Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 11 – Chương 21

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Trong khi đó thì ở trung tâm thành phố lại vắng ngắt như tờ.

Trên các đường phố hầu như không có lấy một bóng người. Tất cả các cổng vào các cửa hàng đêu đóng kín mít; đó đây các quán rượu nghe có tiếng kêu lẻ loi hay tiếng hát của người say rượu.

Không có lấy một chiếc xe nào đi lại trên phố, và thỉnh thoảng lắm mới nghe tiếng bước chân của người bộ hành. Phố Povarxkaya im phăng phắc và vắng tanh. Trong khoảng sân rộng thênh thang của gia đình Roxtov ngổn ngang những mớ rạ và những đống phân ngựa kéo xe để lại. Không có lấy một bóng người.

Trong toà nhà của gia đình Roxtov bị bỏ lại với toàn bộ của cải, có hai người ngồi phòng khách lớn. Đó là bác gác cổng Igrat và chú bé Miska, cháu nội bác Vaxilits cùng ở lại Moskva với bác ta. Miska mở đàn dương cầm ra đánh bằng một ngón tay.

Bác gác cổng hai tay chống cạnh sườn đang đứng trước một tấm gương lớn mỉm cười hởn hở.

Bỗng chú bé bắt đầu dùng cả hai tay đập lên phím đàn nói:

– Có tài không, hở bác Igrat?

– Chà cái thằng này? Igrat đáp (bấy giờ bác ta đang mải ngắm cái mặt cười teo toét của mình ở trong gương)

Rõ không biết dơ! Thật là đồ không biết dơ! – Phía sau lưng hai người bỗng có tiếng của Mavra Kuzminisna bấy giờ vừa lặng lẽ bước vào phòng.

– Kìa xem cái lão mặt mẹt kia nhe răng ra kìa. À ra các người giỏi nhỉ, dọn dẹp đã xong xuôi gì đâu? Bác Vaxilits đang nai lưng ra làm, mệt nhoài ra ngoài kia kìa. Để rồi xem?

Igrat xốc lại thắt lưng, miệng thôi mỉm cười và mắt nhìn xuống đất, ngoan ngoãn ra khỏi phòng.

– Thím ạ, cháu đánh khẽ thôi thím nhé, – Chú bé nói.

– Rồi tao cho mày đánh khẽ, đồ ôn, con Mavra Kuzminisna vừa tát vừa vung tay lên doạ. – Đi mà đặt ống lò cho ông nội mày.

Mavra Kuzminisna phủi bụi trên phím đàn, đậy nắp đàn lại, rồi thở dài đánh phào một cái, ra khỏi phòng khách và khoá cửa lại.

Ra sân, bà nghĩ lại ngẫm nghĩ không biết bây giờ nên đi đâu: đến phòng bác Vixilits ở bên dọc uống nước chè, hay vào nhà kho dọn nốt những đồ đạc còn để ngổn ngang.

Chợt ngoài đường có tiếng chân bước rất nhanh. Những bước chân dừng lại bên cổng; cái then cài bắt đầu kêu lách cách vì có một bàn tay đang cố mở cánh cổng ra.

Mavra Kuzminisna đi ra cổng.

– Ngài hỏi ai ạ?

Tôi muốn hỏi bá tước, bá tước Ilya Andreyevich Roxtov.

– Thế ngài là ai?

– Tôi là một sĩ quan. Tôi cần gặp bá tước, – Người lạ mặt đáp, giọng rất dễ chịu, chắc phải là một người quý tộc Nga.

Mavra Kuzminisna mở cánh cổng ra. Một người sĩ quan mặt tròn trĩnh, tuổi trặc mười tám, bước ra sân. Khuôn mặt người sĩ quan hao hao giống kiểu mặt của dòng họ Roxtov.

– Thưa cậu bá, tước đi rồi ạ. Đi từ chiều hôm qua rồi ạ.

Người sĩ quan trẻ tuổi đứng tần ngần bên cổng như phân vân không biết có nên vào không. Chàng tặc lưỡi.

– Chà tiếc quá! – chàng nói. – Đến từ hôm qua có phải là… Chà tiếc thật!….

Trong khi đó Mavra Kuzminisna chăm chú và ái ngại nhìn kỹ những nét quen thuộc của dòng họ Roxtov trên khuôn mặt người thanh niên, nhìn chiếc áo khoác rách và đôi ủng mòn của chàng.

– Cậu muốn muốn gặp bá tước có chuyện gì à? – bà ta hỏi.

– Thôi. Chả còn biết làm thế nào được – Người sĩ quan buồn bực nói, đoạn đưa tay lên cánh cổng có ý muốn bỏ đi, rồi chàng lại đứng lại, dáng tần ngần.

– Bà ạ, – chàng bỗng nói. – Tôi là người có họ với bá tước, bá tước đối với tôi xưa nay rất tốt. Cho nên, bà thấy không (chàng mỉm một nụ cười hiền lành và vui vẻ nhìn xuống chiếc áo khoác và đôi ủng của mình), áo quần tôi rách cả, mà tiền thì chẳng còn đồng nào: cho nên tôi muốn hỏi xin bá tước….

Mavra Kuzminisna không để cho chàng nói hết.

– Cậu ạ đợi cho một tý, một tí thôi nhé, – Bà nói. Và người sĩ quan vừa rời tay khỏi cánh cửa thì bà ta quay gót đi nhanh vào sân sau, về phía phòng mình bên dãy nhà dọc. Trong khi Mavra Kuzminisna về phòng, người sĩ quan đi đi lại lại ngoài sân, mỉm cười nhìn xuống đôi ủng mòn rách của mình. “Không gặp được chú ấy thật tiếc quá. Bà già kia khôn thật? Không biết chạy đi đâu? Muốn bắt kịp binh đoàn mình đã sắp đến Rogxokaya rồi còn gì!” – chàng nghĩ thầm. Mavra Kuzminisna gương mặt có vẻ sợ hãi nhưng đồng thời lại quả quyết hai tay cầm một chiếc khăn kẻ ô vuông gập lại, từ góc sân bước ra. Khi còn cách người sĩ quan vài bước, bà mở chiếc khăn lấy ra một tờ giấy bạc hai mươi rúp màu trắng và hối hả đưa cho chàng.

– Giá có cụ lớn ở nhà, thế nào chỗ thân thích cụ cũng… nhưng bây giờ… có lẽ…

Bà Mavra đâm luống cuống. Nhưng người sĩ quan không từ chối mà cũng không vội vàng, đã cầm lấy tờ giấy bạc và cảm ơn Mavra Kuzminisna. Bà ta nói tiếp, như để xin lỗi:

– Giá có bá tước ở nhà thì… Cầu Chúa phù hộ cho cậu tai qua nạn khỏi, – bà ta vừa nói vừa cúi chào và tiễn chân người sĩ quan ra ngoài cổng. Người sĩ quan mỉm cười lắc đầu như để chế giễu mình, rồi chạy nhanh qua các phố xá vắng vẻ, về phía cầu Yauxki để đuổi theo đơn vị.

Bà Mavra Kuzminisna còn đứng hồi lâu trước hai cánh cổng đóng kín, rơm rớm nước mắt, lắc đầu dáng tư lự, và bỗng thấy lòng tràn ngập một tình trìu mến và xót thương mẫu tử đối với người sĩ quan trẻ tuổi không hề quen biết.

Chọn tập
Bình luận
2880
× sticky