Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 12 – Chương 13

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Piotr bị giam trong lán bốn tuần lễ. Cùng ở đây có cả thảy hai mươi ba người lính, ba người sĩ quan và hai viên chức.

Về sau, khi Piotr hồi tưởng lại những ngày ấy, hình ảnh của tất cả những người đó hiện lên lờ mờ như trong đám sương mù, nhưng riêng Planton Karataiev thì vẫn mãi mãi còn lại trong lòng Piotr. Đối với chàng, đó là kỷ niệm sâu sắc nhất và thân yêu nhất, và là hiện thân của tất cả cái bản tính Nga, tốt đẹp, tròn trĩnh.

Sáng hôm sau lúc tờ mờ đất, khi Piotr trông thấy người bạn mới, cái ấn tượng đầu tiên của chàng hôm qua về một cái gì tròn trĩnh lại càng được củng cố thêm: tất cả là cái bóng dáng của Planton, trong chiếc áo khoác của Pháp thắt lưng bằng sợi dây thừng, với chiếc mũ lưới trai và đôi giầy tết bằng thớ vỏ cây, cả cái bóng dáng ấy có một vẻ gì tròn trĩnh khác thường; đầu Planton cũng tròn vo, lưng, ngực, vai và giầy tết bằng thớ vỏ cây, cả cái bóng dáng ấy có một vẻ gì tròn trĩnh khác thường; đầu Planton cũng tròn vo, lưng, ngực, vai và ngay cả đôi tay nữa – đôi cánh tay bao giờ cũng sắp sửa ôm một cái gì đều tròn trĩnh; nụ cười dễ chịu và đòi mắt to màu nâu dịu dàng của Planton cũng tròn.

Planton Karataiev chắc phải quá năm mươi tuổi; theo những câu chuyện bác ta kể về những chiến dịch đã từng tham gia từ hồỉ còn trẻ, có thể đoán chắc như vậy. Tự bản thân bác ta thì không biết và không sao có thể nói rõ mình bao nhiêu tuổi, nhưng răng bác ta, trắng bóng và rất chắc, luôn luôn vẽ thành hai hình bán nguyệt mỗi khi bật cười, (Planton rất hay cười) đều còn nguyên và cái nào cũng rất tốt, râu tóc bác chưa có sợi nào bạc; toàn thân bác lộ rõ vẻ dẻo dai và nhất là sự rắn rỏi, sức chịu đựng.

Mặt Planton tuy có những nếp nhăn nhỏ tròn tròn, vẫn có vẻ ngây thơ và trẻ trung; giọng nói bác ngân nga; nghe rất dễ chịu.

Nhưng đặc biệt hơn cả là bác ta nói năng rất hồn nhiên, nhanh nhẩu, lời lẽ bao giờ cũng tự nhiên và đúng lúc. Hình như bác ta không bao giờ nghĩ gì đến những điều mình đã nói và sẽ nói, và chính vì thế mà giọng nói nhanh nhẩu và chắc chắn của bác ta có một sức thuyết phục không sao cưỡng nổi.

Trong thời gian đầu bị giam cầm, Planton tỏ ra khoẻ mạnh và nhanh nhẹn đến nỗi có thể tưởng chừng bác không hề biết thế nào là mệt nhọc, ốm đau. Cứ mỗi tối, đến khi ngủ bác ta lại nói: “Lạy Chúa con ngủ thật đẫy, dậy thật giòn”; sáng sáng ngủ dậy bao giờ cũng so vai nói: “Cuộn tròn mà ngủ, rũ mình mà dậy”. Và quả nhiên hễ bác ta nằm xuống một cái là lập tức bắt tay vào làm một việc gì không hề chần chừ lấy một giây, như trẻ con hễ thức dậy là vớ ngay lấy đồ chơi vậy. Việc gì bác ta cũng làm được; làm không khéo lắm, nhưng cũng không vụng. Bác ta nướng, luộc, khâu, bào, vá giày, lúc nào cũng luôn tay và chỉ đến đêm mới tự cho phép mình chuyện trò (bác ta rất thích nói chuyện) và ca hát. Bác ta hát không phải như những ca sĩ vốn biết người ta đang nghe mình hát, mà như loài chim, rõ ràng là hát vì thấy cần phải phát ra những nhạc thanh, cũng như cần nằm hay cần đi vậy, và những âm thanh ấy bao giờ cũng thanh thanh dịu dịu, buồn man mác, gần như tiếng hát của đàn bà, và những khi hát nét mặt bác rất nghiêm trang.

Bị bắt làm tù binh, bác để râu mọc xồm xoàm, hình như đã cởi bỏ những gì xa lạ mà cuộc đời lính đã khoác lên người bác, và trở về với nếp sống cũ của người dân cày, của nhân gian.

“Lính giải ngũ rồi thì áo bỏ ngay ra ngoài quần”(1) – Planton thường nói. Bác ta không thích nhắc đến thời đi lính, tuy cũng không khi nào than phiền về quãng đời đó, và thường nói rằng suốt thời gian tại ngũ bác ta chưa bị đánh roi nào. Những khi kể chuyện, bác thường thích kể hơn là những kỉ niệm xưa mà chắc là bác trân trọng đặc biệt, những kỉ niệm cuộc đời nông dân, cuộc đời “Cơ Đốc”(2) như bác vẫn nói. Những câu tục ngữ nhan nhản trong lời nói của bác ta không phải là những tục ngữ phần lớn thô tục và bạo miệng mà lính tráng hay dùng; đó là những câu ngạn ngữ dân gian, những câu tách riêng ra thì có vẻ vô nghĩa nhưng khi nói đúng lúc thì bỗng bao hàm những ý nghĩa khôn ngoan một cách thâm thuý.

Nhiều khi bác ta nói trái hẳn lại với điều đã nói trước, nhưng cả hai điều đó cũng đều đúng như nhau. Bác thích nói và nói rất hay, luôn tô điểm lời nói của mình bằng những danh từ âu yếm(3) và những câu tục ngữ mà Piotr có cảm tưởng là chính bác ta đặt ta; nhưng điều thú vị hơn cả là qua cửa miệng Planton, những sự việc hết sức tầm thường, đôi khi chính là những sự việc mà Piotr vẫn thường thấy nhưng không để ý, bỗng dưng có một vẻ đẹp gì trang trọng lạ thường. Planton thích nghe những câu chuyện cổ tích mà cứ tối tối một người lính lại kể (tối nào cũng vẫn chuyện ấy) nhưng bác thích nghe hơn cả là những mẩu chuyện về cuộc sống thật. Bác mỉm cười vui sướng trong khi nghe chuyện, thình thoảng lại đệm một lời hay hỏi một câu nhằm tìm cho ra cái gì tốt đẹp trong những điều nghe kể. Karataiev không hề có những tình quyến luyến, tình bạn hay tình yêu như Piotr quan niệm. Nhưng bác ta yêu mến và gần gũi tất cả những gì cuộc sống run rủi cho bác tiếp xúc, và nhất là con người – không phải một con người nào nhất định, mà tất cả những con người đang ở trước mặt bác ta. Bác ta yêu mến con chó của bác, yêu mến các bạn cùng lán, yêu mến những người lính Pháp, yêu mến Piotr là người nằm cạnh bác. Nhưng Piotr cảm thấy rằng tuy bác ta đối với chàng ân cần và thân mật như vậy (một phần, cũng vì bác ta bất giác trân trọng cuộc sống tinh thần của Piotr), nhưng nếu phải từ giã chàng thì bác ta cũng sẽ buồn không phiền lấy một phút. Và Piotr cũng bắt đầu có một tình cảm như vậy đối với Karataiev.

Đối với tất cả các tù binh khác, Planton Karataiev là người lính hết sức bình thường; họ gọi bác là “con điều hâu” hay là Palatosa, họ chế giễu bác một cách hồn hâụ, và nhờ bác đi việc này việc nọ.

Nhưng đối với Piotr, Planton, vẫn như khi chàng gặp bác ta lần đầu là cái hiện thân bí ẩn, tròn trĩnh và vĩnh cửu của tinh thần giản dị và chân thật, và mãi mãi về sau vẫn như thế.

Planton Karataiev không thuộc lòng một cái gì hết ngoài lời cầu nguyện của bác. Những khi bắt đầu nói, hình như bác ta chẳng biết mình sẽ kết thúc ra sao.

Đôi khi Piotr, kinh ngạc vì ý nghĩa sâu sắc của câu bác ta vừa nói, yêu cầu bác nhắc lại một lần nữa. Nhưng Planton không sao nhớ được điều mình vừa nói cách đây một phút, – cũng như không sao đọc lại lời bài hát ưa thích của mình cho Piotr nghe. Trong bài hát có những câu: “Mẹ yêu dấu”, “cây bạch dương nhỏ” và “ta buồn lắm” nhưng nghe cả bài thì những câu ấy chẳng có mạch lạc gì cả. Bác ta không hiểu và không sao hiểu được nghĩa của những từ tách ra khỏi câu nói. Mỗi lần nói, mỗi hành động của bác đều là sự thể hiện của một hoạt động mà bác không hề ý thức: cuộc sống của bác. Nhưng cuộc sống của Planton thì, theo như bác quan niệm, không hề có ý nghĩa nếu tách riêng ra một mình. Nó chỉ có ý nghĩa khi là một bộ phận nhỏ của một cái tổng thể mà bác luôn luôn cảm biết. Lời lẽ và hành động của bác toát ra từ bản thân bác cũng đều đặn tất yếu và trực tiếp như mùi hương toát ra từ cánh hoa. Bác không thể hiểu giá trị hay ý nghĩa của một hành động hay một lời nói tách rời.

Chú thích:

(1) Nông dân Nga mặc áo rubaska rộng bỏ ra ngoài quần có thắt một sợi dây ngang lưng.

(2) Trong tiếng Nga, nông dân (krextyanxki) và chữ cơ đốc gần giống nhau về ngữ âm.

(2) Trong tiếng Nga tất cả các danh từ (hay tính từ: trạng từ cũng thế) có thể cấu tạo thành những từ có nghĩa “âu yếm” bằng cách thêm những vị tố đặc biệt.

Chọn tập
Bình luận