Quân đội Nga rút từ Borodino đến đóng ở Fili. Yermolov vừa cưỡi ngựa đi xem địa thế về, đến gặp vị tổng soái nói: – Không thể nào chiến đấu trên địa thế này được. Kutuzov ngạc nhiên nhìn ông ta và bảo ông ta nhắc lại câu vừa nói. Nghe xong, Kutuzov chìa tay ra bảo: – Anh đưa tay đây tôi xem nào, – Kutuzov nói đoạn cầm lấy tay Yermolov để bắt mạch, rồi tiếp: – Anh ốm rồi đấy anh bạn ạ. Bận sau nói gì phải suy nghĩ nhé.
Trên đồi Poklonny, cách cửa ô Dorogomilov sáu dặm, Kutuzov xuống xe và đến ngồi trên một chiếc ghế dài bên vệ đường. Một đám tướng tá rất đông xúm lại quanh ông. Bá tước Raxtopsin mới ở Moskva đến cũng nhập bọn với họ. Cả đám người sang trọng ấy phân ra làm mấy nhóm, đang bàn tán về những lợi hại của địa thế, về vị trí các đạo quân, về các kế hoạch được đề ra, về tình hình Moskva, về các vấn đề quân sự nói chung. Mọi người đều cảm thấy rằng đây là một phiên họp hội đồng quân sự, tuy không ai nói rõ như vậy, và tuy họ được triệu tập đến đây cũng không phải để họp hội đồng quân sự.
Nhưng câu chuyện vẫn xoay quanh các vấn đề chung. Nếu có ai cho biết hay hỏi han những tin tức cá biệt, thì cũng chỉ nói thì thầm rất khẽ, rồi lại chuyển ngay sang các vấn đề chung chung; trong đám người đó không hề thấy có ai nói đùa hay cười cợt gì cả, dù chỉ là cười mỉm thôi cũng vậy. Rõ ràng là mọi người đều hết sức cố gắng có một thái độ xứng đáng với tình hình. Và trong khi nói chuyện với nhau, tất cả nhóm đều cố gắng nghe và thỉnh thoảng lại bảo nhắc lại một câu họ vừa nói, nhưng bản thân ông ta thì không góp chuyện và không phát biểu ý kiến gì cả.
Thường thường, sau khi nghe câu chuyện trao đổi trong một nhóm nào đấy ông ngoảnh mặt đi có vẻ thất vọng, dường như họ không nói đến những điều mà ông muốn biết. Nhóm thì bàn tán về địa thế đã chọn, phê phán chính cái địa thế đó thì ít, mà phê phán trí thông minh của những người đã chọn nó thì nhiều, một nhóm khác thì lại chứng minh rằng sai lầm là sai lầm từ trước kia; lẽ ra phải khai chiến cách đây ba hôm mới phải; một nhóm thứ ba thì bàn về trận đánh ở Xlanmanca mà một người Pháp mặc quân phục Tây Ban Nhan là Croxa vừa kể lại (cùng với một hoàng thân Đức phục vụ trong quân đội Nga, người Pháp này đang phân tích cuộc vây hãm thành Xaragossa có ý muốn đề nghị dùng chiến thuật ấy để phòng thủ Moskva). Trong nhóm thứ tư, bá tước Raxtopsin đang nói rằng ông ta sẵn sàng hy sinh tính mệnh dưới thành Moskva cùng với đội dân vệ, nhưng dù sao ông ta cũng không thể không phàn nàn rằng người ta đã không cho ông biết rõ tình hình, vì giá ông được biết từ trước, thì đâu đến nỗi như thế này. Nhóm thứ năm thì đang phô trương những tư tưởng chiến lược uyên thâm của mình, cho biết quân đội phải chuyển về hướng nào. Nhóm thứ sáu thì bàn toàn chuyện nhả. Gương mặt của Kutuzov mỗi lúc một thêm lo âu và phiền muộn. Qua tất cả những câu chuyện bàn tán qua lại ấy, Kutuzov chỉ thấy có một điều là không hề có một khả năng vật chất nào để phòng thủ Moskva, mà cái nghĩa trọn vẹn nhất của chữ này, nghĩa là đến cái mức mà giả sử có một vị tổng tư lệnh điên rồ nào ra lệnh xung trận, thì sẽ xảy ra một tình trạng hỗn loạn ghê gớm rốt cục trận đánh sẽ vẫn không diễn ra. Trận đánh sẽ không diễn ra bởi vì tất cả chỉ huy cao cấp không những đều cho rằng địa thế này không thể nào giữ được, mà trong khi nói chuyện họ lại chỉ bàn đến những việc sẽ xảy ra sau khi rút quân ra trận địa, trong khi chính họ cho rằng trận địa ấy không sao giữ nổi? Các sĩ quan chỉ huy cấp dưới, và ngay cả quân lính nữa (họ cũng biện luận), đều cho rằng vị trí này không thể giữ được, cho nên họ không thể chiến đấu trong khi đang tin chắc là sẽ thất bại. Nếu Benrigxen nằng nặc đòi giữ vị trí này và có những người còn bàn về chuyện ấy, thì vấn đề tự bản thân nó cũng chẳng còn có ý nghĩa nào nữa, mà chỉ là một cái cớ để gây gổ và kèn cựa nhau thôi.
Những điều đó Kutuzov hiểu cả.
Benrigxen, người đã chọn vị trí này, hăng hái phô trương lòng ái quốc Nga la tư của mình (mỗi lần nghe cái giọng ái quốc này Kutuzov không thể không cau mặt) và khăng khăng đòi giữ Moskva. Kutuzov thấy rõ như ban ngày cái thầm ý của Benrigxen nếu việc phòng thủ thất bại, thì sẽ đổ tội cho Kutuzov, là người đã đưa quân rút về đến tận dãy núi Vorobiov mà không mở một trận nào; nếu thắng lợi thì sẽ nhận công trạng về mình; còn nếu bị bác đi thì sẽ trút bỏ được trách nhiệm vể tội bỏ Moskva. Nhưng bấy giờ vị tướng già không bận tâm nghĩ đến những mánh khoé ấy. Ông còn mải nghĩ đến một vấn đề duy nhất và đáng sợ. Mà vấn đề đó thì ông chẳng nghe ai đưa ra một lời giải đáp nào cả. Bây giờ đối với ông chỉ có một vấn đề là: có phải chính ông ta đã để cho Napoléon tiến tận đến Moskva, và ta đã làm việc đó từ lúc nào? Việc đó được định đoạt từ lúc nào?
Phải chăng từ hôm qua, khi ta ra lệnh cho Plotov rút lui, hay là từ chối ngày hôm kia, khi ta ngủ gật và ra cho Benrigxen tuỳ tiện xử trí? Hay là từ trước nữa?. Nhưng cái việc khủng khiếp ấy định đoạt từ bao giờ, từ bao giờ? Thế nào cũng phải bỏ Moskva. Quân đội phải rút lui, ta phải ra lệnh rút lui”. Ông có cảm tưởng là cái lệnh kinh khủng này cũng chẳng khác nào từ bỏ chức vụ chỉ huy quân đội. Thế nhưng, không những ông thích quyền hânh và đã quen với quyền hành (hồi ông phục vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, danh vọng của công tước Prozorovxki làm cho ông bực tức), ông lại còn tin tin chắc rằng mình là con người tiến định để cứu nước Nga. và chỉ vì vậy mà ông ta đã được cử làm tổng tư lệnh theo ý nguyện của nhân dân và trái với ý nguyện của Sa hoàng. Ông tin chắc rằng trong hoàn cảnh khó khăn này chỉ có một mình ông có thể cầm đầu quân đội, rằng trong thiên hạ chỉ có một mình ông có thể không run sợ khi phải đương đầu với tướng Napoléon bách chiến bách thắng kia; và ông thấy kinh hãi khi nghĩ đến cái lệnh mà ông buộc lòng phải ban ra. Nhưng phải quyết định một cái gì chứ, phải chấm dứt những cái chuyện bàn tán ở xung quanh đi: những câu chuyện đó đã bắt đầu quá tự do.
Ông gọi các vị tướng thâm niên nhất lại, nói: – Trí óc của tôi, dù khôn dù dại, cũng chỉ biết mong chờ vào mình nữa mà thôi! Ông vừa nói vừa đứng dậy ra xe đi về Fili.