Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 15 – Chương 8

Tác giả: Lev Tolstoy
Chọn tập

Có thể tưởng tượng một hoàn cảnh sống gian khổ hầu như không thể tưởng tượng được của quân lính Nga lúc bấy giờ – không có ủng ấm, áo ấm, dầu dãi ở giữa trời, chân lê trên tuyết trong khi trời rét ở dưới không độ, thậm chí lương thực cũng không đủ ăn và không phải bao giờ cũng theo kịp đoàn – có thể tưởng binh sĩ phải bày ra một cảnh tượng hết sức buồn bã và ảm đạm.

Nhưng thật ra chưa bao giờ, dù trong hoàn cảnh vật chất khả quan nhất cũng vậy, chưa bao giờ cảnh sinh hoạt của quân đội lại vui vẻ náo nhiệt đến thế. Sở dĩ như vậy là vì cứ mỗi ngày tất cả những ai bắt đầu ngã lòng hay suy yếu đều bị loại ra khỏi quân đội.

Những ai yếu đuối về thể lực và tinh thần đều đã bị bỏ lại phía sau từ lâu và bây giờ chỉ còn lại cái tinh hoa của quân đội về sức mạnh vật chất cũng như tinh thần.

Ở đại đội tám là nơi có mấy tấm phên, quân lính tụ tập đông đúc hơn cả. Hai viên sĩ quan cũng đến ngồi với họ, và bếp lửa của họ cháy sáng hơn các bếp khác. Họ ra điều kiện là ai có mang củi đến mới được ngồi vào khoảng đất có tấm phên chắn gió bấc.

– Ê Makeyev, mày làm sao rồi… đi đâu mất mặt thế hả? Hay chó sói nó xơi mất rồi? Mang củi về nhé – một người lính mặt đỏ, tóc hoe quát, mắt nheo nheo và chớp lia lịa vì cay khói, nhưng vẫn không nhích xa đống lửa – Hay thôi mày đi đi, thằng quạ khoang, nhớ mang về ít củi, – anh ta nói với một người khác. Anh lính tóc hung này chẳng phải là ông cai ông đội là gì, nhưng lại là người lính khoẻ mạnh, và vì thế anh ta lên giọng sai bảo những người yếu hơn. Người lính gầy nhỏ có cái mũi nhọn mà người ta vừa gọi là thằng quạ khoang, ngoan ngoãn tuân theo đứng dậy toan đi; nhưng vừa lúc ấy đã thấy bóng dáng thanh tú của một người lính trẻ tuổi bước vào vùng sáng của đống lửa, tay ôm một bó củi.

– Mang lại đây! Tốt lắm!

Họ chẻ củi, chất thành đống, ghé mồm thổi và lấy áo khoác quạt cho to lửa lên. Ngọn lửa reo vù vù, củi nổ tí tách. Các binh sĩ nhích lại gần châm thuốc hút. Người lính trẻ tuổi, đẹp trai vừa mang củi về chùi hai tay vào vạt áo và bắt đầu nhanh nhẹn và khéo léo giẫm đôi chân rét tại chỗ cho ấm.

– Ôi mẹ ơi, sương lạnh, sương lạnh buông xuống người ta thù… – anh ta hát khe khẽ, cứ mỗi chữ lại như nấc lên một tiếng.

– Ê đế giày cậu sắp đi đứt rồi kìa! – người lính tóc hoe kêu lên khi thấy đế giày anh kia lủng lẳng dưới chân – nhảy nhót mãi!

– Đúng đấy cậu ạ, – anh ta nói, đoạn ngồi xuống rút trong bạc-đà ra một mảnh dạ xanh của Pháp và bắt đầu quấn quanh chân – Hơ cho nó chín, – anh ta vừa nói thêm vừa giơ chân về phía lửa. Ít nữa họ sắp phát giày mới đấy. Nghe nói khi nào xong xuôi họ sẽ phát quân trang quân dụng mỗi người hai suất.

– Này, cái thằng Petrov chó chết ấy nó ở lại dọc đường rồi – một viên hạ sĩ quan nói.

– Tớ để ý hắn từ lâu rồi – một người khác trả lời.

– Ờ lính tráng gì cái thứ ấy…

– Còn ở đại đội ba nghe nói hôm qua khi điểm số thiếu, mất chín người.

– Thì cậu thử nghĩ xem, chân cóng thế này còn đi xa làm sao được?

– Này đừng có nói nhảm! – viên hạ sĩ quan nói.

– Hay mày cũng muốn học đòi hắn? – một người lính già nói với người vừa kêu lên chân cóng, giọng trách móc.

– Thế thì bác bảo sao? – người lính có cái mũi nhọn biết hiệu là quạ khoang, vụt đứng dậy ở phía bên kia đống lửa, nói the thé – Thằng béo thì hoá gầy, mà thằng gầy thì đi đứt. Như tôi đây chẳng hạn. Tôi chẳng còn chút sức lực nào nữa, – anh ta bỗng quay sang viên hạ sĩ quan, nói giọng cương quyết, – ông cho tôi đi bệnh xá thôi, tôi ê ẩm cả người ra rồi, nếu không trước sau tôi cũng tụt lại dọc đường.

– Thôi được rồi, được rồi – viên hạ sĩ quan điềm tĩnh nói.

Người lính nhỏ bé lặng thinh, và chuyện trò lại tiếp tục.

Hôm nay bắt được nhiều líPh Pháp quá; quả thật chẳng đứa nào còn lấy một đôi ủng cho ra hồn, chỉ gọi nó là có vẻ thế chứ ủng iếc gì một người lính nói để mở đầu một câu chuyện khác.

– Bọn cô-dắc lột hết ủng của chúng đấy. Khi dọn nhà cho đại tá nghỉ, họ vứt chúng ra ngoài. Trông đến thảm, các cậu ạ, – người lính giẫm chân lúc nãy nói – Khi xem lại thấy có một thằng còn sống, cậu có tin không, hắn cứ nói lúng búng cái gì ấy.

– Mà chúng nó sạch thật đấy các cậu ạ, – người thứ nhất nói – Trắng lốp như bạch dương ấy, có nhiều tay trông bảnh lắm, cậu ạ, chắc là con nhà quý phái.

– Thế cậu tưởng sao? Bên ấy thuộc tầng lớp nào cũng phải đi lính.

– Mà chúng nó chẳng biết lấy một tiếng Nga nào – người lính giẫm chân nói, miệng mỉm cười ra vẻ băn khoăn, – Mình bảo hắn: “Mày theo vua nào?”, thế là hắn nói xí xéo một thôi. Người ngợm kỳ thật?

Cái này mới lạ chứ, các cậu, – người vừa lấy làm lạ về nước da trắng trẻo của quân Pháp nói, – Nông dân họ kể lại rằng ở Mozaisk khi thu dọn chiến trường, xác của chúng nằm ở đấy đến một tháng trời rồi, họ bảo thế. Chúng nằm đấy, trắng phau như tờ giấy, họ bảo thế, sạch bong, chả có tí mùi gì.

– Chắc vì trời lạnh quá chứ gì? – một người hỏi.

– Chà cậu thông minh nhỉ! Lạnh gì! Hồi ấy bức bỏ mẹ đi ấy chứ. Nếu lạnh thì xác của quân ta cũng chả thối. Đây họ bảo là hễ đến gần một xác lính ta, là thấy nhung nhúc những dòi. Thế là phải lấy khăn bịt mũi, họ bảo thế, rồi quay mặt đi mà kéo, không sao chịu được. Cái xác của chúng thì trắng phau như tờ giấy, họ bảo thế, chả có tí mùi gì.

Mọi người im lặng một lát.

– Chắc vì thức ăn đấy, – viên hạ sĩ quan nói, – Bọn chúng ăn sang như ông lớn ấy.

Không ai cãi lại anh mu-gich ấy, cái anh ở Mozaisk nơi có đánh trận ấy mà, có nói là sau trận đánh nhau, họ đã huy động mười hai làng ra dọn trong hai mươi ngày mà vẫn chưa hết xác. Nghe nói chó sói…

– Ừ trận ấy ghê lắm, – người lính già nói, – Chỉ có trận ấy mới đáng nhớ, còn về sau thì… chỉ khổ là khổ thôi.

– Đúng đấy bác ạ. Hôm kia chúng tôi vừa gặp chúng, nhưng chúng có để cho mình lại gần đâu: Chưa chi đã vứt cả súng. Quỳ cả xuống. Pardon(1), chúng nó nói thế. Lính tráng thế đấy, chỉ làm vì thôi mà. Nghe nói ông Platov đã hai lần bắt được thằng cha Polion(2) ấy nhưng ông ta không biết cách. Ông ta bắt một cái, thế mà hắn biến thành con chim bay mất tăm. Mà cũng chả có cách gì biết được hắn.

– Chà xem ra cậu nói láo cừ thật đấy, Kixeliev ạ.

– Nói láo là thế nào? Thật mười mươi đấy.

– Phải tay tớ thì bắt được một cái là tớ chôn ngay xuống đất xong cắm một cái cọc gỗ phong vào. Hắn đã làm cho bao nhiêu người chết.

– Đằng nào rồi hắn cũng hết đời thôi, – người lính già vừa ngáp vừa nói.

Câu chuyện bị bỏ lửng, các binh sĩ bắt đầu dọn chỗ ngủ.

– Cậu nhìn sao kìa, sáng lạ lùng! Các bà nhà ta căng vải lên trời đây – Một người lính vừa ngắm dải Ngân hà vừa nói.

– Điềm được mùa đấy các cậu ạ. – Phải kiếm ít củi nữa mới đủ.

– Lưng thì ấm mà bụng thì lạnh buốt. Lạ thật?

– Ô lạy Chúa!

– Sao lại cứ ẩy người ta thế, lửa đốt riêng cho mình cậu sưởi hẳn? Xem này… nằm ềnh ra….

Trong khoảng im lặng kế theo nghe có tiếng mấy người ngáy khò khò: những người chưa ngủ trăn trở nằm lại cho ấm, thỉnh thoảng to nhỏ mấy câu. Từ một bếp lửa xa xa cách đấy chừng trăm bước vẳng lại tiếng cười vui vẻ.

– Cậu có nghe thấy không, dân đại đội năm đang cười, – một người lính nói, – Bên ấy sao đông thế nhỉ?

Một người lính đứng dậy đi sang đại đội năm rồi trở về nói:

– Bọn họ nói vui ra phết. Có hai thằng Pháp mới đến bên ấy. Một thằng cóng gần chết, còn thằng kia thì lém lắm? Hắn đang hát.

– Thế à? Thử sang xem xem, – Mấy người lính đi về phía đội năm.

Chú thích:

(1) Xin lỗi

(2) Ý muốn nói Napoléon.

Chọn tập
Bình luận