Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 3 – Chương 7

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Ngày mười hai tháng mười một đạo quân đã chiến của Kutuzov bấy giờ đã hạ trại ở gần Olmuytx, chuẩn bị hôm sau sẽ nghênh tiếp hai vị hoàng đế – Nga và Áo – tới duyệt binh. Quân cận vệ vừa mới ở Nga điều động sang, hạ trại nghỉ đêm ở cách Olmuytx mười lăm dặm và đến hôm sau kéo thẳng tới dự cuộc điểm binh. Vào khoảng chín giờ sáng quân cận vệ tiến vào cánh đồng Olmuytx.

Ngày hôm ấy Nikolai Roxtov nhận được một mảnh giấy của Boris báo tin trung đoàn Izmail sẽ nghỉ đêm cách Olmuytx mười lăm dặm, và Boris nhắn Nikolai đến để trao thư và tiền. Nikolai bấy giờ đang rất cần tiền, vì quân đội đi chiến dịch về đến đóng quân ở gần Olmuytx, những người bán hàng ăn và những người Do Thái ở Áo mang đủ các thứ hàng hấp dẫn đến bán, chật cả doanh trại. Binh sĩ trung đoàn Pavlograd mở tiệc liên tiếp mừng những cuộc khen thưởng vừa nhận được nhân chiến dịch vừa qua và rủ nhau đến Olmuytx để vào hàng bà Karolina, một người đàn bà Hung vừa đến mở quán rượu ở Olmuytx, toàn do phụ nữ hầu bàn. Roxtov vừa ăn mừng được thăng chức thiếu uý, chàng lại mua con ngựa Bezun của Denixov cho nên mắc nợ các bạn và các chủ quán rất nhiều.

Nhận được giấy của Boris, Roxtov rủ một người bạn đến Olmuytx, ăn chiều ở đấy, uống một chai rượu vang và một mình đến doanh trại quân cận vệ tìm người bạn cũ. Roxtov chưa kịp sắm quân phục mới. Chàng mặc một chiếc áo đôn-man của cấp chuẩn uý đã sờn cũ có đeo huân chương chữ thập của binh sĩ, một chiếc quần đũng da, đeo một thanh gươm sĩ quan ở chiếc thắt lưng to bản; con ngựa chàng cười là ngựa giống sông Đông, mua của một người cô-dắc trong chiến dịch; cái mũ phiêu kỵ dúm đó đội hất ra phía sau và lệch sang một bên trông rất ngang tàng. Khi đến gần doanh trại của trung đoàn Izmail chàng nghĩ đến lúc Boris và tất cả các bạn đồng ngũ của anh ta trong quân cận vệ phải trố mắt mà nhìn cái dáng dấp khinh kỵ thiện chiến và dạn dày lửa đạn của chàng.

Quân cận vệ đã trải qua chiến dịch như qua một cuộc du ngoạn, hãnh diện phô trương vẻ sạch sẽ và kỷ luật của mình. Hành quân thì ngắt quãng, bạc đà thì cho xe trở đi. Cứ mỗi lần trú quân, Bộ tư lệnh Áo lại thết các sĩ quan những bữa tiệc rất hậu. Các trung đoàn khi tiến vào các thành phố hoặc khi rút đi đều có kèn trống tưng bừng, và trong suốt chiến dịch (binh sĩ cận vệ rất hãnh diện về điều này) theo lệnh của đại công tước, các đội ngũ bao giờ cũng đi đều bước các sĩ quan đi bộ ở vị trí của mình bên cạnh đơn vị. Trong suốt thời gian hành quân, Boris đi với Berg, bấy giờ đã là đại đội trưởng.

Trong thời gian chiến dịch, Berg được cử lên chỉ huy một đại đội, nhờ tác phong cẩn thận, chu đáo chàng đã được cấp trên tin cậy và đã thu xếp được các công việc kinh tế của mình một cách rất có lợi;

Boris trong thời gian chiến dịch đã làm quen với nhiều người có thể có ích cho chàng, và nhờ một bức thư giới thiệu của Piotr mà chàng mang theo, Boris đã làm quen được với công tước Andrey Bolkonxki. Chàng hy vọng nhờ Andrey xin cho một chỗ làm trong bộ tham mưu của tướng Tổng tư lệnh.

Berg và Boris, y phục chỉnh tề và sạch sẽ, đã được nghỉ ngơi lại sức sau cuộc hành quân ban ngày vừa qua, đang ngồi trước một chiếc bàn tròn đánh cờ với nhau trong một gian phòng sạch sẽ giành riêng cho hai người. Berg hai bàn tay đặt giữa hai đầu gối cầm một tẩu thuốc bôc khói. Boris, với dáng điệu cẩn thận đặc biệt của chàng, đang lấy hai bàn tay trắng trẻ và thon nhỏ xếp các quân cờ đã ăn được thành hình cái tháp, đợi nước cờ của Berg, mắt nhìn vào mặt của đối thủ; có thể thấy rõ rằng chàng đang nghĩ đến ván cờ, cũng như thường lệ, chàng bao giờ cũng chỉ nghĩ đến việc mình đang làm.

– Thế nào, anh liệu đi cách nào để thoát ra khỏi các thế bí này đây? – Boris nói.

– Để cố nghĩ xem, – Berg đáp, tay đưa lên chạm vào quân cờ, rồi lại buông xuống.

Vừa lúc ấy cánh cửa mở toang.

– Đây rồi! – Roxtov reo lên. – Lại có cả Berg nữa! Chà Boris, pơti – zănfăng, alêcusê đormir!(1) – Chàng nói lớn, lặp lại câu nói của bà vú em mà hai người đã từng cười với nhau hồi trước.

– Trời ơi cậu thay đổi nhiều quá! – Boris đứng dậy đón Roxtov, nhưng khi đứng dậy cũng không quên dỡ mấy quân cờ rơi xuống đặt lại chỗ cũ, và toan ôm lấy bạn, nhưng Nikolai né người lùi lại.

Tuổi trẻ thường có một tình cảm dặc hiệt là sợ những con đường quá mòn, họ không bắt chước ai cả, muốn biểu hiện tình cảm theo một lối mới, theo lối riêng của họ, miễn sao đừng giống cái lối bày tỏ của các bậc cha anh, vốn thường giả dối. Nikolai muốn làm một điều gì thật đặc biệt khi gặp bạn, chàng muốn véo bạn, xô bạn thế nào đấy, nhưng làm sao đừng có ôm hôn như mọi người thường khác làm. Boris thì ngược lại chàng điềm tĩnh và thân mật ôm lấy Roxtov và hôn bạn ba lần.

Gần nửa năm nay họ không gặp nhau; vào cái tuổi mà những người thanh niên bước những bước đầu tiên trên đường đời, cả hai đều thấy ở bạn mình có những sự thay đổi thật lớn lao, những điểm hoàn toàn mới phản ánh cái môi trường trong đó họ đã bước những bước đầu tỉên. Cả hai đều thay đổi rất nhiều từ dạo gặp nhau lần cuối cùng, và cả hai đều muốn kể ngay cho nhau nghe những sự biến đổi đã diễn ra trong con người mình.

– Chà các anh thật là những tay công tử! Sạch sẽ bảnh bao như đi dạo mát ấy, không phải như bọn lính chiến đấu chúng tôi – Roxtov nói với một giọng ồ ồ và những lời nói cục cằn của con nhà lính rất mới lạ đối với Boris, vừa nói vừa chỉ ống quần ngựa lấm bùn của mình.

Cô chủ nhà người Đức nghe tiếng Roxtov nói oang oang liền thò đầu ra cửa nhìn.

– Thế nào, xinh đấy chứ ạ? – Nikolai nháy mắt nói.

– Cậu quát gì mà to thế? – Cậu làm họ phát hoảng lên đấy. – Boris nói. – Mình không ngờ cậu lại đến hôm nay. Mãi hôm nay mình mới trao bức thư cho một viên sĩ quan phụ tá của Kutuzov và Bolkonxki mà mình có quen, nhờ đưa lại cho cậu. Mình không ngờ anh ta lại trao cho cậu được sớm thế… thế nào, cậu ra sao? Đã xông pha lửa đạn rồi đấy à? – Boris hỏi.

Roxtov không đáp, chỉ đưa tay vỗ vỗ chiếc huân chương chữ thập Thánh George đeo trên dải áo và chỉ vào cánh tay băng bó, nhìn Berg mỉm cười.

– Cậu thấy đấy, – Roxtov nói.

– À ra thế! – Boris mỉm cười nói. – còn chúng mình cũng được một chiến dịch thật ra trò. Chắc cậu cũng biết rằng đại công tước hoàng đế luôn luôn cùng đi với trung đoàn chúng mình, cho nên bọn mình tha hồ hưởng đủ các thứ tiện nghi và phúc lợi. Ở Ba Lan chúng mình được những bữa tiệc chiêu dãi, tiệc tùng, khiêu vũ thật ra trò, mình không thể kể cho cậu nghe hết được? Hoàng đế dối xử với tất cả các sĩ quan chúng mình rất tử tế.

Và hai người bạn kể cho nhau nghe, người thì kể những trò ngô nghịch theo kiểu con nhà kỵ binh và cuộc đời chiến đấu của mình, người thì kể lại những cái thích thú và những món lợi lộc mà người ta được hưởng khi tòng ngũ dười quyền chỉ huy của những nhân vật cao cấp.

– Chà, quân cận vệ? – Roxtov nói. – À này, cậu bảo kiếm rượu về uống đi.

Boris cau mày:

– Nếu cậu nhất định muốn uống thì cũng được, – rồi Boris lại giường lấy dưới mấy chiếc gối trắng tinh ra một cái ví tiền và sai người đi mua rượu.

– Phải, để đưa tiền và thư cho cậu luôn, – chàng nói thêm.

Roxtov cầm lấy bức thư rồi vứt món tiền lên đi văng, chống hai khuỷu tay lên bàn và bắt đầu đọc. Chàng xem qua vài dòng vừa đưa mắt bực bội nhìn Berg. Bắt gặp mắt Berg bấy giờ cũng đang nhìn sang, Roxtov lấy thư che mặt lại.

Berg nhìn vào cái túi tiền nặng đè lún xuống đệm đi-văng nói:

– Họ gửi cho cậu nhiều tiền ra phết nhỉ. Còn như chúng mình chỉ biết trông vào đồng lương đấy thôi, bá tước ạ. Mình cũng xin nói rằng về phần mình…

Roxtov nói:

– Này, Berg, anh bạn ạ, khi anh được thư nhà và gặp được người quen, đang muốn hỏi đủ các thứ chuyện, mà tôi lại tình cờ ngồi đấy thì tôi sẽ bỏ đi chỗ khác ngay để khỏi làm phiền các anh. Thế thì anh cũng vậy, xin anh đi chỗ khác cho một chút đi đâu cũng được đi về nhà ma cũng được! – Roxtov quát, rồi lập tức nắm lấy vai Berg và dịu dàng nhìn vào mặt anh ta, có vẻ như muốn làm cho những lời lẽ cục cằn của mình bớt thô bạo. Chàng nói thêm – Anh ạ anh đừng giận nhé; anh bạn ạ, anh bạn rất quý ạ, đây là tôi thật bụng nói thẳng với anh như với một người quen biết đã lâu.

– À! Không sao đâu bá tước ạ, tôi hiểu lắm, – Berg đứng dậy, nói bằng giọng cổ.

– Anh vào nhà đi, gia đình chủ, mời anh vào đấy. – Boris nói thêm.

Berg mặc lên người một chiếc áo sạch bong, không dây lấy một hạt bụi, ra đứng trước tấm gương vén hai mớ tóc mai lên phía thái dương giống như vua Alekxandr Pavlovich và thấy Roxtov nhìn chiếc áo có vẻ chú ý, Berg nở nụ cười nhã nhặn bước ra khỏi phòng.

Roxtov đọc thư, miệng lẩm bẩm:

– Bậy quá, mình thật là đồ súc vật!

– Sao?

– Chà, mình thật là con lợn chứ không phải mình viết thư lần nào ở nhà lo quá thế này. Chà, mình thật là đồ con lợn! – Roxtov nhắc lại, mặt bỗng ửng đỏ. – Kìa, bảo Gavrlo đi kiếm rượu đi chứ! Ta nốc một chầu!

Trong các bức thư ở nhà gửi đến cho Roxtov có kèm thêm cả một bức thư này là do bá tước phu nhân theo, lời khuyên của bà Anna Mikhailovna nhờ người quen xin hộ, và gửi cho Nikolai, bảo chàng đưa tới công tước Bagration để ông ta che chở cho.

– Thật là vớ vẩn! Mình cần quái gì – Roxtov nói đoạn vứt bức thư xuống dưới bàn.

– Sao lại vứt đi thế? – Boris hỏi.

– Thư giới thiệu giới thiếc gì ấy mà, mình việc quái gì phải cần đến nó?

Boris nhặt bức thư lên dọc mấy chữ đề bì rồi nói:

– Sao lại việc quái gì? Bức thư này cậu cần lắm đấy?

– Mình chẳng cần gì cả: mình chả đi làm phụ tá cho ai hết!

– Tại sao thế? – Boris hỏi.

– Cái nghề đi làm đầy tớ cho người ta ấy mà!

Boris lắc đầu nói:

– Cậu vẫn cứ mơ mộng như xưa.

– Còn cậu thì vẫn là một nhà ngoại giao như trước. Nhưng thôi, không nói đến chuyện ấy. Nào, cậu ra sao? – Roxtov hỏi.

– Cậu thấy rồi đấy thôi. Cho đến nay thì công việc đều ổn thoả cả nhưng thú thực là mình rất mong được làm sĩ quan phụ tá, chứ đừng ra trận.

– Tại sao thế?

– Tại vì một khi đã chọn con đường quân sự thì phải cố gắng làm sao gây dựng được sự nghiệp cho rạng rỡ.

– Phải, chính thế đấy! – Roxtov nói, nhưng hình như tâm trí đang nghĩ đến chuyện khác.

Chàng nhìn chăm chăm vào mặt bạn có ý dò hỏi, hình như đang tìm cách giải quyết một vấn đề gì tìm mãi không ra.

Lão Gavrilo mang rượu ra. Boris nói:

– Bây giờ thì cho đi gọi Alfonx Karlyts đến nhé? Cậu ta sẽ uống rượu với cậu, còn mình thì chịu thôi.

– Được được! Sao, cậu thấy cái thằng Đức ranh ấy thế nào?

Roxtov mỉm cười khinh bỉ nói:

– Cậu ấy rất tốt, rất tốt, một con người trung thực và rất dễ chịu.

Roxtov lại nhìn chăm chăm vào mặt Boris một lần nữa và thở dài. Berg trở lại, và bên chai rượu, câu chuyện giữa ba người sĩ quan trở nên rất rôm rả. Hai người sĩ quan cận vệ kể lại cho Roxtov nghe chuyện chiến dịch của mình, chuyện những cuộc chiêu đãi ở Nga, ở Ba Lan và nước ngoài. Họ kể những lời lẽ và hành động của thủ trưởng họ là đại công tước, những mẩu chuyện giai thoại về tính hiền hậu mà nóng nẩy của ông ta. Cũng như thường lệ, Berg im lặng khi câu chuyện không dính đến bản thân anh ta, nhưng những mẩu giai thoại về tính nóng nẩy của đại công tước, anh ta khoái trá kể rằng ở Galixi anh ta đã có dịp nói chuyện với đại công tước khi ngài đi kiểm tra các trung đoàn và nổi trận lôi đình vì các đơn vị chuyển quân không đúng. Với một nụ cười hoà nhã trên môi, Berg kể rằng đại công tước lúc đó giận lắm; ngài thúc ngựa lại gần anh ta và quát: “Arnaut (2)(là tiếng văng tục ưa thích của hoàng đế khi nổi giận) và đòi gặp đại đội trưởng ngay”. Bá tước có tin được không hả, tôi chẳng sợ một tí nào, vì tôi biết mình phải. Chẳng phải tôi khoe khoang đâu bá tước ạ, nhưng tôi cũng có thể nói rằng tôi thuộc lòng các mệnh lệnh của trung đoàn, còn điều lệ thì tôi thuộc chẳng kém gì kinh Lạy cha chúng tôi ở trên trời, vì thế cho nên trong đại đội tôi không bao giờ có điều gì cẩu thả đâu bá tước ạ. Ấy thế là lương tâm tôi rất thanh thản. Tôi liền ra mắt đại công tước (Berg nhổm dậy và đưa tay lên ngang mày như khi đang ở trước mặt đại công tước. Quả thật khó lòng mà có được tư thế lễ phép và tự mãn hơn). Thế là ngài liền “xạc” tôi như người ta thường nói: nào “arnaut”, nào là “đồ quỉ sứ”, nào là “đáng đày đi Xibir cả” chẳng thiếu thứ gì – Berg nói, miệng mỉm cười thâm thuý – Tôi biết mình phải, nên tôi cứ làm thinh, thế có phải không bá tước? “Thế nào, anh câm rồi hả?” ngài quát. Tôi vẫn lắng thinh. Anh nghĩ thế nào, hả bá tước? Hôm sau trong bản nhật lệnh chẳng nhắc đến một câu nào; đấy, như thế mới gọi là tỉnh trí chứ! Thế đấy bá tước ạ. – Berg kết luận, hút một hơi thuốc và phì khói ra thành vòng tròn.

– Vâng, rất may. – Roxtov mỉm cười nói.

Nhưng Boris nhận thấy Roxtov đang sắp chế giễu Berg liền khéo léo lái câu chuyện sang hướng khác. Chàng bảo Roxtov thuật lại chuyện anh ta bị thương ra sao và ở chỗ nào, Roxtov thích lắm, liền bắt đầu kể, càng kể lại càng hăng. Anh ta thuật lại chuyện mình tham dự trận Songraben hoàn toàn giống như những người có tham gia một trận chiến đấu tường thuật lại, nghĩa là mình muốn cho trận đó diễn ra như thế nào thì thuật lại như thế, mình nghe người khác kể lại như thế nào thì kể lại như thế, kể thế nào cho thật hay thì kể, chứ tuyệt nhiên không theo đúng sự thật. Roxtov là một chàng thanh niên thành thực, chàng không đời nào đi nói dối một cách có chủ tâm. Khi bắt đầu kể, chàng có ý định là sẽ thuật lại đúng sự thật, nhưng dần dà chàng bỗng dưng chuyển sang kể khác hẳn từ lúc nào chàng cũng không biết. Những người nghe chàng kể cũng như bản thân chàng, đã nhiều lần nghe những câu chuyện thuật lại các trận xung kích và đã có một khái niệm nhất định về vấn đề thế nào là một trận xung kích và hễ khi nghe kể, thì nhất định họ chờ đợi nghe một câu chuyện đúng y như thế. Cho nên giả sử Roxtov thuật lại sự thật cho họ nghe, họ sẽ không tin chàng hay tệ hơn nữa, lại nghĩ rằng chính vì chàng kém cỏi thế nào cho nên mới không gặp những chuyện mà những người kể chuyện khác vẫn thường gặp trong những cuộc xung kích của kỵ binh. Không lẽ chàng lại kể một cách giản đơn rằng đơn vị chàng phóng nước kiệu, chàng bị ngã ngựa, bị sái tay và ba chân bốn cẳng chạy vào rừng để trốn quân Pháp, muốn kể đúng y như sự thật, thì phải cố kiềm giữ mình lại để chỉ kể những điều có xảy ra thật mà thôi. Kể đúng sự thật rất khó, thanh niên ít người làm được. Boris và Berg đợi nghe chàng kể rằng máu chàng sôi sục lên, chàng say sưa quên mình lao vào đội ngũ hình vuông của địch như một trận cuồng phong; chàng len vào giữa quân địch chém bên trái, phạt bên phải: gươm chàng đã nếm mùi thịt người và chàng mệt lả ra, vân vân, vân vân. Cho nên chàng kể lại cho họ nghe đúng như vậy.

Giữa những câu chuyện, trong khi Roxtov đang nói: “Cậu không thể tưởng tượng cái cảm giác điên cuồng kỳ lạ mà người ta cảm thấy khi xung phong” thì công tước Andrey Bolkonxki bước vào phòng. Công tước Andrey vốn thích có những quan hệ bề trên với những người thanh niên, và lấy làm thích thú khi họ cầu xin mình che chở cho. Boris hôm trước đã khéo léo lấy lòng được công tước Andrey, cho nên chàng có thiện cảm với Boris và muốn chiều ý anh ta. Được Kutuzov phái đi đưa công văn cho hoàng đế, chàng ghé chỗ Boris hy vọng sẽ được gặp anh ta một mình. Khi bước vào phòng và trông thấy anh chàng phiêu kỵ đang kể lại chuyện đánh nhau (loại người này công tước Andrey không sao chịu nổi), chàng dịu dàng mỉm cười với Boris, cau mày, nheo nheo đôi mắt nhìn Berg và hơi nghiêng mình chào, rồi uể oải và lười biếng ngồi xuống đi văng. Chàng lấy làm khó chịu và tình cờ gặp phải cái anh phiêu kỵ ba hoa này, Roxtov hiểu ý đỏ mặt. Nhưng chàng cũng chẳng cần: đó chỉ là một người lạ. Tuy vậy khi nhìn sang Boris, chàng thấy anh ta hình như đang xấu hổ vì ông bạn phiêu kỵ đã chiến này.

Mặc dầu công tước Andrey vừa rồi có một giọng nói giễu cợt khó chịu, mặc dầu nói chung Roxtov theo cái nhìn của bộ đội chiến đấu rất coi thường bọn sĩ quan tham mưu – chàng đoán chắc người mới vào cũng thuộc hạng này – chàng vẫn thấy ngượng; chàng đỏ mặt và im bặt. Boris hỏi trong bộ tham mưu có tin gì mới không, và nếu hỏi như thế này không đến nỗi quá luống cuống, thì công tước có nghe nói gì về những dự định của quân ta không.

– Có lẽ cũng định sẽ tiến quân thì phải, – Bolkonxki đáp. Hình như trước mặt người lạ, chàng không muốn nói gì nhiều hơn.

Berg thừa dịp liền hỏi với một giọng rất lễ độ xem có phải đúng như người ta nói là sẽ phát lương thảo cho đại đội trưởng bộ đội đã chiến nhiều gấp đôi lên không? Công tước Andrey mỉm cười đáp rằng mình không thể có ý kiến gì về những công việc quốc gia quan trọng như vậy được, và Berg liền vui vẻ cười xoà. Công tước Andrey lại quay sang Boris.

– Về việc của anh, ta sẽ nói chuyện – rồi đưa mắt nhìn Roxtov một cái, chàng nói tiếp với Boris – sau buổi duyệt binh, anh đến tôi nhé. Chúng ta sẽ liệu xem có thể làm được những gì.

Rồi nhìn quanh phòng, chàng quay về phía Roxtov và không thèm để ý đến cái vẻ ngượng nghịu trẻ con không sao trấn áp nổi của chàng kỵ binh bây giờ đã chuyển thành tức giận, chàng nói:

– Hình như ông đang kể lại trận Songraben thì phải, ông có dự trận ấy?

– Tôi có dự, – Roxtov nói, giọng bực tức, dường như để trêu gan viên sĩ quan phụ tá.

Bolkonxki chú ý đến thái độ của chàng kỵ binh và thấy vẻ giận dữ của chàng ta cũng hay hay. Chàng hơi nhếch mép, mỉm cười khinh khỉnh.

– Phải! Bây giờ người ta kể nhiều chuyện về trận này lắm.

– Phải, nhiều chuyện lắm! – Roxtov nói lớn, hai mắt bỗng quắc lên giận dữ, hết nhìn Boris, lại nhìn sang Bolkonxki.

– Phải, người ta kể nhiều chuyện lắm, nhưng chuyện của chúng tôi kể là chuyện của những người đã từng ở dưới làn đạn của quân địch, chuyện của chúng tôi có căn cứ hẳn hoi, chứ không phải như chuyện của những anh chàng ở bộ tham mưu chuyên ngồi không mà vẫn được khen thưởng.

– Chắc ông liệt tôi vào hàng ấy chứ gì? – công tước Andrey mỉm cười một nụ cười đặc biệt nhã nhặn, bình tĩnh nói.

Trong lòng Roxtov bấy giờ có một cảm xúc kỳ lạ, chàng thấy tức giận nhưng đồng thời lại thấy kính nể thái độ bình tĩnh lạ lùng của con người kia. Chàng nói:

– Đây là tôi không nói đến ông, tôi không quen biết ông và xin thú thật rằng tôi cũng chẳng có ý muốn quen biết ông. Tôi nói là nói chung về các sĩ quan tham mưu.

Công tước Andrey ngắt lời Roxtov. Chàng nói, giọng dõng dạc mà bình tĩnh:

– Còn tôi thì tôi xin thưa với ông như sau. Ông muốn lăng mạ tôi, và tôi sẵn sàng đồng ý với công việc đó rất để làm, nếu ông không cỏ đủ tự trọng; nhưng xin ông đồng ý cho rằng việc đó hiện nay thật không đúng chỗ và đúng lúc tý nào. Nay mai tất cả chúng ta sẽ dự một cuộc đọ sức rất lớn, quan trọng hơn nhiều, và hơn nữa, anh Drubeskoy đây có nói rằng anh ấy là bạn cũ của ông, anh ấy tuyệt nhiên không có lỗi gì nếu bộ mặt của tôi chẳng may có cái bất hạnh là không được vừa mắt ông. Vả chăng – chàng vừa nói, vừa đứng dậy – Ông cũng biết tên họ tôi và biết khi cần thiết phải tìm ở chỗ nào: nhưng xin ông dừng quên – chàng nói thêm – rằng tôi không hề có ý tự cho mình, hay cho ông là người bị xúc phạm, và tôi xin lấy tư cách một người nhiều tuổi hơn ông mà khuyên ông đừng làm cho việc này có thêm hậu quả gì. Thế thì đến thứ sáu sau buổi kiểm duyệt anh đến tôi anh Drubeskoy nhé; xin chào – công tước Andrey kết luận, và sau khi cúi chào cả hai người, chàng ra ngoài.

Mãi khi công tước Andrey đã đi khỏi phòng Roxtov mới nghĩ ra là trong trường hợp này cần phải trả lời như thế nào. Chàng lại càng tức mình là đã không nghĩ ra cho kịp thời. Roxtov lập tức sai đưa ngựa lại, và chào ông Boris một câu rất xẵng rồi ra về. Ngày mai chàng có nên đi đến đại bản doanh và thách cái thằng cha sĩ quan phụ tá làm bộ kia đấu súng không, hay cứ để yên như thế!

Câu hỏi này cứ giày vò chàng suốt dọc đường về. Có khi chàng tức giận nghĩ đến lúc sẽ được hưởng cái thú trông thấy con người mảnh khảnh và kiêu căng ấy run sợ trước mũi súng của mình, có khi chàng lại ngạc nhiên cảm thấy rằng trong số tất cả những người mà chàng biết, không có ai chàng muốn kết bạn bằng cái viên sĩ quan phụ tá mà chàng căm ghét ấy.

Chú thích:

(1) Các con ơi đi ngủ đi (tiếng Pháp bồi).

(2) Arnaut: danh từ của người Thổ Nhĩ Kỳ dùng để gọi người Albani. Ở Nga, chữ Arnaut dùng để gọi những người gốc Albani ở huyện Izmail tỉnh Bexarabi.

Chọn tập
Bình luận