Trong cuộc sống, chuyện gì cũng có cả những mặt phải và mặt trái của nó. Con người ta cũng vậy dù khi mới sinh ra ai cũng “tính bản thiện”. Cùng với thời gian trưởng thành lên, dựa trên nền tảng cơ sở của sự giáo dục từ gia đình tới nhà trường, công sở và môi trường xã hội, những nét tính cách được hình thành dần trong mỗi con người. Song ở vào mỗi thời điểm, hoàn cảnh khác nhau, con người đều có thể có những thay đổi bao gồm cả về cách đối nhân xử thế, cách hòa nhập với cuộc sống…
Bởi thế, đôi khi cũng thật cũng khó có thể tách bạch được ranh giới đẹp – xấu, thiện – ác, văn minh – cổ hủ… trong một con người. Cùng với sự phát triển ngày càng đi lên của xã hội, những mặt trái trong xã hội nói chung và mỗi cá nhân nói riêng dường như cũng bộc lộ ngày một đa dạng hơn, thậm chí càng khó nắm bắt và phân định được rạch ròi hơn…
Có lẽ phần nào cũng vì vậy mà thời bây giờ nhiều người than phiền rằng: lòng tử tế giữa con người với con người trong cư xử với nhau ngày càng ít thấy hơn. Tinh thần hy sinh mình vì mọi người lại càng hiếm… Và cái gọi là văn hóa nhận trách nhiệm về mình và dũng cảm từ chức ở các giới chức nước ta (tất nhiên phải là giới chức vì họ mới là những người có chức trách) xem ra ngày càng như “lá mùa thu”…
Cho nên mỗi khi có một vụ việc nào đó xảy ra gây xôn xao dư luận, câu hỏi đầu tiên được đông đảo bạn đọc nêu ra luôn là: Ai chịu trách nhiệm? cùng kết luận: Người đó nên tự từ chức để thể hiện sự tự trọng!
Chúng ta cũng đã luận bàn về chủ đề nhạy cảm này không biết bao nhiêu lần, song kết cục ra sao thì… ai cũng đã thấy rõ. Như trong bài viết dưới tiêu đề “Thêm cơ chế buộc … từ chức” đăng trên báo Tiền Phong mới đây đã nêu rõ: Thực tế từ lâu, cơ chế pháp lý của việc từ chức đã được quy định rất rõ ràng, cụ thể. Luật tổ chức Quốc hội ghi: “Người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm, nếu vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ thì có thể xin từ chức”. Theo Luật tổ chức Chính phủ, thì Thủ tướng có quyền trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức đối với các thành viên Chính phủ từ Phó Thủ tướng trở xuống. Nhưng sự thực là: “Bị miễn nhiệm khi mắc sai phạm nghiêm trọng là điều hiển nhiên. Nhưng còn từ chức, lâu nay vẫn quá lùng nhùng, và có vẻ “xa lạ” với cơ chế dân chủ tập trung ở ta. Nhớ lại, từ trước tới nay mới chỉ có vài ba trường hợp quan chức miễn cưỡng thực thi “văn hóa từ chức” sau khi mắc sai phạm, còn lại chẳng thấy ai động cựa”.