Là một trong những danh thắng nổi tiếng của thủ đô Hà Nội, Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch được coi là một “sân khấu khổng lồ soi bóng mây trời và cảnh quan thành phố”.
Hà Nội vốn nổi tiếng là thành phố của những hồ nước. Ở trong lòng Hà Nội có hàng chục hồ nước lớn nhỏ. Trong số đó, Hồ Tây là hồ nước lớn nhất với năm trăm héc ta và đường quanh hồ dài đến mười tám ki lô mét.Do diện tích Hồ Tây rộng, mặt nước bằng phẳng, trong xanh nên nếu đặt điểm nhìn từ bờ bên này nhìn sang bên kia thì Hà Nội như một thành phố ven biển vậy.
Khung cảnh ven hồ Tây vô cùng thi vị, mơ mộng. Bao quanh hồ là những hàng cây xanh cao thẳng tắp, những hàng cây mọc đều, rồi những bồn hoa , thềm cỏ xanh mướt mọc xung quanh đã tạo ra một khung cảnh đặc biệt cho hồ Tây.Cái làm nên nét đặc biệt cho Hồ Tây, phân biệt nó với các hồ khác ở Hà Nội của nó không chỉ là khung cảnh mà còn là sắc nước.Sắc nước mỗi mùa đều có sự thay đổi một cách kì diệu và ngoạn mục theo thời tiết, lúc xanh, lúc xám, rồi khi sáng khi tối… Và khung cảnh Hồ Tây trở nên rực rỡ thăng hoa nhất có lẽ là vào khoảnh khắc cuối ngày- khi ánh hoàng hôn buông xuống bao phủ lên cảnh vật,cùng cái mờ mờ ảo ảo của ánh đèn đường hắt xuống mặt nước tạo nên một khung cảnh cực kì huyền ảo, lãng mạn.
Hồ Tây cũng là địa điểm lí tưởng, lãng mạn cho những đôi lứa hẹn hò, không chỉ bởi khung cảnh rộng lớn, tươi đẹp mà còn bởi sự mơ mộng, thi vị của cảnh sắc nơi đây.
Bên cạnh Hồ Tây đó là công viên nước Hồ tây. Nơi đây được xây dựng nhằm mục đích giả trí cho người dân thủ đô và du khách ở các vùng lân cận và du khách nước ngoài sau những giờ làm việc mệt mỏi,căng thẳng.Công viên nước Hồ Tây được xây dựng với quy mô lớn, hệ thống các trò chơi giải trí đa dạng,đáp ứng được nhu cầu của người dân.Đây cũng là một điểm đến thú vị cho mọi người.
Hồ Trúc Bạch là một hồ nhỏ nằm ở quận Ba Đình của thủ đô Hà Nội.Trước đây hồ nằm ở phía Tây Nam của Hồ Tây, tức thuộc hồ Tây, sau này mới được ngăn ra thành một hồ độc lập như ngày nay.Khi mới được tách ra khỏi hồ Tây, Hồ vẫn chưa có tên riêng.
Vào thế kỉ mười tám, chúa Trịnh Giang đã cho người xây dựng một cung điện cạnh hồ, dùng để nghỉ mát, cung điện này được đặt tên là Trúc Lâm. Sau này chúa không sử dụng đến cung điện này nữa thì nó trở thanhg nơi giam giữ các cung nữ phạm tội. Ở đây, họ buộc phải làm nghề dệt vải , sau đó bán để lấy tiền nuôi sống bản thân.
Những tấm vải của họ dệt ra rất đẹp và trở nên nổi tiếng khắp vùng. Lụa đẹp, bóng bẩy gọi là lụa trúc (chữ Hán có nghĩa là Trúc Bạch).Từ đó xuất hiện một làng chuyên dệt lụa với tên là làng Trúc, và hồ cũng được gọi là hồ Trúc Bạch.
Hồ Trúc Bạch nhỏ và hẹp hơn rất nhiều so với Hồ Tây. Xung quanh hồ Trúc Bạch có rất nhiều những địa danh nổi tiếng như: Đền Quán Thánh, chùa Châu Long, đền Cẩu Nhi… Đây đều là những ngôi đình, ngôi chùa nổi tiếng vì sự thiêng liêng, do đó,du khách kéo về hành hương rất đông. Đặc biệt là vào tháng Giêng- tháng của lễ hội.
Ở bên hồ Trúc Bạch còn có một địa danh vô cùng nổi tiếng, đó chính là nhà máy phát điện Yên Phụ, xây dựng bên bờ phía Bắc của hồ (được xây dựng năm 1925), là nơi cung cấp điện trọng yếu cho Hà Nội cho đến tận những năm 1980.
Tuy nhiên,trong những năm kháng chiến chống Mĩ ở Miền bắc nước ta,nhà máy điện là trọng điểm bắn phá,do đó đã bị hư hại và tổn thất nặng nề.
Nếu có một dịp đến thăm mảnh đất thủ đô, Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch sẽ là một trong những điểm đến thú vị.Đến đây, du khách sẽ được cảm nhận trọn vẹn cái không gian yên bình, đẹp đẽ cùng với sự thi vị, lãng mạn vốn có ở nơi đây.