Cả cuộc đời dành trọn cho quê hương, đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất đã để lại cho các thế hệ con cháu Việt Nam những tư tưởng cao quý, có giá trị sâu sắc. Trong đó phải kể đến những tình cảm, những tư tưởng khoa học mang tính định hướng lâu dài dành cho ngành Y tế – một trong những ngành giữ vị trí rất quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước.
Trong di sản của Người để lại, tài liệu viết về ngành Y tế không nhiều song những giá trị cốt lõi được thể hiện trong tư tưởng của Bác về lĩnh vực này đã trở thành kim chỉ nam hành động đối với toàn thể cán bộ, nhân viên trong ngành. Điều này được thể hiện ở những điểm sau:
Trong bức thư viết tháng 2/1955, Bác Hồ nêu rõ: “Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”. Bác Hồ cũng đã nhiều lần căn dặn cán bộ: Trên đời này không có gì sung sướng, vẻ vang hơn là được phục vụ nhân dân. Sức khỏe là vàng, không có sức khỏe thì con người không thể làm bất cứ việc gì. Chính vì vậy, muốn đất nước ngày càng phát triển thì trước hết nhân dân phải có sức khỏe tốt. Và đó là nhiệm vụ của ngành Y tế: Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đó là lý do mà Bác kính yêu đã khẳng định công việc của những người trong ngành Y tế là một “nhiệm vụ rất vẻ vang”.
Công lao của những người làm việc trong ngành Y tế có ý nghĩa rất to lớn. Sự hy sinh thầm lặng của họ đáng được Đảng, Chính phủ và toàn dân ghi nhận, trân trọng và khen ngợi thỏa đáng. Bác Hồ từng nói: “Bây giờ ta chịu khổ với nhau. Đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công điều kiện cho phép, Chính phủ quyết không quên công lao anh em đã cố gắng: “Chính phủ sẵn sàng khen thưởng những người xuất sắc nhất” (Tháng 6/1948).
Bác cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được học hành, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ, những phong tục, tập quán không tốt thì dần dần xóa bỏ”. “Ốm đau có thuốc” được Bác nêu lên chính là nhiệm vụ, trách nhiệm và vai trò của ngành Y tế. Nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng mà Bác Hồ dự và chủ trì, đều quan tâm đến vấn đề này. Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ đã nhiều lần làm việc với cán bộ lãnh đạo ngành Y tế, quan tâm, động viên, thăm hỏi đội ngũ thầy thuốc, khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Những thành tựu mà ngành Y tế đã đạt được trong cả thời chiến và thời bình đã khẳng định vai trò quan trọng của ngành trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước đúng như quan điểm của Bác Hồ.
Trong kháng chiến p, dưới sự quan tâm lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Chính phủ với đường lối kháng chiến kiến quốc đúng đắn, cán bộ ngành Y tế đã khắc phục mọi khó khăn, cố gắng bền bỉ đưa công tác y tế của đất nước tiến lên. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, công tác y tế của nước ta thời kỳ này “đã đi dần vào con đường phục vụ quảng đại nhân dân”. Lịch sử ghi danh những chiến sỹ áo trắng không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, thiếu thốn luôn có mặt tại các chiến hào để cứu chữa thương bệnh binh, phục vụ đắc lực cho tiền tuyến. Biết bao tấm gương y, bác sỹ – chiến sỹ kiên trung, dũng cảm đã xuất hiện trên khắp chiến trường, nhiều người đã để lại một phần máu xương của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, cũng có không ít người đã vĩnh viễn ra đi, để lại bao niềm đau nỗi nhớ cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Ngày 2/1/1947, Người đã có thư khen ngợi sự tận tâm của các y sĩ, khán hộ cứu thương, trong đó có đoạn: “Tôi được báo cáo rằng: Các thầy thuốc và khán hộ đều hết lòng săn sóc thương binh một cách chu đáo. Thế là các bạn cũng trực tiếp tham gia kháng chiến cứu quốc”. Trong “Báo cáo tại Hội nghị chính trị đặc biệt” (ngày 28/3/1964), Người đánh giá rằng: “Công tác y tế đã có nhiều thành tích, đã ngăn chặn được nhiều dịch bệnh và bệnh xã hội cũ, sức khỏe của nhân dân được nâng cao. Trẻ em ngày càng được săn sóc chu đáo hơn”. Công tác y tế thời kỳ này không chỉ là một mặt trận kháng chiến mà còn là một mặt trận đấu tranh chống lại bệnh tật, đem lại sức khỏe cho toàn dân, vì cuộc sống của nhân dân.
Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời kháng chiến trường kỳ chống Mỹ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Y tế đã nêu cao tinh thần cống hiến hết mình và nỗ lực không ngừng để vừa góp phần xây dựng cuộc sống mới, vừa trở thành hậu phương vững chắc cung cấp đầy đủ thuốc men cho toàn quân, vừa kề vai sát cánh với các chiến sĩ sẵn sàng cứu chữa kịp thời thương bệnh binh, đảm bảo sức khỏe cho họ tiếp tục kiên cường đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Rất nhiều sinh viên y khoa mới tốt nghiệp cũng xung phong vào các chiến trường khốc liệt, đem tài sức của mình kề vai sát cánh với những người lính ngoài trận địa, góp phần vì sự nghiệp cách mạng cao đẹp của nước nhà. Hàng trăm nghìn tấn thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế đã được vận chuyển vào miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc – Nam quy về một mối, ngành Y tế đã khẩn trương cùng với các ngành bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước và khắc phục những hậu quả của chiến tranh để lại. Mặc dù phải đối phó với những tác động của nền kinh tế thị trường khi bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Y tế đã không ngừng khắc phục khó khăn, phấn đấu đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân. Phương châm đổi mới của ngành y tế là kế thừa, nâng cao chất lượng, kết hợp phòng bệnh và chữa bệnh, lấy dự phòng làm chính, đông tây y kết hợp để xây dựng nền y học Việt Nam phát triển bền vững.
Đánh giá cao những thành tựu của ngành Y tế đã góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho các tập thể, cá nhân ngành Y tế nhiều phần thưởng cao quý, như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập. Nhiều giáo sư, bác sỹ, dược sỹ, các nhà khoa học và cán bộ của ngành Y tế có những cống hiến to lớn trong các lĩnh vực y tế, đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động và giải thưởng cao quý khác.