Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 11 – Chương 23

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Tối hôm mồng một tháng chín, sau khi hội kiến với Kutuzov, bá tước Raxtovsin buồn rầu và tủi hổ vì chỗ không được mời dự hội đồng quân sự, vì Kutuzov không mảy may chú ý tới lời đề nghị tham gia phòng thủ kinh đô của ông ta, và lấy làm lạ về cái quan điểm mới phát sinh trong doanh trại; theo quan điểm này thì nền an ninh của kinh đô và tinh thần ái quốc của cư dân trong thành không những là vấn đề thứ yếu, mà còn bị coi là hoàn toàn vô bổ và không dám đếm xỉa đến. Lòng buồn rầu, tủi hổ và ngạc nhiên vì tất cả những việc đó, bá tước Raxtovsin, trở về Moskva. Sau bữa ăn tối, bá tước không cởi áo ngoài, ngả mình trên trường kỷ thiếp đi. Gần một giờ sáng một liên lạc viên đến đánh thức ông ta dậy đưa một bức thư của Kutuzov gửi đến. Trong bức thư có nói rằng quân đội rút về con đường Ryaznan qua Moskva và yêu cầu bá tước phái một số viên chức cảnh sát ra giúp quân đội kéo qua thành được dễ dàng.

Tin này đối với bá tước Rastopsin chẳng có gì mới lạ. Không phải từ cuộc hội kiến với Kukuzov ngày hôm qua trên đồi Poklonny, mà ngay từ trận Borodino, khi tất cả trở về Moskva trăm người như một đều nói rằng không thể nào khai chiến được nữa, và khi người ta đã được cho phép của bá tước bắt đầu chuyển tài sản của nhà nước ra ngoài và dân cư đã bỏ hết đi một nửa, bá tước Raxtovsin đã biết rằng Moskva sẽ bị bỏ ngỏ; tuy vậy đang đêm nhận được mệnh lệnh này của Kutuzov, dưới hình thức một bức thư tầm thường, trong khi đang ngủ say, bá tước Raxtovsin cũng thấy ngạc nhiên và bực tức.

Về sau, để cắt nghĩa hoạt động của mình trong này, bá tước Raxtovsin đã mấy lần viết thư hồi ký rằng lúc bấy giờ ông ta có hai mục đích quan trọng. Duy trì an ninh ở Moskva và làm cho dân cư ra khỏi thành. Nếu xét hai mục đích này thì bất cứ hành động nào của Raxtovsin lúc bấy giờ cũng không thể chê trách được.

Tại sao những thành tích của thành Moskva, những vũ khí, đạn được, những kho thuốc súng, kho bột mì, lại không được chở đi? Tại sao lại nói dối hàng ngàn dân cư là sẽ cố thủ Moskva khiến cho họ phải sạt nghiệp? “Là vì cần phải gìn giữ an ninh trong thủ đô”, lời giải thích của bá tước Raxtovsin đáp lại như vậy. Thế thì chở hàng đống giấy má vô ích ở các công sở, chở quả cầu Leppich và những thứ khác ra khỏi thành phố để làm gì? – “Là để bỏ lại một thành phố trống rỗng”, lời giải thích của bá tước Raxtovsin đáp lại như vậy. Chỉ cần một cái gì đang đe doạ an ninh của thành phố, là bất cứ hành động nào cũng đâm ra có lí do xác đáng cả.

Tất cả những hành động tàn bạo của thời kỳ khủng bố chẳng qua chỉ vì lo lắng đến an ninh của quốc dân.

Vậy thì căn cứ vào đâu mà bá tước Raxtovsin lo sợ cho nền an ninh của quốc dân ở Moskva năm 1812? Nguyên nhân nào đã khiến cho ông dự đoán là trong thành phố có khuynh hướng nổi loạn? Dân cư thì bỏ đi, quân đội thì rút lui tràn đầy cả thành phố. Tại sao dân chúng lại có thể nổi loạn trong tình cảnh ấy?

Không những ở Moskva, mà ngay trong toàn cõi nước Nga cũng vậy; trong khi quân địch xâm lăng giống như một cuộc nổi loạn. Ngày mồng một mồng hai tháng chín còn có hơn một vạn người ở lại Moskva, và từ đám đông tụ tập trong sân viên tổng đốc, do chính ông ta triệu tập lại thì chẳng thấy rõ rằng bỏ Moskva và một việc tất yếu hay ít ra cũng là một việc rất có thể xảy ra, nếu khi đó Raxtovsin đừng phân phát vũ khí và ra tuyên cáo bừa bãi khiến cho dân chúng hoang mang, mà tiến hành những biện pháp cần thiết để chở các thánh tích, thuốc súng, đạn được và ngân khố ra ngoài và tuyên bố thẳng thắng với nhân dân là sẽ bỏ thành phố, – Nếu như vậy thì lại càng không có lý do gì để sợ dân chúng dấy loạn. Raxtovsin là một người nóng nảy và xung huyết, xưa nay vẫn sống trong các giới quan lại cao cấp, tuy có ít nhiều tinh thần yêu nước nhưng không hề hiểu biết gì về đám dân chúng mà ông yên trí là mình đang cai trị. Ngay từ khi quân địch bắt đầu kéo vào Smolensk, Raxtovsin trong trí tưởng tượng đã tự gán cho mình cái vai trò lãnh đạo tình cảm của nhân dân, lãnh đạo “quả tim của nước Nga”. Ông ta không những cớ cảm tưởng (mỗi viên quan hành chính đều có cảm tưởng như vậy) rằng mình điều khiển những hoạt động bề ngoài của dân Moskva, mà còn tưởng rằng mình lãnh đạo tâm trạng của họ bằng những lời kêu gọi và những tờ tuyên cáo viết bằng thứ ngôn ngữ dung tục mà nhân dân vẫn khinh miệt khi nghe nói ở môi trường của họ, và không hiểu khi nghe từ miệng quan trên truyền xuống. Raxtovsin thích đóng vai trò đẹp đẽ của người lãnh đạo tình cảm nhân dân, và đã quen với nó đến nỗi khi phải từ bỏ nó và rời bỏ Moskva không kèn không trống, ông ta vô cùng bỡ ngỡ và thấy như người bị hẫng chân, chẳng còn biết nên làm thế nào nữa. Tuy ông có biết Moskva sẽ bị bỏ ngỏ, nhưng cho đến phút cuối cùng ông vẫn chưa hoàn toàn tin điều đó và không tiến hành một việc gì nhằm mục đích đó cả. Cư dân bỏ đi là trái với ý muốn của ông ta. Nếu là cơ quan hành chính được di chuyển ra ngoài, thì đó chẳng qua là vì yêu cầu của các viên chức và bá tước có ưng thuận cũng chỉ là miễn cưỡng. Bản thân ông ta thì chỉ lo đóng cái vai trò mà ông ta tự gán cho mình. Như ta vẫn thường thấy ở những người có một trí tưởng tượng nhạy bén, ông ta đã biết từ lâu rằng Moskva sẽ bị bỏ lại. Nhưng biết thế là biết bằng lý trí: trong tâm hồn ông ta vẫn chưa tin hẳn điều đó, trong tưởng tượng ông ta chưa chuyển được sang cái tình hình mới này.

Toàn bộ hoạt động của ông ta vốn rất cần mẫn và kiên quyết (nó có ích cho nhân dân đến đâu thì đó lại là chuyện khác), toàn bộ hoạt động của ông ta chỉ nhằm thức tỉnh trong lòng cư dân cái cảm xúc của bản thân ông ta lúc bấy giờ: lòng căm thù dân tộc đối với quân Pháp và lòng tin tưởng ở mình.

Nhưng đến khi biến cố đã diễn ra với những quy mô lịch sử thực sự của nó, đến khi chỉ biểu lộ lòng căm thù quân Pháp bằng lời nói thôi không còn đủ nữa, đến khi không thể nào biểu lộ lòng căm thù đó ra nữa dù là bằng một trận đánh, đến khi lòng tin tưởng vào mình đã trở nên vô bổ, dù chỉ riêng đối với việc bảo vệ Moskva không thôi cũng vậy, đến khi toàn bộ cư dân muôn người như một đều vứt bỏ tài sản trảy ra ngoài thành phố – Một hành động tiêu cực tỏ rõ tất cả sức mạnh của tinh thần dân tộc, – đến khi ấy thì cái vai trò mà Raxtovsin chọn bỗng nhiên mất hết ý nghĩa. Ông ta bỗng cảm thấy mình cô độc, yếu ớt và lố lăng, thấy mình không còn có chỗ đứng nữa.

Đang ngủ bỗng dưng được đánh thức dậy và nhận được bức thư lạnh nhạt và có vẻ như ra lệnh của Kutuzov, Raxtovsin cảm thấy mình có lỗi và càng thấy mình có lỗi thì lại càng thêm bực tức.

Những gì còn bị bỏ lại ở Moskva chính là những cái đã được phó thác cho ông ta, đó là những tài sản của quốc gia mà đáng lẽ phải đưa ra ngoài. Bây giờ thì không thể nào đưa ra được nữa.

“Thế thì lỗi tại ai? Ai đã để cho cơ sự đến nước này? – ông thầm nghĩ – Cố nhiên không phải tại ta. Về phần ta thì mọi việc đều xong xuôi cả, ta nắm vững Moskva như thế này! Thế mà chúng nó đã để cho cơ sự đi đến nước này! Quân khốn nạn, quân phản tặc!” – ông nghĩ thầm, trong óc cũng không xác định được cho rõ những quân khốn nàn, những quân phản tặc nào đấy đã gây ra cái tình trạng dang dở và lố bịch của ông hiện nay.

Suốt đêm ấy bá tước Raxtovsin ban bố mệnh lệnh cho các quân viên chức khắp Moskva đến thỉnh thị ông ta. Những người thân cận chưa bao giờ thấy bá tước có vẻ lầm lì và bực bội như đêm hôm ấy.

“Bẩm quan lớn, sở thái ấp cho người đến thỉnh thị. Cục giám đốc giáo phận, viện nguyên lão, trường đại học, viện cô nhi, toà giáo chủ. – có cho người hỏi lại – về phần đội cứu hoả thì sao?” – Suốt đêm hôm ấy những người đến báo cáo với bá tước cứ nối đuôi nhau không ngớt.

Đối với tất cả những câu hỏi ấy, bá tước trả lời vắn tắt và bực bội, tỏ ra rằng những mệnh lệnh của ông ta bây giờ không cần thiết nữa, rằng tất cả những công việc mà ông ta đã ra sức chuẩn bị chu đáo nay đã có người làm hỏng và người đó sẽ phải chịu hết trách nhiệm về tất cả những việc sẽ xảy ra nay mai.

– Mày bảo với thằng ngu ấy. – bá tước đáp lại lời thỉnh thị của sở Thái ấp – là cứ ở lại mà canh giữ đống giấy của hắn. Thế còn mày hỏi lằng nhằng cái gì về đội cứu hoả? Có ngựa đấy, cứ việc về Vladimir. Chả nhẽ để ngựa lại cho quân Pháp hay sao?

– Bẩm quan lớn, viên quản đốc nhà điên có đến xin ngài cho lệnh ạ.

– Lệnh ấy à? Đi tất, chỉ có thế thôi. Còn bọn điên thì thả ra phố. Một khi mà quân đội toàn do bọn điên chỉ huy cả, thì cố nhiên là phải như thế.

Nghe hỏi đến các phạm nhân đang giam trong ngục, bá tước giận giữ quát viên cai ngục.

– Thế nào, mày muốn tao cho hai tiểu đoàn đi hộ tống chắc? Tao làm gì có… Thả tất, có thế thôi!

– Bẩm quan lớn có cả tù chính trị nữa ạ… Meskov, Veressaghin.

– Veressaghin à! Nó chưa bị xử giảo à? – Raxtovsin quát lên.

– Đem nó lại đây cho ta.

Chọn tập
Bình luận
× sticky