Ở nước ta, tai nạn giao thông luôn là cơn ác mộng của mỗi người, mỗi gia đình, hàng năm gây nên những cái chết thương tâm cho trên 12.000 người, làm trên 10.000 người bị thương tật đến tàn phế và làm thiệt hại về kinh tế hàng trăm triệu đôla. Riêng Quảng Nam, hàng năm tai nạn giao thông cũng cướp đi sinh mạng trên 200 người và trên 300 người thương tích. Trong 6 tháng đầu năm 2007, mặc dù chúng ta có nhiều nỗ lực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông song tai nạn giao thông vẫn không ngừng gia tăng làm 139 người chết và 137 người bị thương, hàng trăm gia đình chịu đau thương mất mát người thân.
Một trong những biện pháp phòng tránh hậu quả tai nạn giao thông hiệu quả nhất, bảo vệ tính mạng và sức khoẻ cho con người là việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Trong sinh hoạt đời thường, đi thăm bạn bè, đi làm ăn trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn về phương tiện giao thông, xe máy đã tỏ ra hết sức hữu dụng cho nhiều hoàn cảnh, cho mọi địa hình. Xe máy có mặt trên từng cây số, gắn bó mật thiết trong mọi gia đình Việt Nam song cũng là ẩn họa của tai nạn giao thông đường bộ đang trên đà gia tăng. Bởi lẽ, khi ngồi trên xe máy dù tốc độ chậm, chỉ cần ngã ngang đập đầu xuống đất thì cũng có nguy cơ tử vong hoặc di chứng nặng nề với gia đình và xã hội. Đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy có tác dụng bảo vệ sọ não khi xảy ra tai nạn giao thông. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WTO, sau khi thực hiện quy định bắt buộc người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường ở Thái Lan, Malaysia, số người tử vong do tai nạn giao thông gây ra giảm đi 1/3 và số người bị chấn thương sọ não giảm đi 2/3. Các nước đang phát triển như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia…đã ban hành Luật bắt buộc người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm từ nhiều năm qua. Riêng nước ta, việc này mới được triển khai thực hiện trên các tuyến quốc lộ và một số tuyến đường từ vài năm nay. Bộ giao thông vận tải và Bộ Công An đã có nhiều cố gắng phân định tuyến đường, ranh giới bắt buộc người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, song quy định này chưa thật sự đi vào cuộc sống. Lực lượng cảnh sát giao thông đã sử dụng biện pháp mạnh, cưỡng chế người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm trên các tuyến đường quy định bằng nhiều cách như: lập chốt kiểm tra an toàn giao thông, tuần tra giám sát các tuyến đường trọng điểm, xử phạt nặng người vi phạm… Song người đi xe máy, phần lớn là lớp trẻ dường như “bức bối” khi phải đội mũ bảo hiểm nên thường hay đối phó với cảnh sát giao thông bằng cách: “thuê”, “quay vòng” mũ bảo hiểm; rú ga, chạy đường tắt hay quay ngược trở lại tránh cảnh sát giao thông. Đáng buồn, không ít người đi xe máy là cán bộ, công chức vẫn coi việc đội mũ bảo hiểm là sự phiền toái “đội nồi cơm điện”, làm mất thẩm mỹ và không cần thiết. Ngay cả khi Bộ giao thông vận tải yêu cầu toàn thể cán bộ công nhân viên trong ngành phải đội mũ bảo hiểm đi làm từ ngày 1-6-2007 thì nhiều ý kiến cho rằng “Duy ý chí”…Việc này, Bộ Quốc phòng và Bộ Công An cũng đã triển khai thực hiện tốt trong toàn quân từ nhiều năm qua, không những chỉ “làm gương” mà thực sự bảo đảm an toàn giao thông cho các cán bộ chiến sĩ của mình.
Nói theo thuật ngữ quân sự, việc đội mũ bảo hiểm ở nước ta đang ở thế “phòng ngự” nay chính thức chuyển sang thế “tấn công” theo hiệu lệnh của Nghị quyết 32! Đội mũ bảo hiểm từ cưỡng chế đến tự giác đối với mọi đối tượng đi xe máy, bắt đầu từ quốc lộ đến tất cả các tuyến đường trên phạm vi toàn quốc. Vì bảo đảm an toàn tính mạng của người dân và lợi ích toàn xã hội, cần tiếp tục tiến hành các giải pháp mạnh, nhằm cưỡng chế người dân thực hiện nghiêm chỉnh luật giao thông nói chung và quy định đội mũ bảo hiểm nói riêng, trước khi ý thức tự giác được hình thành. Cưỡng chế để tạo ra tự giác – chưa thấy cách nào khác!