Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 8 – Chương 14

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Buổi sáng lại đến, với những nỗi lo âu, những công việc bận rộn. Mọi người thức dậy đi lại, nói năng, các cô thợ khâu lại tới, bà Maria Dmitrievna lại ra mời mọi người vào dùng trà. Natasa hai mắt mở to như muốn đón chặn tất cả những cái nhìn có thể hướng vào nàng, lo lắng nhìn mọi người và cố sao cho có vé bình thường như mọi khi.

Sau bữa ăn sáng, bà Maria Dmitrievna ngồi vào chiếc ghế bành của bà (lúc này là lúc bà ta ưa thích nhất), rồi gọi Natasa và lão bá tước lại:

– Nào, các bạn, bây giờ tôi đã suy nghĩ hết mọi lẽ, và đây là lời tôi khuyên hai cha con, – Bà mở đầu… – Như hai người cũng biết, hôm qua tôi đến nhà công tước Nikolai; tôi nói chuyện với ông ta… ông ta cũng định quát tháo. Nhưng làm sao át giọng tôi được! Tôi đã nói toạc cả ra cho ông ta nghe.

– Thế ông ấy bảo sao? – Bá tước hỏi.

– Ông ta bảo sao ấy à? Một lão dở hơi hết chỗ nói… lão ta nhất định không chịu nghe; thôi nói làm gì nữa, cứ thế này chúng ta cũng đã làm khổ con bé lắm rồi. – Maria Dmitrievna nói – Ý tôi thế này. Bá tước hãy làm xong các việc đi, rồi về Otradnoye… đợi ít lâu.

– Ồ! không! – Natasa kêu lên.

– Không, phải về, – Maria Dmitrievna nói. – Phải đợi. Bây giờ mà chú rể về thì không sao tránh khỏi xung đột. Nhưng sau này anh ta sẽ điều đình tay đôi với ông lão xong rồi sẽ về Otradnoye nói chuyện với nhà ta.

Ilya Andreyevich tán thành lời bàn này, hiểu ngay rằng đó là một ý kiến có lý. Nếu ông già nguôi giận thì đến gặp ông ta ở Moskva hay Lưxye Gorư cũng được, và như vậy lại hơn; còn nếu phải làm lễ cưới bất chấp cả ý ông ta thì chỉ có thể làm ở Otradnoye mà thôi.

– Đúng thế đấy, – lão bá tước nói – Tôi còn lấy làm tiếc rằng đã đem cháu đến nhà ông ta.

– Không, sao lại tiếc? Đã ở đây chả nhẽ lại không đến thăm sao tiện? Còn nếu ông ta không thích thì đó là việc của ông ta. – Maria Dmitrievna vừa nói vừa tìm một vật gì trong túi thêu. – Mà đồ cưới cũng đã sắm xong, còn đợi gì nữa; cái gì chưa xong, tôi sẽ gửi về cho bác sau. Tuy tôi rất ái ngại cho bác nhưng cứ về đi là hơn, có Chúa phù hộ. – Bà đã thấy được một vật mà bà tìm trong túi thêu. Đó là một bức thư của nữ công tước Maria. – Công tước tiểu thư viết cho cháu đấy. Tội nghiệp, cô ta khổ tâm lắm! Cô ấy cứ sợ cháu nghĩ rằng cô ta không ưa cháu.

– Nhưng cô ta có ưa gì cháu đâu – Natasa nói.

– Đừng nói bậy. – Maria Dmitrievna quát.

– Cháu không tin đâu: cô ấy không ưa cháu. – Natasa quả quyết Nàng cầm lấy bức thư, và trên gương mặt nàng lộ rõ một vẻ cương quyết và hằn học đến nỗi Maria Dmitrievna nhìn nàng chằm chặp và cau mày.

– Con ạ. Con đừng có trả lời ta như thế, – Bà nói, – cái gì ta đã nói là đúng. Con hãy viết thư trả lời đi.

Natasa không đáp. Nàng về phòng đọc bức thư của công tước tiểu thư Maria.

Tiểu thư Maria viết rằng nàng hết sức khổ tâm về sự hiểu lầm đã xảy ra giữa hai người. Dù ý cha nàng như thế nào đi chăng nữa, – tiểu thư Maria viết, – thì nàng xin Natasa tin cho rằng nàng không thể không thương yêu người mà anh nàng đã chọn, vì nàng bao giờ cũng sẵn sàng hy sinh tất cả vì hạnh phúc của anh.

“Vả chăng, -Nàng viết, – Xin tiểu thư đừng nghĩ rằng cha tôi có ác cảm với tiểu thư. Cha tôi đau ốm và già nua rồi, xin tiểu thư bỏ quá cho; nhưng cha tôi hiền hậu và đại lượng và tất sẽ thương yêu người nào đem lại hạnh phúc cho anh tôi”. Công tước tiểu thư Maria lại xin Natasa ấn định cho một lúc nào để nàng được gặp Natasa một lần nữa.

Đọc xong bức thư, Natasa ngồi vào bàn để viết thư trả lời.

“Công tước tiểu thư thân mến” – Nàng viết rất nhanh như cái máy, và dừng bút lại. Nàng còn có thể viết tiếp những gì được nữa, sau những sự việc xẩy ra tối hôm qua? “Phải, phải tất cả những việc ấy đều đã xảy ra thật, và bây giờ thì khác hẳn rồi, – nàng ngẫm nghĩ trong khi ngồi trước bức thư viết dở. – Phải khước từ Andrey ư? Cần phải khước từ thật ư? Thật khủng khiếp?”. Và để khỏi nghĩ đến những điều ghê sợ đó, nàng sang buồng Sonya và hai người ngồi xem mẫu thêu.

Sau bữa ăn trưa Natasa về phòng và lại giở bức thư của nữ công tước Maria ra. “Chả nhẽ thế là hết ư? – Nàng thầm nghĩ. – Chả nhẽ những việc ấy diễn ra và vĩnh viễn phá tan những việc trước kia một cách nhanh chóng như vậy ư? Nàng đang xúc động nhớ lại tình yêu của nàng đối với công tước Andrey và đồng thời cũng cảm thấy mình yêu Anatol. Nàng hình dung thấy rõ nàng làm vợ công tước Andrey, nhớ lại những mơ ước được sống hạnh phúc bên công tước Andrey mà trí tưởng tượng của nàng đã bao lần vẽ ra, và đồng thời bồi hồi xao xuyến nhớ lại từng chi tiết buổi gặp Anatol tối hôm qua”.

Đôi khi, trong một trạng thái mê muội hoàn toàn, nàng thầm nghĩ: “Tại sao hai điều đó lại không thể đi đôi? Chỉ có thể như thế ta mới có thể có hạnh phúc thật sự, thế mà bây giờ ta phải chọn, và nếu thiếu một trong hai người ấy thì ta không thể nào có hạnh phúc được Dầu sao, nói cho công tước Andrey rõ những điều đã xảy ra hay giấu đi không cho chàng biết, đều không thể được cả. Còn với người kia thì chưa việc gì. Nhưng chả nhẽ ta phải từ bỏ vĩnh viễn cái hạnh phúc được yêu công tước Andrey sau bao lâu sống bằng hạnh phúc đó?”

– Thưa tiểu thư, – Một người đầy tớ gái bước vào phòng, nói thì thầm, vẻ bí mật. – Có một người bảo con chuyển lại. – Người đầy tớ gái đưa một phong thư cho Natasa. – Nhưng con van cô… – người đầy tớ gái nói thêm, trong khi Natasa không suy nghĩ, như cái máy, bẻ vỡ dấu gắn xi và đọc bức thư tình của Anatol. Nàng không hiểu trong thư nói những gì. Nàng chỉ hiểu rằng đây là bức thư của chàng, của người mà nàng yêu. Phải, nàng yêu, vì nếu không, làm sao những việc ấy lại có thể xẩy ra được? Sao lại có thể có một bức thư tình của chàng ở trong tay nàng?

Hai tay run lấy bẩy, Natasa cầm bức thư tình đầy những lời lẽ thắm thiết, nồng nhiệt do Dolokhov viết hộ cho Anatol, và khi đọc nàng như nghe tiếng vọng lại của những cảm xúc mà nàng cho là chính mình cảm thấy.

“Từ tối hôm qua số phận của tôi đã được định đoạt: hoặc được em yêu hoặc chết. Tôi không còn lối thoát nào khác”

Bức thư mở đầu như vậy. Sau đó có nói rằng chàng biết cha mẹ Natasa sẽ không bằng lòng gả nàng cho chàng, tức Anatol, sở dĩ như vậy là vì những lý do bí ẩn mà chàng chỉ có thể thổ lộ với riêng nàng thôi, nhưng nếu Natasa yêu chàng, thì nàng chỉ cần nói một tiếng có, là không còn một sức mạnh nào của loài người có thể cản trở hạnh phúc của hai người được nữa. Tình yêu sẽ thẳng tất cả. Chàng sẽ cướp nàng đi và đưa nàng rong ruổi đến tận chân trời góc bể.

“Phải, phải, ta yêu chàng!” – Natasa nghĩ. Nàng đọc lại bức thư đến hai chục lần và cố tìm trong từng chữ một ý nghĩa gì đặc biệt sâu sắc.

Tối hôm ấy bà Maria Dmitrevna đến nhà ông bà Arkharov và rủ hai cô con gái cùng đi với bà. Natasa cáo nhức đầu xin ở nhà.

Chọn tập
Bình luận