Từ xưa, loài trâu đã trở thành người bạn thân thiết trong sản xuất nông nghiệp nước ta. Hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau đã trở nên thân thuộc và là nét đẹp tâm hồn của người dân xứ Việt từ ngàn đời nay.
Từ sớm tinh mơ, mặt trời chưa ban tặng những tia nắng yếu ớt qua làn sương nhè nhẹ đã thấy các bác nông dân tay cầm roi tre và điếu thuốc lào thong thả dắt trâu ra đồng. Những chú trâu với đôi mắt lim dim như còn ngáy ngủ bước chân chậm chạp thành từng đàn đi trên con đường làng quanh co đất đỏ. Chẳng mấy chóc đã đến nơi. Các chú trâu nghe hiệu lệnh của chủ liền cẩn trọng bước xuống thửa ruộng. Đứng ngoan ngoãn để chủ đặt ách cày vào thân. Khi cái cày đã cắm sâu vào đất, chú liền bước từng bước vững chắc kéo chiếc cày từ từ dịch chuyển. Trông oai ra phết: đầu hơi cuối xuống đất và hướng về phía trước, vai chú hơi nhếch lên trên tạo lực kéo mạnh. Khi nghe hiệu “Họ, họ” của chủ, chú liền đứng lại, chờ chủ mình quay cái cày và tiếp tục công việc quen thuộc. Đã gần trưa, những đường cày thẳng tắp đã vạch ra. Chắc hẵn người và trâu đã thắm mệt, lưng ướt đẫm mồ hôi. Bác nông dân buộc trâu và cây duối dại gần bờ và nghỉ ngơi. Chú trâu ngoan ngoãn tận hưởng phần thức ăn xem như là phần thưởng cho một buổi làm việc siêng năng. Chú nhai soàn soạt đám cỏ xanh mơn mở, nghe vui tai lắm.
Với các em nhỏ, chăn trâu là một việc hết sức thú vị. Gần về chiều, các em đã gọi nhau í ớ ở đầu làng, vui vẻ trò chuyện trên đường dắt trâu ra đồng ăn cỏ. Cậu thì tay cầm sáo trúc, ngân nhẹ những khúc nhạc đồng quê. Bé thì hát theo những giai điệu vui tươi và chẳng quên lâu lâu lại nhịp roi vào mông trâu để điều khiển theo ý mình. Tới đồng, các bé buộc trâu và cây duối dại cách khá xa nhau để tránh gây chiến tranh giữa các chú trâu. Xong rồi lại chơi những trò chơi quen thuộc như bày trận giả, đánh lao… bé nào cũng ướt đẫm mồ hôi, vậy mà tiếng cười ríu rít vẫn vang trong gió chiều.
Vào vụ mùa thì các chú trâu luôn vất vả làm việc. Còn vào lúc việc đồng án đã xong, vậy mà chú vẫn cùng người dân chăm chỉ kéo xa, kéo gỗ… giúp được con người trong những việc hầu như là rất nhỏ.
Hằng năm, lễ hội Chọi Trâu ở Đồ Sơn được diễn ra với quy mô khá lớn. Thu hút nhiều khác du lịch không chỉ ở trong nước mà còn cả nước ngoài. Một lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Việc chọn trâu cũng rất phức tạp. Những chú trâu có cặp sừng chắc khỏe, đen bóng, lông xám, mặt hơi giống ngựa… là chú trâu khỏe, có sức thi đấu tốt. Các chú trâu được vinh danh trong lễ hội được tôn thành “Ông Trâu”.
“Dù ai buôn đâu, bán đâu
Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm bề
Mồng chín tháng tám thì về chọi trâu”
Bài thơ này như lời nhắc nhở của tổ tiên, ông bà với những người xa xứ. Những người sống nơi đất khách quê người luôn mang trong tâm hồn hình ảnh của quê hương, của đồng ruộng và cả chú trâu thân thuộc.
Ngày nay, hình ảnh con trâu trên đồng ruộng đã mất dần ở các làng quê Việt Nam vì công nghệ hiện đại đã phát triển mạnh. Thay vào đó là những chiếc máy cày hiện đại… đó là một việc rất đáng buồn. Nhưng không phải hoàn toàn như vậy, hình ảnh đẹp đẽ ấy đã đi vào thơ ca, các bức tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống… được khắc họa vô cùng tỉ mỉ.
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cái cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quả công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.
Dù thời gian có trôi, có thay đổi đến mấy thì hình ảnh chú trâu chăm chỉ cùng người nông dân bận rộn trăm bề vẫn in mãi trong lòng người dân Việt Nam – đã một thời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.