– Maria ạ!
Công tước phu nhân nhỏ nhắn nói (lúc ấy là vào buổi sáng ngày mười chín tháng ba, sau bữa ăn sáng) và cái môi thoáng bóng lông tơ của nàng lại cong lên như thường lệ; nhưng vì từ khi cái tin ghê gớm kia đưa lại, mọi việc trong nhà, từ những nụ cười giọng nói cho chí cách đi đứng, đều đượm vẻ u buồn, cho nên công tước phu nhân nhỏ nhắn cũng nhiễm cái tâm trạng chung ấy mặc dầu không biết rõ nguyên nhân, nụ cười của phu nhân lại càng nhắc nhở nỗi thương tâm của mọi người.
– Cô Maria, tôi e rằng cái món fruschlique(1), như anh bếp Foka nhà ta thường gọi ấy, sáng nay đã làm tôi ốm rồi đấy!
– Chị làm sao thế hở chị? Chị xanh lắm. Ồ, chị xanh quá đi mất – Công tước tiểu thư Maria sợ hãi vừa nói vừa bước những bước chân nặng nề và mềm mại chạy đến cạnh nàng.
– Thưa tiểu thư, có cần đi gọi Maria Bogdanovna không ạ, – Một trong những người thị nữ có mặt ở đấy nói (Maria Bogdanovna là bà đỡ ở huyện lỵ lân cận đến Lưxye Gôrư từ tuần trước).
– Phải đấy – Công tước tiểu thư Maria đáp – Có lẽ cần đấy. Tôi đi đây. Can đảm lên, chị yêu dấu của em – Nàng ôm hôn Liza và toan ra ngoài.
– Ồ không, không! – Và thêm vào sắc da xanh nhợt trên gương mặt Liza lại lộ rõ một nỗi sợ hãi trẻ con trước cơn đau thể xác không sao tránh được.
– Không, đau dạ dày đấy!… Mình đau dạ dày đấy mà, nói thế đi Maria, nói thế đi! – Và công tước phu nhân khóc oà như đứa trẻ bị đau, vẻ nũng nịu, thậm chí hơi vờ vĩnh, hai bàn tay xinh xinh vặn vào nhau. Công tước tiểu thư Maria chạy ra khỏi phòng đi tìm bà Maria Bogdanovna. Phía sau lưng nàng vẫn nghe tiếng rên rỉ của Liza:
– Ôi Trời ơi, Trời ơi!
Hai bàn tay nhỏ bé trắng trẻo, xoa xoa vào nhau, bà đỡ ra đón nàng, vẻ bình tĩnh và quan trọng.
– Bà Maria Bogdanovna! Hình như đã bắt đầu rồi đấy – Công tước tiểu thư Maria nhìn bà đỡ nói, hai mắt giương to vì sợ hãi.
– Thôi cũng tạ ơn Chúa, công tước tiểu thư ạ – bà Maria Bogdanovna nói, chân vẫn không bước vội hơn. – Các tiểu thư không nên biết những chuyện này.
– Nhưng tại sao bác sĩ ở Moskva vẫn chưa đến? – Công tước tiểu thư nói. (Theo yêu cầu của Liza và công tước Andrey, người ta đã mời một bác sĩ sản khoa ở Moskva và cả nhà đang chờ đợi ông ta từng phút một).
– Không sao đâu, công tước tiểu thư ạ, tiểu thư chớ lo – Bà Maria Bogdanovna nói – Dù không có bác sĩ thì rồi đâu cũng vào đấy cả.
Năm phút sau, công tước tiểu thư ngồi trong phòng riêng nghe có tiếng người khiêng một cái vật gì rất nặng. Nàng nhìn ra: những người hầu đang bưng vào phòng ngủ một chiếc đi-văng đệm da vẫn để ở trong phòng làm việc của công tước Andrey – chẳng hiểu để làm gì. Gương mặt những người hầu có vẻ long trọng và trầm lặng.
Công tước tiểu thư Maria ngồi một mình trong phòng riêng, lắng nghe những tiếng động trong nhà, thỉnh thoảng lại mở cửa ra khi có tiếng người và nhìn xem những việc đang diễn ra trong hành lang. Có mấy người đàn bà đi qua rồi trở về, bước rón rén lặng lẽ, liếc mắt nhìn nàng và ngoảnh mặt đi ngay. Nàng không dám hỏi họ; nàng đóng cửa lại, quay vào phòng rồi khi ngồi vào ghế dựa, khi cầm lấy quyển kinh, khi lại đến quỳ trước tượng thánh. Nàng ngạc nhiên và đau đớn nhận thấy rằng cầu nguyện không đẹp yên được nỗi bồn chồn trong lòng nàng. Chợt cánh cửa phòng nhè nhẹ mở, và trên ngưỡng cửa hiện ra một bà già đầu trùm khăn. Đó là bà Praxkovya Xavisna, u già của nàng, lâu nay hầu như chưa lần nào vào phòng nàng, vì có lệnh cấm của công tước.
– U đến đây để ngồi với tiểu thư một lát cho có bạn đây, Masenka ạ – Bà già nói – Và vị thiên thần của u, u mang đến mấy cây bạch lạp thắp trong lễ cưới của công tước ngày xưa để thắp trước tượng thánh – bà ta thở dài nói thêm.
– Ồ ! U đến đây con mừng lắm.
– Thượng đế rất từ bi, con yêu dấu của u ạ – Người u già đứng trước bàn thờ, thắp những cây bạch lạp cẩn vàng và ngồi xuống cạnh cửa với cuộn len đan. Công tước tiểu thư Maria lấy một quyển sách ra xem. Chỉ khi nào nghe tiếng chân đi hay tiếng nói, hai người mới nhìn nhau, nàng thì có vẻ sợ hãi, dò hỏi, còn u già thì có vẻ muốn cho nàng trấn tĩnh lại. Cái cảm giác của công tước tiểu thư trong khi ngồi ở phòng mình đã lan ra khắp nhà và đã chi phối hết thảy mọi người. Theo sự mê tín trong dân gian, càng ít người biết đến cơn đau đẻ thì người đẻ càng ít đau, cho nên mọi người đều cố gắng giả vờ như không biết, không ai đả động đến việc ấy cả, nhưng cái vẻ trang trọng và cung kính thường ngày ngự trị trong nhà công tước, vẫn có thể thấy ai nấy đều có ý thức rằng một cái gì cao cả, thần bí đang diễn ra trong giờ phút này.
Trong gian phòng lớn dành cho các đầy tớ gái, không có lấy một tiếng cười. Trong phòng gia nhân, mọi người đều im lặng, sẵn sàng làm mọi việc. Trong các gian nhà dưới, người ta đốt đuốc nhựa, tháp nến và không một ai đi ngủ. Lão công tước thì nện gót chân đi đi lại lại trong thư phòng và sai Tikhôn đến gặp bà Maria Bogdanovna hỏi dò tin tức.
– Mày chỉ nói: Công tước sai tôi đến hỏi bây giờ ra sao, thế rồi trở về nói cho ta biết bà ta bảo thế nào.
– Bác thưa lại với công tước rằng phu nhân đã bắt đầu lâm sản – bà Maria Bogdanovna vừa nói vừa nhìn sai nhân một cách đầy ý nghĩa, Tikhôn trở về báo tin cho công tước.
– Được – Công tước vừa nói vừa đóng cửa lại.
Và Tikhôn không còn nghe tiếng gì trong thư phòng nữa. Một lát sau, Tikhôn trở về, lấy cớ là để gạt tàn nến. Thấy công tước nằm thượt trên đi-văng, lão nhìn vẻ mặt phờ phạc của ông cụ, lắc đầu, lặng lẽ đến gần, hôn vào vai ông cụ rồi lại trở ra, không gạt tàn nến, cũng không nói mình vào làm gì. Điều huyền bí trang nghiêm nhất thế gian vẫn tiếp diễn. Buổi chiều đã qua, đêm đến. Cái tâm trạng chờ đợi và mủi lòng trước một cái gì thần bí không những không giảm mà còn mỗi lúc một tăng. Trong nhà không một ai chớp mắt.
Đêm ấy là một đêm tháng ba, đúng vào cái tiết mà mùa đông như muốn khẳng định lại uy quyền của nó một lần nữa và đùng đùng nổi giận, tung ra những luồng bão táp và những trận mưa tuyết cuối cùng. Công tước đã phái người đem mấy con ngựa lên đường cái để đón tiếp ông bác sĩ người Đức và đã cắt đặt những người cưỡi ngựa cầm đèn lồng ở chỗ vào đường làng để dẫn ông ta qua các ổ gà và các vũng nước ngầm lấp dưới mặt tuyết. Người ta đang chờ đợi bác sĩ từng giây từng phút.
Công tước tiểu thư Maria đã bỏ sách xuống từ lâu; Nàng ngồi im lặng, cặp mắt trong sáng nhìn vào khuôn mặt nhăn nheo của người u già mà nàng quen thuộc từng chi tiết, nhìn vào món tóc bạc đâm ra ngoài khăn, nhìn vào cái lớp da bèo nhèo dưới cổ bà ta.
U già Xavisna, tay cầm chiếc tất đan, đang thì thầm kể lại (mà cũng không nghe và không hiểu mình nói gì) một câu chuyện mà u đã kể hàng trăm lần, là chuyện công tước tiểu thư Maria ra đời như thế nào; mồ ma công công tước phu nhân đã sinh nàng ở Kysinev, bà đỡ là một bà nông dân Moldavi.
– Chúa rất từ bi, không việc gì phải mời bác sĩ – Bà ta nói. Đột nhiên một trận gió đánh vào một cái cửa sổ đã cất khung ngoài (theo công tước, hễ cứ đến kỳ chim sơn ca trở lại thì mỗi phòng lại cất bớt khung ngoài trên cửa sổ)(2) làm bật cái chốt cài không khí, xô những bức màn lụa, lùa khí lạnh và tuyết vào trong phòng và thổi ngọn nến tắt phụt. Công tước tiểu thư Maria giật mình; U già đặt chiếc tất xuống, đến trước cửa sổ và chồm ra bên ngoài, gắng giữ lại khung kính bị mở tung. Gió lạnh thổi bay lất phất những đầu múi khăn của bà và những món tóc bạc đâm ra ngoài khăn.
– Công tước tiểu thư, con ơi, có ai đang đi trên con đường chính ở cổng trước kia kìa! – U già nói, tay vẫn nắm cái khung cửa không sao đóng lại được. – Có đèn lồng, chắc là ông bác sĩ rồi.
– Lạy Chúa, xin đội ơn Chúa! – Công tước tiểu thư Maria nói. – Phải ra đón ông ta mới được, ông ta không biết tiếng Nga.
Công tước tiểu thư Maria vắt chiếc khăn choàng lên vai rồi chạy mau ra đón những người mới đến. Khi chạy qua phòng ngoài, nàng nhìn qua cửa sổ thấy trước thềm có một cỗ xe đỗ và ánh sáng lập loè của những chiếc đèn lồng. Nàng chạy xuống cầu thang. Trên cái cột lan can có đặt một cây nến đang chảy giọt vì gió. Filip, một người hầu, bộ mặt hoảng hốt, tay cầm một ngọn nến khác đang đứng ở dưới, nơi chiếu nghỉ (3) thứ nhất. Dưới nữa, ở chỗ cầu thang bắt vòng nghe có tiếng ủng lót da lông đang bước lại gần. Và một cái giọng nói mà công tước tiểu thư Maria nghe rất quen thuộc, đang nói một câu gì.
– Đội ơn Chúa! – Giọng nói ấy – Thế còn cha tôi?
– Công tước đã đi nghỉ – Giọng người đầu bếp Demyan ở dưới chân cầu thang đáp lại.
Rồi giọng nói lúc nãy lại nói một câu gì nữa. Đêmyan lại đáp rồi vẫn những bước đi êm nhẹ kia tiến gần lại rất mau và bước lên chỗ bắt vòng của cầu thang mà tiểu thư Maria không trông thấy: “Chính Andrey rồi! Công tước tiểu thư Maria nghĩ. – Không, có lẽ nào, nếu thế thì kỳ lạ quá!” và trong khi nàng đang nghĩ như vậy, thì khuôn mặt, rồi đến cả hình dáng của công tước Andrey cổ áo lông lốm đốm tuyết, xuất hiện trên cái trạm bằng có người hầu cầm ngọn nến đứng soi. Phải, chính chàng, nhưng người xanh và gầy, vẻ mặt đổi khác, hiền hoà hơn trước một cách lạ lùng, mặc dầu có vẻ lo lắng. Chàng bước lên bậc thang và đang tay ra ôm lấy em.
-Số phận thật kỳ lạ! Masa em? – Chàng nói, và sau khi đã cởi áo lông và ủng, chàng bước vào phòng công tước phu nhân.
Chú thích:
(1) fruschlique – có lẽ là Frunhstuck (bữa ăn sáng – tiếng Đức).
(2) Ở Nga cửa cổ thường có hai khung để chống rét, mùa ấm thì cất bớt đi một khung.
(3) Khoảng bằng phẳng ở chỗ ngoặt giữa chừng thang gác.