Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 11 – Chương 27

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Piotr đã đinh ninh tự nhủ rằng từ bây giờ cho tới khi hoàn thành ý định chàng sẽ không để lộ tên họ mình ra và cũng sẽ giấu kín không cho ai biết là chàng biết tiếng Pháp. Chàng đứng bên cánh cửa hé mở trong dãy hành lang, định là hễ quân Pháp vào thì sẽ lánh mặt ngay. Nhưng quân Pháp đã vào mà Piotr vẫn đứng yên ở cửa: một sự tò mò không sao khắc phục nổi đã giữ chàng lại.

Cả thảy có hai người Pháp. Người thứ nhất là một viên sĩ quan; một người cao lớn, xốc vác và đẹp trai, người kia chắc là mộ người lính hay một người cần vụ vì đấy, dáng người thấp bé, gầy gò nước da đen sạm, má hóp, vẻ mặt ngờ nghệch. Viên sĩ quan chống một chiếc can đi khập khiễng bước vào hành lang. Đi vào được mấy bước, viên sĩ quan như đã yên chí rằng đây là một chỗ ở tốt, bèn dừng lại, quay về phía hai người lính đang đứng ở phía ngoài cổng, lớn tiếng sai họ dắt ngựa vào. Làm xong công việc đó, viên sĩ quan đưa tay lên sửa lại bộ ria, khuỷu tay khuỳnh ra trông rất ngang tàng, rồi đưa bàn tay chạm vào vành mũ.

– Chào tất cả! – viên sĩ quan mỉm cười nói, đưa mắt vui vẻ nhìn quanh.

Không ai đáp lại một tiếng. Viên sĩ quan quay sang nhìn Geraxim hỏi:

– Ông là chủ nhà phải không?

Geraxim sợ sệt và bỡ ngỡ nhìn viên sĩ quan.

– Quắc-tia, quắc-tia(1), chỗ ở ấy mà – viên sĩ quan nói, miệng mỉm một nụ cười hồn hậu và ra vẻ bề trên, đưa mắt xuống ông già thấp bé. – Người Pháp rất hiền lành. Có quái gì đâu nào! Thôi đừng giận, ông bạn già nhé! – viên sĩ quan vừa nói thêm vừa vỗ vai Geraxim bấy giờ lặng thinh, có vẻ hoảng sợ.

– Chà! thế ra trong cửa hiệu này không có ai biết nói tiếng Pháp à? – Người Pháp nói thêm, đưa mắt nhìn quanh và bắt gặp đôi mắt của Piotr, Piotr vội lảng đi.

Viên sĩ quan lại quay về phía Geraxim, bảo hắn ta dẫn hắn đi xem các phòng trong nhà.

– Ông chủ, không có lớ, tôi, không hiểu lớ. – Geraxim nói, ý chừng lão cho rằng nói trọ trẹ đi như vậy thì người Pháp kia may ra mới hiểu.

Viên sĩ quan Pháp mỉm cười xòe hai bàn tay ra khua khua trước mũi Geraxim để tỏ ra rằng hắn ta cũng chẳng hiểu gì nốt rồi khập khiễng bước về phía cánh cửa có Piotr đứng.

Piotr đã toan lẩn đi, nhưng ngay lúc ấy chàng trông thấy Makar Alekxeyevich tay cầm súng ngắn từ cửa nhà bếp lù lù bước ra. Với cái vẻ tinh quái của một người điên Makar Alekxeyevich đưa mắt nhìn viên sĩ quan Pháp từ đầu đến chân rồi giơ súng lên nhằm.

– Xung phong! – Người say rượu quát to và luồn ngón tay vào bấm cò. Viên sĩ quan Pháp nghe tiếng quát giật mình quay lại, và cũng ngay lúc ấy Piotr đã lao người vào Makar Alekxeyevich. Trong khi Piotr nắm lấy khẩu súng ngắn và nhấc bổng lên, người say rượu đã bấm trúng cò và một phát súng nổ choáng tai, khói thuốc bao bọc lấy mọi người. Người Pháp tái mặt đi và chạy ra cửa.

Quên mất ý định giấu không cho ai biết mình biết tiếng Pháp, Piotr giật khẩu súng ngắn vứt đi, và chạy lại gần viên sĩ quan nói với hắn bằng tiếng Pháp:

– Ông không bị thương chứ?

– Hình như không, – Viên sĩ quan vừa đáp vừa nắn nắn khắp người – nhưng lần này thì suýt nữa toi mạng – hắn nói thêm, tay chỉ vào chỗ vừa bị sứt ở trên tường, rồi đưa mắt nghiêm nghị nhìn Piotr, hắn hỏi – Người này là ai?

– Ồ tôi thật vô cùng ân hận về việc xảy ra, – Piotr nói nhanh, bây giờ chàng đã quên hẳn vai trò của mình. – Đó là một người điên, một người khốn khổ chẳng biết mình làm gì nữa.

Viên sĩ quan lại gần Makar Alekxeyevich và túm lẩy cổ áo hắn.

Makar Alekxeyevich, môi trề xuống, người lắc lư dựa vào tường, như người ngủ gật.

– Đồ kẻ cướp, mày sẽ biết tay tao – người Pháp bỏ tay ra nói – Người Pháp chúng tôi rất khoan hồng sau khi thắng trận, nhưng chúng tôi không dung thứ những kẻ phản trắc! – Hắn nói thêm, vẻ mặt trang trọng và nghiêm khắc, tay làm một cử chỉ cương quyết trông rất đẹp mắt.

Piotr tiếp tục dùng tiếng Pháp xin viên sĩ quan đừng chấp làm gì một kẻ điên rồ say rượu. Người Pháp lặng thinh nghe chàng nói, vẻ mặt lầm lầm vẫn không thay đổi, rồi bỗng mỉm cười ngoảnh về phía Piotr, im lặng nhìn chàng một lát. Trên gương mặt tuấn tú của hắn hiện lên một sắc thái dịu dàng rất bi kịch. Hắn chìa tay ra.

– Ông đã cứu sống tôi! Ông là người Pháp – Hắn nói.

Đối với mỗi người Pháp, đó là một kết luận chắc chắn không còn phải nghi ngờ gì nữa. Chỉ có một người Pháp mới có hành động cao cả được, mà cứu sống hắn, là M. Rambal, đại uý của trung đoàn khinh binh thứ mười ba, chắc chắn phải là hành động cao cả nhất.

Nhưng mặc dù cái kết luận ấy thật không còn có thể nghi ngờ gì nữa, viên sĩ quan một mực tin chắc như vậy, Piotr vẫn thấy cần làm cho hắn ta vỡ mộng.

– Tôi là người Nga! – Chàng nói nhanh.

– Ô chà chà, thôi xin ông, – người Pháp vừa nói vừa giơ ngón tay lên khua khua trước mũi. – Chốc nữa ông kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện nhé. Rất sung sướng được gặp một người đồng bang.

– Thế nào! Bây giờ ta xử trí người này ra sao? – Hắn nói thêm với Piotr, giọng đã thân mật như chỗ anh em.

Dù Piotr không phải là người Pháp thì một khi đã được nhận cái danh hiệu cao cả nhất trên đời này, chàng ta cũng không thể nào khước từ nó được, – giọng nói và vẻ mặt của viên sĩ quan Pháp biểu lộ rõ ràng ý nghĩ đó.

Piotr phân trần một lần nữa cho nên viên sĩ quan hiểu Makar Alekxeyevich là người thế nào, chàng cắt nghĩa rằng ngay trước khi họ đến, con người điên rồ và say rượu ấy đã lôi ở đâu ra một khẩu súng có nạp đạn, người nhà chưa kịp lấy lại thì họ đã vào, và chàng yêu cầu viên sĩ quan đừng trừng trị hành động đó. Người Pháp ưỡn ngực ra và dang tay làm một cử chỉ đế vương:

– Ông đã cứu sống tôi, ông là người Pháp, ông xin ân xá cho tên này? Tôi xin chiều ông. Quân bay đem tên kia đi!

Người Pháp nói nhanh, giọng cương quyết. Hắn khoác tay Piotr người đã được hắn phong là người Pháp vì đã cứu hắn thoát chết, và cùng đi với Piotr vào phòng trong.

Những người lính đợi ở ngoài sân nghe tiếng súng nổ chạy vào phòng ngoài hỏi xem có việc gì xảy ra, ra vẻ sẵn sàng trừng trị những kẻ thủ phạm; nhưng viên sĩ quan nghiêm nghị cản họ lại nói:

– Khi nào ta cần đến các chú, ta sẽ cho gọi.

Mấy người lính lui ra. Người lính cần vụ, lúc bấy giờ đã có đủ thì giờ vào thăm nhà bếp, lại gần viên sĩ quan nói:

– Thưa đại uý, trong nhà bếp có xúp và có đùi cừu ạ. Có phải dọn lên hầu ngài không ạ?

– Có cả rượu vang nữa nhé! – Viên đại uý nói trong gian phòng khách lớn, gian phòng đầu tiên hai người vào.

Khi Piotr khẳng định rằng chàng không phải là người Pháp, viên đại uý chắc hẳn là không hiểu nổi tại sao người ta lại từ chối một tước vị cao quý như vậy, liền nhún vai nói rằng chàng cứ khăng khăng nhất định bảo mình là người Nga thì thôi, cũng được nhưng hắn ta thì dù sao cũng vẫn biết ơn chàng trọn đời vì đã cứu mạng hắn.

Giả sử người Pháp này có khả năng hiểu biết ttình cảm của người khác và đoán được những cảm giác của Piotr thì có lẽ Piotr đã bỏ đi rồi; nhưng đằng này hắn không có lấy một chút khả năng thông cảm nào đối với những cái gì không phải là chính bản thân hắn ta và cái vẻ say sưa hồ hởi của hắn đã chinh phục được Piotr.

– Dù ông là người Pháp hay là một vị hoàng thân Nga ẩn danh, – người Pháp vừa nói vừa nhìn chiếc áo sơ mi tuy bẩn nhưng rất mịn của Piotr và chiếc nhẫn chàng đeo trên ngón tay, tôi cũng đã nhờ ông mà thoát chết và xin ông nhận cho tình bằng hữu của tôi. Một người Pháp không bao giờ quên một lời nhục mạ hay một công ơn. Xin ông vui lòng nhận tình cảm của tôi. Tôi chỉ muốn nói có thế thôi!

Giọng nói, vẻ mặt và cử chỉ của viên sĩ quan này có một cái gì hiền lành và cao thượng (theo cách quan niệm của người Pháp về chữ này) đến nỗi Piotr bất giác mỉm cười đáp lại nụ cười của người Pháp và khi hắn giơ tay ra chàng cũng bắt tay hắn.

– Đại uý Rambal thuộc trung đoàn khinh binh thứ mười ba đã được tuyên dương nhân trận mùng bẩy tháng chín – hắn tự giới thiệu với nụ cười tự mãn không sao kiềm chế nổi làm cho môi hắn cong lên dưới bộ ria mép. – Bây giờ xin ông cho tôi được rõ tôi đang được hân hạnh nói chuyện thú vị như thế này với ai, trong khi lẽ ra tôi đã phải nằm ở trạm cưu thương với viên đạn của thằng điên ấy trong người.

Piotr đáp rằng chàng không thể nói tên họ được, và đỏ mặt toan tìm cách bịa ra một cái tên nào đấy và giãi bày những lý do khiến cho chàng không thể nói rõ tên họ, nhưng người Pháp đã hối hả ngắt lời chàng:

– Thôi xin ông miễn cho! Tôi hiểu lý do của ông rồi: ông là một sĩ quan, sĩ quan cao cấp cũng nên. Ông đã cầm khí giới chống lại chúng tôi. Nhưng đó không phải là việc của tôi. Tôi đã nhờ ông mà thoát chết. Thế là đủ rồi. Tôi là người của ông. Ông là một quí tộc chứ? – hắn nói thêm, giọng hơi uốn cao lên như muốn hỏi. Piotr nghiêng đầu – Xin ông cho tôi biết lên rửa tội? Tôi không dám hỏi gì hơn. Ông Piotr ạ. Tốt lắm. Tôi chỉ cần biết có thế thôi.

Khi thịt cừu, chả trứng, ấm lò, vodka và rượu vang (chỗ rượu này họ đã lấy ở một hàng rượu Nga mang đến đây) đã được bày ra bàn. Rambal mời Piotr dự tiệc này và lập tức tự mình bắt tay vào ăn nhanh và rất ngon miệng, chứng tỏ mình là một người khỏc mạnh và đang đói, hàm răng lực lưỡng nhai ngấu nghiến, luôn luôn chép miệng và trầm trồ: “ngon quá, ngon tuyệt”. Mặt hắn ta đó bừng lên và lấm tấm mồ hôi. Piotr cũng đang đói nên vui lòng dự vào bữa ăn.

Morel, tên lính cần vụ, bưng lên một sóng nước nóng và ngâm chai rượu vang đỏ vào. Ngoài ra hắn lại mang đến một chai kvax(2) mà hắn đã lấy ở nhà bếp để nếm thử. Bây giờ quân lính Pháp đã biết đến thứ nước ngọt này và đặt tên cho nó là limonade de cochon (nước chanh của lợn). Morel khen lấy khen để chai limonade de cochon mà hắn đã tìm thấy trong nhà bếp. Nhưng vì viên đại uý đã có mấy chai rượu vang kiếm chác được khi đi lại trong thành Moskva, cho nên hắn nhường chai kvax cho Morel và tấn công vào chai Bordaux. Mambal lấy khăn bông cuốn vào cổ chai, rót rượu cho mình và Piotr. Khi cơn đói đã dịu bớt và hơi men đã bốc, viên đại uý càng thêm sôi nổi hoạt bát, suốt bữa ăn nói không ngớt miệng.

– Phải, ông Piotr thân mến ạ, đối với ông, tôi chịu một cái ơn rất lớn. Ông đã cứu tôi thoát khỏi tay cái thằng hoá dại kia. Ông ạ, người tôi ăn từng ấy đạn cũng đã đủ lắm rồi. Đây một viên này (hắn chỉ vào hông) Vagram và hai viên nữa ở Smolensk – hắn chỉ cái sẹo bên má. – Lại còn cái chân này nữa, ông cũng thấy đấy, nó chẳng buồn đi cho. Tôi bị vết thương này trong trận đánh lớn hôm mùng bảy bên sông Moskva. Mẹ kiếp, hùng vĩ thật! Phải biết, thật là một trận bão lửa. Các anh đã làm cho chúng tôi vất vả ra trò. Thật tình mà nói, quả các anh có thể tự hào về trận đó. Và mặc dù trong trận ấy tôi đã kiếm được cái này (hắn chỉ vào chiếc huân chương chữ thập), tôi vẫn sẵn sàng chơi lại một trận nữa. Tôi thương hại cho những kẻ nào không được dự trận vừa rồi.

– Tôi có dự trận ấy! – Piotr nói.

– Ô thật à! Thế thì càng tốt, – Người Pháp nói tiếp, – Các ngài thật là những kẻ địch cừ khôi chứ không phải vừa… Hoả điểm chính kháng cự dai thật đấy, bố khỉ, quả là ngài đã bắt chúng tôi trả bằng một giá rất dắt. Cứ như tôi đây, tôi cũng đã xông lên chiến luỹ ấy ba lần. Đã ba lần chúng tôi leo được lên mấy khẩu pháo rồi, và ba lần các ngài hất bật chúng tôi ra như những thằng người giấy. Ô, thật là đẹp mắt, ông Piotr ạ. Lính thủ pháo của các ngài cừ thật. Sáu lần liền tôi đã thấy họ dồn hàng lại đi đều như duyệt binh. Kền thật! Quốc vương thành Napoli của chúng tôi rất biết người biết của, ngài đã thốt lên: cừ quá! À! à! Ra ông cũng là quân nhân như chúng tôi à? – Hắn nói sau một phút im lặng. – Càng tốt, càng tốt ông Piotr ạ. Rất đáng sợ khi ra trận, rất lịch thiệp với mỹ nhân – hắn mỉm cười nháy mắt – Người Pháp là thế đấy, có phải không, hở ông Piotr?

Viên đại uý cởi mở, vui vẻ một cách ngây thơ và hồn hậu, lại có vẻ tự mãn một cách thật thà đến nôi Piotr suýt nháy mắt theo, trong khi đang vui vẻ nhìn hắn. Hình như chữ “lịch thiệp với phụ nữ” (galanl) khiến cho viên đại uý sực nhớ đến tình trạng thành Moskva.

– À này, ông ạ, có đúng là bao nhiêu phụ nữ đều đã bỏ đi cả rồi không? Lạ thật! Họ sợ cái gì kia chứ?

– Ví phỏng quân Nga tiến vào Paris thì phụ nữ Pháp dễ thương không bỏ đi hay sao? – Piotr nói.

– Ha ha ha! – người Pháp vui vẻ phá lên cười, tiếng cười của những người thịnh huyết, vừa cười vừa vỗ vỗ lên vai Piotr – Chà! Câu trả lời chúa thật. Paris ấy à? Nhưng mà Paris, Paris.

– Paris thủ đô của thế giới. – Piotr đỡ lời hắn.

Viên đại uý đưa mắt nhìn Piotr. Hắn có thói quen đang giữa chừng câu chuyện bỗng ngừng bặt và nhìn chằm chặp vào người tiếp chuyện với đôi mắt tươi cười và thân mật.

– Ấy đấy giá ông không nói với tôi rằng ông là người Nga, thì tôi đã tin chắc ông là dân Paris rồi. Ông có một cái gì tôi chả biết nói thế nào, một cái gí nó… – nói xong lời tán dương này, hắn lại im lặng đưa mắt nhìn Piotr.

– Tôi trước có ở Paris, tôi đã ở mấy năm. – Piotr nói.

– Ô, thảo nào! Paris. Làm người mà không biết Paris thì chẳng khác nào một thằng mọi. Một người Paris thì dù cách xa hai dặm cũng đánh hơi thấy được. Paris tức là Talma, là Duchesnois, là Pothier, là trường Sorbone (3), là các đại lộ, – và nhận thấy các đại lộ này không được tương xứng với các thứ kia, hắn vội vã nói thêm: – Trên đời này chỉ có một Paris mà thôi. Ông đã từng ở Paris nhưng vẫn là người Nga. Ấy thế nhưng tôi vẫn quý trọng ông như thường.

Vì ảnh hưởng của mấy cốc rượu vừa uống và sau những ngày sống cô độc với tư tưởng đen tối của mình, Piotr bất giác thấy thích thú trong khi ngồi nói chuyện với con người vui tính và thật thà này.

– Trở lại chuyện các cô các bà ở đây ấy mà, nghe đồn là họ đẹp lắm thì phải. Ai đời tự dưng lại đi rúc vào các thảo nguyên khi mà quân đôi Pháp đang ở Moskva. Họ đã lỡ một dịp may thật là hiếm có. Bọn mu-gich thì chả nói làm gì, chứ như các ông các bà là người văn minh lẽ ra phải hiểu chúng tôi hơn mới phải. Chúng tôi đã chiếm Viên, Berlin, Madrid, Napl, Rome, Varsava, tất cả các thủ đô trên thế giới, người ta sợ chúng tôi, nhưng cũng yêu mến chúng tôi. Hiểu biết chúng tôi cũng thú vị lắm chứ. Hơn nữa Hoàng đế…

Piotr ngắt lời hắn.

– Hoàng đế. – Piotr nhắc lại và gương mặt chàng bỗng lộ vẻ buồn rầu và ngượng ngập. – Liệu hoàng đế có…

– Hoàng đế ấy à? Người chính là độ lượng, là khoan hồng. Là công lý, là trật tự, là thiên tài, hoàng đế là như vậy đấy! Tôi đây là Rambal, tôi xin nói với ông như vậy. Tám năm trước đây tôi hãy còn là một kẻ thù của Người. Cha tôi là một bá tước lưu vong, nhưng con người ấy đã chinh phục được tôi. Người đã nắm được tôi. Tôi không sao cưỡng lại được, khi thấy cảnh tượng hùng vĩ và quang vinh mà người đã đem lại cho nước Pháp. Khi tôi đã hiểu ý chí của người, khi tôi đã thấy được rằng người đang làm cho chúng tôi một kiểu giường bằng nguyệt quê, ông ạ: tôi tự nhủ: đây là một đấng minh quân, và tôi đã đem mình hiến dâng cho người ấy thế đấy! Ồ đúng thế đấy ông bạn ạ, đó là con người vĩ đại nhất của những thế kỷ đã qua và sắp đến!

– Hiện nay Ngài có ở Moskva không? – Piotr hỏi, giọng ấp úng, vẻ mặt như người có lỗi.

Người Pháp nhìn vẻ mặt có lỗi của Piotr và mỉm cười.

– Không, mai người mới ngự vào thành, – Nói đoạn hắn lại tiếp tục kể chuyện huyên thiên.

Đang dở chừng câu chuyện thì có mấy người quát tháo ở ngoài cổng, rồi Morel vào bảo với viên đại uý là một đội phiêu kỵ Vurtemberg vừa mới đến, cứ muốn buộc ngựa ngay trong sân nhà này, tuy đã có mấy con ngựa của viên đại uý buộc ở đây. Sở dĩ việc đâm ra lôi thôi phần lớn là vì bọn lính phiêu kỵ không biết tiếng Pháp.

Viên đại uý cho gọi viên hạ sĩ quan cao cấp nhất trong bọn vào và lấy giọng nghiêm nghị hỏi hắn thuộc trung đoàn nào, ai chỉ huy, và hắn có quyền gì mà lại dám đến chiếm một chỗ đã có người chiếm từ trước. Tên lính Đức biết tiếng Pháp chẳng được bao lăm.

Nghe hai câu hỏi đầu, hắn nói tên trung đoàn và tên sĩ quan chỉ huy của hắn, nhưng đến câu hỏi sau cùng thì hắn chả biết gì cả. Hắn dùng tiếng Đức có chen những chữ Pháp nói sai bét trả lời rằng hắn là tiền trạm của trung đoàn và đã được lệnh của thủ trưởng chiếm lĩnh tất cả các nhà ở khu này. Piotr, vốn có biết tiếng Đức, dịch cho viên trung uý nghe những điều tên lính Đức vừa nói và dịch cho tên phiêu kỵ Vurtemberg nghe.

Khi hắn ta trở vào phòng, Piotr vẫn ngồi ở chỗ cũ, hai tay ôm đầu. Gương mặt chàng lộ vẻ đau khổ. Quả nhiên, trong giây phút ấy Piotr rất khổ tâm. Khi viên đại uý ra ngoài và Piotr ngồi lại một mình, chàng bỗng sực nhớ ra và nhận thức được tình cảnh của mình lúc bấy giờ. Moskva đã bị chiếm, và những kẻ chiến thắng diễm phúc kia đang hoành hành, lên mặt chủ nhà, và chính họ đang che chở cho chàng;

Mặc dù những điều đó rất khó chịu đối với Piotr, nhưng giò phút này cái làm cho chàng đau khổ không phải là những điều đó. Chàng đau khổ là vì thấy rõ mình yếu đuối quá. Vài cốc rượu, dăm ba câu chuyện với con người thật thà kia đã phá tan được cái tâm trạng đăm chiêu và u uất của chàng trong mấy ngày qua, một tâm trạng rất cần thiết cho việc thực hiện những ý định của chàng. Khẩu súng tay, con dao găm, bộ quần áo cải trang đã sẵn sàng, ngày mai Napoléon sẽ đến. Piotr vẫn thấy giết tên bạo tặc kia là một việc hữu ích và đáng trọng chẳng kém nào trước kia: nhưng bây giờ chàng cảm thấy rằng mình sẽ không làm việc đó. Tại sao? – chàng cũng chẳng biết nữa, nhưng chàng như cảm thấy trước rằng mình sẽ không thực hiện được ý định. Chàng cố gắng cự lại cái ý thức cho rằng mình yếu đuối, nhưng lại thấy lờ mờ rằng mình sẽ không đủ sức khắc phục nó, rằng vừa mới tiếp xúc với một anh cha căng chú kiết nào mà ý chí phục thù, ám sát và hy sinh trước đây của chàng đã đủ tiêu tan như mây khói.

Viên đại uý chân hơi khập khiễng huýt sáo khe khẽ, bước vào phòng.

Những câu chuyện gẫu của người Pháp lúc nãy chàng thấy là ngộ nghĩnh thì bây giờ chàng lại thấy nó khả ố quá. Và điệu hát mà hắn huýt sáo mồm, và cả dáng đi, điệu bộ, cả cái cử chỉ vân vê ria mép của hắn bây giờ Piotr đều thấy là những điều làm chàng xấu hổ.

“Ta sẽ đi ngay, ta sẽ không nói với hắn một lời nào nữa” Piotr suy nghĩ như vậy, nhưng vân ngồi ở chỗ cũ. Một cảm giác yếu đuối kỳ dị như đóng đinh chàng vào chiếc ghế. Chàng muốn đứng dậy bỏ đi nhưng không sao đứng dậy được.

Viên đại uý thì ngược lại, có vẻ rất vui. Hắn đi qua đi lại hai lượt trong gian phòng. Mắt hắn sáng long lanh, bộ ria khẽ nhích nhích lên như thể hắn đang cười tủm tỉm một mình về một ý nghĩ gì rất ngộ nghĩnh.

– Thú tuyệt, – hắn bỗng nói, – Viên đại tá của ta cái bọn Vurtemberg thú tuyệt! Lão ta là người Đức. Ấy thế mà lại rất tốt nhưng vẫn là người Đức.

Hắn ngồi xuống trước mặt Piotr.

– Này thế ra ông cũng biết tiếng Đức à?

Piotr lặng thinh nhìn hắn.

– Nhà cứu tế tiếng Đức nói thế nào nhỉ?.

– Nhà cứu tế à? – Nhà cứu tế tiếng Đức là Unterkunft.

– Ông bảo sao? – Viên đại uý hỏi lại rất nhanh, vẻ bỡ ngỡ.

– Unterkunft – Piotr nhắc lại.

– Onterkoff. – Viên đại uý nói đoạn đưa dôi mắt tươi cười nhìn Piotr một lát. – Người Đức họ ngốc ra trò, có phải không ông Piotr nhỉ? – Hắn kết luận. – Nào, làm thêm một chai Bordeaux Moskva nữa chứ? Morel đem hâm cho ta một chai nữa đi nào. Morel – viên đại uý vii vẻ cất tiếng gọi to.

Morel đem nến và rượu vang ra. Viên đại uý nhìn Piotr dưới ánh nến, và hình như lấy làm lạ vì vẻ mặt ủ dột của chàng, Rambal, vẻ buồn rầu và ái ngại thành thật, tiến lại gần Piotr và cúi xuống phía chàng.

– Thế nào anh bạn của tôi buồn à, – Hắn vừa nói vừa đặt tay lên cánh tay Piotr. – Hay tôi có điều gì làm anh phải phật ý, không, chắc anh có gì giận tôi thật rồi, – hắn hỏi lại. – Hay có lẽ vì tình thế hiện nay?

Piotr lặng thinh không đáp, nhưng dịu dàng nhìn thẳng vào mặt người Pháp. Vẻ ái ngại của hắn làm cho chàng thấy dễ chịu.

Xin lấy danh dự mà nói rằng dù không kể đến chuyện tôi chịu ơn ông nữa, tôi cũng vẫn thấy mến ông lắm. Ông có cần tôi giúp việc gì không? Xin ông cứ bảo. Sống chết tôi cũng xin hết lòng. Tôi xin để tay lên tim mà nói như vậy! – hắn vừa nói vừa vỗ tay lên ngực.

– Cám ơn ông, – Piotr nói. Viên đại uý nhìn Piotr chằm chằm, đúng như khi được biết nhà cứu tế tiếng Đức nói thế nào, và gương mặt hắn ta bỗng bừng sáng lên.

– À! Nếu vậy tôi xin nâng cốc mừng tình bạn của chúng ta – hắn vui vẻ reo to và rót hai cốc rượu vang.

Piotr cầm lấy cốc rượu và uống cạn Rambal cũng uống cạn cốc của mình, bắt tay Piotr một lần nữa và chống khuỷu tay lên bàn, trong một tư thế u hoài và tư lự.

– Phải, bạn ạ, những cảnh xoay vần bất ngờ của số mệnh là thế đấy. Xưa kia có ai dè rằng tôi là một quân nhân và là một đại uý long kỵ trong quân đội của Bonaparte như hồi đó chúng tôi vẫn gọi Người. Ấy thế mà giờ dây tôi đang ở Moskva với Người. Bạn thân mến ạ. – hắn nói tiếp với cái giọng buồn buồn và đều như khi sắp kể một câu chuyện rất dài, – cần phải nói để bạn rõ rằng dòng họ chúng tôi là một dòng quý tộc lâu đời vào bậc nhất ở Pháp. – Và với thái độ cởi mở dễ dàng và ngây thơ mà người Pháp vốn có, viên đại uý kể cho Piotr nghe chuyện các tổ tiên của hắn ta, liệt kê tất cả các bà con họ hàng, các quan hệ tài sản và gia đình. – Cố nhiên “bà mẹ đáng thương của tôi”: đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện này. Nhưng tất cả những thứ đó chỉ mới là sự dàn cảnh của cuộc đời, thực chất của nó là ái tình kia. Ái tình! Có phải không ông Piotr? – hắn càng nói càng hăng. – Thêm cốc nữa nhé!

Piotr lại uống cạn và rót cho mình một cốc nữa.

– Chao ôi! Đàn bà, đàn bà – và viên đại uý hai mắt sáng long lanh nhìn Piotr, bắt đầu nói về tình yêu và kể lại những chuyện yêu đương của mình. Những chuyện ấy rất nhiều. Cứ trông khuôn mặt bảnh bao và tự mãn của viên sĩ quan và vẻ hứng khởi hân hoan của hắn ta khi nói đến đàn bà cũng đủ có thể tin được điều đó. Mặc dầu tất cả những câu chuyện tình của Rambal đều có cái sắc thái sàm sỡ mà người Pháp vẫn thường xem là nhân tố tạo nên tất cả sức mê hoặc và thi vị của tình yêu, như một viên đại uý kể chuyện mình với một lòng tin chắc chắn rằng chỉ riêng hắn ta mới được nếm và biết hết những cái thú tuyệt vời của tình yêu, và mô tả phụ nữ một cách duyên dáng hấp dẫn đến nỗi Piotr cũng phải tò mò lắng nghe hắn ta.

Rõ ràng thứ ái tình mà người Pháp kia ưa thích say mê chẳng phải là thứ tình yêu hạ đẳng và đơn giản mà Piotr đã từng có đối với vợ chàng, cũng chẳng phải là thứ tình yêu lãng mạn của chàng đối với Natasa, một tình yêu mà chính chàng đang cố nhen lên, cả hai loại ái tình này Rambal đều khinh miệt như nhau – một loại là ái tình của bọn phu xe, loại kia thì lại là ái tình của những thằng ngốc, thứ ái tình mà người Pháp thời ấy thờ phụng chủ yếu xây dựng trên những quan hệ tự nhiên dối với phụ nữ và trên sự kết hợp những cách bố trí kỳ quặc gây thành sức hấp dẫn chính của tình cảm.

Chẳng hạn, viên đại uý kể câu chuyên tình lâm ly của hắn ta với một hầu tước phu nhân ba mươi lăm tuổi rất mực kiều diễm và đồng thời với cô con gái của phu nhân, một thiếu nữ mười bảy tuổi, ngây thơ và duyên dáng tuyệt vời. Cuộc tranh đua về lòng đại lượng giữa hai mẹ con rốt cuộc đi đến chỗ là người mẹ tự hy sinh, thuận lòng gả con gái cho tình nhân của mình. Mãi cho đến nay, cuộc tranh đua ấy tuy chỉ là một kỷ niệm xa xưa, nhưng vẫn làm cho viên đại uý xúc động. Sau đó hắn ta kể một câu chuyện trong đó người chồng đóng vai trò tình nhân, còn hắn ta (tức người tình nhân) thì lại đóng vai trò người chồng, và thêm nhiều mẩu chuyện buồn cười khác trong số các kỷ niệm đất Đức, nơi mà nhà cứu tế được gọi là Unterkunft, nơi mà các đức ông chồng ăn dưa bắp cải. Và là nơi mà tóc các thiếu nữ quá vàng.

Cuối cùng là câu chuyện xảy ra cách đây không lâu ở Ba Lan, hãy còn tươi rói trong ký ức của viên đại uý. Chuyện này hắn ta vừa kể vừa hoa tay lia lịa, mặt đỏ bừng lên: Hắn đã cứu sống một người Ba Lan (nói chung trong các câu chuyện của viên đại uý luôn luôn xảy ra những trường hợp cứu mạng như thế) và người Ba Lan này giao người vợ kiều diễm của mình (người thì Ba Lan nhưng tâm hồn thì lại là tâm hồn một cô gái Paris) cho hắn ta trông nom hộ, còn bản thân người kia thì tình nguyện xung vào quân đội Pháp.

Viên đại uý rất sung sướng, người thiếu nữ Ba Lan xinh đẹp muốn đi trốn với hắn ta; nhưng vì lòng đại lượng, viên đại uý đã trả vợ lại cho người Ba Lan, nói với anh chồng rằng: “Tôi đã cứu mạng cho ông, và bây giờ thì tôi cứu vớt danh dự của ông!”. Khi nhắc lại mấy lời này, viên đại uý dịu mắt và lắc mạnh cái đầu như đề xua đuổi một cảm xúc uỷ mị đang tràn vào lòng mình khi gợi lại những ỷ niệm động lòng ấy.

Trong lúc nghe viên đại uý kể chuyện, – những khi đêm đã khuya và có hơi men người ta vẫn thường thấy như vậy – Piotr theo dõi tất cả những điều viên đại uý nói, hiểu tất cả và đồng thời cũng lần theo dòng kỷ niệm riêng của mình, những kỷ niệm bỗng dưng hiện lên trong trí nhớ của chàng. Khi chàng nghe kể những câu chuyện tình ấy, chàng chợt nhớ lại tình yêu của mình đối với Natasa, và trong khi ôn lại những bức tranh của mối tình này chàng thầm so sánh những cảnh ấy với những câu chuyện của Rambal.

Lắng nghe chuyện đấu tranh giữa tình yêu và bổn phận, Piotr thấy hiện ra trước mắt cuộc gặp gỡ vừa rồi giữa chàng với người mà chàng yêu dấu ở gần tháp Xukharev. Hôm ấy, cuộc gặp gỡ không có ảnh hưởng gì trong lòng chàng; thậm chí chàng cũng không có lần nào nhớ lại cuộc gặp gỡ đó. Nhưng bấy giờ chàng lại có cảm tưởng rằng cuộc gặp gỡ vừa qua có một cái gì đầy ý nghĩa và rất nên thơ.

“Anh Piotr Kirilits, anh lại đây, tôi nhận ra anh rồi”, – Câu nói của Natasa như còn văng vẳng bên tai chàng, và đôi mắt, nụ cười, chiếc mũ chụp đi đường trường, món tóc xổ ra ngoài vành mũ hiện rõ cả trước mắt chàng, và chàng thấy tất cả những thứ đó có một cái gì cảm động lạ thường khiến lòng chàng lại dịu hẳn đi.

Kể xong câu chuyện về cô gái Ba Lan kiều diễm, viên đại uý hỏi Piotr xem chàng đã bao giờ có cái cảm giác của kẻ tự hy sinh vì tình yêu và lòng ghen ghét đối với người chồng hợp Pháp như vậy chưa.

Được câu hỏi này khích lệ, Piotr ngẩng đầu lên và thấy cần phải nói rõ những ý nghĩ đang khiến chàng bận tâm; chàng bắt đầu giãi bày rằng mình có một quan niệm hơi khác về tình yêu đối với phụ nữ. Chàng nói rằng suốt đời chàng chỉ yêu có một người đàn bà, nhưng người đàn bà ấy không bao giờ có thể là vợ chàng.

– Chà! – Viên đại uý nói.

Sau đó Piotr phân trần rằng chàng đã yêu người đàn bà ấy từ thời còn niên thiếu; vì nàng còn trẻ quá, còn chàng thì khi ấy chỉ là một đứa con bất hợp pháp chẳng có tên họ. Rồi về sau, khi chàng đã có tên họ và của cải, chàng cũng vẫn không dám nghĩ đến nàng, vì chàng yêu nàng quá, chàng đặt nàng cao hơn tất cả, và do đó, lại càng quá cao đối với bản thân chàng. Kể đến chỗ này, Piotr hỏi viên đại uý có hiểu điều đó không.

Viên đại uý làm một cử chỉ dù hắn ta hiểu chăng nữa cũng xin Piotr cứ kể tiếp cho.

– Tình yêu lý tưởng, mây mù… – Hắn lẩm bẩm. Không biết vì hơi men, hay vì đang cần thổ lộ, hay vì nghĩ rằng người này hiện không biết và sẽ không bao giờ biết được một nhân vật nào trong câu chuyện mình kể, hay vì tất cả những thứ đó gộp lại, Piotr nói rất tự do, chẳng giữ gin gì cả, đôi mắt mơ mộng nhìn vào cõi xa xăm, miệng dấp dính, Piotr lè nhè kể lại tất cả chuyện đời của mình: cuộc hôn nhân của chàng, chuyện Natasa yêu người bạn tốt nhất của chàng, chuyện nàng phản bội người yêu, và tất cả những mối quan hệ đơn giản giữa chàng và nàng. Được những câu hỏi của Rambal khích lệ thêm, chàng nói luôn cả những điều mà lúc đầu chàng đã giấu giếm, – Địa vị của chàng trong xã hội và thậm chí cả tên họ chàng nữa.

Trong câu chuyện củà Piotr kể, điều khiến cho viên đại uý kinh ngạc hơn cả là Piotr rất giầu, chàng có hai toà lâu đài ở Moskva mà lại ở lại trong thành phố, giấu kín tên họ và tung tích.

Đêm đã khuya khi họ cùng nhau bước ra phố. Đêm hôm ấy trời ấm áp và sáng sủa. Về phía bên trái ngôi nhà, trên trời hừng lên một ánh sáng mờ mờ: ánh lửa của đám cháy đầu tiên ở Moskva, bùng lên ở phố Pechovka. Về bên phải, vầng trăng lưỡi liềm treo cao trên nền trời, và ở phía đối diện với mặt trăng lơ lửng ngôi sao chổi vốn gắn bó với tình yêu của Piotr trong lòng chàng. Bên cổng, bác Geraxim, bà nấu bếp cùng đứng với hai người lính Pháp. Họ đang cười cười nói nói, mỗi đằng một thứ tiếng, chẳng hiểu nhau tí gì cả.

Họ nhìn cái ráng đỏ chập chờn trên thành phố. Một vụ cháy nhỏ ở xa trong một thành phố rộng lớn thì chẳng có gì là đáng sợ cả.

Nhìn bầu trời cao đầy sao, nhìn vầng trăng, ngôi sao chổi và ánh lửa mờ mờ, Piotr thấy lòng vui khấp khởi và đồng thời dịu lại. “Đấy, thế này cũng tốt quá rồi, còn cần gì hơn nữa?” – chàng thầm nghĩ. Và đột nhiên sực nhớ lại ý định của mình, chàng chợt thấy choáng váng khó ở đến nỗi chàng phải dựa vào hàng rào cho khỏi ngã.

Không cáo từ người bạn mới, Piotr loạng choạng rời cổng bước vào phòng, ngả lưng trên đi-văng và lập tức ngủ thiếp đi.

Chú thích:

(1) Quanter (tiếng Đức) hay kvartira (tiếng Nga) đều có nghĩa chỗ ở.

(2) Thứ nước giải khát làm bằng nước quả ép, vị hơi chua chua.

(3) François Joseph Talma, diễn viên bi kịch ưu tú của thời Napoléon(1763-1826)

Catherine Joséphine Duchesnois, nữ diễn viên bi kịch có tiếng (1777-1835)

Robet Joseph Pothier (1699 – 1772) nhà luật học: giáo sư và chánh án ở Orléant.

Tên trường thần học cao đẳng ở Paris, thành lập năm 1253, về sau là trường Đại học tổng hợp Paris.

Chọn tập
Bình luận