Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 15 – Chương 3

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Công tước tiểu thư Maria hoãn chuyến đi lên Moskva, Sonya, bá tước cố gắng thay thế Natasa, nhưng không được. Họ thấy rõ ràng rằng chỉ một mình nàng có thể ngăn mẹ nàng khỏi lâm vào tuyệt vọng điên rồ. Ba tuần lễ Natasa ở liền cạnh mẹ, nằm trên một chiếc ghế bành ngủ trong phòng phu nhân, cho bà ăn uống và thủ thỉ với bà suốt ngày, bởi vì chỉ có giọng nói dịu dàng, mơn trớn của nàng mới có thể an ủi bá tước phu nhân.

Vết thương tinh thần của người mẹ không thể khỏi được. Cái chết của Petya đã làm tan vỡ mất một nửa cuộc đời phu nhân. Hôm được tin Petya chết, phu nhân còn là một người đàn bà năm mươi tuổi tươi tắn khoẻ mạnh, nhưng một tháng sau, khi bước ra khỏỉ phòng riêng, phu nhân chỉ còn là một con người chết dở và không còn tham dự gì vào cuộc sống nữa – một bà già. Nhưng chính vết thương đã làm cho bá tước phu nhân chết mất một nửa người, chính vết thương ấy đã gọi Natasa trở về với cuộc sống.

Vết thương do sự đổ vỡ của cuộc sống tinh thần gây nên – kể cũng lạ – dần dần khép lại chẳng khác gì một vết thương của thể xác. Và sau khi vết thương sâu đã đâm da non và miệng đã có vẻ liền lại, thì cũng như một vết thương trên cơ thể, chỉ có sức sống từ bên trong thôi thúc mới làm cho vết thương tinh thần khỏi hẳn được.

Vết thương của Natasa cũng khỏi như vậy. Nàng đã tưởng đời nàng thế là hết. Nhưng bỗng tình thương yêu đối với mẹ làm cho nàng thấy rõ rằng cái chất căn bản của đời nàng – tình thương yêu – vẫn còn sống trong nàng. Tình thương yêu đã bừng tỉnh, và sức sống cũng bừng tỉnh theo.

Những ngày cuối cùng của công tước Andrey đã gắn bó Natasa với tiểu thư Maria. Tai hoạ mới lại càng làm cho hai người gần nhau hơn nữa. Tiểu thư Maria hoãn việc lên Moskva và suốt ba tuần lễ nàng chăm sóc Natasa như chăm một đứa trẻ đang ốm.

Những tuần lễ sau cùng mà Natasa túc trực trong phòng mẹ nàng đã làm cho sức lực thể chất của nàng suy sụp.

Một hôm vào buổi trưa, tiểu thư Maria nhận thấy Natasa sốt run lên cầm cập liền dẫn nàng về phòng riêng và đặt nàng lên giường mình. Natasa nằm xuống, nhưng khi tiểu thư Maria buông rèm toan lui thì Natasa gọi nàng lại.

– Em không buồn ngủ, chị Maria ạ, chị ngồi với em một lát!

– Natasa mệt rồi đấy? Cô ngủ đi một chút.

– Không, không. Tại sao chị lại đưa em về đây? Mẹ em đang cần em.

Natasa nằm yên trên giường, và trong bóng tối mờ của gian phòng, nàng nhìn khuôn mặt tiểu thư Maria.

“Chị ấy có giống chàng không – Natasa thầm nghĩ – có cũng giống mà cũng không. Nhưng chị ấy đặc biệt, xa lạ, hoàn toàn mới mẻ, chưa biết. Và chị ấy yêu mình. Trong tâm hồn chị ấy có những gì? Chỉ toàn những điều tốt. Nhưng sao? Chị ấy nghĩ thế nào? Chị ấy nhìn mình như thế nào? Phải, chị ấy tốt quá”

– Masa – nàng vừa nói vừa rụt rè kéo bàn tay bạn vào lòng – Masa, chị đừng nghĩ rằng em xấu xa quá. Đừng chị nhá? Masa yêu quý của em. Em yêu chị quá. Chúng mình sẽ yêu nhau thật nhiều, mãi mãi như đôi bạn tâm tình thực sự.

Và Natasa ôm lấy Maria, hôn lên tay, lên mặt nàng. Tiểu thư Maria, vưa ngượng nghịu vừa vui mừng trước sự bộc lộ tình cảm của Natasa.

Từ hôm ấy, giữa công tước tiểu thư Maria và Natasa hình thành cái tình bạn thiết tha và đằm thắm chỉ có thể có được giữa hai người đàn bà. Họ hôn nhau không biết chán, thủ thỉ với nhau những lời âu yếm và phần lớn thời giờ đều ở bên nhau. Người này đi đâu thì người kia đứng ngồi không yên và vội vã bỏ đi tìm. Khi ở cạnh nhau, họ thấy tâm hồn họ hoà hợp hơn là khi mỗi người ngồi riêng một mình. Giữa hai người đã hình thành một tình cảm mạnh hơn tình bạn: đó là cái cảm giác khiến họ thấy rằng chỉ ở bên cạnh nhau họ mới có thể sống được.

Đôi khi họ ngồi lặng thinh suốt mấy tiếng đồng hồ; đôi khi họ đã nằm vào gường rồi nhưng lại bắt đầu nói chuyện và cứ thế chuyện trò mãi cho đến sáng. Phần nhiều họ chỉ nói đến thời dĩ vãng xa xưa nhất. Tiểu thư Maria kể lại những hồi ức về thời thơ ấu của nàng, về cha mẹ nàng, về những ước mơ của nàng; và Natasa, trước kia vẫn bình thản quay lưng với cuộc sống, tận tuỵ, phục tòng, trước cái thi vị của sự hy sinh cơ đốc giáo mà nàng không hiểu, bây giờ lại cảm thấy tình thương yêu đã gắn bó nàng với tiểu thư Maria đến nỗi nàng yêu cả quá khứ của bạn và hiểu được cả cái khía cạnh của cuộc sống trước kia xa lạ đối với nàng. Nàng không nghĩ rằng mình cũng sẽ sống nhẫn nhục và hy sinh như vậy, vì nàng đã quen đi tìm những niềm vui khác, nhưng nàng đã hiểu và biết yêu ở một người khác cái đức hạnh mà trước kia nàng không hiểu. Về phần công tước tiểu thư Maria, trong khi nghe kể lại thời thơ ấu và thiếu niên của Natasa, nàng cũng thấy mở ra trước mắt một khía cạnh của cuộc sống, mà trước kia nàng không hiểu, nàng đã thấy được thế nào là tin tưởng vào cuộc sống vào những thú vui của đời người.

Họ vẫn như cũ, không nhắc đến “chàng” để khỏi dùng ngôn ngữ xúc phạm – họ thấy thế – Nhưng tình cảm cao cả ở trong lòng họ, và sự im lặng có dần dần làm cho họ quên chàng, tuy họ không thể nào tin như vậy.

Natasa gầy đi, xanh đi và thể chất nàng suy nhược đến nỗi mọi người đều tỏ ý lo lắng cho sức khoẻ của nàng, và điều đó làm cho nàng thấy dễ chịu. Nhưng đôi khi nàng bất chợl thấy mình sợ, không những sợ chết, mà còn sợ đau yếu, sợ nhan sắc phai tàn, và đôi khi nàng bất giác chăm chú nhìn cánh tay trần của mình, ngạc nhiên khi thấy nó gầy gò như vậy, sáng sáng nàng lại đến đứng trước gương ngắm khuôn mặt hốc hác và thiểu não của mình – nàng có cảm tưởng như thế. Nàng có cảm tưởngsự tình phải như vậy, nhưng đồng thời nàng cũng thấy sợ và buồn.

Có lần nàng lên thang gác rất nhanh và chợt thấy rằng mình thở hổn hển. Nàng bất giác nghĩ ra một việc gì cần phải làm ở dưới nhà, rồi chạy lên thang gác để thở sức và tự quan sát xem sao.

Có một lần khác nàng gọi Dunusia và thấy giọng mình run run.

Nàng cất tiếng gọi một lần nữa, mặc dầu đã nghe tiếng chân Dunusia bước tới, – nàng gọi với cái giọng ngực mà nàng thường dùng để hát, và lắng nghe giọng mình.

Nàng không biết, và giá có nghĩ đến nữa, nàng cũng sẽ không tin, nhưng dưới lớp bùn dày phủ lên tâm hồn nàng mà nàng có cảm tưởng là không sao chọc thủng được, đã nhú lên những ngọn cỏ mảnh và mềm, những ngọn cỏ đó sẽ bắt rễ sâu và những những chồi non ấy sức sống của nó sẽ bao phủ lên nỗi buồn nặng trĩu trong lòng nàng, và chẳng bao lâu nỗi buồn ấy sẽ phai mờ không còn trông thấy rõ, không còn cảm giác được nữa. Vết thương đang đâm da non từ bên trong.

Vào cuối tháng giêng công tước tiểu thư Maria lên đường đi Moskva, và bá tước một mực xin cho Natasa cùng đi với nàng để nhờ các bác sĩ khám bệnh.

Chọn tập
Bình luận