Tiết Noël đã đến, và ngoài buổi xem lễ trọng thể, ngoài những lời chúc tụng long trọng và nhàm tai của những người láng giềng và của các gia nhân, ngoài những thứ đó ra không có gì đặc biệt đánh dấu ngày lễ Giáng sinh cả. Nhưng trong bầu không khí băng giá im phăng phắc, lạnh đến hai mươi độ dưới không, trong ánh nắng rực rỡ lúc ban ngày và trong ánh trăng lạnh lẽo lúc ban đêm, người ta lại cứ cảm thấy cần phải có một cái gì đánh dấu tiết Giáng sinh này.
Sang ngày lễ thứ ba, sau bữa ăn chiều, trong nhà ai nấy giải tán về phòng mình. Suốt ngày chỉ có lúc này là buồn tẻ nhất. Nikolai hồi sáng cưỡi ngựa đi thăm các nhà láng giềng, bây giờ đã nằm trong phòng đi-văng đánh một giấc. Lão bá tước thì nghỉ trong phòng làm việc. Trong phòng khách, Sonya ngồi trước bàn tròn, đồ lại một hình mẫu thêu. Bá tước phu nhân chơi bói bài. Naxraxya Ivanovna – lão hề, đang ngồi bên cửa sổ với hai bà già. Natasa bước vào phòng, lại gần Sonya nhìn xem nàng làm gì, rồi lặng lẽ đến đứng bên cạnh mẹ.
– Sao con cứ đi lại vật vờ như một oan hồn thế con? – bá tước phu nhân nói – Con cần gì nào?
– Con cần anh ấy… ngay bây giờ, ngay phút này này, – Natasa nói, mắt sáng long lanh và không mỉm cười.
Bá tước phu nhân ngẩng đầu lên, chăm chú nhìn con không chớp mắt.
– Đừng nhìn con, mẹ ạ, mẹ đừng nhìn con, không con khóc ngay bây giờ cho mà xem.
– Con ngồi xuống đây với mẹ một lát đi con – phu nhân nói.
– Mẹ ạ, con cần anh ấy! Tại sao con lại phải chờ đợi héo hon thế này hở mẹ? – Giọng nàng nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng trên khoé mắt, và để mẹ khỏi thấy, nàng quay mặt đi và bước ra khỏi phòng, nàng ra phòng đi-văng, dừng lại, suy nghĩ một lát rồi đi sang phòng các chị đầy tớ gái. Ở đây, một bà hầu phòng già đang mắng nhiếc một cô hầu gái vừa mới ngoài rét chạy vào thở hổn hển.
– Đừng chơi nữa, – bà già nói – Cái gì cũng phải có lúc chứ.
– Thôi để mặc cô ấy, bà Kondratyena ạ – Natasa nói – Đi đi, Mavrusa, đi đi.
Sau khi cho Mavrusa đi ra, Natasa đi qua gian phòng lớn và bước vào gian phòng ngoài. Một ông già với hai người đầy tớ trẻ tuổi đang đánh bài. Họ ngừng chơi và đứng dậy khi thấy bá tước tiểu thư vào. “Sai họ làm gì bây giờ nhỉ?” – Natasa nghĩ thầm. “À phải, Nikita, anh chịu khó đi… – “Bảo anh ta đi đâu bây giờ nhỉ?”
– À, phải, anh đi ra ngoài sân mang vào cho tôi một con gà trống; phải, còn anh, Misa lấy cho tôi ít thóc.
– Lấy một ít thóc thôi cô nhé? – Misa vui vẻ đáp.
– Thôi đi đi, nhanh lên, – Ông già giục thêm.
– Còn bác Fiodor kiếm cho tôi mấy viên phấn nhé.
– Rồi đi ngang qua phòng hầu trà, nàng lại sai bưng ấm lò lên, tuy lúc bấy giờ chẳng phải là lúc dùng trà.
Bác hầu trà Foka là người cục tính nhất trong nhà. Natasa thường thích dùng bác ta để thử quyền lực của mình xem sao. Nghe Natasa bảo mang ấm lò lên, bác ta không tin, liền lên nhà hỏi lại xem có thật không.
– Chà cái cô này! – Foka nói, mặt vờ làm ra vẻ cáu với Natasa.
Trong nhà không có ai sai phái nhiều người và bảo làm nhiều việc như Natasa. Hễ nàng trong thấy một người đầy tớ là thế nào cũng muốn sai họ đi làm việc này việc nọ. Nàng có vẻ như muốn xem họ có phát cáu lên với nàng hay không, nhưng không có ai sai bảo gì mà họ lại vui lòng làm cho bằng Natasa. “Biết làm gì bây giờ nhỉ? Biết đi đâu bây giờ?” Natasa thầm nghĩ trong khi lững thững trong dãy hành lang.
– Naxraxya Ivanovna này, tôi sẽ đẻ ra được cái gì? – nàng hỏi lão hề mặc áo thụng bây giờ đang đi ngược lại phía nàng.
– Cô thì đẻ ra bọ chó, chuồn chuồn, dế – lão hề đáp.
Trời ơi, trời ơi, vẫn chỉ có thế! Ôi, biết đi đâu bây giờ? Biết làm gì bây giờ”. Và nàng nện gót chạy nhanh lên cầu thang đến phòng hai vợ chồng Foghel ở trên gác. Ở phòng Foghel đang có hai bà gia sư ngồi chơi, trên bàn có đặt mấy đĩa nho khô, hạnh nhân và hạt dẻ. Hai bà gia sư đang nói chuyện gẫu, bàn xem ở nơi nào sinh hoạt rẻ hơn ở Moskva hay ở Odessa. Natasa đến ngồi bên cạnh lắng nghe họ nói chuyện, vẻ mặt nghiêm trang và đăm chiêu, rồi đứng dậy.
– Đảo Madagasca, – nàng nói, – Ma – da – ga – sca, – nàng nhắc lại tách rời từng tiếng một, rồi không đáp lại câu hỏi của bà Schoss hỏi nàng đang nói gì, Natasa ra khỏi phòng.
Petya lúc ấy cũng đang ở trên gác, đang ngồi làm pháo hoa với ông Diadke(1) định đến tối sẽ đem đốt.
– Petya ơi? Petya ơi – Nàng gọi em – Cõng chị xuống nhà tí nào.
Petya chạy lại giơ lưng ra. Nàng nhảy lên lưng em, hai tay quàng lấy cổ cậu bé. Petya nhảy tâng tâng cõng chị chạy.
– Thôi bỏ xuống… đảo Madagascar, – nàng nói đoạn nhảy xuống đất và bỏ xuống nhà.
Dường như sau khi đã đi quanh một lượt khắp vương quốc của mình và đã yên trí rằng mọi người đều răm rắp phục tùng mình, nhưng vẫn cứ thấy chán như thường, Natasa đi vào phòng lớn, lấy cây đàn ghi-ta đến ngồi ở góc tối sau chiếc tủ con và bắt đầu bấm các dây trầm, mò mẫm một câu nhạc nàng nhớ được trong một vở ca kịch mà nàng đã cùng đi nghe với công tước Andrey ở Petersburg.
Nếu có ai nghe tiếng đàn ấy, thì chẳng qua cũng chỉ là những âm thanh mơ hồ chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng trong trí tưởng tượng của nàng thì nó làm sống lại cả một chuỗi kỷ niệm. Nàng ngồi sau chiếc tủ, mắt nhìn trừng trừng vào cái vệt sáng từ khe cưa phòng hầu trà hắt ra. Lắng nghe tiếng đàn của mình và hồi nhớ lại những ngày qua.
Sonya cầm một cái cốc đi qua phòng lớn và vào phòng hầu trà. Natasa nhìn Sonya, nhìn cái khe hở trên cánh cửa vào phòng hầu trà, và nàng có cảm tưởng như đã có lần trông thấy cái vệt sáng từ cửa phòng hầu trà chiếu ra, và lần ấy Sonya cũng cầm chiếc cốc đi ngang phòng như thế này. “Thật đúng y như thế này”. Natasa nghĩ.
Natasa gẩy mấy tiếng ở sợi dây to và cất tiếng gọi:
– Sonya, nghe xem cái gì đây?
– A, Natasa đấy à! – Sonya giật mình nói. Nàng lại gần và lắng nghe tiếng đàn. – Mình không biết. Bài “Cơn bão”, có phải không nào? – nàng nói, giọng rụt rè, vì sợ mình nhầm.
“Đấy lần ấy Sonya cũng giật mình đúng như thế, cũng lại gần lắng nghe và mỉm cười rụt rè như thế – Natasa thầm nghĩ, và cũng đúng như bây giờ, lần ấy mình nghĩ rằng ở Sonya còn thiếu một cái gì ấy”.
– Không phải, đó là điệu hợp xướng trong vở “Người xách nước”, chị nghe thấy không? – và Natasa hát hết điệu hợp xướng để cho Sonya hiểu. – Chị đang đi đâu thế – Natasa hỏi.
– Đi thay nước trong cốc. Mình sắp vẽ xong mẫu thêu.
– Chị bao giờ cũng có việc làm. Còn em thì chẳng biết tìm việc gì mà làm. – Natasa nói. – Thế anh Nikolai đâu.
– Hình như đang ngủ.
– Sonya ạ, chị vào đánh thức anh ấy dậy đi – Natasa nói – Chị bảo là em gọi anh ấy ra đây hát nhé.
Nàng ngồi, nghĩ vơ nghĩ vẩn không hiểu tại sao, cả những điều đó đã xảy ra và tất cả những cái đó, nghĩa là thế nào. Nàng nghĩ mãi vẫn không ra, nhưng không hề mảy may phiền lòng về việc đó, và trí tưởng tượng lại đưa nàng trở lại hồi nào chàng còn ở bên nàng và nhìn nàng với đôi mắt đắm đuối.
“Ôi chỉ mong sao cho chàng sớm về. Mình sợ quá, nhỡ chàng không về thì sao! Và cái chính là mình sẽ già đi, thế mới chết chứ! Lúc ấy e mình sẽ không còn như bây giờ nữa. Nhưng có lẽ chàng sẽ về ngay hôm nay, ngay bây giờ. Cũng có thể chàng đã về từ tối hôm qua, nhưng ta quên mất”. Nàng đứng dậy, đặt cây đàn xuống và đi ra phòng khách. Mọi người trong gia đình các nam nữ gia sư và khách khứa đều ngồi quanh chiếc bàn trà. Các gia nhân thì đứng quanh bàn, – nhưng không thấy công tước Andrey đâu cả, thế mà cuộc sống vẫn cứ như trước.
– A, nó đây rồi, – Ông Ilya Andreyevich nói khi thấy Natasa vào. – Nào ngồi đây với cha, – Nhưng Natasa đến đứng bên cạnh mẹ, mắt nhìn quanh như tìm kiếm một cái gì.
– Mẹ ơi! – nàng nói. Mẹ đưa anh ấy lại đây cho con đi, kìa nhanh lên, nhanh lên, – nàng chật vật lắm mới nén được tiếng nấc.
Nàng lại ngồi cạnh bàn trà và lắng tai nghe tiếng nói chuyện của những người lớn và Nikolai bấy giờ đã ra bàn trà. “Trời ơi, trời ơi vẫn những khuôn mặt ấy, vẫn những câu chuyện ấy, ba vẫn cầm ly trà như thế, vẫn thổi thổi đúng như thế!” – Natasa nghĩ thầm, và kinh hãi thấy trong lòng mình bỗng nổi dậy một cảm giác chán ghét đối với mọi người ở trong nhà vì họ vẫn như cũ.
Sau bữa trà, Nikolai, Sonya và Natasa vào phòng đi-văng ngồi ở cái góc yêu thích của họ, nơi họ vẫn bắt đầu những câu chuyện tâm tình sâu kín nhất.
Chú thích:(1) Diadke người đầy tớ chuyên coi số, và đôi khi dạy dỗ trẻ em.