống đi-văng bên cạnh chiếc ấm xamova bằng bạc, vẻ tươi vui, tưởng chừng tất cả những gì mà nàng làm cũng đều là một cuộc vui cho mình và cho tất cả người xung quanh.

Nàng giở túi thêu ra và nhìn mọi người, nói:

– Tôi mang cả đồ nữ công của tôi đến đây này – rồi quay sang nữ chủ nhân, nàng tiếp – Chị Annet, chị xem đừng có chơi khăm em đấy nhé! Trong giấy chị có viết rằng đây là một buổi tiếp tân rất nhỏ, thành thử chị xem, em ăn mặc thế này có chán không?

Và nàng dang hai tay ra cho AnnaPavlovna. Pavlovna thấy rõ chiếc áo dài xám trang nhã thêu đăng ten, phía dưới ngực có thắt một giải lụa rộng khổ. Anna Pavlovna đáp:

– Cứ yên tâm, Liza ạ, cô bao giờ chả là người xinh nhất! – Vẫn một giọng như cũ, công tước phu nhân quay sang một vị tướng nói tiếp – Ngài xem, chồng tôi bỏ tôi để đi tìm cái chết ngoài chiến trường đấy! – Đoạn nàng lại quay sang công tước Vaxili nói luôn – Xin ngài cho biết, tại sao lại sinh ra cái trò chiến tranh đáng ghét ấy làm gì? – Rồi, không đợi câu trả lời, nàng lại quay sang nói với tiểu thư Elen diễm lệ, con gái công tước Vaxili.

– Công tước phu nhân có duyên quá nhỉ? – công tước Vaxili nói nhỏ với Anna Pavlovna.

Công tước phu nhân nhỏ nhắn đến được một lúc thì thấy một chàng thanh niên to béo đẫy đà, mắt đeo kính, bước vào phòng. Tóc chàng húi ngắn, mình mặc lễ phục màu nâu, sơ mi cổ cao quần màu nhạt theo thời trang bấy giờ. Chàng thanh niên to béo ấy là con riêng của bá tước Bazukhov một đại thần nổi tiếng thời hoàng hậu Ekaterina và hiện nay đang đau ốm ngắc ngoải ở Moskva. Chàng đi du học ở nước ngoài mới về, chưa nhận chức gì, và đây là lần đầu tiên chàng dự một buổi dạ hội của giới xã giao, Anna Pavlovna tiếp chàng bằng một cái gật đầu dành cho những người ở bậc thấp nhất trong cái thang phẩm trật của phòng khách này. Nhưng tuy dùng lối chào hạng thấp như vậy, khi thấy Piotr vào, gương mặt của phu nhân vẫn lộ vẻ lo sợ, giống như khi người ta thấy một cái gì đó quá lớn và không đúng chỗ. Kể ra thì so với các tân khách nam giới khác trong phòng Piotr, cũng có to lớn hơn ít nhiều, nhưng sở dĩ phu nhân lo sợ lại chính là vì cái nhìn thông minh rụt rè, đôi mắt tinh tế mà tự nhiên đã làm cho chàng khác hẳn tất cả các tân khách khác có mặt trong phòng.

– Ông Piotr, ông có lòng tốt đến thăm một người đàn bà đau ốm, tội nghiệp, thật là quí hoá quá! – Anna Pavlovna nói, mắt lo lắng liếc nhìn bà dì trong khi dẫn Piotr đến gần bà ta. Piotr nói lúng túng mấy tiếng gì chẳng ai hiểu, mắt vẫn nhìn xung quanh như đang tìm kiếm một cái gì. Chàng cúi chào công tước phu nhân, miệng mỉm cười vui sướng, mừng rỡ như khi gặp được một người quen thân, rồi đến chào bà dì. Những điều lo sợ của Anna Pavlovna không phải là không có lý do, bởi vì Piotr không đợi bà già nói về sức khoẻ của Đức Hoàng thái hậu cho xong đã quay gót toan bỏ đi. Anna Pavlovna hoảng hốt kiếm lời ngăn chàng lại. Phu nhân nói:

– Ông chắc chưa quen giáo sĩ Moriot chứ? Ông ta là một người rất thú vị.

– Có, tôi có nghe nói đến cái kế hoạch hoà bình vĩnh viễn của ông ta, kế hoạch ấy rất hay, nhưng khó lòng mà thực hiện được.

– Ông thấy thế à? – Anna Pavlovna nói một câu lấy lệ, để rồi trở về với những công việc của bà chủ nhà, nhưng Piotr lại phạm lỗi xã giao ngược lại. Lúc nãy, chưa nghe hết lời bà dì, chàng đã vội bỏ đi; bây giờ thì chàng lại chuyện quá nhiều làm cho người tiếp chuyện phải dừng lại nghe trong khi đang muốn đi chỗ khác. Piotr đầu nghiêng về phía trước, hai chân chạng ra, bắt đầu chứng minh cho Anna Pavlovna hiểu rõ tại sao chàng ta cho rằng cái kế hoạch của ông giáo sĩ kia là một ảo tưởng.

– Ta sẽ bàn chuyện này sau. – Anna Pavlovna mỉm cười nói.

Và sau khi đã thoát khỏi chàng thanh niên kém xã giao kia, phu nhân liền trở về với nhiệm vụ bà chủ nhà, tiếp tục lắng tai nghe ngóng và đưa mắt nhìn quanh, xem chỗ nào câu chuyện hơi tẻ thì lập tức đến tiếp ứng. Như một ông chủ xưởng dệt, sau khi đã cắt đặt thợ thuyền đâu vào đấy, bắt đầu đi đi lại lại trong xưởng, và hễ chỗ nào máy ngừng chạy hay chỗ nào có thoi đưa quá to, có tiếng cót két bất thường là vội vã đến tận nơi để hãm máy lại hay chữa cho nó chạy đều. Anna Pavlovna cũng đi đi lại lại trong phòng khách, thỉnh thoảng lại gần một nhóm nào đó im hơi lặng tiếng hoặc nói chuyện quá nhiều và nói một câu hay chuyển một người nào đó sang nhóm khác, để điều chỉnh cho bộ máy nói chuyện chạy đều đúng mực. Nhưng trong tất cả những mối lo ấy vẫn thấy phu nhân e ngại nhất về Piotr. Phu nhân lo lắng nhìn theo Piotr khi chàng lại gần một nhóm tân khách đứng quanh Montmorency để nghe xem họ nói những gì, rồi lại quay sang một nhóm khác đang lắng nghe giáo sĩ Moriot nói chuyện. Piotr từ trước tới nay ăn học ở nước ngoài nên buổi tiếp tân của Anna Pavlovna hôm nay là buổi đầu tiên chàng được dự từ khi trở về Nga. Piotr biết rằng đây là nơi tụ họp của toàn thể giới trí thức ở Petersburg, cho nên mắt chàng cứ đưa nhìn khắp bốn phía, háo hức như mất một đứa trẻ con trong một gian hàng bán đồ chơi. Chàng luôn sợ bỏ lỡ mất một câu chuyện lý thú mà chàng có thể nghe được. Nhìn vào những vẻ mặt trang nhã và đầy tự tin tập hợp nơi đây, chàng luôn luôn chờ nghe một cái gì đặc biệt lý thú. Cuối cùng Piotr lại gần giáo sĩ Moriot. Chàng nghe loáng thoáng câu chuyện có vẻ thú vị bèn đứng lại lắng nghe, chờ dịp để nói ý mình ra, như những người trẻ tuổi thường thích làm.

Chọn tập
Bình luận