Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 6 – Chương 1

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Năm 1808 hoàng đế Alekxandr đến Erfurt để hội kiến với hoàng đế Napoléon một lần nữa, và trong giới thượng lưu tai mắt ở Petersburg người ta bàn tán rất nhiều về cuộc gặp gỡ long trọng và vĩ đại này.

Năm 1809 hai vị chúa tể của thế giới – như hồi ấy người ta thường gọi Napoléon và Alekxandr – đã thân thiết với nhau đến nỗi vào năm ấy, khi Napoléon tuyên chiến với Áo, thì một quân đoàn Nga liền được diễu qua biên giới để phối hợp tác chiến với kẻ thù cũ là Bonaparte nhằm chống lại kẻ đồng minh cũ là Áo hoàng; đến nỗi trong giới thượng lưu người ta bàn tán rằng có lẽ Napoléon sẽ kết hôn với một người em gái của Hoàng đế Alekxandr. Nhưng ngoài các vấn đề đối ngoại ra thì hồi ấy công chúa Nga đặc biệt tha thiết quan tâm đến những cuộc cải cách chính trị bấy giờ đang được tiến hành trong khắp các lĩnh vực của bộ máy cai trị trong nước.

Trong khi đó cuộc sống, cuộc sống thật của con người với những điều thiết thân về sức khoẻ, bệnh tật, công việc, nghỉ ngơi, với những vấn đề tư tưởng, khoa học, thi ca, âm nhạc, tình yêu, bạn bè, tình bạn, thù hằn, dục vọng, vẫn trôi qua như thường lệ, bất chấp và vượt qua mọi sự thân thiện hay hiềm khích về chính trị với Napoléon Bonaparte, vượt qua mọi cuộc cải cách ở trên đời, công tước Andrey đã hai năm nay không rời khỏi chốn thôn quê.

Tất cả những biện pháp mà Piotr đã nghĩ ra để cái cách điền trang nhưng không thu được lấy một kết quả gì, vì chàng cứ luôn luôn nhảy từ việc này sang việc khác, tất cả những biện pháp đó công tước Andrey đều đã thực hiện, tuy không cho ai biết và cũng không phải hao hơi tốn sức cho lắm.

Chàng là người có được đến một mức rất cao cái tính kiên trì thực tiễn mà Piotr vốn thiếu, cho nên tuy chẳng phải ra sức gì mấy chàng vẫn làm cho công việc tiến hành có kết quả.

Ba trăm nông nô thuộc một điền trang của chàng được chuyển thành nông dân tự do (đó là một trong những tấm gương đầu tiên ở Nga), còn ở các điền trang khác thì lực dịch được thay thế bàng địa tô ở Bogutsarovo công tước Andrey xuất tiền thuê một bà đỡ để trông nom các sản phụ và trả lương cho một ông linh mục để dạy cho con cái nông dân và gia nô biết đọc biết viết.

Công tước Andrey dành một nửa thời giờ để về Lưxyê Gorư sống bên cạnh cha già và đứa con trai nhỏ bây giờ đang giao cho các bà vú em coi sóc, còn một nửa thời giờ thì chàng ở “tu viện Bogutsarovo” – như cha chàng vẫn gọi điền trang của chàng. Tuy có nói với Piotr rằng rất hờ hững đối với các biến cố bên ngoài trên thế giới, chàng vẫn kiên tâm theo dõi các biến cố đó, chàng gửi mua về rất nhiều sách và khi có những người mới ở Petersburg về thăm chàng hay cha chàng, chính chàng cũng lấy làm lạ rằng những con người sống ngay giữa luồng nước xoáy của cuộc đời ấy về mặt hiểu biết những sự kiện ngoại giao và nội trị đang diễn ra lại kém xa một người nằm lỳ ở thôn quê như chàng.

Ngoài những công việc điền trang, ngoài việc đọc đủ các loại sách ra, công tước Andrey bây giờ còn chủ tâm phân tích và phê phán hai chiến dịch thất bại vừa rồi của quân ta và soạn ra một dự án cải cách quy chế và luật lệ của quân đội.

Mùa xuân năm 1809 công tước Andrey đi đến các điền trang của con trai ở Ryazan do chàng đảm dương việc trông coi.

Dưới ánh nắng xuân ấm áp, chàng ngồi trên xe ngựa, đưa mắt ngắm những ngọn cỏ mới mọc, những nhánh lộc bạch dương mới nhú và những làn mây trắng đầu tiên của mùa xuân lơ lửng trên nền trời xanh trong sáng. Chàng không nghĩ gì hết, chỉ vui vẻ và vô tư lự ngắm cảnh bên dường.

Cỗ xe kiệu đi qua chỗ bến phà, nơi mà cách đây một năm chàng đã nói chuyện với Piotr, rồi đi qua một cái làng lầy lội, những khoảng sân đập lúa, những cánh đồng lúa mì mùa đông đang lên. Xe lăn theo con đường thoai thoải đi xuống một chiếc cầu còn đọng lại ít tuyết, rồi lại leo lên một cái dốc đất sét trơn lầy đi qua những dải đất đầy những gốc rạ và những bụi cây lác đác đâm chồi xanh, rồi tiến vào một khu rừng bạch dương chạy dài hai bên đường. Trong rừng rất ấm, phần nào, nóng bức nữa là khác; không có lấy một hơi gió thoảng qua. Những cây bạch dương lốm đốm những khóm lá xanh mọng đứng im lìm không lay động, và những ngọn cỏ non, những bông hoa tím nhạt đã nhú lên trên lớp lá vàng rụng từ năm ngoái. Mấy cây thông nhỏ mọc lác đác trong khóm bạch dương, màu lá ngàn đời xanh thẳm của nó khiến người ta nhớ lại mùa đông mà bực mình. Chạy vào đến rừng, mấy con ngựa kéo xe thở phì phò, mình càng toát mồ hôi nhiều hơn trước.

Anh hành bộc Piotr nói với người xà ích một câu gì đó không rõ và người xà ích khen phải. Nhưng hình như Piotr chưa thoả mãn với sự đồng tình của người xà ích: anh ta xoay người trên ghế đánh xe, ngoảnh về phía chủ mỉm cười lễ phép nói:

– Thưa đại nhân, thật là khoan khoái.

– Cái gì?

– Bẩm thật là khoan khoái ạ.

“Anh ta nói gì thế nhỉ? – Công tước Andrey nghĩ thầm – Phải chắc là nói về mùa xuân, – chàng nghĩ, mắt nhìn sang hai bên đường. – Ừ cảnh vật mới đó mà đã xanh rờn, chóng quá! Bạch dương, điêu lê và cả xích dương nữa, đều đã bắt đầu, còn cây sồi thì vẫn chưa thấy gì. Phải đây, đúng là một cây sồi rồi”.

Bên vệ đường sừng sững một cây sồi. Có lẽ nó già gấp mười lần những cây bạch dương mọc thành khóm rừng này, nó to gấp mười và cao gấp đôi mấy cây bạch dương ấy. Đó là một cây sồi rất lớn hai người ôm không xuể, có những cành có lẽ đã gãy từ lâu, vỏ cây nứt nẻ đấy những vết sứt sẹo. Với những cánh tay to sù sì không cân đối, với những ngón tay quều quào xòe rộng, nó như một quái vật già nua cau có và khinh khỉnh đứng giữa đám bạch dương tươi cười. Chỉ có một cây sồi là không chịu đón lấy mùa xuân và ánh nắng.

Mùa xuân, tình yêu, hạnh phúc! – Cây sồi già như muốn nói thế – Làm sao cái điều dối trá khờ khạo và điên rồ như thế mà mãi các người không chán! Quanh đi quẩn lại chỉ có thế, và vẫn chỉ là một sự dối trá mà thôi! Làm gì có mùa xuân, có ánh nắng, có hạnh phúc? Kìa, các người nhìn xem, những cây thông chết cằn chết rụi, bao giờ cũng vẫn thế, và ta nữa, đang đang những ngón tay rạn gãy, sây sát từ lưng ta, từ sườn ta mọc lên; xưa kia nó mọc như thế nào thì ta bây giờ cũng như thế, và ta không tin vào những mềm hi vọng và những sự dối trá của các người.

Công tước Andrey ngoái cổ lại cây sồi mấy, lần trong khi xe đi qua khóm rừng, dường như chờ đợi ở nó một cái gì. Dưới gốc cây sồi cũng có hoa, có cỏ, nhưng nó vẫn thế, cau có, lầm lỳ, què quặt và kiên gan đứng im lìm giữa đám hoa cỏ ấy.

“Phải, cây sồi nó nói phải, một ngàn lần phải, – công tước Andrey nghĩ, – Để cho người khác, những người còn trẻ, họ lao vào sự dối trá ấy, còn chúng mình thì đã biết đời rồi, – cuộc đời của chúng mình hết rồi”! Và một loạt những ý tưởng mới mẻ. Vô hi vọng nhưng buồn buồn dìu dịu do cây sồi gợn lên nảy sinh trong tâm hồn công tước Andrey. Trong chuyến hành trình này, chàng như đã suy nghĩ lại cả cuộc đời của mình và một lần nữa chàng lại đi đến cái kết luận trước kia, một cái kết luận đượm màu bi quan nhưng cũng làm cho lòng chàng dịu lại, là bây giờ chàng không nên mưu đồ một cái gì nữa hết, rằng chàng phải sống nốt cho hết cuộc đời mình, không làm điều xấu, không ưu tư, không ước muốn gì nữa.

Chọn tập
Bình luận
2880
× sticky