Người Việt Nam ai mà không biết câu thành ngữ về huyền thoại cội nguồn dân tộc “Con Rồng Cháu Tiên”. Thế nhưng không ít tuổi trẻ sinh ra và lớn lên, trưởng thành ở xứ người, xa bối cảnh văn hoá và lịch sử dân tộc có thể sẽ không hiểu vì sao người Việt lại coi mình là hâụ duệ của Tiên Rồng. Xin được nói đôi điều về gốc gác Con Rồng – một vế của câu thành ngữ quen thuộc.Căn cứ vào tư liệu sử sách, có thể rút ra những điểm cần lưu ý:Sách Lĩnh Nam chích quái của Việt Nam thế kỷ 13 trong thiên truyện Hồng Bàng Thị, viết: “Dân sống ở rừng và chân núi xuống đánh cá thường bị Giao Long làm hại bèn nói với Lạc Long Quân.
Vua đáp giống Sơn Man và giống Thuỷ Quái khác hẳn nhau. Giống thuỷ tộc yêu kẻ giống mình, ghét kẻ khác mình nên mọi người phải xăm mình theo hình Long Quân…Sử sách Trung Hoa cổ đại và truyện quái lạ phía Nam núi Ngũ Lĩnh của Việt Nam đều ghi nhận tộc người Việt thời cổ sống giữa một vùng sông nước hoang vu có tục săm mình để chống lại sự bức hại của những loài thuỷ quái. Lạc Long Quân – ông vua huyền thoại trong huyền sử người Việt là biểu tượng của giống người hoá rồng. Ai cũng biết rằng hình tượng con rồng trong trường kỳ lịch sử phong kiến hàng nghìn năm biểu trưng cho quyền lực và sự tôn quý của Hoàng triều. Người ta thường nói mặt rồng để chỉ mặt vua, triều phục của nhà vua cũng thêu rồng và rồng chầu mặt nguyệt trở thành môtip trạm trổ trang trí cung điện, đền, đài. Thế nhưng trước đó hàng nghìn năm, vài nghìn năm, thời hồng hoang tiền sử, khi tộc người Việt còn săm mình hoá giao long dưới nước vừa để đồng hoá hoà nhập mình với thuỷ quái, vừa mong ước có dư sức mạnh thắng loài quỷ quái, thì hình tượng con rồng – loài rắn có vây có cánh có sức bay lượn vùng vẫy trên trời xanh trong trí tưởng tượng nguyên sơ của con người, có lẽ chỉ là sự tự tôn sức mạnh, tự tôn Lạc Long Quân – ông vua huyền thoại trong huyền sử của người Việt. Truyền thuyết Lạc Long Quân dưới nước lấy bà Âu Cơ trên núi đẻ ra một trăm trứng nở ra một trăm người con, như sách Thuỷ Kính Chú thế kỷ thứ 6 mô tả là “con cái họ đều săm hình rồng và mặc áo có đuôi”. Vua rồng dưới nước lấy tiên trên núi cao. Con Rồng, Cháu Tiên từ đó mà có. Cũng cần nói thêm rằng, huyền thoại vợ chồng Lạc Long Quân – Âu Cơ đẻ ra một trăm cái trứng nở ra một trăm con nên hai chữ Hán Việt Đồng Bào – nghĩa cùng một bọc, trở nên quen thuộc trong ngôn ngữ Việt cho đến bây giờ. “Con Rồng Cháu Tiên” – câu thành ngữ nói lên niềm tự tôn dân tộc về vẻ đẹp kiêu hùng của huyền thoại sinh ra giống nòi người Việt, có căn nguyên như vậy.