Đó là bốn câu kết trong bài thơ Bài Học Đầu Cho Con của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Đỗ Trung Quân là một nhà thơ trẻ, sinh ra và lớn lên ở miền Nam, cùng thế hệ với tôi. Sau 1975 tôi thường nghe giới sáng tác gọi anh ta là nhà thơ thanh niên xung phong vì nghe đâu anh có đi thanh niên xung phong thì phải.
Trước hết, tạm thời loại bỏ yếu tố thời gian và không gian trong bài thơ để chỉ đọc bài thơ bằng một cảm xúc chủ quan. Bài thơ rất cảm động, mặc dù chỉ bốn câu chót mà tôi vừa trích dẫn được gọi là rất hay còn những đoạn khác, thật ra, chỉ là để dọn đường cho kết luận “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người” của anh. Thế nào là thơ hay, thế nào là thơ dở cho đến nay vẫn còn là một vấn đề tranh cãi. Mỗi nhà thơ đều có quan niệm riêng của họ về sáng tác và về nghệ thuật. Do đó, mỗi nhà thơ hay mỗi trường phái của những người làm thơ, có một định nghĩa riêng về thơ hay, thơ dở. Hỏi cụ Cao Tiêu thì có thể cụ không trả lời giống như khi hỏi nhà thơ Du Tử Lê.
Theo tôi, thơ hay là thơ phải sống, phải có tâm hồn, phải trong sáng, phải có tư tưởng, có chiều sâu, phải nói lên một cái gì đáng nói. Bốn câu thơ của Đỗ Trung Quân hội đủ điều kiện theo quan điểm riêng của cá nhân tôi. Thơ anh trong bài nầy rất bình dị, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Đọc bốn câu của Đỗ Trung Quân, dù bạn đang làm bất cứ chuyện gì cũng phải dừng lại một chốc lát để suy nghĩ về mẹ, về quê hương, đất nước.
Khi đọc bài thơ Bài Học Đầu Cho Con của Đỗ Trung Quân lần đầu cách đây khá lâu, tôi xúc động lắm. Tôi ra ngồi một mình trên chiếc ghế đá dọc bờ biển Boston. Trong khoảnh khắc bàng hoàng đó, bài thơ mang tôi đã trở về quê hương. Tôi thấy mình đang đứng nghe tiếng nước vỗ bên chân cầu Vĩnh Điện. Tôi thấy mình đang tinh nghịch ngồi chễm chệ trên cây khế sau vườn. Hồi xưa cây khế sinh trái chua lắm nhưng hôm đó bỗng dưng trở thành ngọt lịm. Tôi thấy mình đang thả diều trên đồi cỏ, giữa rừng sim tím ngắt với cô bạn gái học trò lớp bảy. Không giống như ngày nào tôi là cậu bé rụt rè nhút nhát, hôm ấy tôi bạo dạn hơn nhiều. Hình như tôi còn dám cầm tay cô bé nữa, chỉ có điều tôi vẫn không dám nói những điều tôi hằng muốn nói.
Quê hương tôi đẹp lắm. Sông Thu Bồn, cầu Thủy Tú, bãi Mỹ Khê, hòn Non Nước, núi Ngũ Hành, đèo Hải Vân, động Thiên Thai, phố Hội An, thành Đà Nẵng, v.v… Chao ôi, chỉ cái tên thôi đã nghe rung động lòng người. Và những người con gái của quê hương tôi cũng đẹp hơn con gái của bất cứ một nơi nào mà tôi đã đi qua. Đồng bào tôi sống bằng nghề dệt vải, dệt lụa nên đàn ông con trai thì thường mặc áo quần may bằng vải, gọi là vải nội hóa hay vải ta, và đàn bà con gái thì mặc áo quần may bằng lụa. Một lần ở trường Trần Quý Cáp, Hội An, bọn chúng tôi trai gái cùng đi học về thì chẳng may trời đổ mưa như tát nước. Chiếc áo dài bằng lụa mỏng đã vô tình đồng lõa một cách tội lỗi với cơn mưa để phơi bày thân thể của cô bạn học. Hình ảnh dễ thương tuyệt vời đó đã đọng lại trong thơ tôi:
Em về phố cũ chiều mưa lớn
Vóc ngọc ngà phơi dưới lụa hồng
Ta như giọt nước mùa mưa ấy
Đã cuốn trôi về trăm nhánh sông
(Mưa Phố Hội, thơ Trần Trung Đạo)
Và dĩ nhiên trên chiếc ghế đá bên bờ biển Boston, tôi cũng gặp lại người đàn bà đã mang tôi vào cuộc đời nầy, đã dạy tôi làm thơ và dạy tôi thương yêu nhân loại. Mẹ tôi cười. Mẹ tôi ăn trầu nên khi cười hàm răng của bà đen lánh. Da mặt nhăn nheo theo cuộc đời vất vả của bà nhưng đôi mắt vẫn chứa đầy những tinh anh và hiền dịu. Lâu lắm rồi tôi mới thấy mẹ cười.
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười. Câu thơ tôi viết năm nào thay cho lời cầu nguyện mãi tới hôm đó tôi mới biết quả là linh nghiệm vì mẹ tôi đã cười.
Nhớ lại trước ngày ra đi, tôi mướn xích lô từ ngoài cửa sông Sài Gòn chạy về thăm mẹ lần cuối trong cơn mưa tầm tã. Mẹ tôi lấy khăn lau khô mái tóc cô hồn dài gần tới vai của tôi, vừa mắng nhẹ: “Qua đó không biết ai mà nhắc con đi hớt tóc mỗi tháng đây nữa”. Tôi thật là tệ. Không nói với mẹ điều gì ngoài ba tiếng “con đi nghe”. Chỉ có thế rồi tôi đi. Tôi đi xa quê hương mang tâm trạng của một kẻ bị đuổi xô, khinh rẻ hơn là tâm trạng của một kẻ đang đứng trước một chọn lựa đớn đau đầy luyến tiếc. Tôi không có chọn lựa nào cả, chỉ mong đi cho lẹ, chạy cho xa. Đi không ngoảnh mặt nhìn mẹ lần cuối, không kịp vuốt tóc đứa em đang khóc rưng rức sau nhà. Lẽ ra hôm đó tôi phải ôm hôn giã từ mẹ hay xin một chiếc áo cũ của bà để mỗi đêm trên xứ người còn nghe lại chút hơi ấm thơm tho của lòng mẹ. Tôi đã không làm thế. Để rồi, khi qua đảo Palawan, nhớ mẹ, nhớ em, tôi làm thơ tự hỏi:
Mẹ tôi giờ nầy còn khóc nữa hay không
Hay cố ngủ để chiêm bao giờ hạnh ngộ
Em tôi đứng thập thò trên góc phố
Đợi anh về dù chỉ mới ra đi
Người con gái tôi yêu ở tuổi xuân thì
Có về lại, một lần, thăm phố vắng
Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng ….
(Bài Thơ Tháng Tư, thơ Trần Trung Đạo)
Mười mấy năm sau, những vần thơ của Đỗ Trung Quân đã làm tôi nghĩ về quê hương như là mẹ.
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
(Bài Học Đầu Cho Con – Đỗ Trung Quân)
Vâng, Đỗ Trung Quân viết đúng, quê hương mỗi người chỉ một. Việt Nam là quê hương của tất cả chúng ta. Không có quê hương của người quốc gia hay quê hương của người cộng sản. Không có quê hương tư sản hay quê hương vô sản. Quê hương vẫn còn có đó và sẽ mãi mãi còn đó cho ngàn đời sau. Quê hương là mẹ. Trong lòng mẹ không có hận thù, không có xích xiềng, không có lao tù ngăn cách. Mẹ là mẹ của tất cả chúng ta cũng như Việt Nam là quê hương của tất cả chúng ta.
Thế nhưng, tại sao tôi, các bạn và cả hai triệu người Việt khác đều đã bỏ quê hương mà ra đi. Ai cũng có thể trả lời được, chúng ta ra đi vì tự do. Quê hương đẹp và đáng yêu nhưng không thể ở lại. Quê hương thật sự mà chúng ta đang có không phải là quê hương như Đỗ Trung Quân đã viết.
Quê hương không bao giờ đủ nghĩa nếu sống trên một quê hương mà ở đó con người bị đối xử như con vật. Sống trên một quê hương mà ở đó con người không có quyền nói những điều họ muốn nói, hát những bài hát họ yêu thích, viết những dòng thơ họ muốn viết. Hai mươi bảy năm qua, những người Cộng Sản đã mang chiếc áo độc tài vong bản choàng lên thân thể đau thương, ốm o, gầy guộc của mẹ Việt Nam, biến thánh địa của thương yêu thành một ngục tù của thù hận. Đỗ Trung Quân chẳng lẽ không thấy ra điều đó. Phần đầu của bài thơ Bài Học Đầu Cho Con của Đỗ Trung Quân:
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè
Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa mưa đêm
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Mặc dù bài thơ được viết sau 1975 nhưng bối cảnh của bài thơ thuộc về một thời xa xôi trong ký ức của cựu học sinh Petrus Ký Đỗ Trung Quân. Thời còn những đêm trăng tỏ, còn những hoa bí vàng. Thời mà cuộc chiến chưa trở nên ác liệt. Thời mà bộ chính trị đảng CSVN chưa quyết định “giải phóng miền Nam bằng con đường vũ lực”. Thời mà Hồ Chí Minh và nhà cầm quyền Hà Nội chưa xua tuổi thơ miền Bắc lên đường đi giết tuổi thơ miền Nam.
Tuổi thơ Việt Nam sau 1975 làm gì có thời gian để leo lên chùm khế ngọt, để thả con diều biếc, để thảnh thơi đường về rợp bóng vàng bay như Đỗ Trung Quân đã viết. Các em không có đủ thì giờ để làm “kế hoạch nhỏ”, để “học tập năm điều bác Hồ dạy” thì lấy đâu thời gian mà nhìn hoa cau rụng trắng ngoài thềm.
Tuổi thơ Việt Nam sau 1975 là tuổi thơ của những buổi trưa sắp hàng chờ từng chén cơm thừa canh cặn trong các cửa hàng ăn uống. Tuổi thơ Việt Nam sau 1975 là tuổi thơ của đói khát trên vùng Kinh Tế Mới, là tuổi thơ đứng tiễn đưa cha lên đường đi vào những trại tập trung xa xôi không hẹn ngày về, là tuổi thơ của những ngày lao động đào kinh, đắp đập. Tuổi thơ Việt Nam là đám trẻ đáng thương mà tôi đã gặp ở khu kinh tế mới Đồng Xoài, Bù Đóp, Bù Đăng mà tôi có viết trong bài thơ Những Ngày Ở Lại Sài Gòn:
Những ngày tôi sống ở đây
Tôi đã đi qua những con đường cháy nắng
Những con đường không một bóng cây xanh
Kinh tế mới Đồng Xoài, Bù Đóp, Bù Đăng
Những đứa trẻ mồ côi
Không quần ngồi giữa chợ
Cúi nhặt từng vi cá đuôi tôm
Hỏi cha mẹ em đâu
Em nhìn lên hướng núi
Hỏi về đâu đêm nay
Em nhìn mây không nói
Tôi muốn ôm chặt lấy em
Để nói với em lời tạ tội
Khổ của em là lỗi của chúng anh
Những con chim đầu đàn gãy cánh
Những ngày tôi sống ở đây
Các em tôi ngày hai buổi ôn bài chính trị
Đảng dạy các em phải yêu chân lý
Chân lý là đường đảng đã vạch ra
Đảng dạy các em phải yêu sự thật
Sự thật là gì đảng đã dạy ta
Hai buổi sáng chiều tiếng trẻ ê a
Các em tôi học để thành người Cộng Sản
Ôi tâm hồn các em
Những tâm hồn buổi sáng
Đẹp vô cùng như những giọt sương mai
Những con bướm vàng đang nhởn nhơ bay
Chúng cố biến các em thành sâu bọ
Trên cổ các em những chiếc khăn quàng đỏ
Em hiểu nghĩa gì không: là máu của đồng bào
Có một ngày em sẽ biết tại sao
Em sẽ biết thế nào là gian dối
Em sẽ hiểu thế nào là phản bội
Những ngày tôi sống ở đây
Tôi đã đi qua những dòng sông nước đục
Sông Bạch Đằng
Cầu Ông Lãnh
Bến Chương Dương
Những thiếu nữ Việt Nam
Tuổi mới độ mười lăm
Đứng bên đường đợi khách
Hát vu vơ những lời than trách
Vẫn thấy vô tư như tuổi học trò
Mai các anh về xây lại tự do
Ta sẽ biến những trại tập trung
Trở thành trường học
Đứng nhìn các em sắp hàng vào lớp
Sẽ không bao giờ trễ lắm đâu em
Đời các em vẫn một màu xanh
Sẽ mãi đẹp như những tờ lụa trắng…..
(Những Ngày Ở Lại Sài Gòn – Trần Trung Đạo)
Quê hương là mẹ.Vâng. Nhưng chỉ có mẹ thôi thì cũng không đủ nhân tố để làm nên một cuộc đời khác, không đủ yếu tố để tạo nên hạnh phúc. Mẹ có đó còn cha thì đâu. Theo tôi, cha chính là Tự Do. Cha quan trọng, cha đáng yêu và đáng thương như con gà trống ốm trong thơ Trần Hoài Thư khi anh viết về cha của anh:
Bao năm sau, tôi cũng đành bỏ Huế
Con gà kia, già quá, sao cam
Chiếc áo lương đen, chiếc áo thọ đường
Chiếc áo xám, chiếc dù đen, đã mất
Tháng ba, ba xa, nằm trong lòng đất
Tháng tư tôi lên đồi núi gào kêu
Quê người đây, mây lũng nặng ban chiều
Tôi ôm mặt biết thêm đời mất mát.
(Giữ chút mong manh, Thơ Trần Hoài Thư)
Tôi đã đi tìm cha. Hai triệu người Việt Nam cũng đã đi tìm cha. Tiếng gọi của cha hay sự thôi thúc của tự do đã làm bao nhiêu triệu con người trên thế giới đã và đang sẵn sàng để chết vì hai chữ thiêng liêng đó. Chúng tôi theo cha nhưng không quên mẹ, sẽ không bao giờ quên mẹ. Chúng tôi đi nhưng nguyện sẽ trở về với mẹ. Ngày nào mẹ có cha, như quê hương có tự do, thì quê hương mới thật sự là một nơi để sống và để chết. Có quê hương mà không có tự do giống như có mẹ mà không có cha như ông bà ta thường nói “Con không cha như nhà không nóc”. Nghĩ như thế, cơn xúc động vì bài thơ của Đỗ Trung Quân bỗng dưng lắng xuống. Tôi đứng dậy, rời chiếc ghế đá, để tiếp tục hành trình mình đã và đang đi.