Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 2 – Chương 11

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Hôm sau chàng dậy muộn. Hồi tưởng lại những ấn tượng hôm qua, chàng sực nhớ rằng hôm nay trước hết chàng phải yết kiến hoàng đế Frantx, chàng sực nhớ đến viên Tổng trưởng bộ chiến tranh, viên sĩ quan phụ tá người Áo khách khí, Bilibin và câu chuyện hôm qua. Chàng mặc y phục đại lễ để vào điện, bộ y phục mà lâu chàng không mặc, và với tư thế nhanh nhẹn, hoạt bát, vẻ người tuấn tú, bàn tay bị thương treo bãng, chàng bước vào, phòng làm việc của Bilibin. Trong phòng đã có bốn người trong đoàn ngoại giao. Bolkonxki vốn có quen công tước Ippolit Kuraghin bí thư của sứ quán, Bilibin giới thiệu những người khác với chàng.

Những nhân vật lui tới nhà Bilibin là những người ăn chơi, trẻ tuổi giàu sang và vui tính. Họ làm thành một nhóm riêng ở đây cũng như ở Viên – trong đó Bilibin là đầu não, được Bilibin gọi là bọn chúng mình? Nhóm này hầu hết gồm toàn những nhà ngoại giao, rõ rệt là có những quyển lợi riêng của nó, những quyền lợi của cái xã hội thượng lưu ăn chơi, không hề dính líu gì đến chiến tranh và chính trị, chỉ liên quan đến một vài người đàn bà và mặt quan trường của công việc. Những “vị” này rõ rệt là vui lòng tiếp công tước Andrey như một người “trong bọn chúng mình” (một vinh dự không mấy người được hưởng). Vì phép xã giao, và để mào đầu câu chuyện, họ hỏi chàng vài câu về quân đội và về trận vừa qua, rồi lại chuyển sang những lời bông đùa vui vẻ, những lời bàn tán lang bang chẳng có mạch lạc gì. Một người kể lại nỗi bất hạnh của ông bạn ngoại giao của mình:

– Có chỗ đặc biệt thú vị là thủ trưởng nói trắng ra với anh ta rằng anh ta được bổ nhiệm đi London như vậy là đã được thăng chức, và anh phải xem như là đã được thăng chức vậy. Các vị có thấy bộ tịch của anh ta bấy giờ như thế nào không.

– Nhưng điều này còn tai hại hơn, thưa các vị tôi phải tiết lộ bí mật của Kuraghin với các vị: người ta thì gặp lúc không may, thế mà cái chàng Don Juan (1) này lại lợi dụng cơ hội đó, người đâu mà kinh khủng thế.

Công tước Ippolit nằm thưỡn trong cái ghế bành gác chân lên hai tay vịn. Hắn cười phá lên.

– Nói tôi nghe nào? – Ippolit nói.

– Ô! Đồ Don Juan! Ô! Đồ trăn tinh. – Có tiếng nhao nhao.

– Anh chưa biết đấy, anh Bolkonxki ạ, – Bilibin nói với công tước Andrey – tất cả những hành động khủng khiếp của quân đội Pháp (tôi suýt nói của quân đội Nga) không thấm vào đâu so với những sự tàn phá mà cậu đã gây ra trong giới phụ nữ.

– “Người đàn bà là bạn của ngưòi đàn ông” chứ còn gì nữa. – Công tước Ippolit nói và bắt đầu cầm cái kính tay ngắm cặp chân của mình đang gấp cao lên.

Bilibin và “bọn chúng mình” cười phá lên trong khi nhìn thẳng vào mặt Ippolit. Công tước Andrey thấy rõ ràng cái gã Ippolit này mà trước kia (điều này chàng cũng phải thú nhận) chàng suýt đâm ghen khi hắn tán tỉnh vợ chàng, chính là anh hề của nhóm này.

– Tôi phải đem Kuraghin cho anh thưởng thức mới được – Bilibin nói khẽ với công tước Andrey. – khi hắn bàn luận về chính trị thì thú tuyệt, anh phải xem cái vẻ quan trọng của hắn – Bilibin ngồi cạnh Ippolit nhíu những nếp nhăn trên trán lại bắt đầu nói chuyện với hắn – công tước Andrey và những người khác ngồi vây quanh hai người.

– Nội các Berlin không thể nào nói rõ ý mình về vấn đề liên minh – Ippolit bắt đầu nhìn qua mọi người một lượt ra vẻ ngụ nhiều ý nghĩa – mà không biểu lộ… như trong bức công hàm gần đây nhất của nó… Các vị hiểu chứ, các vị hiểu chứ… Vả chăng nếu đức hoàng thượng không từ bỏ nguyên tắc liên minh của chúng ta.

– Hãy khoan tôi chưa nói hết… – hắn nói với công tước Andrey và nắm lấy cánh tay chàng – Tôi cho rằng can thiệp thì có thể hơn là không can thiệp… – Đoạn im lặng một lát – Không thể nào cho rằng công việc chấm dứt ở chỗ bức thông điệp ngày hai mươi tám tháng mười một của chúng ta bị cự tuyệt. Tât cả việc này sẽ chấm dứt như thế cho mà xem!

Rồi hắn buông tay Bolkonxki tỏ ra rằng lần này hắn đã nói hết.

“Demosthen(2), ta nhận ra người vì hòn sỏi giấu trong cái miệng vàng của người” – Bilibin nói, mớ tóc trên đầu rung rung lên vì đắc ý.

Cả bọn cười vang, Ippolit cười to hơn ai hết. Rõ ràng là cười như thế hắn khổ sở lắm, không thở được nữa, nhưng cũng không thể nào nén nổi tiếng cười điên cuồng đang kéo cả khuôn mặt thường vẫn im lìm của hắn dài thượt ra. Bilibin nói:

– Thưa các vị, bây giờ thế này nhé. Bolkonxki là khách của tôi, hiện ở Bruyn trong nhà tôi, nên tôi muốn tìm mọi cách chiêu đãi anh ấy, để anh ấy hưởng tất cả những lạc thú của cuộc sống ở đây. Nếu chúng mình được ở Viên thì cái đó dễ quá đi mất; nhưng ở đây, trong cái xứ Morava khỉ ho cò gáy này thì có khó hơn, vậy tôi yêu cầu các vị giúp đỡ một tay. Phải cho anh ta hưởng những cái thú của thành Bruyn, các vị sẽ đưa anh ta xem kịch, tôi sẽ đảm nhiệm việc giao tế, còn anh Ippolit cố nhiên, phải lo đến vấn đề đàn bà.

– Phải cho anh ấy xem Ameli! Tuyệt lắm. – Một người trong “bọn chúng mình” vừa nói vừa đưa đầu ngón tay lên môi hôn.

Bilinbin nói:

– Tóm lại, phải đưa anh chàng quân nhân khát máu này trở về với những tình cảm nhân đạo hơn.

– Tôi sợ khó lòng nhận được sự khoản đãi của các vị, vì bây giờ tôi phải đi đây. – Bolkonxki đưa mắt nhìn đồng hồ nói.

– Đi đâu?

– Đi bệ kiến Hoàng đế.

– Ồ! Ồ! Ồ!

– Thôi chào Bolkonxki! Chào công tước. Về sớm mà ăn nhé – cả bọn nhao nhao. – Chúng tôi lo mọi việc cho anh đấy.

– Khi nói chuyện với Hoàng đế thì hãy cố tán dương cho thật nhiều rằng việc cung cấp quân nhu và việc hành quân đều làm chu đáo thứ tự nhé – Bilibin nói khi tiễn công tước Andrey ra phòng ngoài.

– Tôi cũng muốn khen lắm nhlưng theo những điều tôi biết thì không sao làm như thế được – Bolkonxki mỉm cười đáp.

– Được, thế thì dù sao cũng cứ nói cho thật nhiều vào. Ngài rất ham mê những cuộc tiếp kiến; nhưng bản thân ngài không thích nói và không biết nói. Rồi anh xem.

Chú thích:

(1) Don Juan là một nhân vật trong truyền thuyết Tây Ban Nha bảnh trai, phóng đảng hay quyến rũ đàn bà con gái.

(2) Demosthen – Nhà hùng biện nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại (384 -322 trước công nguyên) vốn có tật nói lắp. Ông đã bỏ sỏi vào miệng đứng trước bờ bể mà tập diễn thuyết.

Chọn tập
Bình luận