Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 12 – Chương 10

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Ngày mồng tám tháng chín có một viên sĩ quan Pháp vào gian nhà kho giam phạm nhân. Cứ xem thái độ kính cẩn của bọn lính canh đối với y, có thể đoán rằng y là một nhân vật quan trọng. Viên sĩ quan chắc là một viên sĩ quan tham mưu, cầm một tờ danh sách bắt đầu gọi tên tất cả những người Nga bị giam, và gọi Piotr là người không chịu khai tên. Rồi sau đó khi đưa đôi mắt dửng dưng và uể oải nhìn qua tất cả đám tù nhân một lượt, y ra lệnh cho viên sĩ quan coi tù cho họ ăn mặc tươm tất và sửa soạn tề chỉnh trước khi dẫn đến trình nguyên soái. Một giờ sau có một đại đội lính đến giải Piotr và mười ba người kia ra bãi Divichi. Ngày hôm ấy trời quang đãng: sau một trận mưa, nắng hửng và không khí trong trẻo lạ thường.

Khói không bay là là sát đất như hôm Piotr bị giải đi từ nhà giam ở tường thành Zubovxki, nó bốc lên thành từng cột trong làn không khí trong trẻo. Chung quanh không đâu thấy có ánh lửa cháy trong nhà, nhưng bốn phía đều có những cột khói bốc lên, và khắp Moskva, tất cả những nơi mà Piotr trông thấy, đều là một đống tro tàn. Bốn phía chỉ thấy những khoảng đất trơ trụi, lác đác có những ống khói, những mảnh lò sưởi còn sót lại, và thỉnh thoảng vài bức tường cháy sém của những toà nhà bằng đá. Piotr nhìn kỹ những đống tro tàn nhưng không nhận ra những khu phố quen thuộc. Đây đó thấp thoáng bóng những ngôi nhà thờ không bị thiêu huỷ. Thành Kreml vẫn nguyên vẹn, có thể trông thấy những bức tường trắng, những cái tháp cao và đền Ivan đại đế. Gần hơn, cái mái vòm của tu viện Noy – Divichi vui vẻ ánh lên trong nắng, và tiếng chuông nguyện từ tu viện vẳng đến nghe vang dội khác thường. Tiếng chuông nguyện nhắc Piotr nhớ rằng hôm ấy là chủ nhật và là lễ sinh nhật Đức Mẹ. Nhưng hình như không ai có ăn mừng lễ sinh nhật này được cả: bốn bề đều là những cảnh hoang tàn, và hoạ hoằn lắm mới gặp vài người Nga rách rưới, sợ sệt, hễ trông thấy người Pháp là lẩn trốn ngay.

Rõ ràng cái tổ của dân Nga đã bị tàn phá tan hoang nhưng đằng sau cảnh tan hoang này của nếp sống Nga, Piotr bất giác nhận ra nếp sống mới, hoàn toàn khác lạ, nhưng vững chắc, nếp sống của người Pháp. Chàng cảm thấy thế khi nhìn toán lính vui vẻ và hăng hái đi thành hàng ngũ chỉnh tề áp giải chàng và các phạm nhân khác, chàng cảm thấy thế khi trông thấy một viên quan chức trọng yếu nào đó của Pháp, trên chiếc xe song mã do một người lính đánh đi ngược lại phía chàng, chàng cảm thấy thế khi nghe những âm thanh vui vẻ của một đoàn nhạc binh từ bờ bên trái của cánh đồng vang lại và đặc biệt chàng cảm thấy và hiểu điều đó qua bản danh sách mà sáng nay viên sĩ quan Pháp vừa đọc để điểm danh các tù nhân.

Piotr đã bị lính bắt, giải đến nơi này rồi lại giải đi nơi khác cùng với hàng chục người nữa; có lẽ người ta đã quên chàng, và lẫn lộn chàng với những người khác chăng. Nhưng không: những câu trả lời của chàng lúc bị hỏi cũng đã trở lại với chàng trong cách gọi chàng là người không chịu khai tên họ. Và dưới cái danh hiệu này, mà Piotr thấy sợ, giờ đây họ đang dẫn chàng đến một nơi nào đấy, và trên gương mặt họ có thể thấy rõ họ tin chắc rằng chàng chính là người tù nhân kia là những người mà họ cần giải đi và họ đang giải đến nơi cần đến. Piotr cảm thấy mình là một mẩu rơm chẳng ra gì rơi vào bánh xe của một bộ máy mà chàng không biết gì, nhưng là một bộ máy hoạt động đều đặn hơn.

Piotr và các tù nhân khác được dẫn đến bờ bên phải của bãi Divichi cạnh một tu viện, đến một toà nhà to lớn sơn trắng có một khu vườn rộng. Đó chính là của công tước Serbatov. Hồi trước, khi chủ ngôi nhà này còn ở đây, Piotr vẫn thường đến chơi; bây giờ; như chàng được biết qua những câu chuyện trò của lính Pháp nói với nhau, nó được dùng làm nơi đóng đại bản doanh của nguyên soái quận công Ekmyl.

Toán tù nhân được đưa lên thềm và từng người một lần lượt được dẫn vào trong nhà, Piotr là người thứ sáu. Qua dãy hành lang bằng kính, gian phòng mắc áo, gian phòng ngoài mà Piotr rất quen thuộc, họ dẫn chàng vào một căn phòng giấy dài và thấp, ở cửa có một viên sĩ quan phụ tá túc trực.

Davu ngồi trước một cái bàn đặt ở cuối phòng, kính đeo tụt xuống tận giữa mũi. Piotr bước lại gần sát bàn. Davu không ngước mắt lên, vẻ như đang chăm chú đọc một tờ giấy gì để trước mặt.

Vẫn không nhìn lên, Davu nói:

– Anh là ai?

Piotr lặng thinh, vì chàng không sao nói ra được một lời nào.

Đối với Piotr, Davu không phải chỉ là một viên tướng Pháp mà còn là một người tàn ác có tiếng. Nhìn gương mặt lạnh lùng của Davu, bấy giờ như một ông giáo nghiêm khắc đang chịu khó kiên nhẫn một lát để đợi câu trả lời, Piotr cảm thấy rằng mỗi giây chần chừ đều có thể nguy hại cho tính mạng mình; nhưng chàng không biết nên nói gì. Nói đúng như lần hỏi cung đầu tiên thì chàng không dám; thú nhận tên tuổi và tước vị ra thì nguy hiểm và xấu hổ. Piotr lặng thinh. Nhưng trước khi Piotr kịp quyết định, Davu đã ngẩng đầu nâng cặp kính lên trán nheo đuôi mắt nhìn chòng chọc vào Piotr.

– Ta biết người này, – Y nói, giọng đều đều là lạnh lùng, hẳn là để cho Piotr khiếp sợ. Luồng hơi lạnh lúc nãy chạy dọc sống lưng chàng nay bỗng kẹp chặt lấy đầu chàng như một cái kìm.

– Thưa tướng quân, tướng quân không thể biết tôi được, tôi chưa bao giờ gặp lướng quân…

– Đây là một gián điệp! – Davu ngắt lời chàng nói với một viên tướng khác cũng ở trong phòng nhưng nãy giờ Piotr không trông thấy, Davu quay mắt đi. Piotr nói nhanh. Giọng bỗng trở lên tha thiết:

– Thưa đức ông không phải, – chàng nói (lúc ấy chàng bỗng sực nhớ ra rằng Davu là quận công – Thưa Đức ông không phải ạ. Đức ông không thể biết tôi được. Tôi là một sĩ quan dân binh và tôi không hề ra khỏi Moskva.

– Tên anh? – Davu nhắc lại.

– Bezuhof.

– Có những cớ gì tỏ ra rằng anh không nói dối?

– Ồ sao Đức ông dạy thế? – Piotr kêu lên, giọng không có ý là mếch lòng mà lại có ý van lơn.

Davu ngước mắt lên nhìn Piotr chòng chọc. Hai người nhìn nhau trong khoảng vài giây, và cái nhìn đó đã cứu Piotr thoát chết, trong cái nhìn này, vượt ra khỏi tất cả những điều kiện của chiến tranh và pháp luật, giữa hai con người đã nảy ra một mối hên hệ nhân tình.

Trong giây phút ấy cả hai đều mơ hồ thấy được rất nhiều điều và đã hiểu ra rằng cả hai đều là những đứa con của nhân loại, là anh em.

Khi Davu ngước mắt nhìn Piotr lần đầu trong khi đang đọc bản danh sách, trong đó những công việc là tính mạng của con người được biểu danh bằng những con số, thì đối với ông ta Piotr chỉ là một trường hợp; lúc ấy ông ta có thể ra lệnh bắn Piotr mà lương tâm không hề nao núng, nhưng bây giờ thì ông ta đã thấy chàng là một con người. Davu ngẫm nghĩ một lát.

– Anh có cách nào chứng minh rằng những điều anh nói là đúng sự thật không? – Davu nói, giọng lạnh lùng.

Piotr sực nhớ đến Ramba, liền nói tên trung đoàn hắn ra kể luôn tên họ hắn, tên đường phố của ngôi nhà hắn ở.

– Anh không phải là người như anh nói đâu. – Davu lại nói.

Piotr cất giọng run run, đứt quãng, bắt đầu đưa ra những bằng chứng cho thấy mình nói đúng sự thật.

Khi viên sĩ quan hành dinh nhắc cho ông ta nhớ đến tù nhân, Davu cau mày hất hàm về phía Piotr và bảo dẫn đi. Nhưng vẫn viên sĩ quan nói, và ông ta bắt đầu cài cúc áo quân phục lại. Hình như ông ta đã quên hẳn Piotr.

Nhưng dẫn đi đâu thì Piotr không biết: dẫn về nhà kho hay dẫn ra pháp trường, nơi mà khi đi ngang bãi Devichi các bạn đồng hành có chỉ cho Piotr xem.

Chàng ngoảnh đầu lại và thấy viên sĩ quan phụ tá đang hỏi lại một câu gì.

– Phải, dĩ nhiên… – Davu nói, nhưng “phải” là thế nào thì Piotr không biết.

Piotr không nhớ rõ mình đi đâu, đi như thế nào và có lâu không.

Chàng đang ở trong tình trạng vô tri vô giác và đờ đẫn hoàn toàn, chàng không trông thấy gì ở chung quanh cả, cứ đưa chân bước theo những người khác, cho đến khi mọi người dừng lại thì chàng cũng dừng lại.

Suốt thời gian ấy Piotr chỉ có một ý nghĩa: ai rốt cục đã ra lệnh hành hình chàng? Đó không phải là những người đã hỏi cung chàng ở uỷ ban(1): trong số những người đó không ai muốn và hẳn là không ai có thể làm điều đó. Cũng không phải là Davu: y đã nhìn chàng với đôi mắt nhân đạo như vậy kia mà. Giá chỉ thêm được một phút nữa thôi là Davu hiểu rằng họ đang làm việc xấu xa, nhưng vừa lúc ấy thì viên sĩ quan phụ tá vào, nên cái phút ấy đã không diễn ra được. Viên sĩ quan này hẳn cũng chẳng có tâm địa gì xấu, nhưng lẽ ra hắn có thể không vào lúc ấy. Thế thì ai, rút cục là ai hành hình chàng, giết chàng, tước mất cuộc sống của chàng. Piotr với tất cả những kỷ niệm, những ước mong, những hy vọng, những ý nghĩ của chàng? Ai đã làm việc ấy? Và Piotr cảm thấy rằng chẳng có ai cả.

Đó là một trật tự đã được thiết lập sẵn, là sự kết hợp của mọi hoàn cảnh. Có một thứ trật tự nào đó đang giết chàng Piotr, tước đoạt sinh mạng của chàng, tước đoạt tất cả, tiêu diệt chàng.

Chú thích:

(1) Uỷ ban đây là uỷ ban điều tra và truy nã những thủ phạm gây nẻn vụ hoả hoạn.

Chọn tập
Bình luận