Tham khảo:
Trong đoạn thơ này, tác giả dùng điệp từ ”nhóm” nhắc lại bốn lần, đứng đầu mỗi dòng thơ mang bốn ý nghĩa khác nhau, bôì dắp cao dần, tỏa sáng dần. Bếp lửa không chỉ nhen lên bằng ngọn lửa trong lòng bà – ngọn lửa của sự sống , lòng yêu thương và niềm tin. Vì thế, nhóm niềm yêu thương bà truyền cho cháu tình ruột thịt nồng ấm ”nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui” bà mở rộng tấm lòng đoàn kết, gắn bó với làng xóm, quê hương. Và cuối cùng người bà đã nhóm dậy, khơi dậy , giáo dục, thức tỉnh tâm hồn và sức sống thanh xuân thơ ấu để đứa cháu khôn lớn nên người.
Bà là biểu tượng cho người nhóm lửa, giữ lửa là biểu tượng cho những người lớp lớp cha ông truyền lửa – ngọn lửa của sự sống, lòng yêu đời, niềm tin cho thế hệ mai sau. Cách dùng điệp từ có tác dụng diễn tả cảm xúc dạt dào đồng thời cũng có tác dụng xoáy sâu khiến suy tư thêm sâu sắc. Những tính từ chỉ cảm giác và các sắc thái tình cảm cũng được dùng với mật độ cao:”nồng đượm”, ”vui”, ”tâm tình”, ”kì lạ”, ”thiêng liêng”,… Tất cả được khơi gợi bằng từ nhóm của bà. Đời bà ”lận đận”, ”khó nhọc”, ”biết mấy nắng mưa” nhưng bà là cội nguồn của niềm vui, của ngọt bùi, nồng đượm là khởi nguồn của ”tâm tình tuổi nhỏ”, bà cùng với bếp lửa quê hương là điều kì lạ và thiêng liêng trong lòng cháu:
“Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”
Theo cú pháp câu thơ thì ”bếp lửa” là điều kì lạ, thiêng liêng nhưng theo mạch ý nghĩa thì người đọc có thể hiểu: có nhiều điều kì lạ và thiêng liêng – mà kì lạ và thiêng liêng nhất là quê hương xứ sở lại bắt đầu bằng những gì đơn sơ, giản dị, gần gũi nhất. ”Bếp lửa” là hình ảnh quê hương. Bà cũng là quê hương. Tình thương bà cháu nồng đượm như bếp lửa quê hương. Bàn tay bà như bàn tay bà tiên nhóm lửa cần mẫn tháng năm là nhóm dậy tất cả sự sống với bao nỗi vui buồn, ngọt bùi, nồng ấm, …