Nói về chủ nghĩa yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Ðó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (3). Chủ nghĩa yêu nước là điểm cốt lõi của bản sắc văn hóa Việt Nam. Là sợi dây bền chặt gắn bó, cố kết con người Việt Nam để tạo thành sức mạnh chống chọi thiên nhiên, giữ gìn bảo vệ non sông bờ cõi, đó chính là hạt nhân của văn hóa Việt. Chính nhờ sức mạnh diệu kỳ của nền văn hóa ấy mà dưới ách đô hộ hơn một nghìn năm của phong kiến phương bắc, dân tộc ta đã không bị đồng hóa mà liên tiếp dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược bạo tàn. Chiến thắng Bạch Ðằng năm 938, đánh tan cuộc xâm lược đầy tham vọng của nhà Nam Hán, mở ra thời kỳ độc lập thực sự và lâu dài cho dân tộc. Với tinh thần bất khuất, với ý chí kiên cường của chủ nghĩa yêu nước, ông cha ta lại tiếp tục đánh thắng những kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn nhiều lần. Chủ nghĩa yêu nước trở thành lực lượng tinh thần vô cùng mạnh mẽ, động viên mọi người đứng lên bảo vệ Tổ quốc, chống lại mọi kẻ thù xâm lăng. Bước vào thời kỳ mới, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, chủ nghĩa yêu nước được bồi đắp phát triển lên tầm cao mới, là sức mạnh chính trị – tinh thần của toàn dân tộc.
Trải qua gần chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân ta bước vào cuộc quyết chiến chiến lược ÐBP trong bối cảnh tương quan lực lượng chưa nghiêng về phía Việt Nam. Quân Pháp xây dựng Ðiện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm lớn, được bao bọc bởi những dãy núi cao, đó chính là bức tường thành thiên nhiên vững chắc, được bố trí phòng thủ chặt chẽ trong các công sự hầm ngầm kiên cố. Trước giờ nổ súng, lực lượng địch có 10.871 tên, gồm 12 tiểu đoàn dù, hai tiểu đoàn lựu pháo 105 ly (24 khẩu), hai tiểu đoàn súng cối 120 ly (20 khẩu) và một đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc). Ngoài ra còn có hai trung đội súng máy 12,7 ly, có 7 máy bay khu trục, 5 máy bay trinh sát, 4 máy bay vận tải và 1 máy bay thường trực, đó là chưa kể địch có ưu thế về vận tải đường không, nên suốt quá trình diễn ra chiến dịch chúng đã đưa số quân lên đến 16.200 (4). Với lực lượng như vậy, Hen-ri Na-va, tác giả của tập đoàn cứ điểm này cho rằng, đó là “pháo đài bất khả xâm phạm” là nơi “nghiền nát chủ lực Việt Minh”. Ông ta cho rằng, đối phương phải có gấp năm lần quân số thì mới dám nghĩ đến chuyện tiến công, bởi “các công trình phòng ngự của Pháp được tổ chức theo nguyên tắc hiện đại nhất, đặc biệt có sự giúp đỡ của người Mỹ là bất khả xâm phạm. Pháo binh Việt Nam dù sao đi nữa cũng thua kém pháo binh ta, không thể nào leo lên đến các đỉnh núi cao quanh lòng chảo. Các lực lượng của Tướng Giáp không thể nào được tiếp tế vũ khí, đạn dược và lương thực. Vận chuyển hàng vạn tấn qua rừng rậm là việc làm không tưởng, chúng ta làm chủ trên không và bắn phá các con đường giao thông của Việt Minh, họ không thể nào tránh được”