– Thế nào, có kháu không? Này cái cô mặc áo hồng của tôi ấy mà, tuyệt lắm cậu ạ, nàng tên là Dunyasa… – Ilya đang nói, nhưng chợt trong thấy vẻ mặt Roxtov liền im bặt. Chàng hiểu rằng vị anh hùng và người thủ trưởng của chàng đang có một tâm trạng khác hẳn.
Roxtov lườm Ilya một cái, vẻ tức giận, không trả lời và đi nhanh về phía làng.
– Được rồi ta sẽ cho chúng một mẻ, để chúng biết rõ ta là người thế nào. – Chàng tự nhủ.
Theo chàng ra, Alpatyts phải xoạc cẳng bước thật dài để cho khỏi chạy, nhưng vất vả lắm mới theo kịp chàng.
– Thưa ngài quyết định như thế nào ạ? – Khi đuổi kịp chàng, Alpatyts hỏi.
Roxtov dừng lại, nắm chặt hai bàn tay bước đến trước mặt Alpatyts, vẻ dữ tợn.
– Quyết định à? Quyết định gì! Lão bợm già – chàng quát vào mặt lão – Ngươi không thể mở mắt ra hay sao? Hả? Bọn thôn dân nổi loạn mà ngươi không đẹp được à? Ngươi cũng là một tên phản chủ: Ta thừa biết bọn ngươi, ta thì ta lột da tất… – Rồi dường như sợ lãng phí hết cơn thịnh nộ cần để dành, chàng bỏ Alpatyts và đi nhanh về phía làng.
Alpatyts nuốt giận, xoạc cẳng bước theo và tiếp tục bày giải ý mình. Lão nói rằng nông dân lúc này rất bướng, mà bây giờ chống lại họ mà không cần viện đến quân đội là dại dột, rằng tốt hơn cả có lẽ là sai người đi tìm quân đội đã.
– Ta sẽ cho chúng nó thấy thế nào binh lực… Ta sẽ cho chúng một bài học. – Nikolai nhắc đi nhắc lại không biết là mình nói gì, nổi khùng lên trong một cơn giận vô lý, đầy thú tính, dâng lên tắc nghẹn cả cổ, và cần phải được trút ra ngoài. Không tự hỏi là mình sắp làm gì, như một cái máy, chàng cương quyết tiến nhanh về phía đám đông. Và chàng càng đến gần thì Alpatyts càng cảm thấy là hành động vô lý của chàng có thể có kết quả tốt, trong đám đông, nông dân trông thấy dáng đi thoăn thoắt và mạnh mẽ với vẻ mặt hằm hằm quả quyết của chàng, cũng cảm thấy thế. Lúc này, khi bọn Roxtov vào làng và khi chàng vào gặp công tước tiểu thư, trong đám nông dân đã nảy ra những ý kiến bất đồng và đã có vé bối rối hoang mang. Có người nói mấy người mới đến là người Nga và họ có thể nổi giận vì nông dân không để cho tiểu thư đi. Dron cũng đồng ý như thế, nhưng vừa nói ra thì Karp và mấy người nông dân khác đã xông đến.
– Mày thì bao nhiêu năm mày đã hút máu dân làng – Karp quát lên – Đối với mày thì thế nào chẳng được! Mày chỉ việc đào cái hầm của lên rồi thì cút; chúng nó tàn phá nhà cửa chúng tao thì cũng chẳng việc gì với mày cơ mà!
– Người ta bảo là phải có trật tự – một người khác kêu lên – là không ai được bỏ nhà đi nơi khác, là không được mang gì đi cả, chỉ thế thôi.
Bỗng một ông lão bé nhỏ cũng xông vào mắng Dron một thôi:
– Con trai mày đến lượt phải đi lính, thế mà mày giấu biến cái thằng bé nhà mày đi; mày bắt thằng Vanka nhà tao cạo đầu đi lính. Chà, cả bọn ta cũng chết tuốt hết thôi!
– Ừ! rồi chúng mình cũng chết hết mất thôi.
– Tôi có bỏ rơi bà con trong thôn đâu – Dron nói.
– Ôi dào, không bỏ! Mày sống no nê, bụng đã phệ ra rồi còn gì.
Hai người nông dân cao lêu nghêu mải nói chuyện đằng phía họ. Khi Roxtov, có Ilya, Lavluska và Alpatyts đi theo, đến gần đám đông, Karp liền bước ra, miệng mỉm cười, hai tay đút vào thắt lưng. Dron thì trái lại, lẻn ra các hàng sau; đám nông dân thì đứng sát vào nhau.
– Ê bọn kia! Đứa nào là trưởng thôn? – Roxtov bước nhanh đến quát.
– Trưởng thôn à? Muốn gì trưởng thôn? – Karp hỏi lại.
Nhưng hắn ta chưa nói xong câu thì cái mũ đã bay lên không, và đầu hắn ta choáng váng đi vì một cái tát dữ dội.
– Bỏ mũ xuống, quân phản bội! – Roxtov quát, giọng giận dừ vang lên sang sảng. – Trưởng thôn đâu?
– Trưởng thôn, người ta hỏi trưởng thôn… – Lác đác có mấy tiếng nói vội vã, – Dron Zakharyts, người ta gọi kia kìa – và mọi người lần lượt bỏ mũ xuống.
– Chúng tôi không có quyền nổi loạn – Karp nói – Chúng tôi vẫn tuân theo mệnh lệnh.
Đồng thời ở những hàng cuối có mấy người cùng nói một lúc:
– Bà con chỉ làm theo như các cụ già đã quyết định, các vị chức trách các ngài nhiều lắm…
Roxtov túm lấy cổ áo Karp, gầm lên, lạc cả giọng. – Trói nó lại, trói nó lại!
Chàng thét lên, tuy ngoài Lavruska và Alpatyts chẳng có ai để đến trói cả.
Lavruska cũng chạy đến, nắm hai tay Karp bẻ quặt ra sau lưng.
Có phải gọi thêm quân ta dưới kia lên không? – Hắn hỏi.
Alpatyts gọi tên hai nông dân, chỉ định họ ra giúp Lavruska trói Karp. Họ ngoan ngoãn ra khỏi đám đông và tháo dây thắt lưng ra.
– Trưởng thôn đâu? – Roxtov lại thét.
Dron, mặt nhăn nhó và tái mét, bước ra khỏi đám đông.
– A mày là trưởng thôn à? Trói nó lại, Lavruska – Roxtov quát làm như mệnh lệnh ấy cũng chẳng có thể gặp một trở ngại nào cả.
Quả nhiên thêm hai người nông dân nữa đến trói Dron, mà chính lão ta cũng tự tháo thắt lưng ra đưa cho họ.
– Còn các người thì nghe đây – Roxtov bảo nông dân – Giải tán ngay tức khắc, ai về nhà nấy và không một đứa nào được lải nhải gì nữa, rác tai ta. Nghe chưa?
– Thì bà con có gì bậy đâu. Chỉ vì ngu ngốc thôi. Chỉ là chuyện dại dột thôi mà… tôi bảo như thế là không đúng mà. – Tiếng nói nhao nhao trách móc lẫn nhau.
– Ta đã bảo mà – Alpatyts được thể giành lại ưu thế. – Thế là không đúng, các chú hiểu chưa!
– Chỉ vì chúng tôi ngu xuẩn, ông Yakob Alpalyts – có tiếng đáp lại rồi đám đông giải tán ngay và tản vào trong thôn.
Họ dẫn hai người bị trói vào trang viên. Hai lão say rượu cũng đi theo.
– Nào, yên ta ngắm cậu tí – một lão bảo Karp.
– Này, ăn nói với chủ như thế à? Cậu nghĩ thế nào thế?
– Đồ ngốc, – lão kia lại nhấn mạnh thêm – Thằng ngốc chính hiệu.
Hai giờ sau, xe đã đỗ cả trong sân. Nông dân vui vẻ khuân hành lý của chủ nhà ra xếp lên, và Dron, được công tước tiểu thư xin tha ra khỏi buồng giam, đang sai bảo họ.
Một người nông dân cao lớn, mặt bầu bĩnh và tươi cười đón một cái tráp nhỏ từ tay một người nữ tỳ, nói:
– Ấy đừng để thế. Cái này cũng đáng tiền chứ! Không phải cứ ném bừa lên hay nhét cố vào dưới sợi thừng mà được đâu, nó tróc sơn đi chứ. Tôi chả ưa cái lối làm ăn như thế. Việc gì cũng phải làm cho đúng đắn, theo đúng luật. Thế được đấy, để hộ mình xuống dưới chiếc chiếu, rồi phủ cỏ khô lên trên tí, ấy thế là tốt.
Một người khác khuân sách trong thư viện của công tước Andrey ra:
– Ôi chao, bao nhiêu là sách. Kìa, đừng làm vướng người ta.
– Nặng ơi là nặng, các cậu ạ sách thật ra sách.
Anh nông dân cao lớn mặt tròn, nháy mắt ra hiệu, chỉ những quyển tự điển nằm ở phía trên nói:
– Ồ những người viết ra các sách này ấy mà, họ chả ăn không ngồi rồi tí nào nhỉ!
Roxtov không muốn công tước tiểu thư phải tiếp mình, nên không trở lại gặp nàng mà cứ ở trong làng đợi cho đến lúc nàng lên đường. Khi đoàn xe chuyển bánh chàng cũng lên ngựa đi theo cho đến đường cái, nơi có quân ta đóng, cách Bogutsarovo mười hai dặm đến quán trọ ở Yankovo, chàng cung kính cáo từ và lần đầu tiên dám hôn tay nàng.
Khi công tước tiểu thư Maria cảm ơn chàng đã cứu mình (như lời nàng nói), Roxtov đỏ mặt đáp:
– Tiểu thư dạy quá lời, ở vào địa vị chúng tôi, người hiến binh nào mà chẳng làm như thế. – Chàng lúng túng muốn kiếm cách lái câu chuyện sang hướng khác, bèn nói tiếp – Nếu chúng tôi chỉ phải đánh nhau với nông dân thôi thì chúng tôi đã không để cho giặc tiến sâu như vậy. Tôi chỉ sung sướng là được dịp biết tiểu thư. Xin từ biệt công tước tiểu thư, chúc tiểu thư được khuây khoả, được hạnh phúc và mong lại được gặp tiểu thư trong hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Nếu tiểu thư không muốn làm cho tôi hổ thẹn thì xin tiểu thư đừng nói chuyện ơn huệ gì cả.
Nhưng nếu công tước tiểu thư không cảm tạ chàng bằng lời nói nữa, thì nàng lại cảm tạ chàng bằng tất cả vẻ mặt sáng bừng lên vì lòng biết ơn và tình trìu mến. Nàng không thể tin rằng nàng không có bổn phận cảm ơn chàng. Trái lại, nàng biết chắc, không chút nào hồ nghi, rằng nếu không có chàng đến thì nàng đã là nạn nhân của đám nông dân rối loạn và của quân Pháp rồi, và nàng cũng tin rằng vì cứu nàng mà chàng đã phải dấn thân vào những nguy hiểm rõ rệt và ghê gớm nhất. Nàng lại càng tin chắc rằng chàng là một người có tâm hồn cao quý, đã hiểu thấu tình cảnh và nỗi khổ của nàng.
Khi nàng nói đến nỗi tang tóc của mình và không cầm được nước mắt, thì đôi mắt hiền lành, thẳng thắn của chàng cũng rưng rưng, hình ảnh ấy đã khắc sâu vào tâm trí nàng.
Khi đã chia tay và còn lại một mình, công tước tiểu thư Maria bỗng thấy muốn khóc, và đây không phải là lần đầu tiên mà câu hỏi lạ lùng này được đặt ra cho nàng: mình yêu chàng chăng?
Trên đường đi Moskva, mặc dầu tình cảnh của công tước tiểu thư chẳng có gì vui, Dunyasa cùng ngồi xe với nàng cũng thấy nàng mấy lần ló đầu ra cửa xe, mỉm một nụ cười sung sướng và dìu dịu buồn.
“Nếu mình yêu chàng thì sao nhỉ?” – Công tước tiểu thư Maria vẫn tự hỏi như vậy.
Dù thẹn thùng đến đâu khi phải tự thú là mình đem lòng yêu dấu một người đàn ông mà có thể là người ta sẽ chẳng bao giờ yêu mình cả, nàng cũng tự an ủi với ý nghĩ là chàng sẽ chẳng bao giờ biết được điều ấy, và nàng cũng không có lỗi gì nếu cứ thầm lặng yêu chàng đến chọn kiếp, mối tình đầu tiên và cuối cùng của cuộc đời nàng.
Đôi khi nàng nhớ lại những cái nhìn, những lời nói, đến lòng trắc ẩn của chàng đối với nỗi đau khổ của nàng, và hình như hạnh phúc không phải là không có được. Và chính những lúc ấy, Dunyasa nhận thấy nàng nhìn qua cửa xe và mỉm cười.
“Bỗng nhiên chàng lại đến Bogutsarovo, và lại đúng vào lúc ấy!” – Công tước tiểu thư Maria thầm nghĩ. Và em gái chàng lại từ hôn với công tước Andrey” trong tất cả những việc này, nàng đều thấy như có ý muốn của thượng đế.
Về phần Roxtov, chàng mang theo một kỷ niệm rất êm dịu về công tước tiểu thư Maria. Mỗi lúc nhớ đến nàng, chàng thấy vui hẳn lên và mỗi khi các bạn nói đùa và trong khi đi kiếm cỏ ngựa, chàng đã vớ được một trong những tiểu thư có gia tài lớn nhất nước Nga, chàng lại nổi giận. Chàng nổi giận chính vì đã có những lúc, tuy không muốn chàng vẫn nghĩ đến một cuộc hôn nhân với tiểu thư Maria dịu dàng, đáng yêu và có một gia tài khổng lồ. Trong thâm tâm, chàng cũng không thể mong lấy một người vợ như thế, đám ấy sẽ làm cho bá tước phu nhân mẹ chàng rất sung sướng và cứu vãn cảnh sa sút của cha chàng, và hơn nữa – Nikolai cảm thấy như vậy – cũng sẽ đem hạnh phúc đến cho tiểu thư Maria nữa. Nhưng còn Sonya? Và lời chàng đã hứa? Chính vì vậy mà Roxtov phật ý một khi bè bạn đùa chàng về công tước tiểu thư Maria.
Luật hôn nhân của giáo hội Chính giáo Nga cấm những gia đình đã thông gia với nhau một lần rồi lại gả con cái cho nhau lần nữa, vì xem người hai họ là bà con với nhau rồi. Ở đây nếu Natasa không từ hôn với Andrey thì Maria không thể nào lấy Nikolai được, vì hai người đã phái xem nhau là anh em họ rồi.