Có lẽ đây là một trong những câu tục ngữ thông dụng nhất của tiếng Việt rất có ai chưa có ai chưa từng nghe nhiều lần, và cũng không mấy ai chưa từng dùng nó lần nào. Thế nhưng hình như cũng có một số người thấy cần thay bằng một câu “ tục ngữ cải tiến” là Cái khó ló cái khôn mà họ cho là hay hơn hẳn và nhất là xứng đáng hơn với tầm cỡ dân tộc anh hùng và cần cù của ta.
Đã từng có những bài báo lên tiếng phê phán câu “tục ngữ” rởm này , chẳng hạn như bài của Phương Lựu đăng trên báo Văn Nghệ mấy năm trước đây, nêu rõ rằng việc “cải tiến” câu tục ngữ gốc thành Cái khó ló cái khôn là kết quả của một sự hiểu lầm tai hại về nghĩa của chữ khó: những người ít am hiểu và không quen dùng ca dao tục ngữ trong khi nói về nghĩa gốc, chữ này hoàn toàn đồng nghĩa với chữ nghèo ( như trong danh ngữ kẻ khó va trong những câu tục như Không ai giàu ba họ, không ai khó, hay Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống v.v.).
Cho nên câu Cái khó bó cái khôn phải được hiểu là :
“Có những việc mà ta thừa biết cách giải quyết tối ưu, nhưng khốn nỗi muốn giải quyết như thế phải có tiền, có vốn mới được. Đàng này ta lại quá nghèo, không lấy đâu ra tiền ra vốn, cho nên đành chịu bò tay.”
Chứ câu tục ngữ này không hề muốn nói rằng “những việc khó khăn làm cho trí khôn của ta trở thành bất lực”. Vì vậy không có lí do gì phải sửa câu tục ngữ ấy lại thành cái khó ló cái khôn cho vừa ý thích của riêng mình chỉ vì không hiểu nghĩa thực của câu tục ngữ do ông cha ta để lại. Những điều này nhà văn Phương Lựu đã nói đủ rõ, cho nên chúng chỉ cần nhắc qua như vậy mà thôi. Đối với ai đã lá người có chút ít hiểu biết về văn học dân gian chắc không cần nói gì thêm.
Điều mà chúng tôi thấy cần nói thêm ở đây là:
Câu Cái khó ló cái khôn là một câu hoàn toàn sai ngữ pháp cơ bản của tiếng Việt, do đó hoàn toàn không thể chấp nhận được đối vói người Việt, và lại càng không bao giờ có thể đi vào vốn văn học truyền thống dân gian của dân tộc ta, vốn chỉ chứa đựng những cách ngôn ngữ tinh tuý nhất, giàu tính nghệ thuật nhất mà hàng ngàn năm văn hiến đã chọn lọc, hiệu chỉnh và tích luỹ được. Chúng tôi đã thử tìm kĩ trong tất cả các bộ sách sưu tập ca dao tục ngữ đã từng được xuất bản, kể cả bộ sách của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc cho đến những cuốn sách nhỏ hơn ghi lại ca dao tục ngữ của từng địa phương từ tỉnh đến huyện, mà không tìm thấy câu nào có cấu trúc ngữ pháp kì quặc như câu” tục ngữ” rởm nói trên. Chẳng qua vì câu này đạt tới mức sai trái đến nỗi một người Việt, dù ít học đến đâu, hay ngược lại, dù có uyên bác đến đâu, cũng không thể nào tưởng tưởng nổi.
Ta hãy thử phân tích cấu trúc ngữ pháp cổ điển Âu châu (thứ ngữ pháp vẫn được dùng để dạy cho học sinh trong hơn nửa thế kỉ nay), rồi theo ngữ pháp chức năng hiện đại, thứ ngữ pháp mà các nước tiên tiến đã dùng rộng rãi từ hai mươi năm cuối thế kỉ XX cho đến nay (nhất là khi cần nghiên cứu những thứ tiếng không phải là Ấn Âu), xem thử đối với một thứ tiếng như tiếng Việt nó sai trái đến mức nào.
Theo phương pháp phân tích ngôn ngữ học cổ điển (“câu là một cấu trúc Chủ ngữ – Vị ngữ”), thì câu này gồm có một chủ ngữ là Cái khó và một vị ngữ là ló cái khôn. Điều đập ngay vào mắt bất cứ giáo viên hay bất cứ học sinh cấp một, cấp hai nào là thứ chủ ngữ này không thể nào đi với thứ vị ngữ ấy được: hai bên hoàn toàn không thể có quan hệ ngữ pháp hay ngữ nghĩa gì với nhau hết, vì vị ngữ ló cái khôn không phải là một kết cấu cú pháp ngoại động, trong đó có một đối tượng chịu sự tác động của một hành động nào đó (như một câu tục ngữ cổ truyền – cái khó bó cái khôn hay trong những câu tục ngữ có mô hình tương tự, như câu Cái nết đánh chết cái đẹp chẳng hạn). Dù có hiểu danh ngữ cái khó theo kiểu gì, thì nó cũng không có cách nào đi với vị ngữ có trung tâm là ló được. Mặt khác, ló là một vì từ nội động, không thể có một bổ ngữ chỉ đối tượng, dù là cái khôn hay một cái gì khác. Ló không thể có bổ ngữ chỉ đối tượng bị tác động; may ra nó chỉ có thể đi với một trạng ngữ chỉ phương thức (ló hẳn) hay chỉ hướng (ló ra, ló lên) mà thôi.
Thật ra ló cái khôn chỉ có thể dùng trong một kiểu câu khác: kiểu câu tồn tại – xuất hiện, như trong câu Vườn trồng toàn cam hay Từ góc phố xồ ra một con chó dại, Từ sau cánh cửa thò ra một cánh tay, trong đó phần mở đầu câu phải là một khung đề chỉ nơi chốn hay xuất phát điểm. Cái khung đề này là một bộ phận không thể thiếu trong câu: nếu bỏ nó đi, câu sẽ sai ngữ pháp và không thể chấp nhận được nữa.
Đến đây đã phải dung đến những thủ pháp của ngữ pháp chức năng, chứ ngữ pháp “chủ vị” không còn có tác dụng gì nữa. Để nói cho thật đơn giản, kiểu câu “tồn tại – xuất hiện” này trong hầu hết các thứ tiếng được biết rõ đều có những thuộc tính riêng, không giống các kiểu câu khác.
Có một số ít tác giả muốn sử dụng các khái niệm của ngữ pháp chức năng trước khi bỏ chút thời gian học các khái niệm này, cho rằng “đề ngữ” là một bộ phận nằm ngoài câu cho nên có thể bỏ đi mà không phương hai gì đến nghĩa và ngữ pháp của câu cả. Giá họ thử kiểm chứng lại nhận định này một chút, họ sẽ thấy ngay rằng nếu bỏ phần khung đề trong mấy câu dẫn trên, thì phần còn lại toàn là những đoạn câu què cụt (không đầu) và do đó mà trở thành vô nghĩa, như Bó cái khôn, Ló cái khôn, Trồng toàn cam, Xồ ra một con chó…, Thò ra một cánh tay v.v… Thậm chí còn có người cho rằng kiểu câu Tôi tên là Nam là sai ngữ pháp và vừa “vô văn hóa”, vừa “hoàn toàn vô ích” vì đã có sẵn kiểu câu Tên (của) tôi là Nam, vừa “chuẩn xác” lại “văn hóa” mà nghĩa lại không có chút gì khác với câu Tôi tên là Nam.
Trong ca dao tục ngữ thường hay có những từ ngữ dùng theo một nghĩa hơi cổ, như chữ khó vừa bàn, hay như chữ hay trong câu ăn vóc học hay, vốn có nghĩa là “biết” , như chữ cả trong cả vú lấy miệng em hay chớ thấy song cả mà ngã tay chèo, vốn có nghĩa là “lớn”. Nhưng chữ này, tuy ngày nay không còn được hiểu theo theo nghĩa cũ nữa, nhưng nó làm cho ca dao tục ngữ có được một phong vị riêng, rất đáng quý đối với những ai biết rõ giá trị vô song của truyền thống văn học dân gian, một di sản đáng tự hào và cần ra sức giữ gìn, nếu có chỗ nào chưa hiểu thì nên hỏi người có học vấn hơn, để xin họ giảng cho, chứ không nên tự tiện cải biến cho vừa ý mình, vì đó là một hành động báng bổ láo xược và phi pháp, chỉ có thể đưa đến những kết quả tồi tệ