Một đầu máy xe lửa đang chạy. Thử hỏi cái gì làm cho nó chạy như vậy? Người nông dân nói: quỉ Satan cho nó chạy. Một người khác nói: nó chạy bởi vì bánh của nó quay. Người thứ ba khẳng định rằng nguyên nhân của vận động là cái đám khói đang bay theo chiều gió.
Không thể bác người nông dân kia được! Anh ta đã nghĩ ra một cách giải thích toàn vẹn. Để bác anh ta, cần phải có người chứng minh cho anh ta thấy rằng không làm gì có quỉ, hay phải có một người nông dân khác cắt nghĩa rằng không phải quỉ mà chính là người Đức(1) làm cho đầu máy chuyển động. Chỉ có như thế thì sự mâu thuẫn mới cho họ thấy rằng cả hai đều sai. Nhưng người nói rằng nguyên nhân là sự vận động của các bánh xe cũng tự bác lại mình, vì nếu đã đi theo con đường phân tích, thì anh ta lại phải đi xa hơn nữa: phải cắt nghĩa nguyên nhân của sự vận động của bánh xe. Và hễ còn chưa đi đến nguyên nhân cuối cùng của sự vận động của chiếc đầu máy, từ là sức ép của hơi nước trong súp-de, thì anh ta vẫn chưa có quyền đừng lại trong việc đi tìm nguyên nhân. Còn người nào giải thích sự vận động của đầu máy bằng đám khói bị gió thổi khi nhận thấy cách giải thích bằng bánh xe không đưa đến nguyên nhân, anh ta chộp ngay lấy bất cứ dấu hiệu nào và cho đó là nguyên nhân.
Khái niệm duy nhất có thể cắt nghĩa được sự vận động của chiếc đầu máy là khái niệm của một sức mạnh ngang bằng với toàn bộ sự vận động người ta thấy được.
Khái niệm duy nhất có thể cắt nghĩa được sự vận động của của các dân tộc là khái niệm của một sức mạnh ngang bằng với toàn bộ sự vận động này. Tuy vậy mỗi sở gia đều quan niệm khái niệm này thành một lực lượng khác hẳn và tuyệt nhiên không ngang bằng vơi sự vận động mà người ta thấy được. Có người nhìn thấy ở đấy một sức mạnh nằm ngay trong các vị anh hùng, cũng như người nông dân cho rằng trong đầu máy có quỉ, có người thấy đó là một sức mạnh do những sức mạnh khác sinh ra, như sự vận động của những bánh xe, còn những người khác nữa thấy đó là một ảnh hưởng của tinh thần như là đám khói bị gió thổi bạt đi.
Hễ người ta còn viết lịch sử của những cá nhân, dù cho những cá nhân đó là Cesar Alecxandre hay Lehte và Vonanr, chứ không phải là lịch sử của mọi người, không trừ một người nào trong số tất cả những người đã tham dự vào một sự kiện, thì vẫn không thể nào gán cho một số nhân vật một sức mạnh đã bắt buộc những người khác phải hướng hoạt động của mình vào một mục đích duy nhất.
Và cái khái niệm duy nhất mà các sở gia biết được là quyền lực chính xác về bản chất của cái sức mạnh gây nên biến cố lịch sử mà người ta gọi là quyền lực.
Quay trở về tín điều ngày xưa thì không thể được, vì nó đã sụp đổ rồi cho nên nhất thiết phải cắt nghĩa bản chất của quyền lực.
Napoléon đã ra lệnh trưng tập quân đội và xuất chinh. Cách quan niệm này đối với ta đã quen thuộc, đến nỗi nếu có ai hỏi: tại sao sáu mươi vạn con người lại xuất trận sau khi nghe Napoléon nói một câu gì đấy, ta sẽ thấy đó là một câu hỏi vô nghĩa. Ông ta có quyền lực, cho nên những mệnh lệnh của ông ta đã được thi hành.
Câu trả lời này sẽ hoàn toàn thoả đáng nếu ta tin rằng quyền lực của ông ta là do thần linh ban cho. Nhưng một khi ta đã không thừa nhận điều đó thì không thể không xác định xem bản chất của quyền lực của một con người đối với những người khác là gì.
Quyền lực này không thể là quyền lực trực tiếp do tính ưu việt về thể lực của một người mạnh đối với một người yếu, tức là tính ưu việt căn cứ vào việc sử dụng thể lực hay đe doạ sử dụng thể lực, như quyền lực của Heraklet chằng hạn. Nó cũng không thể căn cứ trên tính ưu việt của sức mạnh tinh thần như một vài sử gia tin tưởng một cách ngây thơ rằng những người làm ra lịch sử có một sức mạnh tinh thần và trí tuệ phi thường mà người ta gọi là thiên tài.
Quyền lực này cũng không thể căn cứ vào tính ưu việt của sức mạnh đạo đức bởi vì dù chưa nóí đến những bậc anh hùng theo kiểu Napoléon, là người mà phẩm chất đạo đức gây nên những ý kiến rất khác nhau, lịch sử cũng đã chứng tỏ rằng những Louis, những Mettemich, là những kẻ lãnh đạo hàng triệu người, đều không có một sức mạnh tinh thần nào đặc biệt, trái lại phần lớn về mặt đạo đức họ còn thua kém bất cứ người nào trong số hàng triệu con người mà họ thống trị.
Nếu nguồn gốc của quyền lực không nằm trong những phẩm chất thể lực như trong tinh thần của con người nắm quyền lực, thì hiển nhiên là nó nằm ở ngoài người ấy, tức là trong những mối liên hệ giữa người ấy với đám quần chúng mà người ấy thống trị.
Khoa luật học quan niệm vấn đề quyền lực đúng như vậy, khoa học này là cái bàn đổi tiền của lịch sử, có nhiệm vụ đổi quan niệm lịch sử về quyền lực để lấy vàng thực.
Quyền lực là tổng số những ý muốn của quần chúng, mà do một sự thoả thuận hiển nhiên hay mặc nhiên, được trao cho những con người được lựa chọn trong đám quần chúng này.
Trong lĩnh vực luật học, một khoa học mà nội dung là những nhận định về cách tổ chức nhà nước và chính quyền, nếu có thể tổ chức nó thì điều đó rất rõ ràng. Nhưng nếu ứng dụng nó vào lịch sử thì định nghĩa này về quyền lực còn phải được xác minh.
Khoa luật học quan niệm nhà nước và quyền lực như người cổ đại vẫn quan niệm lửa, tức là như một vật tồn tại tuyệt đối. Đối với lịch sử thì trái lại, nhà nước và quyền lực chỉ là những hiện tượng, cũng như đối với vật lý học của thời đại chúng ta thì lửa không phải là một thực thể mà chỉ là một hiện tượng.
Chính sự khác nhau cơ bản về quan niệm này giữa khoa học lịch sử và luật học đã cho phép khoa luật học tha hồ bàn bạc về cách tổ chức quyền lực và bản chất của quyền lực được quan niệm như một cái gì tồn tại một cách im lìm bất động ở bên ngoài thời gian, nhưng đối với những vấn đề lịch sử đề cập đến ý nghĩa của một quyền lực thay đổi theo thời gian, thì nó không thể đưa ra một lời giải đáp nào.
Khái niệm này là công cụ duy nhất cho phép ta làm chủ được tài liệu lịch sử trong trạng thái hiện tại của nó, và người nào làm gãy mất công cụ này như Buckle đã làm mà không tìm ra một phương pháp khác để xử lý tài liệu lịch sử thì chỉ làm cho mình mất cái khả năng cuối cùng để xử lý nó. Muốn giải thích các hiện tượng lịch sử, thế nào rồi cũng phải dùng đến khái niệm quyền lực. Chính các nhà thông sử và các nhà văn hoá sử đã chứng minh điều đó một cách hùng hồn nhất: họ làm như thể họ gạt bỏ được khái niệm quyền lực, nhưng thật ra cứ mỗi bước họ lại buộc lòng phải sử dụng đến nó.
Cho đến nay, đối với những vấn đề của nhân loại, khoa học lịch sử cũng giống như một thứ tiền tệ được lưu hành, nó cũng giống như giấy bạc và tiền kim loại. Những quyển sử viết về một cá nhân hay về một dân tộc cũng giống như những tờ giấy bạc. Nó có thể lưu hành, hoàn thành nhiệm vụ của nó mà không làm tổn hại đến ai, thậm chí còn có ích nữa, trong khi người ta chưa nêu lên vấn đề cái gì bảo đảm cho nó. Chỉ cần gạt bỏ vấn đề làm sao ý muốn của các vị anh hùng lại có thể sinh ra các biến cố, là những quyển sử của những tác giả của Chie sẽ trở thành thú vị. Nhưng khi số giấy bạc tăng lên quá nhiều vì người ta in giấy bạc một cách quá dễ dàng hay khi người ta muốn đem giấy bạc đổi lấy vàng, thì bắt đầu có sự hoài nghi về giá trị thực của tờ giấy bạc. Đối với sử học cũng vậy: người ta cũng hoài nghi ý nghĩa chân chính của những quyển sử học ấy hoặc vì nó được in ra quá nhiều, hoặc vì có một ông bạn thật thà nào đó nêu ra câu hỏi: sức mạnh nào đã cho phép Napoléon làm được việc này việc nọ, tức là có người muốn đổi giấy bạc lấy vàng ròng của một khái niệm chính xác.
Các nhà thông sử và các nhà văn hoá sử giống như những người thừa nhận khuyết điểm của giấy bạc rồi quyết định đúc tiền bằng một thứ kim khí có tỉ trọng của vàng. Và thứ tiền này quả thực là tiền mặt nhưng chỉ có cái bề mặt mà thôi. Bạc giấy còn có thể lừa những người không biết, thứ tiền mặt mà không có giá trị gì thì lại không thể lừa dối được ai. Cũng như vàng chỉ có thể là vàng khi người ta có thể dùng nó không những để trao đổi mà còn để đánh tư trang, các tác giả thông sử cũng chỉ có thể là vàng thực sự khi họ có thể trả lời câu hỏi chủ yếu của lịch sử: quyền lực là cái gì? Tác giả thông sử đưa ra những câu trả lời mâu thuẫn để đáp lại câu hỏi này.
Trái lại các sử gia về văn hoá gạt hẳn vấn đề ra một bên và trả lời một cái gì khác hẳn. Và cũng những thứ tiền tệ giống vàng chỉ có thể được dùng giữa những người cho nó là vàng và những người không biết những đặc tính của vàng, các tác giả thông sử và các sử gia văn hoá trong khi không trả lời những vấn đề chủ yếu của nhân loại để phục vụ những mục đích riêng nào đấy của họ đã đem những thứ tiền tệ như vậy ra dùng cho các trường đại học và cho đám đông độc giả mà họ gọi là những người ham chuộng loại sách “nghiêm túc”.
Chú thích:
(1) Đối với nông dân Nga thời ấy, khái niệm “người Đức” (Nemetx) có thể bao gồm đủ các thứ người ngoại quốc (nghĩa đầu tiên của chữ nemetx là – người câm – tức là người không biết nói tiếng Nga) phần đông là người phương Tay, nơi sản sinh ra các thứ máy móc mới lạ