Tối tiếp tân của Anna Pavlovna đã có đà. Tiếng thoi đưa ở khắp nơi nghe đều đều và liên tục. Ngoài dì tôi bên cạnh chỉ có một phu nhân già có mặt gầy gò tiều tuỵ như đã khóc nhiều, phần nào xa lạ ở nơi giao tế quan trọng này, tân khách đã phân ra làm ba nhóm.
Một nhóm quây quần chung quanh giáo sĩ, nhóm này gồm nhiều khách nam giới hơn là nữ giới. Trong nhóm thứ hai, nhóm của thanh niên, thì trung tâm là công tước tiểu thư Elen diễm lệ con gái công tước Vaxili, và công tước phu nhân Bolkonxkaya, người nhỏ nhắn, hồng hào, hơi đẫy so với tuổi trẻ của nàng. Trong nhóm thứ ba, trung tâm là Montmorency và Anna Pavlovna.
Tử tước là một thanh niên đẹp trai, dung mạo dịu dàng, phong cách nhã nhặn. Hẳn trong thâm tâm ông vẫn tự phụ mình là bậc danh sĩ, nhưng bề ngoài thì cũng theo giáo dục thượng lưu mà làm ra vẻ một con người nhún nhường đem trí tuệ của mình hiến cho tân khách ở đây thưởng thức. Hẳn tử tước là một món cỗ trọng yếu của Anna Pavlovna trong buổi chiêu đãi hôm nay. Chẳng khác nào một người đầu bếp giỏi biết đem một món thịt bò mà người ta sẽ không muốn ăn nếu trong thấy nó ở nơi bếp núc bẩn thỉu, dọn lên thành một món ăn sang trọng tuyệt vời, trong buổi tối nay Anna Pavlovna lần lượt đem tử tước ra mời khách trước rồi đến lượt giáo sĩ, coi họ như những món ăn thanh nhã tuyệt vời vậy. Trong nhóm Montmorency người ta bàn ngay đến vụ ám sát công tước D’Anghiên. Tử tước cho rằng sở dĩ công tước D’ Anghiên bị ám sát là vì có lòng khoan dung độ lượng và Buônnapactê thù công tước vì những lý do riêng.
– Hay đấy! Tử tước kể cho chúng tôi nghe với! – Anna Pavlovna nói, cảm thấy vui vì câu nói này phảng phất cái phong vị thời Luis – Tử tước kể chuyện cho chúng tôi nghe đi!
Tử tước nghiêng mình lĩnh ý và nhã nhặn mỉm cười, Anna Pavlovna mời khách đến ngồi quanh tử tước để nghe chuyện. Phu nhân nói thầm với người ngồi cạnh: “Tử tước có quen riêng Đức ông đấy!”, rồi quay sang một người thứ hai, phu nhân nói “Tử tước kể chuyện thú lắm kia!”- xong lại nói thêm với một người thứ ba: “Người thượng lưu thoạt nhìn biết ngay!”, và tử tước được đem ra đãi khách, tựa như một miếng thịt bò rán trên một cái đĩa nóng hổi có cả rau thơm, dưới hình thức trang nhã nhất và có lợi nhất cho tử tước. Tử tước cũng muốn bắt đầu câu chuyện, bèn mỉm cười một nụ cười tế nhị.
– Tiểu thư Elen, mời tiểu thư đến đây! – Anna Pavlovna nói với vị công tước tiểu thư xinh đẹp đang ngồi hơi xa một tí, làm thành trung tâm của một nhóm khác.
Công tước tiểu thư Elen mỉm cười, nàng đứng dậy với cái nụ cười không thay đổi của một giai nhân tuyệt sắc nở trên môi từ khi nàng mới bước vào phòng khách. Trong tiếng sột soạt khe khẽ của chiếc áo khiêu vũ trắng tinh viền đăng-ten và nhiễu bồng, và rực rỡ với đôi vai trắng ngần, mớ tóc óng mượt và những hạt kim cương lấp lánh, nàng đi qua giữa những người đàn ông đang rẽ ra hai bên, cứ bước thẳng không nhìn ai, nhưng mỉm cười với mọi người, dường như đang thân ái ban cho họ cái quyền chiêm ngường vẻ đẹp của vóc người, của đôi vai đầy đặn, của bộ ngực và khoảng lưng để hở rất rộng theo lỗi phục sức thời bấy giờ. Và dường như mang trên người tất cả vẻ hào hoa của đêm tiếp tân, Elen đến cạnh Anna Pavlovna. Nàng đẹp đến nỗi không những người ta không thấy nàng có chút vẻ nào làm dáng, mà trái lại nàng hình như có vẻ ngượng ngùng về cái sắc đẹp hiển nhiên và có sức chinh phục quá mãnh liệt của mình. Hình như nàng cũng muốn giảm nhẹ sức thu hút của cái sắc đẹp ấy nhưng không sao được.
“Người đâu mà đẹp thế!” – Ai trông thấy nàng cũng đều nói như vậy. Như bị choáng váng trước một cái gì phi thường, tử tước so vai và cúi mặt trong khi nàng ngồi xuống trước mặt và nụ cười bất tuyệt của nàng như dọi ánh quang lên ông ta.
“Thưa phu nhân, quả tình đứng trước một cử toạ như thế này, tôi thấy lo ngại cho bản lĩnh của mình quá!” – Tử tước nói và cúi đầu, miệng cười chúm chím.
Công tước tiểu thư đặt cánh tay trần dầy đặn lên chiếc bàn con và không thấy cần phải nói gì cả. Nàng mỉm cười, chờ đợi. Trong suốt thời gian nghe kể chuyện, nàng ngồi thẳng, thỉnh thoảng lại nhìn cánh tay xinh đẹp và đầy đặn đặt nhẹ lên bàn hay nhìn bộ ngực của mình, còn xinh đẹp hơn cánh tay kia nữa, sửa lại ngay ngắn chuỗi kim cương trên ngực, sửa lại vài lần trên nếp áo, và khi nào câu chuyện đến chỗ lôi cuốn, lại liếc nhìn Anna Pavlovna và bắt chước ngay vẻ mặt vị ngự tiền phu nhân, rồi sau đó gương mặt của nàng lại ngưng lại trong một nụ cười rạng rỡ. Công tước phu nhân nhỏ nhắn cũng theo Elen rời chiếc bàn trà nhỏ. Nàng nói:
– Khoan đã, đợi cho tôi cầm cái túi thêu với! – rồi quay sang công tước Ippolit, nàng hỏi- Kìa ông mải nghĩ gì thế? Ông đem hộ cái túi con lại đây cho tôi!
Công tước phu nhân mỉm cười và nói chuyện với tất cả mọi người, rồi đột nhiên đổi chỗ ngồi, và trong khi ngồi xuống lại sửa tà áo dáng rát vui vẻ.
– Tôi ngồi thế này được rồi! – nàng nói, và yêu cầu tử tước bắt đầu kể, đoạn bắt tay vào thêu.
Công tước Ippolit đưa túi con cho nàng, đổi chỗ theo nàng và kéo cái ghế dựa lại gần rồi ngồi bên cạnh.
Chàng Ippolit “khả ái” có một đặc điểm khiến cho người ta chú ý là chàng rất giống với người em gái diễm lệ, nhưng điều đập mạnh vào mắt người ta hơn nữa là tuy giống em như vậy, chàng vẫn xấu xí lạ thường. Những đường nét trên khuôn mặt người em gái, nhưng ở nàng thì tất cả đều rạng rỡ lên vì cái nụ cười bất tuyệt tươi vui, tự mãn và trẻ trung, và vì vẻ đẹp của cái thân hình chẳng kém những mỹ nhân cổ Hy Lạp; trái lại ở chàng ta thì cái khuôn mặt ấy lại bị cái vẻ đần độn làm mờ tối đi, và bao giờ cũng biểu lộ tính cau có tự thi, còn thân hình thì yếu đuối và gầy gò, cặp mắt, cái mũi, cái miệng, tất cả đều dúm dó làm thành một vẻ mặt nhăn nhó bực bội khó tả, và tay chân thì không bao giờ tỏ ra tự nhiên.
– Không phải chuyện ma đấy chứ? – Ippolit nói, sau khi đến ngồi gần công tước phu nhân và vội vã đưa cái kính cầm tay lên mặt, tưởng chùng như không có dụng cụ này thì không thể nào bắt đầu nói được:
– Không, làm gì có!- Người kể chuyện ngạc nhiên, nhún vai đáp – Số là tôi chúa ghét chuyện ma! – Công tước Ippolit nói. Giọng của công tước làm cho người ta thấy rõ rằng chàng ta nói xong rồi mới hiểu câu mình nói nghĩa là gì.
Chàng ta nói với vẻ tự tin đến nỗi không ai có thể hiểu điều đã nói ra là rất thông minh hay rất đần độn. Công tước Ippolit mặc áo lễ phục thường màu lục sẫm, quần chật màu đùi tiên nữ hoảng sợ, như chàng ta thường nói, đi tất cao và đi giầy khiêu vũ.
Tử tước kể lại một cách rất có duyên một giai thoại lúc bấy giờ đang lưu hành, nói rằng công tước D’Anghiên có lần bí mật lẻn về Paris để gặp cô George và ở đấy công tước đã gặp Buônapáctê lúc bấy giờ cũng đang được nữ nghệ sĩ trứ danh “chiếu cố”. Tình cờ Napoleon ngất đi – đó là một chứng bệnh mà y thường có – và thế là lọt vào tay công tước; nhưng công tước không lợi dụng cơ hội đó để hại y. Về sau Buônapáctê đã trả thù cái lòng khoan dung đại độ của công tước bằng cách ám sát kẻ tình địch cũ của mình.
Câu chuyện rất hấp dẫn và lý thú, đặc biệt lúc hai kẻ tình địch đột nhiên nhận ra mặt nhau: chỗ ấy các phu nhân tỏ ra rất xúc động.
– Tuyệt! – Anna Pavlovna nói, mắt liếc nhìn công tước phu nhân nhỏ nhắn như để hỏi ý kiến.
– Tuyệt! – Công tước phu nhân nhỏ nhắn nói khẽ, tay cắm chiếc kim vào mẫu thêu như muốn tỏ ra rằng câu chuyện lý thú và hấp dẫn quá khiến nàng không thể nào tiếp tục công việc thêu thùa được.
Tử tước đánh giá rất cao cách ngợi khen lặng lẽ ấy, liền mỉm cười tỏ vẻ biết ơn, và lại tiếp tục kể. Nhưng trong lúc đó Anna Pavlovna nãy giờ cứ liếc nhìn người thanh niên đang làm cho phu nhân lo sợ, thấy anh ta đang nói chuyện với giáo sĩ hơi quá hăng và quá to bèn vội vã đến tiếp viện cho vị trí đang lâm nguy. Quả nhiên, Piotr đang bàn luận với giáo sĩ về thế quân bình chính trị, và giáo sĩ, hình như được cái nhiệt tình ngây thơ của chàng thanh niên kích thích nên đang trình bầy với chàng những quan niệm mà mình vẫn thích thú. Cả hai người nghe và nói một cách hăng hái, quá tự nhiên, và điều đó không làm cho Anna Pavlovna vừa lòng.
Giáo sĩ nói:
– Chỉ có một cách là thế quân bình của châu Âu và dân quyền. Chỉ cần một nước hùng mạnh như nước Nga, xưa nay vốn mang tiếng là bán khai, đứng ra cầm đầu liên minh một cách chí công vô tư nhằm thủc hiện thế quân bình của châu Âu, là cứu được thiên hạ.
– Ông tìm đâu ra cái thế quân bình ấy? – Piotr bắt đầu nói!
Nhưng lúc ấy Anna Pavlovna đã đến bên cạnh và đưa mắt nhìn Piotr một cách nghiêm nghị, rồi phu nhân hỏi vị giáo sĩ người Ý xem ông thấy khí hậu ở đây như thế nào. Sắc mặt của người Ý đột nhiên chuyển sang một vẻ dịu ngọt giả dối đến khó chịu. Hẳn là điều này đã thành thói quen của ông ta mỗi khi nói chuyện với đàn bà. Ông ta nói:
– Tôi đang ngây ngất vì được thưởng thức trí tuệ và học vấn của giới thượng lưu ở đây, nhất là của những bậc nữ lưu mà tôi đã được hân hạnh hầu tiếp nên chưa có thì giờ nghĩ đến khí hậu.
Vừa lúc ấy, một nhân vật mới bước vào phòng. Nhân vật mới đó là công tước Andrey Bolkonxki trẻ tuổi, chồng của công tước phu nhân nhỏ nhắn. Công tước Bolkonxki là một thanh mên vóc người tầm thước, rất đẹp trai, khuôn mặt xương xương, với những đường nét gẫy gọn. Toàn thân chàng, kể từ cái nhìn uể oải và ủ dột đến dáng đi chậm rãi và đĩnh đạc, đều làm thành một sự tương phản nổi bật với người vợ nhỏ nhắn và linh lợi của chàng. Người ta thấy rõ rằng không những chàng đã quen hết các nhân vật phòng khách, mà họ còn làm cho chàng chán ngấy đến nỗi nhìn mặt họ hay nghe họ nói chàng đều bực mình. Mà trong số tất cả những người ở đây thì hình như người vợ xinh xắn của chàng lại làm cho chàng chán ngấy hơn cả. Chàng cau mày khó chịu, làm xấu khuôn mặt tuấn tú, và quay lưng về phía nàng. Chàng hôn tay Anna Pavlovna mà nheo nheo đôi mắt nhìn lướt qua các tân khách một lượt.
Anna Pavlovna hỏi:
– Có phải công tước nhập ngũ để ra trận không?
– Đại tướng Kutuzov – Bolkonxki nói, nhấn mạnh vào âm tiết “zov” ở cuối như người Pháp – đã có lòng chiếu cố cho tôi làm sĩ quan phụ tá của ngài!
– Thế còn phu nhân thì sao?
– Nhà tôi sẽ về quê.
– Công tước nỡ nào làm cho chúng tôi thiếu mất quý phu nhân xinh đẹp?
Công tước phu nhân nói:
– Anh Andrey! – khi nói với chồng, nàng cũng dùng cái giọng làm duyên làm giáng như nói với một người lạ,- tử tước vừa kể một chuyện thật thú vị về cô George và Bônapactê.
Công tước Andrey cau mày và quay mặt đi. Từ khi công tước Andrey vào, Piotr vẫn nhìn theo chàng với cặp mắt mừng rỡ và trìu mến, bấy giờ anh ta liền đến gần và kéo tay chàng. Công tước Andrey không ngoảnh lại, cau mặt tỏ vẻ bực bội đối với người nào đã kéo tay mình, nhưng khi trông thấy khuôn mặt tươi cười của Piotr, chàng mỉm một nụ cười hiền lành và thân mật rất bất ngờ.
– Ô kìa cậu, cậu cũng đến nơi giao tế này ư?
– Tôi biết anh tới đây – Piotr đáp, rồi hạ thấp giọng nói tiếp, để khỏi cản trở tử tước bấy giờ đang kể tiếp câu chuyện – Tôi định đến ăn tối ở nhà anh, được chứ?
– Không, không được- công tước Andrey nói và mỉm cười siết chặt tay Piotr để cho chàng biết rằng cái đó không cần phải hỏi nữa.
Chàng còn muốn nói thêm điều gì nữa nhưng ngay lúc ấy công tước Vaxili cùng tiểu thư đứng dậy, và các viên khách nam giới cũng đứng lên để nhường lối cho họ ra.
Công tước Vaxili khẽ kéo ống tay áo vị khách người Pháp xuống ghế để ông ta đừng đứng lên, và nói:
– Xin tử tước thứ lỗi. Buổi dạ hội tai hại ở nhà quan đại sứ làm tôi mất cái thú được nghe ngài và phải ngắt quãng câu chuyện của ngài, – rồi công tước nói với Anna Pavlovna – tôi rất buồn vì phải rời buổi tiếp tân thú vị của phu nhân.
Công tước tiểu thư Elen, con gái của công tước Vaxili, khẽ nâng những nếp áo dài lên, đi qua giữa hàng ghế và nụ cười lại càng hừng sáng hơn trên khuôn mặt diễm lệ của nàng. Piotr nhìn người đẹp với đôi mắt sững sờ, gần như kinh hãi khi nàng đi qua trước mặt. Công tước Andre nói:
– Đẹp thật!
– Đẹp thật. – Piotr nói theo.
Khi đi ngang qua chỗ Piotr, công tước Vaxili nắm lấy tay chàng và quay về phía Anna Pavlovna nói:
– Xin phu nhân huấn luyện con gấu này hộ tôi. Anh ta ở nhà tôi đã được một tháng nay và đây là lần đầu liên tôi thấy anh ta có mặt ở một buổi tiếp tân quan trọng. Không có gì cần thiết cho thanh niên hơn là việc giao tiếp với những người đàn bà thông tụê.