Từ bao đời nay, nước ta có truyền thống làm nông và nền văn minh lúa nước phát triển. Để làm được điều này chúng ta phải lao động cật lực và nặng nhọc. Con trâu – người bạn thân thiết cùng chia ngọt sẻ bùi với người nông dân, cùng người nông dân đi khắp cánh đồng để xới đất đai, cùng chung vui niềm vui ngày được mùa. Con vật này đã trở thành thân thuộc và không thể thiếu ở làng quê Việt Nam.
Không ai biết chính xác nguồn gốc của loài trâu ngày nay. Người ta chỉ biết trâu xuất hiện nhiều ở những nước châu Á như Pa-xki-tan, Băng-la-đét, Nê-pa, Thái Lan,… Và đặc biệt ở Việt Nam người ta tìm thấy di tích hóa thạch của trâu cách đây vài chục triệu năm ở các hang động miền Bắc nước ta. Trâu theo khoa học thuộc lớp Mammalia, ngành Chordata, họ bò, bộ nhai lại, nhóm sừng rỗng, bộ guốc chẵn. Đa số trâu Việt Nam hiện nay có nguồn gốc là trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy.
Trâu được phân loại theo giống đực và giống cái. Con đực tầm vóc lớn, dài đòn, trước cao, sau thấp. Con cái tầm vóc từ vừa đến to, linh hoạt. Đặc tính chung của trâu là hiền lành, thân thiện nên chúng được nuôi phổ biến ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Trung bình một con trâu trưởng thành có thể nặng từ 250 – 500kg. Cân nặng của trâu tùy thuộc vào giới tính và sức khỏe. Các bộ phận của trâu được chia thành các phần: đầu, cổ, thân, chân, đuôi và da. Đầu trâu đực dài, to vừa phải, trâu cái đầu thanh, dài. Trán rộng, phẳng, hơi gồ. Da mặt rất khô, nổi rõ mạch máu. Mắt to tròn, tròng đen láy lanh lẹ, mí mắt mỏng; mũi kín, bóng, ướt. Miệng trâu rộng, răng đều khít, không sứt mẻ. Điểm đặc biệt của trâu là hàm trên không có răng mà chỉ có một miếng đệm rất dai, dẻo phù hợp với đặc tính nhai lại, ănthực vật. Hai tai trâu nhỏ vừa có thể cử động, phủ một lớp lông mềm bảo vệ tai khỏi côn trùng chui vào. Sừng trâu thanh, đen, cân đối, ngấn sừng đều, rỗng ruột. Phần cổ và thân trâu có những đặc điểm sau: cổ dài vừa phải; ức rộng, sâu, lưng dài từ 1 – 1,5m hơi cong; xương sườn to, tròn, cong đều; bụng tròn lẳng; mông nở rộng, to. Chân trâu rất khỏe, vững chắc để đỡ cả thân người, bốn chân thẳng to, gân guốc. Hai chân trước cách xa nhau, thẳng. Bàn chân thẳng, ngắn, vừa phải. Hai đùi sau to dài, bàn chân sau xuôi, ngắn. Bốn móng rất cứng, khít tròn, đen bóng và chắc chắn. Đuôi trâu to, dài, phần đuôi có túm lông lúc nào cũng phe phẩy để đuổi ruồi, muỗi. Da trâu hơi mỏng nhưng bóng láng, màu xám đen. Lông đen, cứng, sát vào da giúp điều hòa nhiệt độ trong những trưa hè oi bức ở vùng nhiệt đới. Nhìn chung, trâu có thân hình khỏe khoắn, thích hợp với công việc đồng áng cực nhọc.
Nhờ có sức khỏe tốt, trâu có thể làm việc cả ngày từ sáng sớm đến chiều tối. Một con trâu trung bình có thể kéo được 3 – 4 sào ruộng. Trâu cũng có khả năng chịu đựng thời tiết cao. Dù phải cày dưới nắng gắt hay mưa tuôn, trâu vẫn kiên trì cùng người nông dân đội nắng, gió để cày cho mảnh ruộng được tốt tươi.
Để nuôi trâu cũng không khó lắm. Đối với một con trâu cày từ sáng đến chiều thì nên cho ăn ba bữa chính: sáng sớm, trưa, tối. Cỏ là thức ăn chính của trâu nên vào mùa xuân hạ ta có thể tự tìm được dễ dàng trên đồi cỏ, hay bãi cỏ xanh tốt cho trâu ăn. Nhưng đối với những ngày đông rét mướt (nhất là ở Bắc Bộ) nhiệt độ xuống tới 7 – 100C thì có không thể mọc được. Cho nên, tốt nhất là ta phải dự trữ cỏ khô cho trâu bằng cách ủ xanh, lên men, không chỉ giữ cỏ tươi lâu mà còn bổ sung được hệ vi sinh cho đường ruột giúp hệ tiêu hóa của trâu được tốt hơn. Sau khi đi làm đồng về, ta không nên cho trâu ăn ngay mà để cho trâu nghỉ ngơi, tắm rửa sạch sẽ. Khoảng 30 phút sau khi nghỉ ngơi, ta cho trâu uống nước có pha muối (nồng độ nuối khoảng 10g trên 100kg trọng lượng trâu). Sau đó, ta mới cho trâu ăn. Hằng ngày, phải cung cấp đủ lượng nước cho trâu (40 lít nước/1con/1 ngày).
Muốn trâu luôn khỏe để làm việc cần phải có chế độ chăm sóc phù hợp. Sau mỗi buổi cày phải xoa bóp vai cày. Tắm mỗi ngày sau 30 phút làm việc để điều hòa nhiệt độ cơ thể của trâu. Trong một buổi cày, cần cho trâu nghỉ 3 – 5 lần, mỗi lần khoảng 20 – 30 phút, tránh để trâu làm việc không hiệuquả cao. Nếu cho trâu làm việc cả tuần thì phải để trâu nghỉ một ngày không nên để trâu làm việc quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe dẫn đến suy yếu. Quá trình làm việc mà thấy sức trâu sụt giảm thì phải để trâu nghỉ 3 – 5 ngày cho lại sức, bồi dưỡng thêm bằng cỏ tươi, cám cháo.
Trâu có rất nhiều lợi ích. Sức kéo khỏe giúp cày bừa, trục lúa, kéo xe. Trâu còn cho thịt, sữa, da và sừng. Thịt trâu ăn rất ngon, nhiều đạm hơn cả thịt bò, ít mỡ hơn thịt bò và giàu năng lượng. Sữa trâu giúp bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực. Da trâu làm thắt lưng rất bền và đẹp. Sừng làm lược, đồ thủ công mĩ nghệ rất bóng, đẹp được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài ra, trâu còn gắn liền với nhiều phong tục truyền thống của người Việt Nam ta như: dùng làm sính lễ, cưới hỏi, hội chọi trâu ở Đồ Sơn,… Trâu còn là niềm tự hào của người dân Việt Nam, được trở thành biểu tượng của SEAGAME 22. Hình ảnh của trâu còn đầy ắp trong kỉ niệm tuổi thơ của những chú bé mục đồng. Những buổi chiều ngã lưng trên lưng trâu, thả hồn theo cánh diều trên lưng trâu, những hôm tắm sông cùng trâu trên dòng sông quê hương đỏ nặng phù sa… sẽ là những kỉ niệm đẹp, sâu đậm trong tâm hồn trẻ thơ.
Ngày nay, máy móc công nghiệp, công nghệ hiện đại đã thay thế cho trâu nhưng trâu vẫn mãi là con vật hiền lành, gần gũi của người nông dân. Trong tâm hồn người Việt, không có gì có thể thay thế cho con trâu dù cho nông nghiệp có tiến bộ thế nào, máy móc đã thay thế cho trâu hoàn toàn. Nếu một ngày trên đồng quê Việt Nam không còn hình ảnh của những chú trâu cày đồng thì nét đẹp của làng quê Việt không còn trọn vẹn nữa.