Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 8 – Chương 18

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Bà Maria Dmitrievna đã bắt gặp Sonya đứng khóc trong hành lang và đã bắt nàng thú thật hết mọi việc. Bà đã lấy được tờ giấy gửi cho Natasa và sau khi đọc xong bà cầm tờ giấy bước vào phòng nàng.

– Đồ đốn mạt, đồ không biết dơ, – Bà nói với Natasa – Đừng có nói, tao không nghe đâu!

Natasa giương đôi mắt ngạc nhiên nhưng ráo hoảnh nhìn bà Maria Dmitrievna. Bà đẩy nàng ra, khoá trái cửa phòng lại và ra lệnh cho người gác cổng là tối nay hễ có ai đến thì cứ để cho họ vào, nhưng không cho họ trở ra, và dặn người hành bộc đưa những người ấy vào cho bà. Đoạn bà ra ngồi ở phòng khách đợi bọn bắt cóc.

Khi Gavrilo vào báo cáo với Maria Dmitrievna rằng những người vừa đến đã chạy trốn, bà cau mày đứng dậy chắp hai tay sau lưng đi đi lại lại hồi lâu trong nhà, ngẫm nghĩ xem mình nên làm gì.

Đến mười một giờ khuya bà nắn túi tìm chìa khoá rồi lại phòng Natasa, Sonya đang ngồi khóc rưng rức trong dẫy hành lang.

– Bác Maria Dmitrievna, bác cho cháu vào với Natasa một chút, cháu van bác! – Sonya nói.

Bà Maria Dmitrevna không đáp.

Bà mở cửa phòng và bước vào. “Thật là xấu xa, bỉ ổi… trong nhà ta mà dám, con đốn mạt, chỉ thương cho bố nó thôi! – Bà Maria Dmitrievna vừa nghĩ thấm vừa cố nén giận. – Tuy khó thật, nhưng ta sẽ ra lệnh cho mọi người không ai được nói gì, và ta sẽ giấu chuyện này không cho bá tước biết”. Bà Maria Dmitrievna quả quyết bước vào phòng. Natasa nằm trên đi-văng không nhúc nhích, hai tay ôm lấy đầu tư thế vẫn giữ nguyên như lúc nãy khi bà Maria Dmitrievna khoá buồng lại.

– Đẹp mặt nhỉ, đẹp mặt thật đấy! – Bà Maria Dmitrievna nói, – Ở trong nhà tao mà lại hẹn hò với nhân tình hả? Đừng có giả vờ, không ích gì đâu. Khi tao nói thì phải nghe, nghe chưa? – Bà chạm vào tay Natasa. – Tao nói thì phải lắng tai mà nghe. Mày đã tự chuốc lấy cái nhơ nhuốc vào thân như một con đ tồi tệ nhất. Lẽ ra tao phải cho mày biết tay, nhưng tao thương hại cho cha mày. Tao sẽ giấu việc này.

Natasa không thay đổi thế nằm, nhưng toàn thân nàng bắt đầu rung lên từng đợt. Nàng đang nghẹn ngào khóc nấc lên nhưng không thành tiếng. Bà Maria Dmitrievna liếc nhìn Sonya một cái rồi ngồi xuống đi-văng bên cạnh Natasa. Bà cất giọng ồ ồ nói:

– May cho hắn là đã lọt khỏi tay tao; nhưng tao sẽ tìm ra hắn… Này có nghe tao nói không? – Bà luồn bàn tay phốp pháp xuống dưới má Natasa và quay mặt nàng ra ngoài.

Cả bà Maria Dmitrevna, lẫn Sonya đều kinh ngạc khi trông thấy vẻ mặt Natasa. Mắt nàng sáng quắc và ráo hoảnh, hai môi mím chặt, má trũng xuống.

– Buông tôi… ra… tôi còn thiết… gì nữa… tôi… sẽ chết thôi… – Natasa nói, hầm hè cố gức gỡ tay bà Maria Dmitrevna ra và quay mặt lại nằm như cũ. Bà Maria Dmitrevna nói:

– Natalia… Bác muốn điều tốt cho cháu. Được cứ nằm như thế, bác không động đến nữa đâu, nghe bác nói đây… Bác sẽ không nói đến chuyện cháu có lỗi như thế nào nữa đâu. Chính cháu cũng biết rồi. Nhưng mai cha cháu về đây này, bác nóỉ với cha cháu như thế nào đây? Hả?

Thân hình Natasa lại rung lên từng đợt.

– Đấy ba cháu sẽ biết chuyện, cả anh cháu, cả chồng chưa cưới của cháu nữa!

– Tôi không có chồng chưa cưới, tôi cự tuyệt rồi. – Natasa kêu lên.

Bà Maria Dmitrievna nói tiếp:

– Thì cũng thế thôi. Đấy, họ sẽ biết chuyện, chả nhẽ họ cứ để mặc sao? Bác biết rõ cha cháu lắm, đấy, nếu cha cháu đi thách nó đấu súng thì có hay ho gì không? Hả?

– Ô để cho tôi yên! Tại sao bà lại phá! Tại sao? Tại sao? Ai mượn bà? – Natasa hét lên. Nàng nhổm người trên đi-văng và hằn học nhìn bà Maria Dmitrievna.

– Thế mày muốn cái gì? – bà Maria lại nổi nóng quát lên. – Thế nào, người ta giam cầm mày à? Thì ai cấm nó đi lại hẳn hoi nào? Tại sao lại phải bắt cóc mày đi như một con Di-gan? Cho là đem mày đi thì mày tưởng người ta không tìm ra được đấy hẳn? Cha mày, anh mày hay chồng chưa cưới của mày sẽ tìm ra! Còn nó là một thằng đê hèn, đốn mạt, thế đấy!

– Anh ấy hơn hẳn tất cả các người! – Natasa nhổm dậy quát to – Giá các người đừng có ngăn… ôi, trời ơi, làm sao thế hở, làm sao thế? Sonya, tại sao? Các người đi ra đi!…

Và nàng khóc oà lên nức nở, tiếng khóc tuyệt vọng của những người cảm thấy rằng chính mình đã làm cho mình khổ. Bà Maria Dmitrievna toan nói nữa, nhưng Natasa thét lên: “Đi ra đi đi ra đi, các người đều thù ghét tôi, đều khinh tôi!” – rồi nàng lại gục xuống đi-văng.

Bà Maria Dmitrevna tiếp tục khuyên răn Natasa một lúc nữa để cho nàng thấy rõ rằng cần phải giấu không cho bá tước biết việc này, rằng sẽ không có ai hay biết việc gì miễn là Natasa chịu khó quên tất cả mọi việc và đừng tỏ cho ai biết rằng đã có việc không hay xảy ra. Natasa không đáp. Nàng cũng không khóc nữa, nhưng người nàng run cầm cập. Bà Maria Dmitrievna lấy một chiếc gối lót xuống đầu nàng và lấy hai tấm chăn đắp cho nàng, rồi tự mình bưng vào cho nàng một chén nước nóng nấu với hoa bồ đề, nhưng Natasa cứ nằm im để mặc.

– Thôi để cho nó ngủ cũng được. – Bà Maria Dmitrievna nói, rồi ra khỏi phòng, tưởng rằng Natasa đã ngủ. Nhưng Natasa không ngủ. Trên gương mặt xanh xao của nàng, hai mắt mở to đờ đẫn nhìn thẳng phía trước mặt. Suốt đêm ấy Natasa không ngủ và cũng không khóc. Sonya mấy lần thức dậy lại gần nàng, nhưng nàng cứ lặng thinh, không nói gì với Sonya hết.

Ngày hôm sau, đúng như đã hẹn, vào bữa ăn sáng bá tước Ilya Andreyevich từ trang viên ngoại thành trở về. Ông rất vui vẻ: việc bán trang viên đã xong xuôi và bây giờ không còn có gì ràng buộc ông ở lại Moskva, xa bá tước phu nhân mà ông bắt đầu thấy nhớ. Maria Dmitrievna ra đón bá tước và cho ông biết rằng hôm qua Natasa mệt nặng, phải đi mời bác sĩ nhưng nay đã đỡ. Sáng hôm ấy Natasa không ra khỏi phòng. Đôi môi nứt nẻ mím chặt, hai mắt khô khan và đờ đẫn nàng ngồi cạnh cửa sổ lo lắng nhìn những người qua lại ngoài phố và hoảng hốt quay phắt lại mỗi khi có người vào phòng.

Có thể thấy rõ là nàng đang chờ đợi tin tức của Anatol và mong Anatol đến hoặc viết thư lại cho nàng.

Khi bá tước đến phòng Natasa, nàng bồn chồn quay lại lắng tai nghe bước chân của ông, và mặt nàng lại có vẻ như trước, lạnh lùng và hằn học nữa. Thậm chí nàng cũng không đứng dậy để ra đón bá tước.

– Con làm sao thế, con gái ngoan của cha, con ốm à? – Bá tước hỏi.

Natasa im lặng một lát, rồi nói:

– Vâng, con ốm.

Bá tước lo lắng hỏi tại sao Natasa có vẻ tiều tuỵ thế, và có tin gì chẳng lành về người chồng chưa cưới của nàng không, thì Natasa đáp là không có gì cả và xin cha đừng bận tâm. Bà Maria Dmitrievna đỡ lời Natasa, nói với bá tước rằng chẳng có việc gì chẳng lành cả. Nhưng trông cái vẻ tiều tuỵ của con gái, vẻ mặt ngượng ngùng bối rối của Sonya và Maria Dmitrievna, bá tước thấy rõ ràng trong khi mình đi vắng đã có một việc gì khác xảy ra chứ chuyện Natasa ốm đau thì chẳng đáng tin chút nào; tuy vậy ông rất sợ phải nghĩ rằng đã xảy ra một việc gì đáng xấu hổ cho con gái yêu của ông, ông quý sự bình yên vui vẻ của ông đến nỗi không dám vặn hỏi thêm nữa và cứ cố tự nhủ rằng chẳng có gì đặc biệt xảy ra, chỉ tiếc rằng nay vì Natasa đang mệt nên phải hoãn việc về thôn quê ít lâu.

Chọn tập
Bình luận
× sticky