Sau khi trở về trung đoàn báo cáo lại cho trung đoàn trưởng biết tình hình vụ Denixov hiện ra sao, Roxtov mang bức thư thỉnh cầu hoàng đế đến Tilzit.
Ngày mười ba tháng sáu, hoàng đế Pháp và hoàng đế Nga gặp nhau ở Tilzit. Boris Drubeskoy xin nhân vật trọng yếu mà chàng làm thuộc hạ cho chàng gia nhập đoàn hộ giá được cử đến họp ở đấy.
– Tôi muốn được gặp bậc sĩ nhân, – chàng dùng danh từ này để chỉ Napoléon, người mà từ trước đến nay, cũng như mọi người, bao giờ chàng cũng gọi là Buônapáctê.
– Anh muốn nói đến Buônapáctê phải không? – viên tướng mỉm cười nói với chàng.
Boris nhìn viên tướng của mình có ý dò hỏi, và hiểu ngay rằng đó chỉ là một lời bông đùa để thử mình mà thôi. Chàng đáp:
– Thưa công tước, tôi muốn nói đến hoàng đế Napoléon, viên tướng mỉm cười vỗ vai chàng:
– Anh sẽ tiến xa đấy, – và ông ta đem chàng đi theo.
Thế là Boris được thu nạp vào cái số ít người có mặt ở trên sông Neman trong ngày hai vị hoàng đế hội kiến. Chàng được trông thấy những chiếc bè mang phù hiệu của hai vị hoàng đế, thấy Napoléon ở bên kia sông đang duyệt quân cận vệ Pháp, thấy bộ mặt tư lự của hoàng đế Alekxandr khi ngồi im lặng trong một quán trọ bên bờ sông Neman đợi Napoléon đến. Chàng trông thấy hai vị hoàng đế bước xuống hai chiếc thuyền riêng, thấy thuyền của Napoléon đến chỗ bè đậu trước tiên. Napoléon nhanh nhẹn bước ra đón Alekxandr và giơ tay ra bắt, rồi hai người cùng nhau đi khuất vào trong trướng. Từ khi lọt được vào các giới cao cấp, Boris đã có thói quen quan sát cẩn thận và ghi nhớ tất cả những điều gì xảy ra quanh mình. Trong cuộc hội kiến ở Tilzit, chàng tìm cách biết tên những người đi theo Napoléon hỏi han về những y phục họ mặc, và chú ý lắng nghe xem các nhân vật quan trọng nói gì. Ngay khi hai vị hoàng đế bước vào trong trường, chàng lấy đồng hồ ra xem và không quên xem lại lần nữa khi Alekxandr từ trong trướng bước ra. Cuộc hội kiến kéo dài một giờ năm mươi ba phút. Ngay chiều hôm ấy, chàng đã ghi chép sự kiện vừa rồi cùng với những sự kiện khác mà chàng cho là có ý nghĩa lịch sử. Vì đoàn hộ giá rất ít người cho nên việc có mặt ở Tilzit có một tầm quan trọng rất lớn đối với một kẻ muốn thành công trên bước đường công danh. Một khi đã được dự vào đoàn hộ giá này, Boris cảm thấy từ nay địa vị của mình đã hoàn toàn vững chắc. Bây giờ không những người ta biết chàng, mà vì cứ trông thấy chàng luôn cho nên người ta còn đâm ra quen chàng nữa. Đã hai lần chàng được giao nhiệm vụ đến gặp hoàng đế, nên hoàng đế bây giờ đã biết mặt chàng, và các chiêu thần không những không tránh mặt chàng như trước kia khi họ còn cho chàng là một người mới đến, mà nếu không thấy chàng họ sẽ còn ngạc nhiên nữa là khác.
Boris ở chung nhà với một sĩ quan phụ tá khác: bá tước Zilinxki. Zilinxki là một người Ba Lan giàu có được ăn học ở Paris, rất mê người Pháp, và trong thời gian họp ở Tilzt hầu như ngày nào bọn sĩ quan Pháp ở trong đội cận vệ và trong bộ tổng tham mưu cũng đến ăn trưa hay ăn sáng ở nhà Zilinxki và Boris.
Chiều ngày hai mươi bốn tháng Sáu, bá tước Zilinxki, người cùng ở một nhà với Boris, tổ chức một bữa ăn tối để thiết đãi những người Pháp quen biết ông ta. Thượng khách bữa tiệc này là một viên quan phụ tá của Napoléon, ngoài ra có mấy viên sĩ quan cận vệ Pháp và một cậu thiếu niên thuộc cựu quý tộc Pháp làm thị đồng cho Napoléon. Chính chiều hôm ấy Roxtov lợi dụng bóng tối để không ai nhận ra mình, mặc thường phục đến Tilzit tìm chỗ của Zilinxki và Boris.
Sự biến chuyển trong thái độ đối với Napoléon và đối với người Pháp – những kẻ địch hôm qua nay đã thành bạn, sự biến chuyển đã diễn ra trong Tổng hành dinh và trong lòng Boris hãy còn xa lắm mới được thực hiện trong tư tưởng của Roxtov cũng như của toàn thể quân đội mà chàng vừa rời khỏi để đến đây. Trong quân đội người ta vẫn còn cái cảm giác lẫn lộn trước đây gồm cả sự căm giận, khinh bỉ đối với Buônapáctê và quân Pháp. Ngay vừa mới đây thôi, trong khi tranh luận với một sĩ quan cô-dắc trong quân đoàn Platov, Roxtov có nói rằng nếu Napoléon bị bắt làm tù binh thì sẽ bị đối xử như một lên tội phạm chứ không phải như một vị hoàng đế. Cũng vừa mới đây, khi gặp một đại tá Pháp bị thương, chàng đã hăng hái chứng minh với ông ta rằng không thể nói đến chuyện hoà ước giữa một vị hoàng đế hợp pháp với một tên tội phạm như Buônapáctê được. Cho nên Roxtov rất đỗi ngạc nhiên khi thấy ở nhà Boris có những sĩ quan Pháp trong những bộ quân phục mà chàng đã quen nhìn ở tiền tiêu trong những hoàn cảnh khác hẳn. Vừa mới thấy một viên sĩ quan Pháp ló mặt ra cửa là cái cảm giác chiến tranh, thù địch mà chàng bao giờ cũng cảm thấy khi đứng trước quân địch, bỗng tràn ngập tâm hồn chàng. Chàng dừng lại ở ngưỡng của và hỏi bằng tiếng Nga xem đây có phải là nơi của Boris Drubeskoy không. Boris nghe ở phòng áo có giọng nói là lạ, liền ra gặp chàng. Khi nhận ra Roxtov, nét mặt của Boris thoạt tiên lộ vẻ khó chịu. Tuy vậy chẳng vẫn tiến về phía Roxtov, mỉm cười nói:
– À cậu đấy à! Rất mừng, rất mừng được gặp cậu.
Nhưng Roxtov đã nhận thấy cái thái độ ban đầu của Boris.
– Hình như tôi đến không đúng lúc thì phải. Đáng lẽ tôi không đến đây nhưng vì tôi có việc cần. – Chàng nói, giọng lạnh lùng.
– Không, mình chỉ ngạc nhiên tại sao cậu lại rời trung đoàn đến đây?
Lúc bấy giờ trong nhà có tiếng ai gọi Boris. Chàng đáp bằng tiếng Pháp:
– Chỉ một lát nữa thôi tôi sẽ quay lại với các anh ngay!
– Tôi thấy rõ là tôi đến không phải lúc – Roxtov nhắc lại.
Vẻ chịu khó đã biến mất trên gương mặt Boris. Chắc là chàng đã kỉp nghĩ lại và đã quyết định phải làm gì; Boris nắm hai tay Roxtov một cách rất điềm nhiên và kéo chàng vào một gian phòng bên cạnh. Boris nhìn thẳng vào Roxtov một cách bình tĩnh và quả quyết, đôi mắt chàng như bị che lấp sau một tấm bình phong: tấm bình phong đó chính là cặp kính xanh của xã giao, – Roxtov cảm thấy như vậy.
– Thôi đi có gì đâu mà không phải lúc?
Boris nói đoạn đưa chàng vào phòng ăn giới thiệu chàng với tân khách, nói rõ tên họ của chàng và giảng giải rằng chàng không phải là một người dân sự mà là một sĩ quan phiêu kỵ, vốn là một bạn cũ của mình. Đoạn Boris giới thiệu các tên khách: bá tước Zilinxki, bá tước N.N., đại uý S.S… Roxtov cau mày nhìn các tân khách người Pháp, miễn cưỡng cúi chào và lặng thinh không nói.
Zilinxki hình như chẳng lấy gì làm vui vẻ khi phải đón tiếp cái anh chàng người Nga mới đến kia trong nhóm bạn bè của mình, không nên nói gì với Roxtov cả. Boris có vẻ như không để ý đến tình trạng lúng túng do người mới đến gây nên trong bữa tiệc và tìm cách làm cho câu chuyện rôm rả lên, với thái độ bình tĩnh nhã nhặn của mình, và cái nhìn che kín sau tấm bình phong như khi chàng gặp Roxtov. Một người Pháp, với thái độ lịch thiệp mà những người đồng bang của hắn vốn có, quay về phía Roxtov bấy giờ vẫn một mực làm thinh và nói rằng chắc chàng đến Tilzit là để xem một hoàng đế.
– Không tôi đến có việc – Roxtov đáp gọn.
Roxtov đã thấy bực mình ngay từ khi chàng nhận thấy vẻ khó chịu của Boris và cũng như thói thường khi người ta đang bực mình, chàng có cảm giác làm mọi người nhìn mình một cách khó chịu và mình đang làm mọi người lúng túng. Quả nhiên chàng làm cho mọi người khó chịu, và chỉ có một mình chàng tách ra ngoài câu chuyện chung mới bắt đầu. Các tân khách chốc chốc lại đưa mắt về phía chàng như muốn nói: “Hắn ngồi đây làm cái gì nhỉ?” – Chàng đứng dậy và đến bên cạnh Boris.
– Mình nhìn thấy rõ rằng mình làm phiền cậu – chàng khẽ nói với Boris. Ta đi chỗ khác bàn công việc một chút, rồi mình đi ngay.
– Nào có gì đâu… – Boris nói nhưng nếu cậu mệt thì vào phòng riêng của tôi nằm nghỉ một lát.
– Phải đấy…
Hai người bước vào gian phòng ngủ nhỏ của Boris. Roxtov không ngồi xuống. Chàng lập tức kể lại cho Boris nghe vụ Denixov một cách bực tức tưởng chừng như Boris có lỗi gì với chàng, và hỏi Boris có muốn hay có thể nhờ vị tướng của chàng can thiệp giúp với hoàng đế và nhờ ông ta đưa hộ bức thư không. Khi chỉ còn hai người với nhau, Roxtov lần đầu tiên mới nhận thấy rằng mình ngượng nghịu khi phải nhìn thẳng vào mặt Boris, Boris ngồi vắt chéo chân, lấy bàn tay trái vuốt ve mấy ngón tay thon thon của bàn tay phải và nghe chàng nói như một viên tướng nghe thuộc hạ của mình báo cáo, khi thì liếc nhìn sang một bên, khi thì lại nhìn thẳng vào mặt Roxtov, vẫn với cái nhìn bị che lấp sau một tấm bình phong như lúc nãy. Cứ mỗi lần như vậy Roxtov lại cảm thấy lúng túng và cụp mắt xuống.
– Tôi đã nghe nói đến những việc đại loại như vậy và tôi biết rằng hoàng đế rất nghiêm khắc trong những trường hợp đó. Tôi nghĩ rằng không nên đệ trình việc này lên hoàng thượng. Theo ý tôi, tốt hơn là xin thẳng tư lệnh quân đoàn…, nhưng nói chung tôi nghĩ rằng…
– Nếu cậu không muốn giúp thì cậu cứ nói thẳng – Roxtov nói to gần như quát lên, không nhìn vào mắt Boris.
Boris mỉm cười:
– Trái lại, tôi sẽ cố hết sức làm những việc tôi có thể làm, có điều tôi nghĩ rằng…
Vừa lúc đó có tiếng Zilinxki gọi Boris.
– Thôi cậu đi đi, ra đi… – Roxtov nói, và không dự bữa ăn tối.
Roxtov ở lại một mình trong căn phòng nhỏ đi đi lại lại hồi lâu trong phòng lắng nghe tiếng nói chuyện vui vẻ bằng tiếng Pháp từ gian phòng bên vọng lại.