Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 11 – Chương 19

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Trong khi đó thì Moskva đã trống rỗng. Trong thành phố cũng hãy còn có người, một phần năm mươi trong số dân cư vân còn ở lại nhưng thành phố vẫn trống rỗng. Nó trống rỗng như một tổ ong đã mất chúa đang thoi thóp chết dần.

Trong một tổ ong đã mất con ong chúa rồi thì không còn có sự sống nữa, nhưng nếu chỉ nhìn hời hợt bên ngoài thì nó cũng có vẻ sinh động như những tổ khác.

Dưới những tia nắng nóng ran của mặt trời buổi trưa, ong vẫn bay lượn thành vòng quanh cái tổ mất chúa, cũng như quanh các tổ ong còn sống; từ xa cũng ngửi thấy mùi mật trong tổ đưa ra, những con ong thợ vẫn bay ra bay vào như cũ. Nhưng chỉ cần ghé mắt nhìn kỹ vào tổ cũng đủ hiểu rằng ở đấy không còn có sự sống nữa.

Ong tuy có bay nhưng không phải như là ở các tổ còn sống, mùi mật và tiếng vo ve cũng chẳng phải là cái mùi mật và cái tiếng vo ve bình thường, khiến người nuôi ong phải kinh ngạc, khi người nuôi ong gõ vào vách cái tổ ong có bệnh, thì không hề nghe tiếng vo ve đều đều lập tức đáp lại như trước kia, tiếng của hàng vạn con ong chồng ngược thân sau lên và phẩy cánh vù vù gây nên cái âm thanh nhẹ nhàng như hơi thở của sự sống. Ở đây chỉ có những tiếng vù vù rời rạc, mỗi tiếng một phách, từ góc này góc khác của tổ ong trống rỗng phát ra. Từ cửa tổ không còn phảng phất cái mùi thơm ngát, nồng sâu của mật ong và nọc ong, không còn toả ra cái hơi ấm của sự no đủ như trước nữa; mà trong mùi mật có lẫn cả cái mùi của sự trống trải cả tan rữa. Ở cửa tổ không còn có những quân canh mẫn cán cong đít lên sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tổ quốc. Không còn cái âm thanh khe khẽ và đều đều như tiếng nước sôi báo hiệu công cuộc lao động rầm rộ tiến hành, chỉ nghe có tiếng ồn ào rời rạc, lạc điệu của cảnh hỗn độn. Những con ong kẻ cướp mình đen và dài bê bết những mật bay ra bay vào một cách rụt rè mà khéo léo; chúng không đốt người, mà lại lẩn tránh nguy hiểm.

Trước kia chỉ có những con ong mang nhuỵ hoa bay vào tổ, còn những con bay ra thì bay mình không; bây giờ thl những con bay ra cũng mang mật theo ra. Người nuôi ong mở ngăn dưới của tổ ong ra xem. Trước kia những đám ong đen kịt, bỗng đầy mật, yên tĩnh vì đã làm được việc nhiều, chân con này bám vào chân con kia thành chùm treo xuống tận đáy, những con ong bò đi kéo sát trong tiếng rì rào không ngớt của lao động, thì bây giờ chỉ còn thấy những con ong khô héo, ngái ngủ, vật vờ đi lang thang trên thành và trên đáy tổ. Trước kia tấm sàn phết nhựa được cánh ong quạt sạch bóng, thì nay trên sàn ngổn ngang những mảnh sáp, những mảnh cứt ong, những con ong chết dở chỉ còn khẽ cựa chân và những con ong đã chết hẳn còn bỏ đó.

Người nuôi ong mở ngăn trên ra xem. Trước kia từng đãy ong dày đặc bịt kín tất cả các ngăn mật và sưởi ấm cho trứng ong, thì bây giờ chỉ thấy cái cơ cấu tinh vi phức tạp của các ngăn sáp, nhưng không còn cái vẻ trinh bạch như cũ nữa. Tất cả đều bị bỏ lại và đã ô uế. Những con ong đen kẻ cướp lấm lét trườn đi rất nhanh trên các công trình cũ; những con ong nhà, khô héo, teo tóp, uể oải như già cỗi hẳn đi, lê bước chậm chạp, không làm vướng ai, không còn mong muốn gì nữa và đã mất hết ý thức về cuộc sống.

Những con ong vẽ, ong bầu, những con nhặng và những con bươm bướm bay quờ quạng húc đầu vào vách tổ. Đây đó, giữa các bánh sáp lác đác những con ong con đã chết và những đám mật, thỉnh thoảng lại nghe những tiếng vù vù bất mãn; ở đâu đấy hai con ong theo thói quen cũ đang dọn tổ, chúng cần thận cố sức kéo lê một cái xác ong hay một con nhặng chết ra ngoài tuy cũng chẳng biết để làm gì. Trong một góc khác hai con ong già uể oải đánh nhau, hoặc chuốt mình cho sạch, hoặc mớn cho nhau ăn, tuy cũng chẳng biết mình làm như vậy là có ý thân thiện hay thù địch. Ở một chỗ thứ ba, một đám ong xéo cả lên nhau ùa vào đánh túi bụi một con bọ cho kỳ chết. Thỉnh thoảng một con ong đã mệt lả hay bị giết chết từ từ rơi xuống đống xác chết, nhẹ như một chiếc lông tơ. Người nuôi ong giở hai bánh sáp ở giữa ra để xem tổ trứng. Trước kia hàng ngàn con ong quay lưng vào nhau bày thành những vòng tròn đen kịt bảo vệ những điều bí ẩn tối cao của sự sinh nở, thì nay chỉ thấy vài trăm cái xác ong rầu rĩ, chết dở vẻ mụ mẫm. Chúng đã chết gần hết, mà không hay biết gì, chúng ở lại trong ngôi miếu linh thiêng mà trước kia chúng đã bảo vệ và ngày nay không còn nữa, chúng toả ra một mùi thối rữa và chết chóc. Chỉ còn một vài con nhúc nhích, nhổm dậy, bay vật vờ và đậu lên tay kẻ thù ấy và đồng thời, tự hy sinh. Những con kia chết hẳn, chúng từ từ rơi xuống đáy tổ như những chiếc vẩy cá, người nuôi ong đóng ngăn lại, lấy phấn đánh dấu cái tổ hỏng để sẽ đạp vỡ và thiêu huỷ nó đi.

Moskva cũng trống trải như vậy khi Napoléon, mệt mỏi, lo lắng và cau có, đang đi đi lại lại trước bức thành của toà Kamer Kokesxki, chờ đợi cái dấu hiệu của việc tôn trọng nghi thức tuy chỉ là bề ngoài, nhưng theo quan mệm của ông ta thì rất cần thiết: đoàn đại biểu.

Trên các nẻo đường, trong các xó xỉnh của thành Moskva chỉ còn những cử động một cách vô nghĩa, tuân theo những tập quán cũ và không hiểu mình đang làm gì.

Khi người ta đã báo tin cho Napoléon với tất cả sự thận trọng cần thiết rằng Moskva trống rỗng, ông ta giận dữ đưa mắt nhìn người đến báo tin rồi quay phắt đi và lặng lẽ tiếp tục đi đi lại lại.

– Đưa xe lại đây, – ông ta nói.

Napoléon bước lên xe ngồi cạnh viên sĩ quan hành định trực nhật và đi vào khu ngoại ô.

“Moskva không người. Thật là một sự việc khó tin” – Ông tự nhủ thầm. Ông ta không đi thẳng vào thành phố, mà lại đỗ lại một quán trọ ở ô Dorogomilov.

Đòn kịch đột biến đã thất bại?

Chọn tập
Bình luận