Vừa nhận được chức tống tư lệnh. Kutuzov liền nhớ đến công tước Andrey và gọi chàng đến tổng hành dinh.
Công tước Andrey đến Tsarevo Zaimits đúng vào ngày và đúng vào lúc Kutuzov duyệt các đạo quân lần đầu. Chàng dừng lại trong làng, gần nhà một ông giáo sĩ, vì trông thấy chiếc xe của tổng tư lệnh ở đây, đã đến ngồỉ trên chiếc ghế dài cạnh cổng chờ Điện hạ Tối quang minh(1), nhưng bây giờ thiên hạ vẫn gọi Kutuzov. Từ bãi tập đằng sau làng nghe vẳng lại khi thì những điệu quân nhạc, khi thì vô số tiếng hò reo “Ura!” hoan nghênh vị tổng tư lệnh mới.
Cũng ngay cạnh cổng, cách công tước Andrey mươi bước, hai sĩ quan hành dinh, một người tuỳ phái và viên chủ thiện, nhân lúc công tước Kutuzov đi vắng, đang ngồi hưởng tiết trời ấm đẹp. Vừa lúc ấy một viên thượng tá phiêu kỵ, da ngăm ngăm, người bé nhỏ, để cả râu mép lẫn râu quai nón, dừng lại bên cạnh, cổng và liếc nhìn công tước Andrey hỏi có phải đây là dinh của Điện hạ không và Ngài sắp về chưa.
Công tước Andrey đáp rằng mình không ở trong bộ tham mưu của Điện hạ và cũng vừa mới đến đây. Viên thượng tá phiêu kỵ quay sang hỏi một trong hai sĩ quan phụ tá ăn mặc lịch sự, và viên này đáp lại với vẻ khinh khỉnh mà bọn sĩ quan phụ tá của các vị tổng tư lệnh thường có khi nói chuyện với các sĩ quan khác.
– Điện hạ à? Sắp về đấy, lát nữa. Ông cần hỏi việc gì?
Viên thượng tá mỉm cười sau chòm râu mép, đặt chân xuống đất giao ngựa cho một người tuỳ phái rồi đến gần Bolkonxki khẽ gật đầu chào. Bolkonxki dịch lại nhường chỗ cho ông ta. Hai người ngồi cạnh nhau.
– Ngài cũng chờ tổng tư lệnh à? – Viên thường tá hỏi – Nghe nói ai cần gặp tướng quân cũng tiếp, thật đội ơn Chúa. Chứ với bọn ngốn xúc xích(2) thì thật là tai hại. Chẳng phái là vô cớ mà Yermolov xin được tấn phong làm người Đức. Bây giờ thì may ra người Nga cũng có thể lên tiếng. Không thế thì có quỷ sứ biết là họ đã làm những gì. Chúng mình chỉ toàn là rút lui, lúc nào cũng rút lui. Ngài cũng ở chiến dịch về đây chứ?
– Không, nhưng tôi đã được tham gia cuộc hành quân rút lui và lại còn mất hết trong cuộc rút lui ấy: ngoài các trang viên và nhà cửa nơi chôn rau cắt rốn, tôi đã mất hết tất cả những gì thân yêu nhất… Lại cả phụ thân tôi, chết vì đau buồn nữa. Tôi là người ở Smolensk.
– A!… Ra ngài là công tước Bolkonxki? Rất hân hạnh được làm quen với ngài, tôi là thượng tá Denixov, tục danh là Vaxka. – Denixov vừa nói vừa nắm lấy bàn tay công tước Andrey và nhìn mặt chàng với một vẻ quan tâm hết sức thành thực. Chàng ngừng lại một phút rồi nói tiếp, giọng đầy thiện cảm – Vâng, tôi có được nghe nói. Đấy, cuộc chiến tranh Xkyth đấy. Mọi sự đều tốt đẹp hết, nhưng chẳng tốt đẹp gì đối với nhưng ai là nạn nhân của nó. A, ra ngài là công tước Andrey Bolkonxki. – chàng gật gù cáỉ đầu, – Rất hân hạnh, rất hân hạnh được quen công tước. – Denixov mỉm cười nụ cười buồn buồn rồi lại bắt tay Andrey.
Công tước Andrey được biết Denixov qua những chuyện Natasa thuật lại về người đi hỏi nàng đầu tiên. Kỷ niệm này là một lời nhắc nhở vừa ngọt ngào vừa chua xót đưa chàng trở về với những cảm giác đau đớn mà đã từ lâu chàng không nghĩ đến, nhưng vẫn còn lưu lại trong tâm hồn chàng. Mấy lâu nay đã có bao nhiêu là ấn tượng khác là đến với chàng qua những sự việc trọng đại, như rút quân khỏi Smolensk, về thăm Lưxye Gorư, được tin cha mất, những ấn tượng ấy đến với chàng dồn dập đến nỗi những kỷ niệm kia đã lâu không còn ám ảnh tâm trí chàng nữa và nay có trở lại cũng không còn làm cho lòng chàng xao xuyến mãnh liệt như trước nữa. Đối với Denixov những kỷ niệm mà cái tên Bolkonxki gợi lên cũng thuộc về một dĩ vãng xa xăm và đầy thi vị: đó là cái hồi mà, chẳng biết làm sao, sau bữa ăn khuya và bài hát của Natasa, chàng đã ngỏ lời với cô bé mười lăm tuổi ấy. Nhớ lại việc cũ và mối tình đối với Natasa, chàng mỉm cười rồi trở lại ngay với cái việc độc nhất giờ đây đang ám ảnh tâm trí chàng. Đó là kế hoạch của một chiến dịch mà chàng nghĩ ra, khi chàng ở tiền đồn trong lúc quân Nga rút lui. Chàng đã báo cáo với Barclay de Tolly và bây giờ có ý định đệ trình Kutuzov. Kế hoạch ấy xuát phát từ ý kiến cho rằng tuyến tác chiến thuộc quân Pháp kéo ra quá dài, thế thì ta không nên hành quân trực diện để chặn dường chúng, hoặc là ta nên phối hợp chiến thuật với cách đánh và đường chuyển quân, vận lương của chúng. Chàng liền đem ra trình bày cho công tước Andrey nghe.
– Chúng không thể giữ được một chiến tuyến dài như thế đâu. Không tài nào giữ nổi, tôi cam đoan là tôi có thể chọc thủng được. Cứ cho tôi năm trăm quân là tôi sẽ chọc thủng chiến tuyến của chúng, chắc chắn là như vậy! Chỉ có một chiến lược duy nhất tốt là đánh du kích.
Denixov đứng dậy, hoa tay trình bày kế hoạch của mình cho Bolkonxki nghe. Trong khi chàng nói thì tiếng reo hò trước còn rời rạc, sau lan dần ra và hoà vào tiếng nhạc và tiếng hát, từ nơi duyệt binh vang đến. Rồi ngay trong làng đã nghe tiếng vó ngựa và tiếng hò reo.
– Ngài đã về đây rồi! – một người cô-dắc đứng gần cổng kêu lên.
Bolkonxki và Denixov đi ra cổng; trước cổng, một toán quân (đội vệ binh danh dự) đang túc trực. Họ trông thấy Kutuzov cưỡi một con ngựa tía nhỏ đang đi đến. Theo sau là một đoàn tướng tá rất đông. Barclay đi ngang ngay cạnh cổng tư lệnh; một đám sĩ quan chạy theo sau và vẫy hai bên hô lớn: “Ura!”.
– Các sĩ quan phụ tá phóng ngựa vào trước trong sân. Kutuzov luôn luôn thúc ngựa ra vẻ sốt ruột; dưới sức nặng của người cưỡi, con ngựa trĩu lưng xuống, chân loạng choạng chạy nước kiệu, còn Kutuzov thì luôn luôn gật đầu, đưa tay lên chiếc mũ kỵ binh cận vệ vành trắng vành đỏ không có lưỡi trai. Đến trước toán vệ binh danh dự gồm toàn những người lính thủ pháo hùng dũng đang bồng súng chào, phần lớn đều đeo huân chương, Kutuzov im lặng nhìn họ một lúc với cái nhìn chăm chú của một vị chủ tướng rồi quay về phía các tướng tá đứng xung quanh. Vẻ mặt ông ta bỗng thoáng vẻ tinh ranh, và nhún vai như tỏ ý băn khoăn, ông nói:
– Với những chàng trai tráng như thế này mà cứ phải rút lui mãi! Thôi, xin cáo từ tướng quân, – rồi ông ta quay ngựa vào cổng đi qua trước mặt công tước Andrey và Denixov.
Sau lưng vị tổng tư lệnh, quân sĩ còn reo: “Ura! Ura! Ura!”.
Từ dạo gặp công tước Andrey lần cuối, Kutuzov lại càng béo thêm ra, bụng càng to thêm, người ngập dưới những lớp mỡ. Nhưng con mắt chột và cái sẹo mà công tước Andrey biết rất rõ, cùng vẻ mặt mệt mỏi và dáng người đặc biệt của ông ta đều vẫn như cũ.
Kutuzov mặc chiếc áo đuôi én nhà binh, trên vai đeo chiếc roi ngựa buộc vào một sợi dây da mảnh, ngồi chễm chệ và thân hình lắc lư nặng nề trên lưng con ngựa bé nhỏ.
Bước vào sân, ông chúm môi thở “phuỳ… phuỳ… phuỳ” khe khẽ. Gương mặt phản chiếu vẻ thích ý của một người định nghỉ ngơi sau khi làm xong một việc miễn cưỡng, ông ta rút chân trái khỏi bàn đạp, cố nhún toàn thân mới nhấc được ống chân đưa qua lưng ngựa, mặt mày nhăn nhó vì phải lấy sức, rồi rên rỉ, tì đầu gối vào sườn ngựa và buông cho thân hình vào tay mấy người cô-dắc và sĩ quan phụ tá đang đến đỡ.
Đứng thẳng người lên, Kutuzov đưa đôi mắt nhăn nheo nhìn quanh, trông thấy công tước Andrey nhưng rõ ràng là không nhận ra chàng, rồi với dáng đi chúi mình ra trước, ông bước lên thềm.
Vẫn thở “phuỳ… phuỳ… phuỳ”, ông đưa mắt nhìn công tước Andrey một lần nữa. Và như ta thường thấy ở các cụ già, tuy đã nhận rõ nét mặt của chàng nhưng phải đến mấy giây sau ông mới nhớ ra được chàng là ai.
– A, chào công tước, chào anh bạn, vào đây… – Ông ta quay lại nói một cách mệt mỏi rồi nặng nề bước lên thềm khiến mấy bậc gỗ kêu cót két dưới sức nặng của ông. Cởi khuy áo ra, Kutuzov ngồi lên một chiếc ghế dài nhỏ trên thềm.
– Thế nào, ông cụ thân sinh mạnh khoẻ chứ?
– Hôm qua tôi vừa được tin phụ thân tôi qua đời. – Công tước Andrey trả lời vắn tắt.
Kutuzov nhìn chàng, đôi mắt mở to lộ vẻ kinh hãi, rồi bỏ mũ và làm dấu thánh giá.
– Cầu Chúa thu nhận lấy linh hồn người! Ý Chúa hãy thực hiện đối với tất cả chúng ta! – Ông thở dài nặng nề như trút hết hơi trong lồng ngực ra, nín lặng một lúc rồi lại nói – Bình sinh ta vẫn yêu mến và kính trọng người; tự đáy lòng ta xin chia buồn với anh.
Kutuzov ôm lấy công tước Andrey, ấp người chàng vào cái ngực to béo và đứng mãi hồi lâu như thế. Khi được thả ra, công tước Andrey thấy đôi môi mềm nhão của Kutuzov run run và mắt ông ta đẫm lệ.
Kutuzov thở dài và vịn hai tay vào chiếc ghế dài để đứng dậy.
– Nào, vào đây, ta nói chuyện.
Đúng lúc ấy thì Denixov chẳng hề biết rụt rè trước cấp trên cũng như trước quân địch, mạnh dạn bước lên mấy bậc thềm, đôi cựa giày kêu lẻng xẻng, mặc cho bọn sĩ quan phụ tá đứng dưới thềm đang xì xào tức giận muốn ngăn lại. Kutuzov hai tay vẫn chống trên ghế, nhìn chàng có vẻ khó chịu. Denixov xưng danh rồi báo cáo là có một việc có tầm quan trọng lớn lao đối với lợi ích của tổ quốc muốn trình Điện hạ. Kutuzov đưa mắt mệt mỏi nhìn chàng, chắp hai tay đặt lên bục một cách bực bội nói:
– Vì lợi ích của tổ quốc? Nào, việc gì thế? Cứ nói đi!
Denixov đỏ mặt như một cô gái (bộ mặt già cấc và râu ria của một gã say rượu mà đỏ lên nom thật là lạ lùng) chàng mạnh dạn trình bày kế hoạch chọc thủng tuyến tác chiến của địch ở quãng giữa Smolensk và Vyama. Nhà Denixov ở vào giữa miền này nên chàng am hiểu địa phương rất tường tận. Kế hoạch của chàng chắc chắn là tốt, nhất là lời lẽ của chàng lại có sức thuyết phục mạnh mẽ.
Kutuzov cúi nhìn xuống đất và chốc chốc lại liếc mắt về phía sân nhà hàng xóm như chờ đợi một cái gì khó chịu sắp hiện lên. Quả nhiên trong khi Denixov thuyết trình thì một viên tướng từ ngôi nhà ấy bước ra, tay cắp một cái cặp giấy. Denixov đang trình bày dở thì Kutuzov ngắt lời chàng, hỏi viên tướng:
– Thế nào? Xong rồi à?
Kutuzov lắc đầu như muốn nói: “Làm sao mà một người lại có thể làm hết được ngần ấy việc nhỉ”, rồi lại tiếp tục nghe Denixov nói.
– Chúng tôi xin lấy danh dự cao quý của một sĩ quan Nga. – Denixov nói. – mà thề là sẽ cắt đứt những đường giao thông của Napoléon.
– Anh có họ hàng gì với tướng quân Kirilo Andreyevich Denixov, trưởng quan hầu cận không? – Kutuzov lại ngắt lời chàng.
– Thưa Điện hạ đó là chú ruột tôi.
– A! Ngài với tôi là bạn thân đấy. – Kutuzov vui vẻ nói. – Được, được anh ở lại bộ tham mưu đây, mai anh sẽ lại nói chuyện.
Gật đầu chào Denixov, ông ta quay lại đưa tay nhận lấy cái cặp giấy mà Konovnitxyn vừa mang đến.
– Xin mời Điện hạ vào nhà chứ? – Viên tướng trực nhật nói, giọng khó chịu. – Cần phải nghiên cứu kỹ các kế hoạch và ký mấy giấy tờ.
Một sĩ quan phụ tá từ trong nhà bước ra báo là mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi. Nhưng rõ ràng là Kutuzov không muốn vào nhà khi chưa giải quyết hết công việc. Ông nhăn mặt…
– Không, này anh, bảo mang ra đây một cái bàn, ta sẽ xem tất cả ở đây – đoạn quay lại bảo công tước Andrey – Anh cứ đứng đây, chớ đi đâu nhé.
Công tước Andrey đứng lại trên thềm lăng tai nghe viên tướng trực nhật báo cáo.
Trong khi viên tướng trình bày thì ở sau cánh cửa vào chàng nghe có giọng đàn bà thì thầm và tiếng áo lụa sột soạt. Quay lại mấy lần, chàng thấp lấp ló sau cánh cửa một người đàn bà đẹp, khoẻ, da dẻ hồng hào, đầu thắt chiếc khăn lụa màu hoa xoan, tay bưng một cái khay, hẳn là đang chờ tướng quân tổng tư lệnh vào.
Viên sĩ quan phụ tá khẽ bảo với công tước Andrey rằng đó là bà chủ nhà, vợ ông giáo sĩ, đang chờ để dâng bánh mì và muối(3) lên Điện hạ. Ông chồng đã đem thánh giá đón trước Điện hạ ở nhà thờ, còn bà thì muốn nghênh tiếp ngài ở nhà này…
Viên sĩ quan lại mỉm cười nói thêm: “Bà ta xinh lắm”. Nghe tiếng, Kutuzov quay đầu lại. Ông ta nhận báo cáo của viên tướng trực nhật mà nội dung chủ yếu là phê phán cách đóng vị trí Txarevo Zaimits, cũng như đã nghe Denixov lúc nãy, cũng như đã nghe cuộc thảo luận trong hội đồng quân sự Austerlix trước đây bảy năm. Rõ ràng là ông ta chỉ nghe vì có tai, và dù lỗ tai đã nút kín bằng một cái nút bông, ông vẫn không thể không nghe; nhưng cũng rõ ràng là không có một điều gì viên tướng trực nhật nói mà lại có thể làm cho ông ta ngạc nhiên và chú ý được; hơn nữa, ông lại còn biết trước tất cả những gì người ta có thể nói với mình và sở dĩ ông nghe tất cả những điều ấy cũng chỉ vì buộc lòng phải nghe, cũng như người ta phải nghe kinh ở nhà thờ. Tất cả những điều Denixov vừa trình bày đều nghiêm túc và thông minh. Những điều viên tướng trực nhật báo cáo lại còn nghiêm túc và thông minh hơn nữa, nhưng hiển nhiên là Kutuzov coi thường cả tri thức lẫn thông minh, và ông ta biết có một cái gì khác sẽ quyết định vấn đề, – một cái gì hoàn toàn không liên quan đến thông minh và tri thức. Công tước Andrey chú ý quan sát bộ mặt của vị tổng tư lệnh và chỉ thấy một vẻ mặt chán ngán, một ý tò mò nảy ra do giọng đàn bà thì thầm đằng sau cánh cửa, và ý muốn tôn trọng tục lệ mà thôi. Có thể thấy rằng Kutuzov coi thường thông minh và tri thức, coi thường cả cái lòng yêu nước mà Denixov vừa biểu lộ nữa, nhưng như thế không phải là vì trí thông minh, vì tình cảm, vì tri thức của ông ta (chính ông ta cũng chẳng hề làm gì để tỏ ra là mình có các thứ đó) – mà là do một cái gì khác, do tuổi tác của ông, do kinh nghiệm của ông về cuộc đời. Biện pháp duy nhất đối phó những hành động trộm cắp của quân đội Nga. Báo cáo xong, viên tướng trực nhật trình Điện hạ ký một điều lệnh buộc các viên chỉ huy phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do quân sĩ thuộc đơn vị mình gây ra, vì có một người chủ ruộng vừa khiếu nại về việc lúa mì đã bị cắt non.
Kutuzov chép miệng, lắc đầu:
– Cho vào bếp… đốt đi! Này tôi bảo cho mà biết một lần thôi đấy ông bạn nhé, vứt hết tất cả những việc ấy vào bếp đi. Chúng nó muốn gặt bao nhiêu lúa, muốn đốt bao nhiêu củi thì tuỳ thích chúng nó. Tôi không ra lệnh, cũng không cho phép, nhưng tôi cũng không thể đem chúng nó ra chịu tội được. Việc ấy không trách được đâu.
– Bổ củi thì phải có vụn!(4) – Ông ta lại liếc nhìn tờ công văn rồi lắc đầu kết luận – Ôi, cái lối tế toái kiểu Đức này!
Chú thích:(1) Tiếng dùng để gọi các hoàng thân.
(2) Tức người Đức. Ý muốn nói đến bọn tướng Đức đã có một thời lòng hành trong các bộ tư lệnh Nga.
(3) Tượng trưng cho lòng hiếu khách.
(4) Tục ngữ Nga, ý nói là làm việc gì cũng phải bất chấp những cái hại nhỏ, không đáng kể mà nó có thể gây ra.