Chôn cất cha xong, công tước tiểu thư Maria đóng cửa buồng không tiếp ai cả. Một nữ tỳ đến cạnh cửa báo là có Alpatyts xin lệnh lên đường (lúc bấy giờ Alpatyts chưa nói chuyện với Dron).
Tiểu thư Maria đang nằm trên đi-văng, nhổm dậy trả lời qua cánh cửa đóng là nàng sẽ không bao giờ đi đâu cả và yêu cầu người ta để nàng được yên.
Các cửa sổ buồng nàng trông về phía tây. Nằm trên đi-văng mặt úp vào tường, tay mân mê cái cúc trên gối da, nàng chỉ nhìn thấy cái gối ấy và những ý nghĩ rối ren của nàng chỉ tập trung vào một điều: cái chết không sao bù đắp lại được, và sự xấu xa, hèn hạ của tâm hồn mình mà trước kia nàng không hề biết: nhưng đã lộ ra ngoài thời gian cha nàng ốm. Nàng muốn cầu nguyện, nhưng không dám; trong tâm trạng lúc bấy giờ, nàng không dám thưa gửi cầu xin Thượng đế cả. Nàng cứ nằm yên như thế một hồi lâu.
Mặt trời đã xuống thấp phía sau nhà, và qua các cửa sổ mở rộng, ánh tà dương chiếu sáng gian buồng và một phần chiếc gối da mà nàng đang nhìn. Dòng tư tưởng của nàng bỗng gián đoạn.
Nàng nhổm dậy như cái máy, sửa lại mái tóc, đứng lên và đến gần cửa sổ, vô tình hít ngọn gió mát nhẹ của buổi chiều quang đãng nhưng lộng gió.
“Phải, bây giờ mày tha hồ mà ngắm cảnh trời chiều! Cha mất rồi chẳng còn ai quấy rầy nữa”. – Nàng tự nhủ rồi ngồi phịch xuống một cái ghế và cúi đầu tỳ xuống thành cửa sổ.
Nàng ngẩng lên. Đó là cô Burien, mặc áo tang đen có viền ren trắng. Cô Burien nhẹ nhàng bước đến, thở dài ôm hôn công tước tiểu thư Maria, rồi bỗng khóc nức nở. Tiểu thư Maria liếc nhìn cô Burien. Nàng nhớ lại tất cả những cuộc xung đột cũ tất cả lòng ghen tức của nàng đối với cô Burien; nàng cũng nhớ lại rằng sau này, cha đã thay đổi hẳn thái độ đối với cô ta, không thể chịu được sự có mặt của cô ta, cho nên nàng tự nhủ rằng những điều mà trong thâm tâm nàng trách móc cô ta thật là bất công. “Vả lại mình đã mong cha chết thì còn có thể phán xét ai được nữa” – nàng thầm nghĩ.
Bỗng nàng nghĩ đến tình cảnh cô Burien, mà ít lâu nay nàng không cho gặp mặt nhưng vẫn phải lệ thuộc nàng, và phải ở nhờ ăn gửi nhà người. Và nàng thấy thương hại con người ấy. Nàng nhìn cô, một cái nhìn thăm hỏi dịu dàng, và chìa tay cho cô ta. Cô Burien liền bật tiếng khóc, cầm tay nàng mà hôn, rồi nói đến nỗi thương tâm của nàng và cùng nàng chia sẻ nỗi thương tâm ấy. Cô ta nói rằng niềm an ủi độc nhất trong nỗi buồn của cô ta là tiểu thư. Cô ta nói tất cả những hiểu lầm trước kia đều phải xoá sạch trước nỗi đau thương lớn lao này, rằng cô ta tự thấy lương tâm trong sạch trước tất cả mọi người và ở trên kia trông xuống. Người cũng tỏ tấm lòng thương yêu và biết ơn của cô. Công tước tiểu thư nghe mà không hiểu cô ta nói gì, nhưng chốc chốc lại liếc nhìn và lắng tai nghe giọng nói của cô.
– Tiểu thư thân yêu ạ – Cô Burien im lặng một lát rồi lại nói – Tình cảnh của tiểu thư thật là hiểm nghèo về hai mặt. Em cũng hiểu là xưa nay tiểu thư không bao giờ có thể nghĩ đến mình, nhưng vì lòng yêu mến tiểu thư mà em phải nghĩ đến việc ấy cho tiểu thư… Tiểu thư đã gặp Alpatyts chưa? Ông ta đã trình bày về việc khởi hành chưa?
“Làm sao có thể lo toan việc gì bây giờ? Chẳng phải rồi mọi việc rồi cũng đến thế cả thôi sao?” và nàng không đáp.
– Maria thân yêu – Cô Burien lại nói – Tiểu thư có biết là nguy đến nơi rồi không? Quân Pháp đang vây quanh chúng ta; bây giờ mà đi thật là nguy hiểm. Đi thì thế nào cũng bị bắt mất và có Chúa mới biết được…
Công tước tiểu thư Maria nhìn cô ta mà chẳng hiểu là cô ta nói gì.
– Ồ! Giá có ai biết bây giờ đối với tôi dù có thế nào cũng được!- Nàng nói. – dĩ nhiên dù có thế nào tôi cũng không muốn bỏ người mà đi… Alpatyts có nói với tôi về việc đi đứng gì đấy… Cô thu xếp với ông ta, tôi thì không thể làm gì được, mà cũng không muốn gì cả không muốn gì cả…
– Em đã bảo ông ta. Ông ta hy vọng rằng chúng mình có thể lên đường ngày mai; nhưng em nghĩ rằng bây giờ nên ở lại thì hơn. Vì, Maria thân yêu ạ, phải công nhận rằng dọc đường mà sa vào tay quân địch hay vào tay nông dân nổi loạn thì thật là khúng khiếp.
Cô Burien rút từ cái túi con ra một tờ hiệu triệu, in trên một thứ giấy khác hắn thứ giấy thường dùng để in các văn kiện Nga, đó là tờ hiệu triệu của tướng Pháp Ramo khuyên dân chúng đừng bỏ nhà mà đi, và cam đoan với họ là các nhà chức trách khác sẽ ủng hộ họ một cách chu đáo. Cô Burien đưa tờ giấy cho công tước tiểu thư và nói thêm:
– Em nghĩ là nên ngỏ lời với vị tướng này; chắc chắn là người ta đối với tiểu thư phải có sự kiêng nể xứng đáng với địa vị tiểu thư.
Công tước tiểu thư Maria đọc tờ giấy, và mếu máo khóc lên, nhưng mắt ráo hoảnh.
– Cô lấy tờ này ở đâu? – Nàng hỏi.
– Chắc là nghe tên em, họ đoán rằng em là người Pháp. – Cô Burien đỏ mặt đáp.
Tay cầm tờ giấy, công tước tiểu thư Maria rời cửa sổ và mặt tái mét, đi vào buồng làm việc cũ của công tước Andrey. Nàng gọi:
– Dunasa, bảo Alpatyts vào đây, hay là Dron, hay ai cũng được.
Nghe tiếng cô Burien nàng nói tiếp:
– Và bảo cô Amalya Karlova đừng vào phòng tôi.
Rồi nàng tự nhủ: “Đi! Phải đi ngay tức khắc! Tức khắc!”. Nàng hoảng sợ khi nghĩ rằng mình có thể sa vào tay quân Pháp. “Nếu công tước Andrey biết tin nàng bị quân Pháp bắt! Nếu công tước biết nàng con gái của công tước Nikolai Andreyevich Bolkonxki, đi cầu xin tướng quân Ramo bảo hộ và được hưởng những ân huệ của hắn!”. Ý nghĩ ấy làm nàng khiếp hãi, nàng đỏ mặt tía lại, run bắn cả người lên vì cơn tức giận và lòng tự hào mà nàng chưa hề có bao giờ.
Tất cả những gì và nhất là tủi nhục trong hoàn cảnh của nàng, bây giờ đã hiện lên rõ rệt. “Bọn quân Pháp ấy sẽ đóng trong nhà này, tướng Ramo sẽ chiếm phòng làm việc của công tước Andrey, sẽ lục và đọc thư từ giấy má của anh để tiêu khiển. Cô Burien sẽ nghênh tiếp trọng thể vị quý khách của Bogutsarovo. Họ sẽ làm phúc dành cho ta một căn buồng con: bọn lính tráng sẽ xúc phạm nấm mồ mới đắp của cha ta để cướp lấy huân chương và bội tinh của người: chúng sẽ kể lại và bắt ta phải nghe những trận chúng thắng quân Nga; chúng sẽ giả dối tỏ lòng thông cảm với nỗi đau của ta…” – Công tước tiểu thư Maria thầm nghĩ, nhưng thật ra những ý nghĩ ấy không hẳn là của nàng mà lại là của cha và anh nàng, những ý nghĩ mà nàng cảm thấy phải tuân theo. Đối với bản thân nàng thì dù ở đâu cũng thế thôi dù nàng cũng gặp chuyện gì cũng thế thôi, nàng có cần gì; nhưng nàng thấy mình đồng thời đại diện cho người cha quá cố của nàng và cho công tước Andrey. Nàng bất giác cảm nghĩ bằng những ý nghĩ của cha và anh nàng. Điều gì mà trong giờ phút này cha và anh nàng phải nói, việc gì mà cha và anh nàng phải làm, nàng đều cho mình có bổn phận phải nói và làm đúng như vậy. Vào thư phòng của công tước Andrey, nàng cố gắng hình dung một cách thấu đáo những tư tưởng của anh để suy nghĩ đến tình cảm của mình.
Những đòi hỏi của cuộc sống mà nàng tưởng đã bị loại trừ hết từ khi cha nàng chết thì nay lại hiện lên trước mặt nàng với một sức mạnh chưa từng thấy và hoàn toàn làm chủ tâm trí.
Xúc động, mặt đỏ bừng, nàng đi đi lại lại trong phòng, khi thì gọi Alpatyts, khi thì gọi Mikhail Ivanyts, khi thì gọi Tikhon, khi thì gọi Dron, Dunyasa, u già, và tất cả các đầy tớ gái đều không biết nói gì với nàng để có thể xác nhận hay đính chính những lời của cô Burien. Alpatyts thì không có nhà, đang đi mời các nhà chức trách.
Một lát sau ông kiến trúc sư Mikhail Ivanyts vào, nhưng mắt còn ngái ngủ, ông ta cũng không biết gì mà nói với nàng cả. Nàng hỏi gì ông ta cũng trả lời bằng cái nụ cười tán thành mà ông ta đã quen dùng suốt mười lăm năm trời để trả lời lão công tước, cái nụ cười ưng thuận vẫn khiến cho ông ta khỏi phải bày tỏ ý kiến bằng lời, thành thử rút cục chẳng biết đích xác ý ông ta thế nào cả. Đến lượt Tikhon, người hầu buồng già cũng được gọi vào; mặt lão gầy đét, dài thườn thượt, mang dấu vết của một nỗi buồn không sao khuây khoả được: hỏi câu gì lão cũng đáp: “Xin vâng ạ”, và khi nhìn công tước tiểu thư Maria, lão phải khó khăn lăm mới nén nổi những tiếng nức nở.
Cuối cùng trưởng thôn Dron bước vào, và sau khi vái chào rất kính cẩn, lão dừng lại ở ngưỡng cửa.
Công tước tiểu thư Maria nói, trong lòng tin chắc là đang nói với một người thân, với Dronuska ngày trước, cứ hàng năm một lần đi chợ phiên Vyzma là thế nào cũng mua về cho nàng những chiếc bánh ngọt đặc biệt, miệng cười tay đưa. Nàng nói: “Dronuska, bây giờ sau cái tang của chúng ta…” – Rồi nàng im bặt, không đủ sức nói tiếp.
– Chúng ta đều ở trong tay Chúa – Dron thở dài nói.
Hai người im lặng một lát.
– Dronuska ạ, Alpatyts đi vắng, tôi chẳng còn biết hỏi ai. Họ nói bây giờ tôi không thể đi được, có đúng không?
– Vì lẽ gì tiểu thư lại không đi được, thưa công tước tiểu thư, có thể đi được chứ.
– Người ta bảo tôi là đi rất nguy hiểm, vì có thể gặp quân địch. Bác Dronuska, tôi chẳng biết làm thế nào được, tôi chẳng hiểu gì hết, tôi chẳng có ai quanh tôi cả. Tôi muốn đi ngay đêm nay hay sáng mai, thật sớm.
Dron làm thinh và lén nhìn công tước tiểu thư.
– Không kiếm được ngựa, – lão nói, – Tôi cũng đã bảo với Yakob Alpatyts.
– Tại sao vậy? – Công tước tiểu thư hỏi.
– Tất cả đều là sự trừng phạt của Chúa. Ngựa ngày trước con thì bị quân đội trưng dụng, con thì chết; Ấy năm nay còn như thế. Không những không có gì cho ngựa ăn, mà ngay đến người như chúng tôi e rồi cũng chết đói cả. Chưa chi mà đã có kẻ ba ngày không được một miếng. Chẳng còn gì nữa cả, chúng tôi đã bị người ta làm cho khánh kiệt rồi.
Công tước tiểu thư Maria chăm chú lắng nghe những điều lão nói.
– Nông dân khánh kiệt cả rồi à? Họ không có bánh àn à? – Nàng hỏi.
– Họ chết đói thì còn làm thế nào mà còn nghĩ đến xe với cộ được nữa? – Dron nói.
– Nhưng tại sao bác chẳng bảo gì cả, Dronuska. Ta không thể giúp cho họ sao? Tôi sẽ cố hết sức… – Công tước tiểu thư Maria lấy làm lạ rằng những lúc này, lòng nàng đau khổ đến như thế nào, mà lại còn có thể có kẻ giàu và người nghèo, và kẻ giàu lại có thể bỏ mặc không giúp người nghèo. Nàng nhớ mang máng và có nghe nói là thường thường ở các điền trang lúc nào cũng có một kho lúa mì để dành riêng cho trang chủ, thỉnh thoảng cũng có đem phát cho nông dân. Nàng lại biết rằng cha nàng và anh nàng sẽ không đời nào từ chối giúp đỡ nông dân trong cảnh túng bấn, nàng chỉ ngại là không tìm đủ những lời lẽ cần thiết để ra lệnh phát lúa mì như ý nàng muốn. Nàng lấy làm mừng là đã có được một duyên cớ để lo lắng ân cần đối với người khác, một duyên cớ cho phép nàng quên nỗi thương tâm của mình mà không thấy hổ thẹn. Nàng bảo Dron nói cặn kẽ xem nông dân cần những gì và hỏi lão về các kho dự trữ Ở Bogutsarovo.
– Có phải ở đây có kho lúa mì của nhà chủ, không nhỉ? Kho của anh tôi ấy mà?
– Kho lúa mì của nhà chủ còn nguyên vẹn – Dron kiêu hãnh đáp – Công tước của chúng tôi không cho lệnh chúng tôi đem bán.
– Đem chia cho nông dân, họ cần bao nhiêu thì chia hết cho họ bấy nhiêu: tôi thay mặt anh tôi mà cho phép bác phân phát. – Công tước tiểu thư Maria nói.
Dron chẳng nói chẳng rằng, chỉ buồn rầu thở ra một tiếng rõ dài.
– Đem chia cho họ đi, nếu có đủ để chia cho mọi người. Chia hết đi. Thay mặt anh tôi, ra lệnh phân phát. Và nói cho họ biết là cái gì là của chúng tôi thì tức cũng là của họ. Giúp họ thì chúng tôi không tiếc gì hết. Nói cho rõ như vậy.
Dron nhìn chằm chặp vào công tước tiểu thư Maria trong khi nàng nói.
– Vì Chúa, xin tiểu thư cách chức tôi đi, tiểu thư bảo người đến. Chúng tôi xin nộp lại chìa khoá. Tôi đã hầu hạ ba nằm trời không dám làm điều gì sai trái, lạy Chúa, xin tiểu thư cho tôi được cáo lui.
Công tước tiểu thư Maria không hiểu lão xin gì và lão xin từ bỏ cái gì. Nàng trả lời là nàng không bao giờ nghi ngờ gì lòng trung thành tận tuỵ của lão và cả nàng sẵn sàng làm mọi cách để giúp lão và giúp nông dân.