Để tồn tại và phát triển, con người phải tiếp xúc và tác động vào hiện thực khách quan trên cơ sở nhận thức hiện tượng chung quanh và tự nhận thức bản thân. Câu tục ngữ : “Đi với phật mặc áo cà sa; đi với ma mặc áo giấy” cho thấy một số vấn đề về nhận thức và giao tiếp.Ma thì không biết đã có ai thấy nhưng tục “đốt áo giấy cho ma” là điều không xa lạ và do đó áo giấy được gán cho là thuộc tính cuả họ nhà …ma; còn phật, nghe đâu người luôn vận cà sa, mà cà sa rõ là đồng phục của các sư theo phật nên áo cà sa cũng được coi là thuộc tính của phật. Không biết người đầu tiên muốn “đi với phật” có đi đến tận cõi niết bàn hay không nhưng chắc chắn là nhờ thấy (có cảm giác) được cái thuộc tính mà người ấy cho là “của phật” nên mới định hướng được phản ứng, định hướng tác động của mình, định hướng cách xử sự thích hợp – là mặc ngay chiếc áo cà sa. Nhờ tri giác mà người xưa biết được “điều kiện đầu tiên để đi với phật là phải giống phật ở cái vẻ ngoài – tấm áo cà sa”. Việc tri giác ở đây đã phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm, nhờ có kinh nghiệm về “đồng phục” mà người xưa đã hiểu nhanh và tìm cách “hóa trang” cho giống phật. Có thể thấy, giữa việc “thấy phật có áo cà sa” và việc “phải mặc áo cà sa nếu muốn đi với phật” có quan hệ nhau một cách biện chứng; phải thấy (cảm giác) mới đi đến tri giác – quyết định hành động mặc áo.
Vì vậy, tri giác tuy là quá trình nhận thức cao hơn cảm giác nhưng lại được xây dựng trên cơ sở cảm giác. ở đây, chủ thể nhận thức đã thể hiện rõ “tính lựa chọn của tri giác”, bởi vì vẻ ngoài của các vị phật không chỉ có mỗi áo cà sa mà còn nhiều “phụ kiện” khác, tất cả cùng tác động vào giác quan của chủ thể quan sát, nhưng người quan sát đã chọn áo cà sa. Sự “tích cực và kinh nghiệm trong khi tri giác” của chủ thể quan sát và “đặc điểm của tấm áo cà sa” của đối tượng giao tiếp là hai điều kiện giúp người quan sát “tách” tấm áo ra khỏi các vật khác đang nằm trong tầm ngắm của mình. Hai điều kiện ấy giúp chủ thể tri giác hiểu “áo cà sa” là “đặc trưng về hình thức” của đối tượng giao tiếp (phật); sự tri giác ở đây là “tri giác có chủ định” hay là sự quan sát – là hình thức tích cực nhất của nhận thức cảm tính.
Tuy vậy, nhận thức cảm tính chỉ cho biết bề ngoài của sự vật, trong khi thực tiễn luôn chứa những vấn đề phải giảI quyết trên cơ sở phải hiểu về sự vật một cách sâu sắc (cả về bản chất, quy luật và những mối liên hệ qua lại của sự vật) ; vì vậy, con người không chỉ quan sát (để nhận ra và kết luận chiếc áo cà sa là vật đặc trưng của phật) mà còn phải tư duy để tìm ra giải pháp phục vụ cho mục đích (đi với phật) của mình, do đó xuất hiện “tình huống có vấn đề” buộc con người phảI giải quyết.
Không bàn đến nguyên nhân của việc “đi với phật” bởi có thể là “bị đi” mà cũng có thể là “muốn đi”; nói “đi với” nhưng chưa chắc là “theo suốt đời”, có thể “chung một đoạn” rồi sau đó thì “đường ai nấy đi”, nhưng đã “đi với” tức là đồng hành của nhau và như vậy phải “làm thế nào để cho sự giao tiếp trên chặng đường chung được diễn ra suôn sẻ – điều kiện ở đây là gì ?”. Để trao cho đời sau kinh nghiệm giao tiếp này (đi với phật), người xưa có thể đã phải trải qua một quá trình tư duy rất lâu dài với một số công đoạn nhất định như sau:
Gặp tình huống giao tiếp (đi với phật)
Nhận thức được tình huống có vấn đề (“làm thế nào để cho sự giao tiếp diễn ra suôn sẻ?”)
Nhận thức được các đIều kiện, hiện tượng, kinh nghiệm liên quan.
Hình thành các giả thuyết (Có thể đi với phật bằng “tràng hạt”, “bình bát”, hay “áo cà sa”…; đi như thế nào thì phải “sắm đủ thứ” và đi thế nào thì chỉ cần “mặc áo cà sa” là xong ?)
Vận dụng thủ nghiệm (hoặc quan sát sự vận dụng) một trong các giả thuyết đã xây dựng. Nếu không thành công thì bác bỏ, áp dụng giả thuyết khác hoặc xây dựng một giả thuyết mới rồi lại thử nghiệm (việc này có thể diễn ra nhiều lần trong đời hoặc qua nhiều thế hệ).
Nếu vận dụng giả thuyết thành công thì giả thuyết trở thành kinh nghiệm thực tiễn, bấy giờ người ta “ngôn ngữ hóa” kinh nghiệm dưới dạng phù hợp (như tục ngữ…) để sử dụng hoặc truyền đạt. Bởi vậy, tục ngữ được định nghĩa là câu nói ngắn gọn, có vần, đúc kết kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân.
Câu tục ngữ “đi với phật…” cho thấy vấn đề giao tiếp của nhân cách trong tập thể và xã hội. Giao tiếp là hoạt động xác lập và vận hành các quan hệ giữa người với người nhằm đạt mục đích giao tiếp. Trong giao tiếp (với phật) trên chặng đường đi chung, mỗi bên đều là chủ thể giao tiếp và tác động lẫn nhau. Qua hoạt động “đi với phật”, người xưa đã sử dụng nhều phương tiện và một trong những phương tiện đó là tấm áo cà sa, đây là “phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ”. Có thể thấy rằng quá trình “đi với phật” (giao tiếp) là quá trình nhận thức phức tạp:
– Đầu tiên là quá trình tri giác về phật (nhìn, nghe, quan sát), là khâu quyết định nhận thức, diễn ra khi bắt đầu gặp chủ thể giao tiếp (phật) và suốt thời gian đồng hành.
– Quá trình tư duy, tưởng tượng, đánh giá để rút ra kết luận; chọn lọc và điều chỉnh hình thức giao tiếp
– Trong quá trình giao tiếp, người xưa đã tự nhận thức về bản thân để xác định cái “thế tâm lý” rất rõ và thể hiện nó ở động từ “đi với” một cách bình đẳng mà không là “đi theo” cách lệ thuộc; có thể thấy ông cha ta thực sự rất có ý thức về “chủ quyền” khi giao tiếp.
Đường phát triển đất nước sẽ có nhiều chặng, trên những chặng đường nào đó, ta sẽ có thể phải “đi với phật” hoặc “đi với ma”, do đó, phải học cách sắm, cách ăn mặc cho hợp với những người bạn đường bất đắc dĩ ấy. Đành rằng “chiếc áo chưa tạo nên ông thầy tu” nhưng không vì thế mà mất cảnh giác. Khi giao tiếp, nếu không nhận thức đúng về đối tượng và không xác định cái thế tâm lý của mình thì có thể chao đảo, chệch hướng, nhất là khi mặc vào tấm áo cà sa “mát mẻ” hay khoát lên manh áo giấy “rực rỡ sắc màu” không phải là không dễ chịu.