Nếu như mùa hè đến với sắc đỏ nồng nàn của hoa phượng và tiếng ve râm ran như hâm nóng mùa thi, mùa xuân đến với hoa đào miền Bắc, hoa mai miền Nam để đón chào một năm mới thì mùa thu lại đến với hoa cúc, với lá vàng và gió heo may nhè nhẹ. Không chỉ có vậy, mùa thu còn được đánh thức bởi những tốp học sinh nô nức đến trường đón chào một năm học mới.
Chúng tôi đi học xa nhà, chỉ nhận ra mùa thu khi thành phố đã rực lên trong sắc vàng, sắc đỏ của những chiếc lá đang chuyển màu. Và trong cái gió se lạnh của mỗi buổi sớm mai, tôi lại nhớ đến nao lòng không khí tưng bừng của những buổi tựu trường. Tôi nhớ đến niềm vui được gặp lại thày cô, bạn bè, sự hồi hộp khi mở những trang sách mới và học những bài học đầu tiên. Theo tôi, đó chính là “niềm vui đi học”.
Có lẽ “niềm vui đi học” có trong mỗi chúng ta từ khi mới cắp sách đến trường. Hồi còn bé, tôi suy nghĩ rất đơn giản, cứ cho rằng ai cũng hạnh phúc như mình. Theo thời gian, tôi lớn lên và cũng hiểu rằng cuộc sống không dễ dàng như vậy. Có những bạn bè quanh tôi không có được niềm vui trọn vẹn, nhiều bạn đến trường với vô vàn khó khăn và trăn trở.
Tôi đến và tham gia Đồng Hành hết sức tình cờ. Lúc ban đầu, tôi chỉ định coi đó như một cuộc ghé thăm. Nhưng chính những khó khăn và sự nỗ lực đáng khâm phục của các bạn đã giữ tôi ở lại Đồng Hành, với mong muốn được bước cùng các bạn.
Dù đã gần hai năm trôi đi, chúng tôi vẫn không thể nào quên những người bạn đầu tiên đã đến với Đồng Hành. Khi đó, Chương trình học bổng của chúng tôi còn khá nhỏ và mới chỉ tập trung ở hai trường Đại học Bách khoa TPHCM và Đại Học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Bằng những nỗ lực vượt bậc, các bạn đã và đang từng bước khẳng định mình trên con đường học vấn.
Chúng ta đã được sống trong hòa bình từ gần 30 năm nay. Tiếng súng của chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Tuy nhiên những vết thương của nó vẫn chưa lành lặn hẳn. Năm 1976, sau bảy năm trên chiến trường ác liệt, bố của Lưu, một sinh viên quê Bắc Giang, trở về quê hương với mong ước xây dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc. Thế nhưng, sự nghiệt ngã của chiến tranh đã không cho phép ông thực hiên ước mơ giản dị đó của mình. Chất độc màu da cam ngấm sâu trong cơ thể người cha đã khiến cho 4 trong 5 người con của ông không có khả năng lao động và học tập (bị câm điếc, bại liệt …). Do lao động quá vất vả và bị căng thẳng về tâm lý, cha của Lưu đã qua đời vào năm 1994 để lại cho mẹ Lưu gánh nặng về tình thương và trách nhiệm. Là người con duy nhất có khả năng học tập, Lưu ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với các anh chị em cũng như hiểu được niềm tin mà mẹ và người cha đã mất gửi gắm vào bạn.
Trong những năm học phổ thông, Lưu liên tục là học sinh khá giỏi. Bạn đã đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi môn Hoá lớp 9 huyện Lục Nam và liên tục tham gia các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh Bắc Giang. Bước chân vào Đại học, Lưu phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về vật chất. Ai đã từng đến thăm căn phòng của Lưu tại Hà Nôi hẳn sẽ không khỏi cầm lòng. Đúng hơn đó là một ô nhỏ, được quây lại bằng tôn nằm trên sân thượng của một gia đình. Tôi đến thăm bạn vào mùa hè 2002 và cái rát bỏng của nắng nóng tưởng như có thể thiêu cháy ngay mình lúc đó.
Tôi vẫn thường nhận được tin tức của Lưu, có đôi lần nhận được thư của mẹ bạn. Bác có nói rằng giờ đây, dù gia đình vẫn còn nhiều khó khăn nhưng bác không còn phải đi vay nặng lãi để cho Lưu đi học. Với sự giúp đỡ của các thành viên Đồng Hành, Lưu đã có một chiếc xe đạp cũ chứ không phải đi bộ đến trường như trước nữa. Tôi cũng thấy lòng ấm lại khi những chia sẻ của chúng tôi làm vơi đi phần nào những khó khăn của bạn.
Tôi vẫn nhớ như in dáng người bé nhỏ của Kiều Anh, cô bạn gái học khoa Sinh trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội. Từng là học sinh dưới mái trường chuyên Lê Hồng Phong tỉnh Nam Ðịnh, Kiều Anh đã gặt hái được nhiều kết quả cao trong các kì thi học sinh giỏi môn Sinh học:
Giải khuyến khích kỳ thi của tỉnh Nam Ðịnh lớp 10 và 11
Giải ba và giải nhì kỳ thi của tỉnh lớp 12
Giải ba kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc lớp 12
Cha Kiều Anh không may qua đời sớm, mẹ của bạn tần tảo nuôi hai người con ăn học với tiền lương ít ỏi 260 000 đồng/tháng. Nhưng có lẽ, những khó khăn về vật chất và những thiếu thốn về tinh thần không ngăn được ước mơ trở thành nữ tiến sĩ khoa học chuyên ngành vi sinh học