Chắc nhiều bạn trẻ không xa lạ với cậu bé người gỗ Pinochio, nét đặc biệt nhất ở chú là cứ mỗi khi nói dối thì mũi của chú lại dài ra một chút. Câu chuyện là một lời khuyên nhẹ nhàng, các bé thiếu nhi không nên nói dối. Thế nhưng trong thế giới người lớn thì từ lâu thói dối trá đã hoành hành và gây nhiều tác hại ghê gớm. Ý kiến “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội” gợi cho ta nhiều suy nghĩ về một thói xấu đã trở thành hiện tượng xã hội này.
Thói dối trá là lối sống không trung thực nhằm mục đích vụ lợi; suy thoái về đạo đức là sự tha hóa, làm mất dần đi những chuẩn mực đạo đức. Ý kiến trên nêu lên tác hại của thói dối trá đối với con người và xã hội.
Thói dối trá đang tồn tại ở con người trong nhiều lĩnh vực đời sống. Gần gũi nhất là trong lĩnh vực học tập, nhiều học sinh vẫn còn quay cóp trong những lần kiểm tra hay trong các cuộc thi. Ở trường đại học thì nhiều sinh viên “đạo văn” luận văn, luận án của người khác khi làm khóa luận tốt nghiệp. Trong lĩnh vực xây dựng thì các công trình bị rút ruột, dẫn đến không đảm bảo chất lượng, gây hại đến dân sinh. Trong thể thao thì nhiều vận động viên sử dụng doping để nâng cao thành tích. Trong các lĩnh vực xã hội khác thì việc “báo cáo láo” đã trở thành một hiện tượng phổ biến, bình thường đến nối người dối trá thì không tự ý thức còn người tiếp nhận thì không chút ngạc nhiên. Khi thói dối trá không chỉ tồn tại ở một vài cá nhân mà lan rộng ra cả cộng đồng thì quả là một biểu hiện minh xác của sự suy thoái về đạo đức. Ý kiến trên đã nhận định đúng đắn về vấn đề này.
Thói dối trá có tác hại ghê gớm đến như vậy. Một xã hội suy thoái đến tận cùng đạo đức chính là một xã hội buông xuôi, thỏa hiệp để cho thói dối trá lên ngôi. Nếu bây giờ mỗi người không cố gắng tu dưỡng để chống lại thói dối trá thì sẽ không còn kịp nữa. Hãy cùng đồng lòng sống trung thực để đẩy lùi thói dối trá.