Theo lệnh của Denixov người ta đã dọn thịt cừu và rượu vodka cho chú lính đánh trống.
Denixov sai mặc cho nó chiếc áo kaftan Nga và quyết định sẽ giữ nó lại trong đội du kích chứ không cho giải về hậu phương với các tù binh khác.
Petya đang bận tâm về chú bé, thì chợt có tin Dolokhov đến, và bao nhiêu sức chú ý của Petya đều từ chú lính đánh trống dồn sang Dolokhov. Trong quân đội Petya đã được nghe kể nhiều câu chuyện về sự dũng cảm phi thường của Dolokhov và tàn ác của chàng đối với quân Pháp, cho nên từ khi Dolokhov bước vào phòng, Petya cứ nhìn chằm chặp vào chàng và mỗi lúc một thêm phấn chấn, mái đầu cất cao lên, cổ làm sao ngay khi được ngồi với một người như chàng mình cũng không đến nỗi không xứng đáng.
Cách phục sức cực kỳ đơn giản của Denixov làm Petya kinh ngạc Denixov thì mặc áo tsekmen(1), để râu dài, trên ngực có đính tượng thánh Nikolai, người có nhiều phép lạ và trong cách nói năng, đi đứng của chàng đều để lộ rõ chất đặc biệt của địa vị chàng lúc bấy giờ.
Dolokhov thì trước kia; khi còn ở Moskva, vẫn mặc một bộ y phục Ba tư, nhưng nay thì ngược lại, chàng phục sức như một sĩ quan cận vệ ưa làm dáng, hết sức thông thường. Mặt chàng cạo nhẵn, mình chàng mặc một cái áo khoác lót long của quân cận vệ, khuy cổ đính một huân chương Georges, trên đầu chàng có một chiếc mũ lưỡi trai giản dị rất thẳng. Chàng ra góc phòng cởi chiếc áo burka ướt sũng, rồi không chào hỏi ai hết, chàng đến cạnh Denixov, và lập tức lên tiếng hỏi về công việc. Denixov thuật lại cho chàng nghe chuyện các đội du kích lớn dòm ngó đoàn vận tải Pháp ra sao, cho chàng biết việc Petya được phái đến và cách dùng phúc đáp hai viên tướng nọ. Rồi Denixov kể cho Dolokhov rõ tất cả những điều mình biết được về tình hình đội quân Pháp.
– Đúng thế đấy, nhưng phải biết rõ đây là đơn vị nào và quân số bao nhiêu Dolokhov nói, – Phải đi một chuyến mới xong. Không biết chắc quân số của chúng thì không thể khởi sự được. Tôi vốn thích làm ăn cẩn thận. Đây trong số các vị ở đây có vị nào muốn đi với tôi vào trại quân Pháp không. Tôi có mang cả quân phục Pháp đến đấy.
– Tôi… tôi… tôi sẽ đi với ông! – Petya kêu lên.
– Cậu chả cần đi làm gì hết, – Denixov nói với Dolokhov – còn cậu này thì tôi không đời nào để cho đi như thế đâu.
– Hay nhỉ! – Petya thét lên, – Tại sao tôi lại không đi được kia chứ?
– Tại vì chẳng việc gì phải đi cả!
– À thế xin anh thứ lỗi cho, bởi vì… bởi vì tôi sẽ đi, có thế thôi. Anh đem tôi đi theo chứ? – Petya hỏi Dolokhov.
– Chứ sao? – Dolokhov lơ đãng đáp, mắt nhìn vào mặt chú lính đánh trống người Pháp.
– Thằng bé con này ở với cậu lâu chưa? – chàng hỏi Denixov.
– Vừa bắt được sáng nay, nhưng nó chẳng biết gì cả. Tớ để nó lại đây với tớ.
– À thế còn những đứa khác thì cậu mang đi đâu? – Dolokhov nói.
– Còn gì đâu nữa? Tớ cho giải về hậu phương có biên lai hẳn hoi? Denixov bỗng đỏ mặt quát lên. – Và tớ cũng phải nói thẳng ra rằng trong lương tâm tớ chưa hề có một sinh mạng nào.
– Chả nhẽ cậu không thấy cho áp giải ba mươi người hay là ba trăm người về thành phố cũng chẳng khó khăn gì, dù sao cũng còn hơn là làm nhơ bẩn, tớ nói thẳng ra như vậy, làm nhơ bẩn danh dự của một quân nhân.
– Để cho cậu tiểu bá tước mười sáu tuổi này nói những chuyện nhân ái ấy thì hợp hơn, – Dolokhov nói giọng ngạo nghễ và lạnh lùng, – Còn cậu thì đã đến lúc có thể từ bỏ những trò ấy đi được rồi đấy.
– Kìa, tôi có nói gì đâu? – Petya nói, giọng rụt rè, – Tôi chỉ bảo là tôi nhất định sẽ đi với ông thôi mà.
– Còn như cậu với tớ thì đã đến lúc nên bỏ cái trò ấy đi, cậu à.
Dolokhov nói tiếp như thể thấy thích thú đặc biệt khi nói đến một vấn đề vẫn khiến cho Dolokhov khó chịu.
– Thế tại sao cậu cho thằng bé này ở lại? – Chàng lắc đầu nói. – Cậu thương hại nó chứ gì? Chúng tớ còn lạ gì những tờ biên lai của cậu nữa. Cậu gửi về một trăm tên, nhưng về đến nơi thì còn ba chục, chúng nó sẽ chết dọc đường, vì đói, hay sẽ bị giết chết. Vậy thì thà đừng bắt chúng nó, cũng thế cả thôi.
Viên thủ lĩnh cô-dắc nheo nheo đôi mắt trong sáng, gật đầu tỏ ý tán thành.
– Thì cũng thế cả thôi, chả phải bàn cãi gì nữa. Tớ không muốn để lương tâm phải cắn dứt về chuyện ấy, cậu bảo là chúng nó sẽ chết. Cũng được thôi. Miễn sao đừng chết vì tay tớ là được.
Dolokhov cười phá lên.
– Dễ thường chúng nó không được lệnh bắt tớ hàng hai chục lần ấy! Và nếu chúng bắt được thì cả tớ lẫn cậu với cái tâm hồn nghĩa hiệp của cậu cũng vẫn lủng lẳng trên một sợi dây như thường.
Dolokhov im lặng một lát.
– Nhưng thôi, phải lo đến công việc đi chứ. Bảo thằng cô-dắc của tớ mang cái đẫy vào dây. Tớ có hai bộ quân phục của Pháp. Thế nào, đi với tớ chứ? – Chàng hỏi Petya.
– Tôi ấy à? Vâng, vâng, nhất định chứ! – Petya reo lên, mặt đỏ rừ đến gần chảy nước mắt ra, mắt liếc nhìn Denixov.
Trong khi Dolokhov tranh cãi với Denixov về cách xử lý tù binh, Petya cảm thấy luống cuống, và bồn chồn lo lắng, nhưng cậu cũng không đủ thì giờ hiểu cho rõ họ nói gì. “Nếu những người lớn, những người có danh tiếng, họ nghĩ như vậy thì tức là cần phải như vậy như vậy mới đúng, – cậu nghĩ thầm, – Và cái chính là phải làm sao cho Denixov đừng có mà nghĩ rằng mình phục tùng anh ta, rằng anh ta có thể chỉ huy mình. Mình nhất định sẽ đi với Dolokhov đến trại quân Pháp. Dolokhov đi được thì mình cũng đi được chứ?”.
Đáp lại những lời khuyên nhủ của Denixov bảo cậu đừng đi, Petya nói là mình đã quen gì thì cũng làm cẩn thận chứ không chịu cái lối làm ăn hú hoạ, và xưa nay không bao giờ nghĩ đến nguy hiểm cả.
Bởi vì, anh cũng phải nhận thấy nếu không biết chắc quân số chúng nó thì sẽ nguy hại đến tính mạng của hàng trăm người cũng nên, còn như đi như thế này thì chỉ có hai chúng ta mà thôi. Và lại tôi rất muốn và thế nào tôi cũng đi, anh đừng giữ tôi làm gì, chỉ thêm phiền.
Sau khi mặc áo ca-pốt và đội mũ sa-cô của Pháp, Petya và Dolokhov cưỡi ngựa đi về phía khoảng rừng thưa nơi Denixov đứng nhìn xuống trại lính Pháp sáng nay, rồi ra khỏi rừng và đi xuống hẻm núi trong bóng tối dày đặc. Xuống đến nơi, Dolokhov dặn mấy người cô-dắc đi theo đứng đợi ở đấy và cho ngựa phóng nước kiệu trên con đường dẫn đến cái cầu. Petya tim lịm đi vì xúc động, cưỡi ngựa đi cạnh chàng.
– Nếu bị lộ, tôi sẽ không để cho nó bị bắt sống đâu, tôi có một khẩu súng ngắn đây, – Petya thì thầm.
– Đừng nói tiếng Nga, – Dolokhov nói thầm rất nhanh và ngay phút ấy trong bóng tối có tiếng quát “Ai?” và tiếng lên cò súng lách cách.
– Máu dồn lên mặt Petya và cậu ta luồn tay vào chỗ cất khẩu súng ngắn.
– Giáo kỵ trung đoàn 62, – Dolokhov đáp, không kìm ngựa lại mà cũng không cho ngựa phóng nhanh cái bóng đen ngòm của tên lính canh đứng sững trên cầu.
– Khẩu lệnh?
Dolokhov kìm ngựa lại cho đi bước một.
– Này đại tá Jerar có ở đây không nhỉ? – chàng nói.
– Khẩu lệnh – Tên lính canh không đáp lại và quát một lần nữa và đứng chặn ngang cầu.
– Khi một sĩ quan đi tuần, lính canh không có cái lối hỏi khẩu lệnh. – Dolokhov đột nhiên nổi xung lên quát lớn và cho ngựa bước sấn vào tên lính canh. – Ta hỏi anh đại tá Jerar có ở đây không?
Và không đợi câu trả lời của tên lính canh bấy giờ đã né sang một bên, Dolokhov cho ngựa đi bước một lên dốc.
Trông thấy một bóng đen đi vượt qua đường Dolokhov chặn lại hỏi xem viên tư lệnh và các sĩ quan hiện ở đâu. Bóng đen này là một người lính vác một cái bị lên vai. Hắn đứng lại, đến sát cạnh Dolokhov giơ tay vỗ vào ngực chàng rồi nói một cách thân mật và giản dị rằng quan tư lệnh và các sĩ quan đang ở trên dốc phía bên phải trong sân, ấp (người lính gọi toà dinh thự trang chủ như vậy).
Dọc đường đi, hai bên đều nghe có tiếng chuyện trò bằng tiếng Pháp từ những bếp lửa trại vẳng ra. Đi được một đoạn, Dolokhov rẽ vào sân toà dinh thự trang chủ. Đi qua cổng, chàng xuống ngựa và đến cạnh một bếp lửa lớn cháy bừng bừng, xung quanh có mấy người đang ngồi nói chuyện rất to. Ở cạnh ria đống lửa có bắc một cái nồi nấu một món gì đang sôi sùng sục, và một người lính đội mũ chụp nhọn và mặc ca-pốt xanh đang quỳ bên cạnh lấy que thông nòng khuấy khuấy vào nồi, ánh lửa bắt vào mặt hắn sáng rực.
– Ồ ông ta hắc lắm đấy! – một viên sĩ quan ngồi trong bóng tối phía bên kia bếp lửa nói.
– Ông ta sẽ cho chúng nó một chầu… – một người khác cười lớn nói. Họ lặng thinh và nhìn vào đêm tối khi nghe tiếng chân Dolokhov và Petya dắt ngựa lại gần đống lửa.
– Chào các vị! Dolokhov nói to tách rõ từng tiếng. Mấy viên sĩ quan cựa quậy trong bóng tối và một người cao lớn cổ dài đi vòng quanh đống lửa đến gần Dolokhov.
– Anh đấy à. Clement? Người ấy nói. – Quái, anh ở đâu mà…
Nhưng hắn không nói hết cầu thì đã nhận ra là mình lầm; hắn hơi cau mày, chào Dolokhov như chào một người không quen và hỏi chàng xem chàng cần hỏi việc gì. Dolokhov nói là chàng cùng với người bạn đang đuổi theo trung đoàn và hỏi đám sĩ quan xem có ai biết gì về trung đoàn sáu không. Chẳng có ai biết gì cả và Petya có cảm giác là các sĩ quan bắt đầu quan sát cậu với Dolokhov một cách ác cảm và nghi ngờ.
– Nếu các anh hy vọng ăn món xúp tối nay thì các anh đến khí chậm đấy – một người ở sau đống lửa nói cười khúc khích.
Dolokhov đáp rằng hai anh em ăn đã no và đang cần đi tiếp ngay đêm nay. Chàng trao ngựa cho người lính đang khuấy món ăn trong nồi, và ngồi xổm xuống bên bên đống lửa cạnh viên sĩ quan cao cổ. Viên sĩ quan này nhìn Dolokhov chằm chặp và hỏi lại một lần nữa: Chàng ở trung đoàn nào? Dolokhov không đáp, làm như không nghe thấy câu hỏi, chàng rút cái tẩu thuốc kiểu Pháp trong túi ra, vừa châm lửa vừa hỏi sĩ quan xem đoạn đường sắp phải đi có bị bọn cô-dắc quấy nhiễu không.
– Kẻ cướp thì đâu mà chẳng có! – Viên sĩ quan ngồi sau đống lửa nói.
Dolokhov nói rằng bọn cô-dắc chỉ đáng sợ đối với những kẻ tụt lại sau như chàng và như anh bạn của chàng thôi, còn những đội quân lớn thì chắc chúng không đám đánh, – chàng nói thêm có ý dò hỏi. Không ai đáp lại một lời.
– Thôi, bây giờ chắc anh ấy sẽ đi, – cứ phút phút Petya lại nghĩ thầm trong khi đứng trước bếp lửa lắng nghe chàng nói chuyện.
Nhưng Dolokhov lại khơi chuyện và bắt đầu hỏi thẳng họ xem trong mỗi tiểu đoàn có bao nhiêu người, họ có cả thảy bao nhiêu tiểu đoàn, bao nhiêu tù binh. Trong khi hỏi về tốp tù binh Nga đang bị áp giải theo đội quân của họ, Dolokhov nói
– Kéo theo những cái xác theo sau phiền thật. Chi bằng bắn quách cái lũ chó chết ấy đi cho rảnh, nói đoạn chàng cười phá lên, tiếng cười nghe quái gở đến nỗi Petya cứ tưởng là quân Pháp sẽ nhận ra ngay cái trò bịp bợm của chàng: cậu ta bất giác lùi một bước ra xa đống lửa. Không có ai hưởng ứng câu nói và tiếng cười của Dolokhov: một viên sĩ quan Pháp nãy giờ chẳng trông thấy đầu (hắn trùm áo ca-pốt nằm giữa đất) bỗng nhổm dậy nói thì thầm mấy tiếng với một người bên cạnh. Dolokhov đứng dậy và gọi tên lính giữ ngựa.
“Liệu chúng có trả ngựa không?” – Petya thầm nghĩ; cậu bất giác nhtch lại gần Dolokhov.
– Họ đưa ngựa lại.
– Chào các vị! – Dolokhov nói.
Petya muốn nói: “chào các vị” nhưng không sao mở miệng được.
Mấy viên sĩ quan nói thầm với nhau. Dolokhov loay hoay một hôi lâu mới lên yên được, vì con ngựa không chịu đứng yên cho; sau đó chàng cho ngựa đi bước một ra cổng. Petya đi cạnh chàng; cậu rất muốn ngoái cổ nhìn lại xem bọn Pháp có đuổi theo không, nhưng cậu không dám.
Ra đến đường cái, Dolokhov không trở về phía cánh đồng mà lại đi ven theo khóm làng. Được một lúc chàng ngừng ngựa lại nghe ngóng.
– Cậu có nghe thấy không? – chàng nói.
Petya nhận ra những âm hưởng những câu tiếng Nga và trông thấy những người tù binh Nga chập chờn quanh các bếp lửa. Hai người đi xuống dốc và đến cái cầu lúc nãy, vượt qua người lính canh đang lặng lẽ đi đi lại lại trên cầu, và trở về cái hẻm núi có mấy người cô-dắc đứng đợi.
– Thôi bây giờ chào cậu nhé. Cậu bảo Denixov là đến tảng sáng, khi nghe tiếng súng đầu tiên. – Dolokhov nói đoạn toan bỏ đi, nhưng Petya đã nắm lấy tay chàng.
– Không – Petya kêu lên, – anh thật là một vị anh hùng. Ôi, thật là thích quá! Tuyệt quá! Tôi yêu anh quá!
– Thôi được rồi, được rồi! – Dolokhov nói, nhưng Petya không chịu buông chàng ra. Trong bóng tối, Dolokhov thấy Petya nghiêng người về phía chàng. Cậu ta muốn hôn chàng, Dolokhov hôn Petya, cười lớn rồi quay ngựa đi khuất trong bóng tối.
Chú thích:
(1) Áo lông của vùng núi Kavkaz