Sau khi gặp Piotr ở Moskva, công tước Andrey đi Petersburg, công tước nói với người nhà là giải quyết công việc, nhưng thật ra là đi tìm công tước Anatol Kuraghin vì chàng cho là thế nào cũng phải tìm hắn cho kỳ được. Đến Petersburg, chàng hỏi thăm thì được biết rằng Kuranghin không còn ở đây nữa. Piotr đã đánh tiếng cho em vợ biết rằng công tước Andrey đi tìm hắn ta. Andrey đi tìm hắn ta. Anatol lập tức xin tổng trưởng bộ chiến tranh cử đi công cán và lên đường đến quân đoàn Moldavi với ông ta, vì vị lão tướng vừa được nhận chức tuỳ viên ở bộ tham mưu tổng hành dinh và được phái đi Thổ Nhĩ Kỳ.
Công tước Andrey cho rằng viết thư cho Kuraghin và thách hắn đấu súng thì không tiện. Nếu không tìm được một cớ gì khác thì việc đó sẽ tổn thương đến danh giá của bá tước tiểu thư Roxtova, công tước Andrey nghĩ như vậy, cho nên chàng tìm cơ hội gặp riêng Kuraghin và nhân đấy tìm ra một lý do mới để thách hắn đấu súng. Nhưng ở quân đoàn Thổ Nhĩ Kỳ chàng vẫn không gặp được Kuraghin, vì công tước Andrey vừa đến quân đoàn Thổ Nhĩ Kỳ được mấy hôm thì hắn trở về Nga rồi. Sống ở một xứ lạ và trong những hoàn cảnh sinh hoạt mới mẻ, công tước Andrey thấy dễ chịu hơn trước. Từ khi người vợ chưa cưới đã bội nghĩa với chàng, nỗi đau đớn mà chàng muốn dấu không cho ai biết lại càng thấm thía hơn nhiều. Những điều kiện sinh hoạt đã từng làm cho chàng đã cảm thấy hạnh phúc, và nhất là cuộc sống tự do và độc lập mà trước kia chàng rất quý thì nay lại càng trở thành một nỗi khổ đối với chàng. Lòng chàng không còn buông theo những ý nghĩ, trước kia đã đến với chàng lần đầu tiên khi chàng nhìn lên bầu trời ở chiến trường Austerlix, những ý nghĩ mà chàng thích đem bày tỏ với Piotr, những ý nghĩ đã theo chàng trong cảnh cô quạnh ở Bogusarovo, rồi sau đó ở Thuỵ Sĩ và ở La Mã; không những thế, thậm chí chàng lại còn sợ nhớ đến những ý nghĩ ấy, những ý nghĩ xưa kia đã mở ra những chân trời vô biên và sáng sủa. Bây giờ chàng chú ý đến những điều thực tiễn trước mắt không có liên hệ với những vấn đề trước kia, và những vấn đề trước kia lại càng bị che khuất đi bao nhiêu thì chàng lại càng bám lấy những vấn đề thực tiễn hiện tại một cách hăm hở bấy nhiêu. Có thể tưởng chừng như bầu trời vô tận trước kia đã từng mở rộng ra trên đầu chàng nay bỗng biến thành một cái vòng thấp hẹp, cụ thể, đang đè lên chàng, trong đó cái gì cũng rõ ràng, nhưng không có gì vĩnh viễn và bí ần hơn nữa.
Trong những hoạt động bày ra trước mắt chàng thì chàng thì việc nhập ngũ là đơn giản và quen thuộc hơn cả. Giữ chức sĩ quan trực tin trong bộ tham mưu của Kutuzov, chàng làm việc rất sốt sắng và chuyên cần, khiến cho Kutuzov phải ngạc nhiên vì cách làm việc say sưa và chu đáo của chàng. Không tìm thấy Kuraghin ở Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên chàng biết rằng dù có trải qua một thời gian dài đến bao nhiêu chăng nữa, dù chàng hết sức khinh miệt Kuraghin, dù chàng đã viện đủ các thứ lý lẽ để chứng minh cho bản thân mình thấy không việc gì phải hạ mình xuống gây gổ với hắn, chàng vẫn hiểu rằng nếu gặp Kutuzov chàng cũng sẽ không thể nào không thách đấu súng như một người đang đói không thể nào không vồ lấy thức ăn. Mối sỉ nhục chưa được rửa, mối căm hờn chưa được hả, điều đó vẫn còn đè nặng trên lòng chàng, luôn luôn đến quấy phá cái yên tĩnh giả tạo mà công tước Andrey đã cố tạo cho mình trong thời gian ở Thổ Nhĩ Kỳ, bằng một cuộc sống hoạt động say sưa và ít nhiều có tính chất tiến thân và sĩ diện.
Năm 1812, khi tin chiến tranh ở Napoli thấu đến Bucaretxo (Kutuzov đã sống ở đây từ hai tháng nay, suốt ngày đêm ở lại nhà người tình nhân Valakhi của ông ta), công tước Andrey xin Kutuzov cho chàng thuyên chuyển sang quân đoàn miền Tây.
Kutuzov bấy giờ đã chán cái sức lao động của công tước Andrey, vì nó cứ như một lời trách móc đối với cảnh sống nhàn hạ của ông ta, nên rất sẵn lòng để cho chàng đi và giao cho chàng một nhiệm vụ bên cạnh Barclay de Tolly.
Đến tháng năm, trước khi trở về quân đội bấy giờ đang đóng ở trại Drixxa, công tước Andrey ghé về thăm nhà, vì Lưxye Gorư nằm ngay trên đường đi của chàng, cách đường cái Smolensk ba dặm. Ba năm gần đây trong cuộc đời của công tước Andrey có rất nhiều biến đổi, chàng đã suy nghĩ, đã cảm xúc, đã chứng kiến rất nhiều (chàng đã đi đây đó khắp nơi từ Đông sang Tây) nên chàng rất bỡ ngỡ và kinh ngạc khi thấy ở Lưxye Gorư tất cả đều y nguyên như cũ, cho đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất – Vẫn nếp sống xưa kia, không hề thay đổi. Khi xe rẽ vào con đường dẫn đến trang viên và vượt qua cái cổng bằng đá của toà dinh thự, chàng như bước vào một toà lâu đài đang ngủ say dưới tác dụng của phép thần thông. Trong toà nhà mọi vật cũng vẫn nghiêm trang, sạch sẽ và im lặng như xưa, cũng vẫn những bộ bàn ghế ấy và vẫn những khuôn mặt rụt rè ấy, duy chỉ có già đi đôi chút mà thôi. Công tước tiểu thư Maria là người con gái e lệ, không nhan sắc, đang già cỗi dần trong cảnh lo sợ trong những nỗi đau khổ tinh thần bất tận, sống qua những tháng năm tốt đẹp nhất cuộc đời mình một cách vô bổ và không chút vui thú. Burien cũng vẫn là cô gái đỏm dáng, tự mãn, luôn luôn vui vẻ tận hưởng từng phút của đời mình và vẫn tràn đầy những niềm hy vọng tươi sáng nhất. Chỉ có điều là nay công tước Andrey thấy cô ta có vẻ tự tin hơn trước. Dexal, người gia sư mà chàng đưa từ Thuỵ Sĩ về, bấy giờ mặc một chiếc áo đuôi tôm, trọ trẹ nói tiếng Nga với các gia đình, nhưng cũng vẫn là một nhà giáo thông minh một cách thiển cận, có học thức, có đức độ và ưa phô trương trí thức. Lão công tước thì thể chất chỉ khác xưa ở chỗ mới rụng một cái răng cửa ở bên miệng, điều này có thể trông thấy khá rõ; về tinh thần thì ông cụ vẫn như trước, chỉ có điều là thái độ hằn học và hoài nghi đối với việc xảy ra trên thế giới có phần tăng thêm. Chỉ có một mình Nikoluska là lớn lên, thay đổi đi, da dẻ hồng hào thêm, mớ tóc quăn màu nâu thẫm mọc rậm hơn, và mỗi khi reo cười vui vẻ cái một trên xinh xắn của cậu lại cong lên giống hệt như công tước phu nhân nhỏ nhắn lúc sinh thời. Chỉ có mình cậu bé là không tuân theo các quy luật bất biến trong lâu đài đang chìm trong giấc ngủ thần thông này. Nhưng tuy bề ngoài mọi vật đều vẫn như cũ, những quan hệ bên trong giữa tất cả các nhân vật kia kể từ khi công tước Andrey ra đi cho đến nay đều đã đổi khác.
Người trong gia đình chia làm hai phe, xa lạ và đối địch nhau; bây giờ chỉ vì có chàng về họ mời tụ họp lại, thay đổi nếp sống thường lệ vì chàng. Phe thứ nhất gồm có lão công tước, cô Burien và viên kiến trúc sư, còn phe kia gồm Maria, Dexal, Nikolus cùng tất cả các bà vú em và các chị giữ trẻ.
Trong thời gian công tước Andrey ghé lại Lưxye Gorư, mọi người trong nhà đều ngồi ăn chung bàn, nhưng ai nấy đều thấy ngượng nghịu, và công tước Andrey cảm thấy mình là một người khác; người ta bỏ nếp sống thường ngày vì chàng và chàng làm cho mọi người mất tự nhiên. Trong bữa ăn trưa hôm mới về, công tước Andrey đã bất giác cảm thấy điều đó nên rất ít nói, và lão công tước cũng nhận thấy vẻ gượng gạo của chàng nên cũng lầm lỳ lặng thinh, và sau bữa ăn lập tức trở về phòng riêng. Đến tối, khi công tước Andrey đến phòng ông cụ và bắt đầu kể chuyện về cuộc hành quân của tiểu bá tước Kamenxki, mong làm cho lão công tước bá tước vui lên, ông cụ bỗng nhiên quay ra nói chuyện với chàng về nữ công tước Maria, chê trách nàng đã mê tín, là thiếu thiện ý đối với cô Burien, người duy nhất – theo lời lão công tước – thật sự trung thành tận tuỵ với ông.
Lão công tước nói rằng ông ốm chẳng qua cũng vì nữ công tước Maria; rằng nàng cố tình làm khổ và trêu tức ông, rằng nàng nuông chiều và nói những chuyện nhảm nhí làm hư hỏng tiểu công tước Nikolai. Lão công tước biết rất rõ rằng ông hành hạ con gái, rằng nàng sống rất khổ sở, nhưng ông cũng biết rằng mình không thể nào không làm khổ con gái được, và như vậy cũng đáng đời cô ta.
“Tại sao công tước Andrey tuy thấy rất rõ như vậy lại không bao giờ nói gì với ta về em gái cả? – Lão công tước ngẫm nghĩ. – Thế thì anh chàng nghĩ thế nào, chắc lại cho ta là một kẻ tàn bạo hay một ông lão già ngu ngốc, bỗng dưng vô cớ xa rời con gái và đi kết thân với cô Burien kia chứ gì? Anh chàng không hiểu, cho nên phải cắt nghĩa cho anh ta rõ, anh ta phải nghe cho ra mới được”. – Lão công tước thầm nghĩ. Và ông bắt đầu giải bày những nguyên do khiến ông không tài nào chịu nổi cái tính nết vô lý của con gái.
Nếu cha hỏi con, – Công tước Andrey nói, mắt không nhìn cha (đây là lần đầu tiên trong đời, chàng trách móc công tước) – Trước đây con không muốn nói, nhưng nếu cha đã hỏi thì con xin nói thẳng ý của con về việc này. Nếu có sự hiểu lầm và xích mích giữa cha với Maria, thì con không thể nào buộc tội em con được: con biết rõ nó thương yêu và tôn kính cha đến thế nào. Cha đã hỏi con, – Công tước Andrey nói tiếp, mỗi lúc một thêm cáu kỉnh, vì gần đây lúc nào chàng cũng sẵn sàng nổi cáu – Thì con có thể nói được một điều, là nếu quả có sự hiểu lầm thì đó cũng chỉ vì một người đàn bà chả ra gì, đáng lẽ không thể làm bạn với em con được.
Lúc đầu ông già nhìn con trân trân và mỉm cười gượng gạo để lộ cái lỗ hổng ở chỗ chiếc răng mới rụng mà công tước Andrey không tài nào nhìn quen được.
– Bạn nào thế hở, anh bạn? Thế các người đã bàn với nhau rồi hả?
– Thưa cha, con không muốn phê phán làm gì, – Công tước Andrey nói, giọng bực bội và gay gắt, – Nhưng cha đã gợi chuyện ra, thì con sẽ nói và bao giờ cũng vẫn sẽ xin nói rằng công tước tiểu thư không phải là người có lỗi, người có lỗi là cái… là người đàn bà Pháp kia…
– À? Thế ra mày xét xử… mày xét xử đấy phỏng! – Ông già nói khẽ và công tước Andrey có cảm tượng ông cụ luống cuống!
Nhưng bỗng nhiên ông nhảy chồm lên quát:
– Xéo! Xéo ngay! Đừng có bao giờ vác mặt về đây nữa!
Công tước Andrey muốn lên đường đi ngay, nhưng nữ công tước Maria xin chàng ở lại thêm một ngày nữa. Ngày hôm ấy công tước Andrey không gặp cha. Bây giờ lão công tước không ra khỏi phòng và cũng không cho ai vào phòng mình, ngoài cô Burien và Tikhon, và mấy lần hỏi xem con trai đã đi chưa. Ngày hôm sau, trước khi ra đi công tước Andrey đến phòng con. Đứa bé khoẻ mạnh, tóc quăn giống mẹ, ngồi lên đùi chàng, công tước Andrey bắt đầu kể cho nó nghe chuyện lão Râu Xanh(1), nhưng đang kể dở chừng chàng bỗng dừng lại, trầm ngâm suy nghĩ. Chàng không nghĩ đến đứa con trai kháu khỉnh trong khi bế nó ngồi lên đùi, mà lại nghĩ đến mình. Chàng kinh hãi muốn tìm nhưng không hề thấy ở mình hối hận chút nào về việc mình đã làm cho cha tức giận, mà cũng không thấy chút luyến tiếc nào khi phải rời xa cha (lần này là lần đầu tiên chàng xích mích với cha đến nỗi phải bỏ đi như vậy).
– Nhưng điều quan trọng hơn cả là chàng cố tìm mà vẫn không thấy tình thương yêu đằm thắm trước kia đối với đứa con, tình thương yêu mà chàng hy vọng nhen lại trong lòng mình khi ve vuốt đứa bé và đặt nó ngồi lên đùi.
– Kìa bố kể đi chứ, – Đứa bé nói.
Công tước Andrey không đáp, đặt nó xuống đất và ra khỏi phòng.
Ngay khi công tước Andrey vừa rời bỏ những công việc thường ngày của chàng, và nhất là khi lại về với hoàn cảnh sinh hoạt cũ hồi còn hạnh phúc, nỗi chán đời lại tràn vào lòng chàng mạnh mẽ chẳng kém gì trước kia, và chàng hối hả cố sao thoát cho nhanh ra khỏi những kỉ niệm ấy và tìm một công việc gì mà làm.
– Anh nhất định đi ngay à? Anh André? – em gái chàng hỏi.
– Cũng may là anh còn có thể đi được, – Công tước Andrey nói, – Anh rất tiếc rằng em không thể đi được như anh.
– Sao anh lại nói thế! Công tước tiểu thư Maria nói. – Sao đến bây giờ mà anh lại nói như vậy, trong khi anh sắp dấn thân vào cuộc chiến tranh khủng khiếp kia, mà cha thì đã già rồi. Nghe cô Burien nói là cha có thăm anh… – Nàng vừa nói đến đây thì môi run run đã lên và nước mắt đã trào ra. Công tước Andrey quay mặt đi và bắt đầu đi đi lại lại trong phòng.
– Ồ! Trời ơi, trời ơi! – Chàng nói. – Sao những con người khốn nạn như vậy lại có thể làm cho người ta khổ! – Chàng nói với một giọng căm hờn khiến nữ công tước Maria hoảng sợ.
Nàng hiểu rằng khi nói đến những con người mà chàng gọi là khốn nạn, chàng không phải chỉ nghĩ đến cô Burien đã làm cho chàng khổ, mà còn nghĩ đến con người đã phá hoại hạnh phúc của chàng.
– Anh Andrey, em chỉ xin anh một điều, em van xin anh, – nàng nói, tay khẽ chạm vào khuỷu tay chàng, đôi mắt sáng ngời nhìn chàng qua làn nước mắt. – Em hiểu anh lắm (nữ công tước Maria cúi mặt nhìn xuống đất). Xin anh đừng nghĩ rằng những nỗi buồn khổ là do con người gây ra. Con người chỉ là công cụ của Chúa – Nàng đưa mắt nhìn vào chỗ ở phía trên đầu công tước Andrey một quãng, với cái nhìn quả quyết, quen thuộc, như khi người ta nhìn vào chỗ lâu nay vẫn treo bức chân dung. – Đau khổ là do Chúa gửi đến, chứ không phải do con người. Con người là công cụ của Chúa, con người không có lỗi. Nếu anh thấy có một lẽ nào có lỗi với anh, anh hãy quên và đi và tha thứ cho họ. Chúng ta không có quyền trừng phạt. Rồi anh sẽ hiểu được hạnh phúc của sự tha thứ.
– Giá mà anh là đàn bà, thì anh sẽ làm như vậy Maria ạ. Đó là một đức tính của phụ nữ. Nhưng một người đàn ông thì không được và không thể quên cũng như không thể tha thứ, – chàng nói và tuy cho đến giây phút ấy chàng không nghĩ đến Kuraghin, tất cả nỗi căm thù chưa trả được bỗng đấy lên mãnh liệt trong lòng chàng.
“Nếu công tước tiểu thư Maria đã phải khuyên ta tha thứ, thì ta đáng lẽ phải trừng trị hắn từ lâu mới phải” – Chàng nghĩ thầm. Và không trả lời công tước tiểu thư Maria chàng quay ra nghĩ đến cái phút vui mừng, cái phút ghê sợ khi chàng sẽ gặp Kutaghin mà chàng biết là hiện nay đang ở trong quân đội.
Công tước tiểu thư Maria van xin anh đợi thêm một ngày nữa; nàng nói rằng nàng biết rõ ông cụ sẽ khổ tâm đến thế nào nếu công tước Andrey ra đi mà không hoà giải với cha; nhưng công tước Andrey đáp rằng có lẽ chỉ ít lâu sau nữa chàng sẽ lại về, thế nào chàng cũng sẽ viết thư cho cha, còn hiện nay thì ở lại lâu chỉ càng thêm xích mích mà thôi.
– Anh Andrey, thôi anh đi nhé! Xin anh nhớ rằng những nỗi khổ là do Chúa gửi đến, chứ không bao giờ do con người gây nên!
Đó là những lời cuối cùng mà công tước Andrey nghe em gái nói khi chia tay.
“Có lẽ sự thể phải như vậy! – Công tước Andrey nghĩ khi xe ra khỏi trang viên Lưxye Gorư. – Maria một người con gái vô tội đáng thương, đành phải chịu sự dày vò của ông già đã lẩm cẩm. Ông già cũng cảm thấy mình có lỗi, nhưng không thể thay đổi tính nết được. Đứa con nhỏ của ông đang lớn lên và vui vẻ đón lấy cuộc sống trong đó nó cũng sẽ như mọi người: bị người ta lừa dối hay lừa dối người ta. Ta đến quân đội để làm gì? – Chính ta cũng không biết, ta lại muốn con người mà ta khinh miệt, để cho hắn có cơ hội có thể giết ta và chế nhạo ta!” Trước kia, những hoàn cảnh sinh hoạt cũng giống như bây giờ, nhưng trước kia tất cả những cái đó gắn bó với nhau, còn bây giờ thì tất cả đều rã rời tán loạn.
Chỉ có những hình ảnh vô nghĩa, không mảy may liên hệ gì với nhau, lần lượt diễn qua tâm trí công tước Andrey.
Chú thích:
(1) Chuyện cổ tích của Perrault Charles 1628 – 1703)