Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 6 – Chương 22

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Ngày hôm sau công tước Andrey đến nhà gia đình Roxtov và bá tước Ilya Andreyevich có mời chàng lại dùng bữa chiều; rồi chàng ở lại đấy suốt ngày hôm ấy.

Trong nhà mọi người đều đoán biết công tước Andrey đến đây là vì ai, và chàng cũng không che giấu, suốt ngày luôn tìm cách nói chuyện với Natasa. Không phải một mình Natasa, sợ hãi nhưng sung sướng và hân hoan, mà cả nhà đều có một cảm giác hồi hộp trước một cái gì quan trọng đang sắp sửa diễn ra. Bá tước phu nhân đưa đôi mắt buồn buồn nghiêm nghị nhìn công tước Andrey khi chàng nói chuyện với Natasa và rụt rè, ngượng nghịu mào đầu một câu chuyện vu vơ mỗi khi chàng nhìn sang phu nhân. Sonya không dám để Natasa một mình, nhưng cũng sợ ngồi đấy sẽ làm phiền cho hai người. Mỗi khi công tước Andrey và Natasa ngồi lại một mình, Natasa tái mặt đi, hồi hộp chờ đợi. Công tước Andrey làm cho nàng ngạc nhiên vì vẻ rụt rè của chàng. Nàng cảm thấy chàng cần nói với nàng một việc gì đấy, nhưng chưa dám nói.

Đến tối khi công tước Andrey ra về, bá tước phu nhân lại gần Natasa và thì thầm hỏi nàng:

– Thế nào con?

– Mẹ ơi, con van mẹ, mẹ đừng hỏi gì con bây giờ hết. Con không thể nói được. – Natasa đáp.

Nhưng tuy vậy tối hôm ấy Natasa, khi thì xúc động, khi thì hoảng sợ, hai mắt đờ đẫn đi, đã nằm rất lâu trong giường mẹ, nhìn trân trân phía trước mặt. Nàng kể cho mẹ nghe công tước Andrey đã khen nàng như thế nào, chàng nói mình sẽ đi du lịch nước ngoài ra sao. Chàng có hỏi mùa hè năm nay gia đình nàng sẽ ở đâu, lại hỏi nàng về chuyện Boris nữa.

– Nhưng, con chưa bao giờ thấy như thế cả, chưa bao giờ! – nàng nói – Chỉ có điều là trước mặt anh ấy con sợ lắm, bao giờ con cũng thấy sợ. Như thế là thế nào? Như thế tức là… thực sự rồi đấy phải không mẹ? Mẹ ơi, mẹ ngủ đấy à?

– Không đâu con ạ, chính mẹ cũng thấy sợ – mẹ nàng đáp – Thôi con về đi ngủ đi.

– Dù sao con cũng không ngủ đâu. Sao lại ngủ! Mẹ ơi, mẹ ơi, chưa bao giờ con thấy như thế này cả – nàng nói, lòng ngạc nhiên và sợ hãi trước cái cảm xúc mà nàng vừa nhận ra trong lòng mình. – Ai ngờ…

Natasa có cảm tưởng là ngay từ khi trông thấy chàng lần đầu tiên ở Otradnoye, nàng đã yêu chàng rồi. Nàng như hoảng sợ trước cái hạnh phúc kỳ lạ, bất ngờ ấy: người mà lòng nàng đã chọn ngay từ dạo ấy (bây giờ nàng tin chắc như vậy), chính người ấy nay lại gặp nàng và hình như không phải là dửng dưng đối với nàng. “Và chàng đã tự dưng đến Petersburg trong khi nhà ta ở đây, dường như cố ý vậy Rồi ta lại gặp chàng trong buổi vũ hội ấy. Những điều đó đều là định mệnh. Rõ ràng định mệnh đã đưa mọi việc đến chỗ này. Ngay từ khi chỉ mới trông thấy chàng ta đã có một cảm giác gì rất đặc biệt”.

– Công tước còn nói gì với con nữa không? Thơ gì thế này?

– Con đọc đi… – bá tước phu nhân trầm ngâm nói, ý muốn hỏi về mấy câu thơ mà công tước Andrey viết vào quyển an-bom cho Natasa.

– Mẹ ơi, anh ấy goá vợ như thế có làm sao không hở mẹ?

– Thôi con ạ, con đừng nói nữa. Con hãy cầu nguyện Chúa đi. Những cuộc hôn nhân đều do trời định cả!

– Mẹ ơi, mẹ yêu dấu của con, con bồ câu nhỏ của con, con yêu mẹ quá, con sung sướng quá! – Natasa kêu lên. Nàng khóc những giọt nước mắt hạnh phúc và xúc động, và ôm chầm lấy mẹ.

Cũng trong lúc ấy công tước Andrey ngồi ở nhà Piotr và nói cho bạn biết mình yêu Natasa và đã nhất quyết lấy nàng.

Ngày hôm ấy ở nhà bá tước phu nhân Elena Vaxilievna có buổi dạ hội long trọng, đến dự có cả sứ thần Pháp, một vị hoàng thân gần đây đã trở thành một vị khách rất chuyên cần của nhà bá tước phu nhân, và nhiều nam nữ tân khách quyền quý khác. Piotr xuống nhà, đi qua các phòng và khiến cho các tân khách kinh ngạc về cái vẻ lầm lỳ, đăm chiêu và lơ đễnh của chàng.

Từ buổi vũ hội hôm trước Piotr bắt đầu thấy mình có chứng bệnh u uất và đã hết sức cố cưỡng lại. Từ khi vị hoàng thân nọ bắt đầu làm thân với vợ chàng, đùng một cái Piotr được thăng lên là thị thần và từ dạo ấy giữa những nơi xã giao thượng lưu chàng bắt đầu thấy buồn bực và hổ thẹn, và càng ngày chàng lại thấy hay có lại những tư tưởng yếm thế trước kia, nghĩ rằng tất cả những cái gì thuộc xã hội loài người đều là hư ảo phù phiếm. Bấy giờ chàng để ý thấy cái tình cảm giữa cô bé Natasa mà chàng che chở và công tước Andrey, và sự tương phản giữa tình cảnh của chàng với tình cảnh của bạn càng làm tăng thêm tâm trạng u uất của chàng. Chàng cố tránh không nghĩ đến vợ, cũng như không nghĩ đến Natasa và công tước Andrey. Chàng lại thấy tất cả đều vô nghĩa so với cái vĩnh cửu vô tận, vấn đề “để mà làm gì?” lại hiện lên trong tâm trí chàng. Và suốt ngày đêm chàng tự ép mình làm những công việc của hội Tam điểm, mong ngăn chặn được sự ám ảnh.

Khoảng hơn mười một giờ đêm chàng rời bỏ các căn phòng của bá tước phu nhân về căn phòng của mình trên gác, một căn phòng thấp, trần ám khói, chàng mặc chiếc áo thụng đã sờn cũ, ngồi vào bàn, và đang chép lại nguyên bản các văn kiện Scotland(1) thì có người bước vào phòng chàng.

Đó là công tước Andrey.

– À anh đấy ư, – Piotr nói, vẻ lơ đãng và như có ý không bằng lòng. – Tôi đang làm việc đây – chàng vừa nói vừa chỉ vào quyển vở với cái vẻ một người bất hạnh lấy công việc để khuây khoả những nỗi buồn khổ của cuộc sống.

Công tước Andrey, gương mặt rạng rỡ, hân hoan và đầy một sức sống mới mẻ, dừng lại trước mắt Piotr và không nhận thấy vẻ mặt buồn rười rượi của bạn, chàng mỉm cười nhìn Piotr với cái ích kỷ của những người đang sung sướng.

– Đây cậu ạ – chàng nói, – hôm qua mình định nói với cậu chuyện mà chưa nói được, nên hôm nay mình đến gặp cậu vì chuyện ấy đây. Chưa bao giờ mình thấy một cái gì tương tự cả. Bạn ạ, mình đã yêu.

Piotr bỗng thở dài não ruột và gieo cái thân hình nặng nề của mình xuống đi-văng, bên cạnh công tước Andrey.

– Natasa Roxtov, phải không? – chàng nói.

– Phải rồi, phải rồi, chứ còn ai nữa? Chính mình cũng không ngờ, nhưng cảm xúc ấy không sao cưỡng lại được. Hôm qua, mình dằn vặt đau khổ, nhưng dù đổi những phút đau khổ ấy lấy tất cả những gì quý giá nhất trên đời này mình cũng không đổi. Trước kia mình chưa hề biết sống là gì. Đến giờ mình mới sống, nhưng mình không thể sống không có cô ấy được. Nhưng cô ấy có thể yêu mình không? Mình hơn tuổi cô ấy nhiều quá… sao cậu chẳng nói gì cả thế?

– Tôi? Tôi ấy à? Tôi đã nói với anh mà, – Piotr bỗng đứng dậy đi đi lại lại trong phòng, vừa đi vừa nói. – Tôi trước nay vẫn nghĩ thế. Cô ấy thật là hòn ngọc, thật là một người con gái hiếm có… Anh ạ tôi van anh, anh đừng nghĩ khôn nghĩ dại gì nữa, đừng hoài nghi gì nữa anh lấy cô ấy đi, lấy đi, lấy đi… Và tôi tin chắc rằng sẽ không có người nào hạnh phúc hơn anh đâu.

– Nhưng còn cô ấy?

– Cô ấy yêu anh.

– Đừng nói bậy… – công tước Andrey nói, mỉm cười nhìn vào mặt Piotr.

– Yêu! Tôi biết mà! – Piotr quát lên về giận dữ.

– Không cậu ạ, – công tước Andrey vừa nói vừa nắm lấy cánh tay Piotr, – Cậu nghe đây, cậu có biết tôi đang ở trong tình trạng như thế nào không? Tôi đang cần nói hết với một người nào.

– Nào, anh nói đi, nói đi, tôi rất sung sướng, – Piotr nói, và quả nhiên vẻ mặt của chàng thay đổi hẳn. Cái hằn ngang trên trán biến mất, và chàng vui vẻ lắng nghe công tước Andrey nói. Công tước Andrey có vẻ là một người khác hẳn, và quả thật đã trở thành một người khác. Không còn lấy một dấu vết vẻ chua chát, khinh đời, thất vọng trước đây.

Piotr là người duy nhất mà chàng có thể thổ lộ tâm can, cho nên chàng đã nói hết tâm sự của mình, không trừ một điều gì. Khi thì chàng dễ dãi và mạnh dạn dự định chuyện tương lai dài, bảo chàng không thể hy sinh hạnh phúc của mình vì những mục đích gàn dở của cha chàng, rằng chàng sẽ làm cho ông cụ phải ưng thuận cuộc hôn nhân này và yêu mến Natasa, hoặc không cần cụ ưng thuận cũng được; khi thì chàng lại ngạc nhiên về cái tình cảm đang tràn ngập trong lòng chàng, giống như một cái gì kỳ dị, xa lạ, không lệ thuộc vào chàng.

Nếu trước đây có ai nói với tôi rằng tôi có thể yêu như vậy tôi sẽ không tin, – công tước Andrey nói. – Đây hoàn toàn không như cái tình cảm mà tôi đã từng có trước kia. Bây giờ đối với tôi tất cả vũ trụ chia ra làm hai phần, một phần là cô ấy, và cùng với cô ấy là hạnh phúc, hy vọng, ánh sáng; còn phần kia là tất cả những nơi nào không có cô ấy; ở đấy hoàn toàn là tiêu điều và tối tăm.

– Tối tăm và mù mịt, – Piotr nhắc lại, – Phải, phải tôi rất hiểu điều đó

– Tôi không thể không yêu ánh sáng, tôi không có lỗi gì trong việc đó Và tôi rất sung sướng. Cậu có hiểu tôi không? Tôi biết rằng cậu rất mừng cho tôi.

– Phải, phải, – Piotr xác nhận. Chàng đưa đôi mắt dịu dàng và buồn rầu nhìn bạn, chàng càng thấy số phận của công tước Andrey tươi sáng bao nhiêu, thì số phận bản thân chàng lại càng hiện ra tối đen bấy nhiêu.

Chú thích:(1) Một văn kiện về hiến chương của các chi hội Tam điểm đầu tiên.

Chọn tập
Bình luận